Tính từ Sơ đồ Quy hoạch Hà Nội do Kiến trúc sư (KTS) Ernest Hébrad lập 1924 đến Quy hoạch phân khu A6 công bố 2014 (Bản Quy hoạch có đầy đủ tính pháp lý cao nhất cho tới thời điểm này, khu vực Hồ Tây (phân khu A6) tác động bởi 10 bản quy hoạch, bao gồm: 7 Quy hoạch chung + Quy hoạch mở rộng trung tâm Ba Đình 1959 + Quy hoạch sử dụng đất 2004 + Quy hoạch phân khu 2014. Với những diễn biến về quy hoạch, xây dựng đã và đang diễn ở bán đảo Quảng An, cùng với đó là nhận định được đưa ra của một số chuyên gia hữu quan có chức vụ tại các hội nghề nghiệp; đối chiếu với 10 bản quy hoạch như đã nêu trên, cho thấy còn những câu hỏi cần sáng tỏ để đảm bảo công tác quy hoạch bán đảo đặc biệt này thực sự đảm bảo chuẩn xác, chặt chẽ pháp lý.
“Quy chế Quản lý kiến trúc” có thay thế “Quyết định phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh”?
Năm 2014, UBND TP.Hà Nội Quyết định "Phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và Phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2.000 do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập", với "yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan - thiết kế đô thị: Việc khai thác và sử dụng mặt nước Hồ Tây tuân thủ Quy định về quản lý Hồ Tây đã được UBND TP ban hành tại Quyết định số: 92/2009/QĐ-UBND ngày 19.8.2009; cải tạo chỉnh trang các khu vực dân cư, làng xóm giữ được đặc trưng truyền thống, bảo tồn các công trình di tích lịch sử văn hóa tôn giáo.
Trong đó “Đặc biệt dọc theo tuyến đường kè xung quanh Hồ Tây, không xây dựng các công trình lấn chiếm mặt nước; đối với những khu đất giáp Hồ Tây (trong phạm vi từ mép hồ ra tối thiểu là 50m) khi xây dựng công trình cần đảm bảo các điều kiện sau: Tuyệt đối không được xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan, mặt nước hồ Tây; Khoảng lùi: Không xây dựng thêm công trình xung quanh hồ Tây trong khoảng cách 16m, kể từ mép hồ; chiều cao công trình: Tối đa 12m, tương đương 3 tầng. Khuyến khích mật độ xây dựng thấp, tạo không gian trống có nhiều cây xanh xung quanh Hồ Tây". [1]
Bán đảo Quảng An vốn dĩ từ lâu đã là một không gian văn hoá đặc thù, nổi bật với tính chất tâm linh, lịch sử và cảnh quan. Ảnh: T.A.T
Năm 2016, ông Nguyễn Đức Chung (khi đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội), ký ban hành “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội”[2], trong đó ô đất A6.19 (58 Tây Hồ) được điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch: “Khu vực bán đảo phía đông Hồ Tây: Xây cao tối đa 39 tầng, chiều cao tối đa 140m, với điều kiện: Đối với các ô đất còn lại nằm giáp chỉ giới đường đỏ tại nút giao, được phép xây dựng công trình cao tầng làm điểm nhấn. Được cụ thể hóa tại quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị được duyệt...”.
Căn cứ vào “Quy chế” này, ngày 17.2.2017, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội có văn bản số 831: “Chấp thuận Bản vẽ Quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc” công trình 58 Tây Hồ xây 39 tầng cao 140m.
Câu hỏi đặt ra là “Quy chế” này lập ra có đúng với Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng, trong đó có yêu cầu chung: “Đối với những khu vực đã có quy hoạch, thiết kế đô thị được duyệt thì Quy chế được lập trên cơ sở đồ án quy hoạch đô thị, quy định quản lý theo đồ án quy hoạch, đồ án thiết kế đô thị đã được duyệt.” [3]
“Quy chế” này đưa ra các chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch, quy mô tầng cao công trình sai khác rất lớn với Quy hoạch phân khu A6 đã duyệt, bản “Quy chế” này có thay thế “Quyết định phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh” hay không, trong khi chưa có Quy hoạch điều chỉnh cục bộ/quy hoạch chi tiết được phê duyệt?
Các hoạt động Điều chỉnh theo Điều 51, Luật Quy hoạch đô thị 2009 quy định trình tự tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, gồm: (1) Cơ quan có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị lập báo cáo về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh có ảnh hưởng trực tiếp và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đô thị xem xét; (2) Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đô thị xem xét, quyết định việc điều chỉnh cục bộ bằng văn bản trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm định quy hoạch đô thị; (3) Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị có trách nhiệm cập nhật và thể hiện trong hồ sơ quy hoạch những nội dung điều chỉnh. Nội dung điều chỉnh quy hoạch đô thị phải được công bố công khai theo quy định.
Điều 49, Luật Quy hoạch đô thị 2009, cũng quy định: “Điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị được tiến hành khi nội dung dự kiến điều chỉnh không ảnh hưởng lớn đến tính chất, ranh giới, định hướng phát triển chung của đô thị; tính chất, chức năng, quy mô và các giải pháp quy hoạch chính của khu vực lập quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết”. [4]
Đến đây, tiếp tục phải đặt câu hỏi là bản “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội” và các văn bản liên quan đến thay đổi chỉnh sửa quy hoạch được coi là chặt chẽ, phù hợp quy định pháp lý... phải chăng những nhận đình này chủ quan, thiếu cơ sở?
