mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Trà sữa Chagee và chủ quyền văn hóa

 09:23 | Chủ nhật, 30/03/2025  0
Sự “đánh đổi” một thương hiệu như Eden, Givral hay Brodard dù bằng bất cứ giá nào cũng là xóa bỏ di sản văn hóa, không gì bù đắp được!

Đường Đồng Khởi ở trung tâm TP.HCM có lịch sử hình thành và phát triển hơn 160 năm (từ năm 1861). Đây là con đường xưa nhất từng mang tên Rue Catinat - Tự Do và là Đồng Khởi từ sau năm 1975. Con đường bắt đầu từ nơi giao cắt với bến Bạch Đằng (đường Tôn Đức Thắng) ở phía hữu ngạn sông Sài Gòn đến công trường Công xã Paris ngay phía trước tượng Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình của Nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn và Bưu điện Trung tâm Sài Gòn.  

Con đường sầm uất này từ sáng đến khuya luôn nhộn nhịp và thời nào cũng có giá đất thuộc loại đắt đỏ nhất. Hai bên đường là những địa điểm lịch sử và dấu ấn văn hóa, kiến trúc của đô thị Sài Gòn: dinh Thượng thư; trung tâm thương mại và rạp phim tại hành lang Eden; nhà sách Xuân Thu; khách sạn lâu đời và sang trọng: khách sạn Continental từ năm 1880, khách sạn Majestic từ năm 1925, khách sạn Grand từ năm 1930, khách sạn  Caravelle; nhà hát Thành phố... Đây là “con đường di sản” của thành phố vì chứa đựng những giá trị độc đáo: di sản vật thể là những công trình cổ xưa, là mặt bằng bất động sản giá cao chót vót, là cảnh quan một tuyến đường đi bộ với các công viên nhỏ làm nơi nghỉ chân cho khách bộ hành, hàng cây xanh hiền hòa; di sản phi vật thể là ký ức, nỗi nhớ của nhiều thế hệ người Sài Gòn và du khách về những địa chỉ văn hóa tại con đường trung tâm thành phố, sang trọng mà gần gũi với du khách và mọi tầng lớp cư dân đô thị.

Con đường Catinat - Tự Do - Đồng Khởi tự bao giờ đã là “con đường thương hiệu” của Sài Gòn. Ảnh: Life


Hiện nay một phần quá khứ của Sài Gòn trên con đường này chỉ còn trong ký ức của những người ở độ tuổi 50, 60 trở lên. Đó là sự biến đổi của cả tuyến đường do những công trình mới, sự “biến mất” của công viên Chi Lăng, khu Eden, tiệm cà phê Givral... Từ nhiều năm trước người Sài Gòn đã phải ngậm ngùi “Givral C'est fini” (vĩnh biệt Givral), còn hôm nay khi tiệm Brodard (góc Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp) tháo bảng hiệu chưa kịp làm người ta rưng rưng thì đã phải giật mình vì sự xuất hiện phông nền đỏ chói của Chagee - một thương hiệu trà sữa của Trung Quốc. 

Ngay lập tức một làn sóng phẫn nộ dậy lên bởi ứng dụng toàn cầu của thương hiệu này chứa hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp trên biển Đông! Và chỉ sau vài ngày, trước sự phản ứng dữ dội của người dân Việt Nam, Chagee đã phải âm thầm gỡ bỏ cái màu đỏ ngạo nghễ tại “mặt bằng vàng” giữa trung tâm thành phố, dù còn đang sửa chữa và chưa kịp khai trương.

*

Từ tháng 4.2022, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã tổ chức công bố quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM. Theo đó, địa bàn TP.HCM có 6 khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn, bao gồm: đặc khu chợ Bến Thành (quận 1), hồ Con Rùa và khu biệt thự (quận 3), khu vực đường Nguyễn Trãi - Phù Đổng Thiên Vương - Lương Nhữ Học - Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), khu vực chợ Bình Tây (quận 6), khu vực Làng Đại học (phường Bình Thọ, thành phố Thủ Đức). Khu trung tâm TP.HCM có 4 tuyến đường đi bộ gồm: đường Nguyễn Huệ,  Đồng Khởi, Bùi Viện, Nguyễn Văn Bình.  

