Trong những ngày thành phố rộn ràng chuẩn bị các hoạt động chào mừng 50 năm ngày đất nước thống nhất thì ở không gian nhỏ tại Thảo Điền (thành phố Thủ Đức, TP.HCM), một bộ sưu tập hàng ngàn tác phẩm đầy màu sắc đang âm thầm kể một câu chuyện Việt Nam với khí thế hào hùng vượt thời chiến, tiến vào thời bình. Đó là bộ sưu tập Dogma của Dominic Scriven, Chủ tịch quỹ đầu tư lâu đời nhất tại Việt Nam - Dragon Capital.
Người đàn ông ngoài 60 với mái tóc nhiều sợi bạc búi cao trên đỉnh đầu cười tươi, tràn đầy năng lượng. Vừa bay từ Anh về Việt Nam sau sự kiện gặp gỡ các nhà đầu tư, ông vừa giải quyết công việc, vừa nói chuyện với nhân viên và trao đổi với phóng viên bằng tiếng Việt “như người Việt”.
Có một người Anh mê tranh cổ động...
Hình dung lại những ngày tháng đầu tiên đặt chân lên dải đất hình chữ S, trong hành trình du lịch từ Bắc vào Nam, Dominic cho biết đã bị cảnh đẹp, khí hậu, thức ăn, văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, cách đối xử... thu hút. “Nơi này vừa có nét Đông Á vừa có nét Đông Nam Á mà các nước khác không có. Học tiếng Việt cũng rất thú vị vì âm thì gần tiếng Hoa, nhưng chữ viết lại không phức tạp mà lại theo hệ chữ Latin”.
Hà Nội những năm 1990 tĩnh lặng với phố cổ rêu phong, đời sống phố thị diễn ra trên những vỉa hè, những hàng cây rũ bóng cạnh bờ hồ... Những không gian này khi thì được điểm tô, lúc thì được bao phủ bởi những áp phích, tranh cổ động, tuyên truyền. Điều này có sức cuốn hút đặc biệt với chàng trai trẻ người Anh 27 tuổi.
Dòng tranh cổ động tuyên truyền làm Dominic say mê để rồi nhận ra bản thân chúng là những tác phẩm nghệ thuật, thu hút sự chú ý bằng màu sắc rực rỡ, những khẩu hiệu kêu gọi hành động một cách rõ ràng và cấp bách. “Khi đó màu sắc rực rỡ bắt mắt nhất trên đường phố Hà Nội chính là những bức tranh cổ động, tuyên truyền. Tôi hỏi rất nhiều người, không ai biết tác giả, kỹ thuật hay trường phái nghệ thuật của những tác phẩm này”, Dominic kể.
Đam mê, tò mò thúc đẩy Dominic giao lưu và làm bạn với một số nghệ sĩ đương đại và mua vài tác phẩm, chân dung tự họa, đặc biệt từ nhóm Gang Of Five gồm Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Trần Lương và Phạm Quang Vinh. Đó là bộ sưu tập đầu tiên.
Một số poster cổ động trong bộ sưu tập Dogma trên website.
Cơ duyên đã kết nối để Dominic lần tìm các cơ hội đáp ứng sở thích của mình: gặp gỡ nhiều họa sĩ, tác giả, rồi sưu tập những áp phích, các bức vẽ, bộ tem suốt thời gian ở Việt Nam và hình thành bộ sưu tập Dogma. Bộ sưu tập đồ sộ ẩn chứa nhiều đề tài tuyên truyền cổ động về con người và đất nước Việt Nam kéo dài suốt 40 năm (1946 - 1986).
Các khẩu hiệu như “Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”, “Sức mạnh nhân dân vô địch”, “Người Tây Nguyên một lòng theo cách mạng”, “Ủng hộ cách mạng miền Nam”, “Niềm vui ngày đại thắng”, “Việt Nam đã thống nhất”, như những tiếng hô vang chứa đầy thông tin về các sự kiện, dấu mốc quan trọng; tái hiện một giai đoạn lịch sử sống động của đất nước và con người Việt Nam.
Sau rất nhiều buổi giới thiệu trưng bày trong và ngoài Việt Nam, gần đây Dominic mở phòng trưng bày cố định, tạo không gian triển lãm dành cho nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa, nghệ thuật thời chiến và nghệ thuật đương đại. Không gian này vừa trưng bày bộ sưu tập vẫn được làm phong phú mỗi ngày, vừa cung cấp những chương trình nghiên cứu và giải thưởng nghệ thuật đương đại liên quan. Đây là hoạt động phi thương mại, góp phần bảo tồn giá trị lịch sử và phát triển nghệ thuật thị giác ở Việt Nam.
... nhưng thích làm đầu tư mạo hiểm
Tốt nghiệp đại học Exeter ngành luật và xã hội học năm 1985, Dominic làm việc trong ngành tài chính cho Vickers da Costa tại London (Anh Quốc), rồi Sun Hung Kai Properties (Hồng Kông, Trung Quốc). Sau khi tích lũy được một ít vốn liếng và mạng lưới quan hệ trong ngành, năm 1990 Dominic đến Hà Nội học tiếng Việt rồi chọn ở lại lâu dài.
