Cùng với quyết định phá bỏ tòa nhà "Hàm cá mập" và cải tạo khu vực xung quanh quảng trường, Hà Nội đứng trước cơ hội định hình thương hiệu thành phố qua thiết kế không gian khu vực trung tâm – nơi không bị giới hạn bởi “đường biên” vật lý, mà được xác lập bằng những yếu tố phục vụ và thu hút con người.
Quảng trường năm 1990 nhìn từ trên cao. Nguồn: 36pho
Tầng lớp lịch sử và vị thế chuyển giao của một giao lộ
Tọa lạc tại điểm tiếp giáp giữa khu phố cổ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đại diện cho giao thoa ký ức thương nghiệp Thăng Long và khu phố Pháp – dấu ấn của kiến trúc thuộc địa và đô thị hóa từ phương Tây. Tầng lớp văn hóa – lịch sử dày đặc ấy cần được xâu chuỗi lại bằng một thiết kế không gian công cộng đúng nghĩa – nơi các giá trị không bị đóng khung trong bảo tồn, mà được diễn đạt thông qua trải nghiệm sống động, tiện nghi, và gắn bó với con người.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại cho thấy sự thu hẹp đáng kể của vai trò không gian này. Đông Kinh Nghĩa Thục đang bị bó hẹp thành một nút giao thông lớn, nơi các phương tiện cơ giới chiếm lĩnh toàn bộ mặt bằng. Dù đôi khi có tổ chức các sự kiện vào dịp cuối tuần, nhưng không gian quá gò bó và các tuyến đường bao quanh có lối thoát nhỏ khiến tình trạng ách tắc xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm của người dân và du khách. Vấn đề không chỉ nằm ở việc thiếu vắng tiện ích công cộng mà còn ở việc thiếu một hình thái đô thị khuyến khích sự hiện diện và tương tác của con người.
Hiện tại đây là nơi tập trung đông người và giao thông giao cắt hỗn độn của nhiều loại phương tiện. Nguồn: tracuuquyhoach
Việc tháo dỡ tòa nhà "Hàm cá mập" – vốn bị xem là vật cản thị giác trong tổng thể Hồ Gươm – đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Không gian 1,2 ha vốn bị che khuất và chia cắt nay được giải phóng, mở ra cơ hội tổ chức lại toàn bộ cấu trúc trung tâm Hà Nội với tầm nhìn dài hạn.
Hiện nay, khu vực này đang được đặt trong tiến trình lập quy hoạch và thiết kế đô thị mới với định hướng trở thành một quảng trường đa tầng: tầng mặt đất phục vụ cộng đồng, các tầng hầm là hạ tầng vận hành, còn phía trên là không gian ưu tiên đi bộ cho mọi người. Đây là thời điểm thích hợp để nhìn lại những mô hình đã thành công trên thế giới – nơi không gian công cộng được kiến tạo như một phần cốt lõi trong chiến lược đô thị.
Sankofa Square – sân khấu mở của đô thị hiện đại
Nằm tại giao lộ sôi động bậc nhất Toronto, Sankofa Square – trước đây là Yonge–Dundas Square là không gian công cộng đầu tiên ở Canada được vận hành theo mô hình hợp tác công – tư. Hình thành từ cuối thập niên 1990 trên nền các công trình bị giải tỏa trong quá trình tái thiết trục phố Yonge, quảng trường ra đời như lời đáp cho nhu cầu về một không gian công cộng năng động giữa trung tâm thương mại – giải trí của thành phố.
Quảng trường ngày nay với mặt bằng hình chữ nhật, vuông góc với trục phố, mở ra bốn phía. Nguồn: Internet
Với diện tích hơn 4.000 m², mặt sàn quảng trường được lát đá granite đen chống trơn trượt, dạng “Bowed Plane” hơi nâng nhẹ ở trung tâm để hỗ trợ thoát nước và tạo bậc ngồi tại rìa. Hơn 600 vòi phun nước được tích hợp trực tiếp trên bề mặt, có thể bật/ tắt linh hoạt – vừa là điểm thu hút thị giác, vừa tạo không gian tương tác cho mọi người, hạ nhiệt mùa hè. Ba cột đèn cao, mái che khung thép và hệ thống bảng LED bao quanh quảng trường cung cấp chiếu sáng, thông tin sự kiện và biển quảng cáo thương mại. Hiệu ứng hệ thống ánh sáng ban đêm được lập trình tạo nên “cảm giác lễ hội” ngay cả khi không có sự kiện.
Phía dưới quảng trường là bãi đỗ xe ngầm, được kết nối trực tiếp với hệ thống tàu điện ngầm, đảm bảo khả năng tiếp cận và vận hành hiệu quả cho toàn bộ không gian. Quảng trường là nơi diễn ra hàng trăm sự kiện mỗi năm, từ lễ hội văn hóa, hòa nhạc, triển lãm nghệ thuật đến các hoạt động cộng đồng.
Không gian mở cho phép tổ chức sự kiện lớn, biểu diễn nghệ thuật đường phố, thậm chí triển lãm hoặc chợ ngoài trời – tất cả hòa vào dòng người đi bộ thường nhật. Nguồn: Internet
Sự kiện Molson Canadian NHL Face-Off năm 2014 tại Quảng trường. Nguồn: sankofasquare.ca
Schouwburgplein: Thiết kế rỗng, vận hành bền vững
Nằm tại trung tâm Rotterdam, Schouwburgplein được hình thành trong quá trình tái thiết sau Thế chiến II. Đến cuối thập niên 1980, khu vực này xuống cấp nghiêm trọng. Dự án do West 8 thực hiện vào cuối thập niên 1990 đã biến nơi đây thành một hình mẫu của thiết kế "khoảng trống có chủ đích".
