mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Kỹ Nho nước Việt – một nét mới của Nho giáo Việt Nam

 10:05 | Thứ ba, 13/05/2025  0
Trong các nước đồng văn, lịch sử Nho giáo nước Việt có một hiện tượng rất đặc biệt, các vị khoa bảng cũng đồng thời là tổ nghề; họ được nhân dân tôn vinh nhờ đã có đóng góp cho việc truyền dạy kỹ thuật ngành nghề thủ công. Đây là một nét mới và cần thiết trong nhìn nhận đánh giá vai trò của Nho học Việt Nam.

Ở Hà Nội có những ngôi đình thờ tổ nghề như đình Tú Thị thờ tổ nghề thêu – tiến sĩ Lê Công Hành; đình Hà Vĩ thờ tổ nghề sơn ta – tiến sĩ Trần Lư; đình Phả Trúc Lâm thờ tiến sĩ Nguyễn Thời Trung – ông tổ nghề da giày. Khi nói đến Nho giáo người ta thường nghĩ đến lễ nghĩa, văn chương, khoa cử. Xưa nay phân thành những hạng nho ra nho ra như Lễ Nho (đảm trách việc lễ nghĩa), Văn Nho (chuyên chú việc văn thư, sử sách), Đồ Nho (tận tâm dạy dỗ), Nghệ Nho (ưa thích đàn hát), Kỹ Nho (giỏi kỹ nghệ, thủ công) và Doanh Nho (tài kinh doanh, thương trường).

Đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ ông tổ bách nghệ tức là ông tổ trăm nghề Hiên Viên.


Trong những thứ hạng ấy thường người ta trọng Lễ Nho, Văn Nho, Đồ Nho. Tức là những người gần với Khổng Tử và Nho giáo Trung Hoa. Họ là những người hiếu kính các bậc tiên đế, đề cao những phép tắc thời Nghiêu Thuấn, kê cứu sử liệu văn chương thời thượng cổ, nhiệt thành truyền dạy văn hiến. Trong bài viết này, xin được tập trung vào các hạng Kỹ Nho.

Tiến sĩ Trần Lư, Nguyễn Thời Trung, Lê Công Hành đều là các bậc khoa bảng, nhưng thật không may tên tuổi của họ lại không được lưu truyền trên 82 tấm bia ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Nhưng may thay, họ lại là các bậc tổ nghề được hương khói quanh năm, muôn đời thờ phụng trong các ngôi đình thờ Tổ nghề.

Đình Kim Ngân trong sự kiện Lấp lánh phố Nghề.


Điểm chung cho cả ba vị tổ nghề sơn ta, thêu, da giày ở những ngôi đình vừa nêu trên là đều trong lần đi sứ sang Trung Hoa, nhân đó lén học nghề rồi về truyền dạy cho các làng nghề và công xưởng triều đình.

Tác phẩm của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông tại đình Kim Ngân.

Một tác phẩm của nghệ nhân Trần Ngọc Chiến.

Tác phẩm điêu khắc Victor Tardieu của nhà điêu khắc Trần Quốc Thịnh, ngay trong chương trình đào tạo của mình, Trường Mỹ thuật Đông Dương đã mở Môn/Ban Kim hoàn.


Trần Lư, hay còn gọi là Trần Lô, là một nhân vật lịch sử được tôn vinh là ông tổ nghề sơn ở Việt Nam. Sinh năm 1470 và đỗ tiến sĩ vào năm 1502, ông không chỉ là một nhà khoa bảng mà còn là một nghệ nhân tài ba, có đóng góp lớn trong việc phát triển và nâng cao kỹ thuật sơn của nước ta.

Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa thi năm Thuần Phúc thứ 4 (1565), từng giữ chức Thừa chính sứ. Ông cũng đảm đương trọng trách đi sứ nhà Minh (Trung Quốc).

Không gian đình Tú Thị, tọa lạc trên phố Yên Thái, phường Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội), là nơi thờ tự, lưu giữ các giai thoại về ông tổ nghề thêu Lê Công Hành.


Tiến sĩ Lê Công Hành, tên thật là Bùi Công Hành, sinh năm Bính Ngọ (1606), mất năm Nhâm Dần (1662), quê ở làng Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội; hiện chưa rõ năm ông thi đỗ tiến sĩ. Nhưng chắc chắn phải là người đỗ đạt, giỏi giang chữ nghĩa mới được cử đi sứ. Ông được dân gian truyền tụng và tôn vinh là ông tổ của nghề thêu Việt Nam.

Hiện tượng các tổ làng nghề đồng thời là các nhà khoa bảng (những người đỗ đạt trong các kỳ thi khoa cử) là điều hiếm có trong lịch sử Nho học thế giới. Ở Việt Nam trong dân gian có câu “Nên thợ, nên thầy nhờ có học. No ăn, no mặc bởi hay làm” là một minh chứng rõ nét cho truyền thống Nho học Việt Nam, đề cao sự kết hợp giữa tri thức và lao động sản xuất.

Điều này thể hiện sự coi trọng cả tri thức và lao động, phản ánh quan niệm truyền thống của người Việt, không xem nhẹ bất kỳ hình thức lao động nào, miễn là chân chính. Đặc biệt câu nói này nói lên tinh thần nhập thế của Nho học Việt Nam.

Dự án nghệ sĩ cư trú Tơ óng màu cây tại đình Tú Thị.