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, quy chế quản lý kiến trúc này là cơ sở để cơ quan chức năng quản lý cảnh quan đô thị, kiến trúc các công trình xây dựng theo quy hoạch, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang đô thị, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là một động thái tích cực để bảo tồn tính toàn vẹn những cảnh quan lịch sử của thành phố. Bởi vì “giá trị kinh tế - văn hóa của cả khu vực di sản lớn hơn và bền vững hơn nhiều lần giá trị từng công trình đơn lẻ”. Tuy nhiên, tính nguyên vẹn của di sản văn hóa phi vật thể chưa được thể hiện: đó là cần bảo toàn tính lịch sử, ký ức văn hóa, những thương hiệu có giá trị là di sản văn hóa.

Là con đường mang dấu ấn lịch sử, các cơ sở thương mại - dịch vụ và công trình kiến trúc lâu đời tại đây đã trở thành “thương hiệu văn hóa” của đô thị Sài Gòn và mang tính quốc tế. Mỗi thương hiệu mới khi xuất hiện ở đây cần mang giá trị văn hóa tiêu biểu của TP.HCM, của Việt Nam và hướng đến giá trị nhân văn toàn cầu. Bảo toàn điều đó chính là bảo tồn di sản văn hóa, là bảo vệ “chủ quyền văn hóa”, đồng thời thể hiện sự hội nhập văn hóa. 

Không thể tránh khỏi sự thay đổi, biến đổi trong quá trình phát triển đô thị, nhưng tại khu vực di sản cần có sự “bảo trợ”, hỗ trợ của chính quyền, thông qua luật pháp và chính sách để thực hiện bảo tồn di sản và chủ quyền văn hóa từ những thương hiệu của các cơ sở kinh tế - dịch vụ. 

Không thể tránh khỏi sự thay đổi, biến đổi trong quá trình phát triển đô thị, nhưng tại khu vực di sản cần có sự “bảo trợ”, hỗ trợ của chính quyền, thông qua luật pháp và chính sách để thực hiện bảo tồn di sản và chủ quyền văn hóa từ những thương hiệu của các cơ sở kinh tế - dịch vụ. Những chính sách nhằm bảo vệ văn hóa truyền thống tại đây, tạo điều kiện để các thương hiệu có giá trị văn hóa cao của Việt Nam và quốc tế hiện diện. Sự “đánh đổi” một thương hiệu như Eden, Givral hay Brodard dù bằng bất cứ giá nào cũng là xóa bỏ di sản văn hóa, không gì bù đắp được! 

Huống hồ, nhãn hàng trà sữa Chagee từng bị người tiêu dùng phát hiện quảng bá “đường lưỡi bò” phi pháp lại được phép hiện diện ngay giữa “vùng lõi di sản đô thị” của TP.HCM, thậm chí khi bị người tiêu dùng Việt Nam tẩy chay, Chagee vẫn giữ nguyên hình ảnh quảng bá sai trái trên website của họ! 

Cần nhận thức rõ đây là sự vi phạm chủ quyền quốc gia từ góc độ văn hóa, là sự thôn tính chủ quyền văn hóa! “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây...” nhưng chủ quyền quốc gia và văn hóa Việt không mất, đồng thời được tiếp nhận thêm những thành tựu văn minh tiến bộ. Đó là vì cha ông ta giữ được văn hóa từ làng xóm, từ gia đình, tiếp nhận đúng những gì làm giàu thêm cho tri thức và văn hóa, không “bán rẻ” các giá trị văn hóa Việt Nam… 

Hiện nay và trong tương lai, tại các thành phố lớn quá trình “hiện đại hóa” ngày càng mạnh mẽ, thể hiện bằng sự hiện diện các công trình mới, các nhãn hàng sản phẩm quốc tế ngày càng nhiều. Tuy nhiên nếu để những nhãn hàng có kiểu ứng xử sai trái tương tự trà sữa Chagee xuất hiện và tồn tại, dần dần sẽ dẫn đến sự “nô lệ” văn hóa, tình trạng này còn nguy hiểm hơn sự phụ thuộc về kinh tế hay chính trị. Cảnh báo điều này không thừa bởi vì một thành phố mất bản sắc riêng, một quốc gia mất chủ quyền văn hóa là sẽ mất tất cả! 

Nguyễn Thị Hậu

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.