Không bị lấn át bởi công trình biểu tượng, chính sự rỗng của quảng trường đã tạo ra tầm nhìn rộng, cảm giác thoáng đãng, khuyến khích con người chủ động định hình trải nghiệm. Bề mặt quảng trường cao hơn mặt đất, với các vật liệu đa dạng như gỗ, thép perforated, epoxy, cao su. Bốn cột đèn đỏ có thể điều chỉnh chiếu sáng lấy cảm hứng từ cần cẩu cảng Rotterdam – biểu tượng công nghiệp của thành phố.
Thiết kế mới của Schouwburgplein, hoàn thành vào năm 1996, đã biến quảng trường thành một không gian mở. Nguồn: dehavenloods.nl
Cột chiếu sáng nghệ thuật (cao 10–12m) tích hợp camera an ninh + cảm biến môi trường + Wi-Fi công cộng. Nguồn: chouwburgpleinrotterdam.nl
Không gian bên dưới là bãi đỗ xe ngầm, tối ưu hóa diện tích sử dụng. Schouwburgplein hiện là một ví dụ điển hình về mô hình quảng trường tích hợp phát triển bền vững: từ sản xuất năng lượng tại chỗ đến thu gom nước xám, từ mái xanh đến các hoạt động cộng đồng thích ứng khí hậu.
Rotterdam đang nỗ lực để trở thành một thành phố xanh và lành mạnh, nơi các thế hệ tương lai có thể sống và làm việc vui vẻ, trong đó quảng trường Schouwburgplein đi đầu về mô hình đạt được mức trung hòa khí hậu 100% vào năm 2030. Nguồn: Arcadis
Đề xuất ý tưởng cho quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục của tương lai: Từ đảo giao thông đến điểm hội tụ sáng tạo
Hai quảng trường quốc tế Sankofa Square tại Toronto và Schouwburgplein tại Rotterdam đã cho thấy một nguyên lý chung: khi người dân có thể tương tác linh hoạt với không gian, không gian ấy sẽ trở thành một phần trong đời sống đô thị hằng ngày. Các yếu tố tiện nghi đô thị nổi bật được áp dụng: mặt sàn có thể phun nước, ánh sáng lập trình, chỗ ngồi thông minh, tích hợp hạ tầng kỹ thuật dưới lòng đất.
Dưới đây là một đề xuất mang tính gợi mở nhân dịp UBND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) niêm yết công khai quy hoạch tổng mặt bằng cải tạo không gian quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để lấy ý kiến đông đảo cộng đồng.
Sơ đồ ý tưởng mô hình “sân khấu đô thị” tại vị trí Quảng trường Đông Kinh mở rộng. Tác giả đề xuất
Không cần một công trình đồ sộ đứng giữa quảng trường. Mặt sàn có thể là kết cấu chính – phẳng, cao hơn mặt đường từ 40–60cm khiến phần rìa có thể ngồi, phân khu tự nhiên bằng gạch lát các vùng hoạt động khác nhau: khu diễn tập/sân khấu, khu đa năng, khu tương tác với vòi phun nước...
Ngay giữa quảng trường, sân khấu 360 độ như một trái tim sống động, được lát vật liệu hỗn hợp (gỗ công nghiệp, đá granite, cao su chống rung) để phân vùng sử dụng, nơi mỗi khoảnh khắc là một màn trình diễn nghệ thuật cuốn đám đông vào dòng chảy sáng tạo bất tận của thành phố.
Toàn bộ hệ thống vận hành quảng trường (nước, đèn, thông tin, âm thanh) nên dùng năng lượng tái tạo kết hợp từ pin mặt trời và hệ thống lưu trữ năng lượng. Quảng trường có thể sản sinh năng lượng cho chính nó.
Khác với Toronto hay Rotterdam – những thành phố tái thiết từ thương mại hoặc chiến tranh thì Hà Nội là thành phố sống cùng ký ức. Đông Kinh Nghĩa Thục không cần tạo ra một hình mẫu mới, mà nên là một không gian biểu đạt bản sắc đô thị đương đại. Việc thiết kế quảng trường không nên áp đặt từ trên xuống, mà cần là kết quả của quá trình tham vấn cộng đồng, tổ chức nghề nghiệp và các hội đồng chuyên môn.
Trong bối cảnh Hà Nội đã gia nhập “Mạng lưới thành phố sáng tạo” của UNESCO, Đông Kinh Nghĩa Thục hoàn toàn có thể trở thành không gian biểu tượng– không bằng sự hoành tráng, mà bằng chiều sâu văn hóa và khả năng khơi dậy sáng tạo mỗi ngày.
Nguyễn Đặng Phương Linh
_________________
Thông tin tham khảo:
https://consult.westmeathcoco.ie/ga/consultation/draft-westmeath-county-development-plan-2021-2027/chapter/07-urban-centres-and-place-making
https://www.youtube.com/watch?v=m77Gp2U7ZYs : “City of the Future: Branding Our Future Cities”
https://ashui.com/quang-truong-o-viet-nam-co-gi-khac-voi-khai-niem-goc-trong-quy-hoach-phuong-tay/
https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/quang-truong-trai-tim-cua-thi.html
https://36pho.com/ha-noi-xua-va-nay-quang-truong-dong-kinh-nghia-thuc-2112.html
https://www.landscape-architects.nl/en/projects/duurzaam-schouwburgplein