Hiện tượng các danh Nho cũng là các vị tổ nghề cũng tương đồng với những vùng đất danh hương, khoa bảng cũng là mảnh đất nổi tiếng với ngành nghề truyền thống. Có thể đơn cử Thường Tín và Bát Tràng, vừa là đất học vừa là đất nghề. Tiến sĩ Lê Công Hành chính là người làng Quất Động, huyện Thường Tín. Tiến sĩ Trần Lư, người làng Bình Vọng, huyện Thường Tín. Rồi đến một danh Nho thời hiện đại là Lương Văn Can, ông cũng vốn là người làng Nhị Khê, huyện Thường Tín. Tư tưởng thực học thực nghiệp của trường Đông Kinh Nghĩa Thục do Lương Văn Can và các bậc tân sĩ phu khởi xưởng cũng không hoàn toàn đến từ Nhật Bản.

Sự kiện Chuyện đình trong phố diễn ra tại đình Phả Trúc Lâm trên phố Hàng Hành, với chữ “Phả” có nghĩa là “gốc”, còn Trúc Lâm là để ghi nhận về chốn tổ của nghề da giày.


Max Weber là một nhà xã hội học người Đức nổi tiếng với những nghiên cứu sâu sắc về mối liên hệ giữa tôn giáo và xã hội. Ông chú trọng đến vai trò của tôn giáo trong việc hình thành các hệ thống giá trị và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Weber nhận thấy rằng Nho giáo và các tôn giáo khác có những ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của các xã hội. Ông cũng đặc biệt quan tâm đến việc so sánh Khổng giáo với các hệ tư tưởng khác như Lão giáo để hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa tôn giáo và sự phát triển của tư bản chủ nghĩa ở Trung Quốc.

Vì Nho giáo hướng đến việc xây dựng một xã hội hài hòa và ổn định, nên theo Weber, tư tưởng chủ lưu này ở Trung Quốc đã không thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Nho giáo đã có một ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội Trung Quốc trong hàng ngàn năm. Nó đã định hình các giá trị đạo đức, các quan hệ xã hội và các thể chế chính trị của Trung Quốc và cả Việt Nam. Có thể do Nho giáo ở Việt Nam có độ vênh nhất định, đã tạo ra những vùng đất khoa bảng nhưng cũng là vùng đất có những bàn tay vô cùng tài hoa.

Tác phẩm của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông.

Không gian trưng bày nghệ thuật tại đình Hà Vĩ phố Hàng Hòm, nơi thờ ông tổ nghề sơn Trần Lư, đã hoàn thành tu bổ và tôn tạo vào năm 2023.

Tác phẩm sơn ta của họa sĩ Trần Văn Giáp trưng bày trong chương trình triển lãm Chuyện đình trong phố.


Ngày nay, khi đến với những ngôi đình thờ tổ nghề, thắp nén tâm hương, lòng thầm cảm phục trước phẩm cách và tài năng của người xưa. Họ đâu chỉ bó gối khom lưng chốn quan trường, khi đi ra nước ngoài đâu chỉ chăm chú vào thư tịch cổ nhân mà còn biết mở mắt, gióng tai để học hỏi trăm điều hay của kỹ nghệ nước người. Hiện tượng các tổ làng nghề cũng là các nhà khoa bảng là một nét đặc trưng của xã hội phong kiến Việt Nam, phản ánh sự coi trọng tri thức, vai trò của tầng lớp trí thức và sự gắn kết giữa quan trường và dân gian.

Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và các nghệ sĩ, những ngôi đình thờ tổ nghề ở quận Hoàn Kiếm thực sự trở thành một không gian sáng tạo.

Tạm dừng bài viết ở đây với hai câu đối ở đình Kim Ngân – Gia tường thế diên vô cương độ, Quốc phú dân cường nghệ tổ ban (家祥世衍無疆度 / 國富民強藝祖班). Chắc là câu đối do những người như các bậc tân Nho như Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, soạn ra. Bởi các bậc tân sĩ phu mời dám nghĩ đến nước giàu dân mạnh, và chính họ thấy ở ngành nghề thủ công truyền thống một nguồn lực to lớn.

Trần Hậu Yên Thế - Ảnh: NVCC

Chuyện phố nghề, chuyện phố Hàng – dấu ấn trong các thực hành nghệ thuật đương đại

Tọa đàm Chuyện phố nghề, chuyện phố Hàng – dấu ấn trong các thực hành nghệ thuật đương đại dự kiến sẽ diễn ra vào 14h30 ngày 16.6.2025 tại Đình Kim Ngân (42 – 44 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với sự tham gia của các diễn giả TS. Trần Hậu Yên Thế, giám tuyển – ThS. Nguyễn Thế Sơn và ThS. Phạm Minh Quân (Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Các diễn giả sẽ tập trung khai thác lịch sử hình thành các phố nghề ở Hà Nội, từ nguồn gốc nghề thủ công Thăng Long – Kẻ Chợ đến vai trò của các tổ nghề và không gian tín ngưỡng gắn với đình trong phố cổ. Các diễn giả nhấn mạnh giá trị văn hóa, lịch sử và kinh tế mà các nghề truyền thống mang lại, qua đó định hình bản sắc đô thị Hà Nội.

Đặc biệt, tọa đàm làm rõ dấu ấn của các nghề truyền thống trong nghệ thuật đương đại, thông qua quá trình tiếp cận, học hỏi và cách tân của các nghệ sĩ. Sự giao thoa giữa kỹ thuật cổ truyền và ngôn ngữ hiện đại không chỉ tạo nên những tác phẩm độc đáo mà còn góp phần bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa phố nghề trong bối cảnh đổi thay nhanh chóng.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ triển lãm Lấp lánh phố nghề thuộc dự án Chuyện đình trong phố đang diễn ra tại Đình Kim Ngân, mở cửa từ ngày 29.4 đến hết ngày 1.6.2025

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.