mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Đi tìm giải pháp để phát triển Đà Lạt

 15:45 | Thứ bảy, 29/08/2020  0
Ba phương án quy hoạch kiến trúc khu Đồi Dinh được UBND TP Đà Lạt trưng bày tại rạp Hòa Bình từ 14.8 (và dự kiến kéo dài đến 14.9) đã trở thành sự kiện thời sự của lãnh vực kiến trúc trong tháng qua. Nhiều kiến trúc sư đã lên tiếng trên các tờ báo, diễn đàn và không chỉ góp ý trực tiếp vào ba phương án mà còn mở rộng ra cả quy hoạch và định hướng, quan điểm phát triển Đà Lạt. KT&ĐS đã ghi nhanh ý kiến của KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM xung quanh sự kiện này và tổng hợp ý kiến của các kiến trúc sư với mong muốn những ý kiến phản biện sẽ được lắng nghe để có được giải pháp tốt nhất cho sự phát triển của Đà Lạt.

Trước đây việc công bố Quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt đã làm xuất hiện nhiều ý kiến, e ngại mất đi cái hồn của đô thị Đà Lạt. Lần này TP Đà Lạt  muốn xây dựng một công trình có công năng trung tâm thương mại kết hợp khách sạn cao cấp tại vị trí Đồi Dinh. Khu vực này có thể coi là mảng xanh cuối cùng ở trung tâm đang được vây quanh bởi một hiện trạng nhà cửa chen kín, dày đặc với nhiều công năng để ở, thương mại, lưu trú phục vụ cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch. 

Về vấn đề này, cá nhân tôi nhận thấy, đúng là Đà Lạt đang thiếu các dịch vụ ở và dịch vụ cao cấp. Nhưng ta có thể đặt vấn đề là tại sao người dân, du khách ở các nơi vẫn đến Đà Lạt nghỉ dưỡng, du lịch khi Đà Lạt chưa có nhiều công trình lớn? Phải chăng điều hấp dẫn du khách là do điều kiện thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh quan… Vậy khi ta phá đi những cái đó để biến Đà Lạt thành một thành phố giống như New York, như TP.HCM… thì liệu du khách còn lên đây nữa hay không?

Khoảng gần hai mươi năm trước, tôi có viết bài Đà Lạt “nóng” và “nhanh” dần lên! Đặt trong hoàn cảnh so sánh với TP.HCM và nhiều thành phố phát triển nhanh bằng công nghiệp, nếu Đà Lạt cũng muốn phát triển với tốc độ như vậy, bằng cách như vậy thì tôi nghĩ rằng Đà Lạt sẽ mất đi lợi thế của mình và không còn hấp dẫn du khách nữa. Ta muốn phát triển mà vẫn giữ được hồn cốt của Đà Lạt thì phải dùng cách khác chứ không phải theo cách lấy đất vàng của cha ông để lại xây cất lên.

Có thể lấy một thí dụ là Hội An để so sánh và tôi cho rằng Hội An đã làm tốt. Hội An đang thu hút rất nhiều du khách. Hội An cũng có dịch vụ lưu trú và các dịch vụ cao cấp khác nhưng họ vẫn giữ được khu phố cổ và hồn cốt của mình. 

Đà Lạt liệu có làm được như vậy?

Vấn đề nữa là qua báo chí được biết công trình Dinh Tỉnh trưởng ở Đà Lạt chưa đưa vào danh sách di sản. Hiện nay Luật Di sản đã có hiệu lực. Nếu có Luật Di sản rồi mà các chủ đầu tư, chủ sở hữu của những công trình xứng đáng là di sản không làm thủ tục đưa vào danh sách di sản kiến trúc thì công trình sẽ không được bảo vệ bởi bộ luật này. Công trình Dinh Tỉnh trưởng chưa được đưa vô danh sách thì trách nhiệm thuộc về ai ta nên làm rõ.

Theo tôi, trách nhiệm này thuộc về chính quyền thành phố Đà Lạt và Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Lâm Đồng. Chính quyền phải lập Hội đồng đánh giá, làm thủ tục đưa vào danh sách di sản kiến trúc để có biện pháp bảo vệ hữu hiệu.  

Các phương án thiết kế Đồi Dinh được chính quyền Đà Lạt đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của dân.

Ý kiến của chính quyền

“Đến thời điểm này, chưa có tài liệu nào được Chính phủ hoặc tỉnh Lâm Đồng (từ chế độ cũ đến nay) xác định khu Hòa Bình và Dinh Tỉnh trưởng là di sản kiến trúc.

Dinh Tỉnh trưởng được xây dựng năm 1910, là nơi làm việc của tỉnh trưởng Lâm Viên, Tuyên Đức và cũng là nơi ở của gia đình tỉnh trưởng. Qua các thời kỳ quy hoạch, bảo tồn kiến trúc theo quy hoạch chung Đà Lạt đều không nêu công trình này.

Quy hoạch chung mới nhất QĐ 704 xác định bảo tồn kiến trúc là các Dinh 1, 2, 3, khu biệt thự Trần Hưng Đạo, Lê Lai, xác định trục di sản kiến trúc Đông - Tây.

Trước khi trưng bày có 8 mô hình kiến trúc được đưa ra lấy ý kiến, cuối cùng tỉnh và TP. Đà Lạt chọn 3 phương án phù hợp nhất trưng bày để lấy ý kiến công khai. 

