mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Từ tranh luận về Đồi Dinh nghĩ đến tương lai Đà Lạt

 12:50 | Thứ tư, 02/09/2020  0
Đó là chủ đề cuộc toạ đàm do Người Đô Thị và Save Heritage Vietnam đồng tổ chức, diễn ra vào sáng 1.9, thu hút đông đảo các chuyên gia là các nhà quy hoạch, kiến trúc sư, luật sư, nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện tổ chức/dự án về bảo tồn văn hoá, kiến trúc, di sản đô thị... tham gia.

Khu vực Đồi Dinh là mảng xanh còn sót lại của lõi trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Mai Vinh

Cuộc toạ đàm diễn ra trong bối cảnh sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là giới chuyên môn hữu quan lại bùng lên và đang hướng về phố núi Đà Lạt khi chính quyền địa phương nơi đây tổ chức trưng bày, lấy ý kiến phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng (thuộc Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình).

Ba phương án kiến trúc đi kèm thông tin về chỉ tiêu kiến trúc, cùng hình ảnh, mô hình trực quan, trình chiếu thuyết minh sinh động... để người dân cho ý kiến tại chỗ bằng phiếu lấy ý kiến, nhằm chọn ra phương án tối ưu cho kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng. Không biết những người dân có dịp đến tham quan đã cảm nhận và để lại những ý kiến gì trong góp ý, còn với không ít người làm chuyên môn, là chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư trực tiếp có mặt quan sát hoặc chỉ theo dõi hình ảnh qua các kênh khác nhau trên internet, đã không giấu nổi nỗi thất vọng, bức xúc và hơn cả là nỗi lo cho tương lai phố núi.

Điều đáng nói, “đồ án triển lãm này chỉ chú trọng tô vẽ thêm bề ngoài, nói chung là vẫn giữ nguyên đề xuất phá bỏ di sản để cao tầng hóa Khu lịch sử phố Việt Hòa Bình của Đà Lạt, hoàn toàn phớt lờ các đề nghị bảo tồn Khu Hòa Bình của cộng đồng, và các cơ quan chức năng (Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam,…), và các chuyên gia trong nước và nước ngoài”, như nhận định của TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, thì chỉ gần hai tuần nữa sẽ kết thúc việc "lấy ý kiến rộng rãi phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt".

PGS-TS-KTS. Nguyên Hạnh Nguyên trình bày tại toạ đàm. Ảnh: TD

Vốn xuất hiện trên Người Đô Thị và nhiều cơ quan báo chí, cũng như các kênh truyền thông mạng xã hội khác với những góc nhìn phản biện, quan điểm đa chiều, đưa ra những đề xuất đáng quan tâm nhằm hướng đến không chỉ kịp thời chấm dứt ngay nguy cơ bê tông hoá Đà Lạt, giữ gìn và tôn tạo di sản, không gian văn hoá và những bản sắc độc đáo của riêng “thành phố sương mù”, nay các chuyên gia lại có dịp ngồi lại một cách đông đủ, cùng nhau thảo luận để từ những tranh luận về quy hoạch Đồi Dinh nghĩ đến tương lai Đà Lạt.

PGS-TS-KTS. Nguyên Hạnh Nguyên (Đại học Kiến trúc TP.HCM), trong dẫn luận về bối cảnh, giá trị di sản Đà Lạt đã nêu một con số thống kê đáng chú ý, đó là sau khi trưng bày ba phương án kiến trúc Đồi Dinh vào trung tuần tháng 8.2020, đến nay đã có tới hơn 45 bài viết. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của dư luận về vụ việc, trong đó không ít quan điểm bày tỏ nỗi lo bản sắc đô thị Đà Lạt vốn đã hư hao sau những lần chỉnh trang, đô thị hoá... nay với ba phương án chỉ chăm chăm xây và bồi cao ốc lên mảng xanh cuối cùng của trung tâm Đà Lạt, sẽ làm cho tình hình ngày càng tồi tệ.

KTS. Cao Thành Nghiệp chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: TD

Cho rằng nếu triển khai nhà kính, bê tông ở Đồi Dinh hay “đóng hộp” Dinh Tỉnh trưởng sẽ tạo nên tiền lệ xấu trong chỉnh trang đô thị về sau, KTS. Cao Thành Nghiệp đưa ra con số giật mình, đó là cả Đà Lạt chỉ còn không quá 100 biệt thự có giá trị kiến trúc cần phải bảo tồn. Nếu mở rộng ra các công trình khác như chùa, dinh thự thì con số là 130. Đà Lạt đã và đang đánh mất di sản. Từ một thành phố có đầy đủ yếu tố để trở thành “đô thị di sản” nếu không có quyết sách hợp lý và kịp thời sẽ bị hạ tiêu chuẩn xuống khi chỉ là đô thị có các di sản riêng lẻ. 

Tại toạ đàm, các chuyên gia còn đưa ra những thông tin mới như đặt dự án Đồi Dinh với những vấn đề liên quan đến Luật Quy hoạch, tính hợp pháp của việc quy hoạch và triển khai dự án. Đặc biệt, qua trường hợp Đà Lạt có kẽ hở nào về quy hoạch, luật di sản đã gây ra tình trang phá bỏ di sản trên diện rộng, việc phá nát quy hoạch? Những phương cách thu hút cộng đồng, đặc biệt là người trẻ quan tâm và bảo vê di sản? Cách tạo lập không gian để phát triển kinh tế từ di sản?...

Các chuyên gia, khách mời và đại diện Người Đô Thị tại buổi toạ đàm. Ảnh: TD

Người Đô Thị sẽ tường thuật đầy đủ nội dung cuộc toạ đàm với những vấn đề cốt lõi của quy hoạch Đà Lạt trong một bài viết riêng, và sẽ sớm chuyển tải tới bạn đọc.

Tòa soạn

>> Xem tuyến bài: Quy hoạch Đà Lạt gây tranh cãi 

Tọa đàm "Từ tranh luận về đồi dinh nghĩ đến tương lai Đà Lạt" do Người Đô Thị và Save Heritage Vietnam đồng tổ chức sáng ngày 1.9, bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại TP.HCM kết nối Hà Nội, với nhiều tham luận gây chú ý của các diễn giả chuyên gia và khách mời có gắn bó và nghiên cứu sâu rộng về Đà Lạt:

PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục (Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững), nhà báo Nguyễn Thế Thanh (Hội đồng biên tập Người Đô Thị; nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM), TS. Nguyễn Thị Hậu (Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), PGS-TS-KTS. Nguyên Hạnh Nguyên (Trưởng bộ môn Lý luận lịch sử, Khoa Kiến trúc Nội thất, Đại học Kiến trúc TP.HCM), PGS-TS-KTS Phạm Thúy Loan (Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng), KTS. Cao Thành Nghiệp (Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2014 về Quy hoạch - Giải Hội đồng), ông Trần Hữu Phúc Tiến (tác giả chuyên viết về di sản và lịch sử), KTS. Nguyễn Hồ, KTS. Phạm Kiều Anh, ông Nguyễn Trung Hiền (Người sáng lập dự án Phố bên đồi), ông Vũ Đức Chiến (Người sáng lập nhóm Urban Sketchers Vietnam), ông Thái Bá Thiên Sơn (Giám đốc và người sáng lập Base Creative),…

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.