So sánh phương án Quy hoạch đã được duyệt với Phương án Quy hoạch điều chỉnh có nhiều thay đổi về nội dung /diện tích /mật độ và loại đất mới chưa có trong các văn bản pháp lý.
Cơ quan, tổ chức nào quyết định đặt nhà hát vào bán đảo Quảng An?
Một số ý kiến cho rằng việc xây nhà hát tại đây là cần thiết, xứng tầm với vị thế thành phố, quốc gia, không chỉ đóng góp điểm nhấn kiến trúc có giá trị mà còn nâng cao cuộc sống tinh thần nhân dân Thủ đô và cả nước, là động lực cho phát triển công nghiệp sáng tạo Thủ đô Hà Nội, là nguyện vọng của nhân dân…
Tuy nhiên, ngoài những ý kiến (về quy trình lựa chọn phương án kiến trúc nhà hát) của lãnh đạo thành phố, Thường trực Thành ủy (nhiệm kỳ 2016 -2021)[5] chưa thấy có các ý kiến của các cơ quan có trách nhiệm như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Hà Nội. HĐND TP.Hà Nội trong hàng chục năm trở lại đây cũng chưa thấy đưa vấn đề làm nhà hát tại bán đảo Quảng An - Hồ Tây vào nội dung thảo luận tại các phiên họp thường niên hay các văn bản Nghị quyết, kiến nghị.
Nội dung xây dựng nhà hát đa năng không thấy trong Nghị quyết 09/NQ-TU ngày 22.2.2022 của Thành ủy Hà Nội: “Nghị quyết về Phát triển công nghiệp văn hóa trên đại bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030 tầm nhìn 2045”[6].
Dự án nhà hát opera Hồ Tây đề xuất xây dựng tại một địa điểm rất đặc biệt là Đầm Trị, nơi gặp nhau của hai trục cảnh quan rất quan trọng của thủ đô, sát cạnh Hồ Tây. Ảnh: Hữu Nghị
Cũng cần lưu ý những văn bản liên quan đến khu vực Quảng An được ban hành trong giai đoạn ông Nguyễn Đức Chung còn làm Chủ tịch UBND TP (đã bị bắt giam 28.8.2020). Trước đó Ngày 1.8.2020, Ban Bí thư đã họp xem xét xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 và một số cá nhân nguyên là cán bộ lãnh đạo TP Hà Nội. Trích:
“Ban Bí thư nhận thấy: Ban cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng: Chậm sửa đổi, ban hành Quy chế làm việc, Quy chế làm việc có nội dung trái với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu, dẫn đến người đứng đầu lạm quyền, lộng quyền, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của cơ quan, đơn vị liên quan trong đấu thầu, tạo điều kiện cho công ty của người nhà, người thân hưởng lợi trái quy định; vi phạm Quy chế làm việc của Thành ủy và chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy.
Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND thành phố và một số sở, ngành, cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước; nhiều tổ chức, cán bộ, đảng viên bị kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự.
Vi phạm của Ban cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các cá nhân nêu trên là rất nghiêm trọng, làm thiệt hại, thất thoát rất lớn tài sản nhà nước và đã bị xử lý hình sự, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền TP.Hà Nội, TP.HCM và cá nhân, gây bức xúc trong xã hội, phải được xem xét thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng” [7].
Khuất tất pháp lý cần phải làm rõ: năm 2010, Hà Nội đã quy hoạch nhà hát tại Tây Hồ Tây và thi tuyển phương án kiến trúc nhà hát Thăng Long. Thế nhưng năm 2021 lại thêm quy hoạch nhà hát opera trên Đầm Trị. Lý do nào chuyển vị trí quy hoạch nhà hát từ Tây Hồ Tây sang Đầm Trị? Hay sẽ có hai nhà hát ở cạnh nhau trong khu vực Hồ Tây? Đồ họa: H.N
Trước những băn khoăn như đã nêu trên, mà trong đó có thể ẩn chứa rủi ro pháp lý tiềm tàng thì nên chăng cần rà soát kỹ hơn để tăng cường nghiêm minh thực thi pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch đô thị Hà Nội tại khu vực đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội như bán đảo Quảng An?!
[1] Quyết định số 4177/QĐ-UBND ngày 8.8.2014.
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Quyet-dinh-11-2016-QD-UBND-quan-ly-quy-hoach-kien-truc-cong-trinh-cao-tang-noi-do-lich-su-Ha-Noi-308092.aspx
[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Thong-tu-19-2010-TT-BXD-huong-dan-lap-quy-che-quan-ly-quy-hoach-kien-truc-do-113596.aspx
[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Luat-quy-hoach-do-thi-2009-30-2009-QH12-90631.aspx
[5] https://bnews.vn/xay-dung-nha-hat-tai-ho-tay-dam-bao-tinh-phap-ly-va-kien-truc/254156.html
[6]https://congan.hanoi.gov.vn//Portals/0/Cache/tuyen%20truyen/nq-ve-cong-nghiep-vh.pdf
[7] https://tuoitre.vn/ky-luat-ban-can-su-dang-ubnd-tp-ha-noi-nhiem-ky-2016-2021-20210817193520905.htm