Đà Lạt cần có những siêu thị, khu thương mại cao cấp, hiện đại như TP.HCM, Hà Nội để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân Đà Lạt trước hết, tiếp đó là du khách trong và ngoài nước. Nhiều năm nay không ít du khách than “Tới Đà Lạt mang tiền đi rồi mang tiền về vì không có chỗ tiêu”. Với Đồi Dinh Tỉnh trưởng muốn phát triển phải có thương mại, nếu chỉ làm công viên thì chưa hấp dẫn được du khách và người dân địa phương”. 

(Trích ý kiến phỏng vấn ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt - Báo Thanh Niên ngày 20.8.2020)

Ý kiến phản biện của các kiến trúc sư 

 KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - bình luận ngắn gọn về ý tưởng xây khách sạn ở đây: “Cái đó dở lắm, vô cùng dở”. (báo Tuổi Trẻ ngày 17.8.2020)


 “Tôi phân tích thế này cho hết lý và sự nỗ lực đóng góp của tôi cho Đà Lạt. Thực tế, quy hoạch chung của khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt ngay từ khi phê duyệt đã sai thì các quy hoạch con không thể đúng được. Nếu vẫn khiên cưỡng triển khai, đặt lợi ích cộng đồng ở vị trí thấp thì hậu quả tiếp theo đã rất rõ ràng: dồn nén đô thị ở trung tâm và đánh mất không gian di sản mãi mãi”. (KTS Ngô Viết Nam Sơn,  Tuổi Trẻ ngày 16.8.2020)


 “Cả thành phố Đà Lạt đã xây khách sạn rồi, tại sao họ phải “cố đấm ăn xôi” xây khách sạn ở đó làm gì?”. (KTS Đoàn Kỳ Thanh, báo Tuổi Trẻ ngày 17.8.2020


 “Phá hủy đi khu phố Việt Hòa Bình là tự mình phá đi dấu ấn kiến trúc, văn hóa của cộng đồng người Việt xưa ở Đà Lạt, là mình xóa của mình. Đó là điều rất đáng tiếc”. (GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông - phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tuổi Trẻ ngày 17.8.2020)


 “Đà Lạt có bao nhiêu câu chuyện chưa được kể tốt. Nếu kể chuyện tốt thì sẽ có người nghe, sẽ thu được tiền. Nguyên tắc là nơi này phải dành cho tất cả mọi người, chứ không phải một công trình thương mại của một chủ đầu tư”. (KTS Hoàng Thúc Hào, Tuổi Trẻ ngày 17.8.2020)


 “Là người sống tại Đà Lạt, tôi thấy việc chỉnh trang đô thị không đồng nghĩa phải thay thế các công trình theo lối kiến trúc cũ bằng công trình theo lối kiến trúc mới. Đặc biệt là ở khu trung tâm Hòa Bình, nơi được xem là có giá trị di sản bậc nhất Đà Lạt. Tôi thấy cả ba phương án đang cố tình nhầm lẫn giữa “chỉnh trang” và “thay thế”. Các dự án mà người ta cố tình “nhét” vào, như khách sạn Đồi Dinh chẳng hạn, sẽ chẳng có ý nghĩa gì trong việc chỉnh trang đô thị cả”. (KTS Phan Minh Tiến, báo Phụ Nữ ngày 19.8.2020)


 “Là đô thị nghỉ dưỡng và nghỉ mát là chính, Đà Lạt được xây dựng trên cơ sở chủ đạo và nhất quán, đó là bảo vệ tối đa môi trường thiên nhiên và khí hậu, hệ thống hạ tầng và kiến trúc được lồng ghép và khảm nạm tinh tế vào nền cảnh thiên nhiên, tạo nên sự chung sống hiếm thấy giữa đất trời và đô thị. Quỹ kiến trúc đô thị của Đà Lạt phong phú về các loại hình: biệt thự, dinh thự, nhà thờ, trường học, nhà bảo tàng, nhà ga, cơ sở khoa học v.v… Các công trình mang phong cách của nhiều thời, nhiều địa phương, có chát lượng thẩm mỹ đẹp và bền, đặc biệt, ôn hòa với khung cảnh xung quanh. Phải giữ cho được trung tâm - hạt nhân vô cùng đặc sắc của thành phố Đà Lạt là Hồ Xuân Hương và vùng đất bao quanh khỏi những công trình mới, như trung tâm thương mại (việc đã rồi), như dự án xây dựng khách sạn đồ sộ ở vị trí Dinh Tỉnh trưởng…”. (GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, Người Đô Thị 19.8.2020)


 “Chính quyền Đà Lạt hiện nay đang nóng ruột phát triển thành phố bằng mọi giá, nhưng cái giá phải trả cho phát triển nóng là biến một thành phố “Tiểu Paris” của Đông Dương, được định dạng là “thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố” mê hoặc lòng người, trở thành một thành phố phi danh tính - không thể nhận dạng”. (PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục, Người Đô Thị 19.8.2020).

Bài: Long Hưng - Ảnh: Lâm Viên

>> Xem tuyến bài: Quy hoạch Đà Lạt gây tranh cãi 

Nguồn Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống số 172
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.