Bối cảnh Việt Nam sau đổi mới kích thích bản năng ưa mạo hiểm trong con người Dominic. Ông kể: “Đi tìm công việc mong muốn không có, mình nghĩ thôi nên tự khởi nghiệp, mà nghề mình biết là nghề quỹ. Lúc đó chính sách của Nhà nước Việt Nam bắt đầu cởi mở nhưng nền kinh tế còn thiếu thốn nhiều thứ, đặc biệt là nguồn vốn và gần như chưa có khái niệm về vốn quỹ. Đề án xây dựng sàn giao dịch tại TP.HCM đã được bàn thảo mà quỹ và vốn thì chưa có”.
Vào những năm 1990, đặc biệt sau khi Mỹ bỏ cấm vận, một số quỹ đầu tư nước ngoài đến Việt Nam muốn dùng hình thức rót vốn vào liên doanh để cùng điều hành doanh nghiệp. Dominic nhận ra điều không phù hợp ở mô hình này. Người nước ngoài không hiểu rõ văn hóa doanh nghiệp của người Việt. Nếu cùng tham gia điều hành, công ty sẽ gặp nhiều khó khăn và rủi ro. Vì thế, ông chọn mô hình khác. “Vì quy mô vốn của quỹ nhỏ nên mình phải tìm nơi nào có cơ hội nhất. Lúc đó tại TP.HCM, tinh thần và văn hóa doanh nghiệp linh hoạt, cởi mở, phát triển nhanh hơn các nơi khác. Mình chọn nơi đây đặt trụ sở và khởi nghiệp”.
Ông chủ động tìm đến những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thường là tư nhân hoặc cổ phần hóa, bởi họ cần những khoản vốn vừa phải, phù hợp với quy mô còn khiêm tốn của Dragon Capital lúc bấy giờ. Mô hình lý tưởng theo ông là đầu tư một khoản vốn đủ để doanh nghiệp phát triển nhưng vẫn đảm bảo duy trì quyền tự chủ trong điều hành. Việc thuyết phục họ cho góp vốn trên cơ sở “lời ăn lỗ chịu” cũng cần nhiều thời gian vì khi đó doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến các quỹ đầu tư mà chỉ nghĩ đến vay vốn ngân hàng với các điều kiện lãi suất, thế chấp. Các công ty đầu tiên Dragon Capital rót vốn đầu tư là REE, Lafooco hay Giày Hiệp An; tiếp đó là những cái tên như SAMCO, GELEX, Gemadept...
Dominic Scriven với hai người sáng lập Dragon Capital ban đầu. Ảnh: TLNV
Khi đó, TP.HCM đang nghiên cứu thành lập sàn giao dịch chứng khoán, dự tính ra mắt năm 1996. “Chúng tôi đặt hy vọng vào những công ty mà quỹ chúng tôi rót vốn sẽ lên sàn ngay khi sàn thành lập. Tuy nhiên khủng hoảng tài chính khu vực khiến các doanh nghiệp, ngân hàng đều gặp khó khăn. Chúng tôi phải thắt lưng buộc bụng, cầm cự và đợi thị trường chính thức mở cửa vào năm 2000”, Dominic kể. Nhiều doanh nghiệp sau khi niêm yết thành công đã mang lại lợi nhuận tích cực cho quỹ. Tiếp nối thành công đó, Dragon Capital còn đóng vai trò tư vấn trong quá trình thoái vốn nhà nước tại một số công ty lớn, với những thành công đáng ghi nhận như sự kiện cổ phần hóa và thoái vốn tại Vinamilk.
Không ít lần Dominic chia sẻ với báo chí rằng “Việt Nam và Dragon Capital chính là cuộc sống của tôi”. Từ những ngày đầu thành lập cho đến hiện tại, ông dành mọi tâm huyết, năng lượng cho quỹ và thị trường vốn, chứng kiến bao cái được và mất. Không chỉ quản lý dòng vốn đầu tư quốc tế đổ vào Việt Nam, ông còn góp phần định hình các sản phẩm tài chính đầu tiên, giúp mở đường cho sự phát triển của một thị trường vốn lành mạnh và hiệu quả.
Không ai có thể phủ nhận ông là một trong những người đầu tiên kết nối dòng vốn từ thế giới vào thị trường Việt Nam. Những cái tên như Bill Gates Foundation hay James Cameron đã tin tưởng và giao cho Dragon Capital quản lý những khoản đầu tư từ ngày đầu và hiện vẫn còn ở lại. Nhiều người trong giới tài chính Việt Nam gọi Dominic là “Bố già” với ý vừa nể phục vừa có phần e ngại. Dự đoán xu hướng, nắm bắt cơ hội và tìm lối đi riêng mang lại cho Dominic những trải nghiệm mà ông tự nhận một cách khiêm tốn là “đã sống sót” trong thị trường vốn hơn 30 năm qua.
Thành công từ thấu hiểu
Có lẽ Dominic chịu nhiều ảnh hưởng từ tính cách trượng nghĩa của những người Việt ông từng hợp tác, sát cánh trải qua khó khăn, thử thách trong suốt quá trình xây dựng và vận hành quỹ. Ông hay kể về những người sáng lập Dragon Capital. Đặc biệt là bà bán trà nước kiêm lao công văn phòng. Bà góp vốn đồ uống cho công ty kiêm lao công quét dọn, nấu ăn, phụ trách ký túc xá nhân viên. Một ông lái xe sẵn sàng đi công việc trong mưa trên chiếc jeep bụi bặm, vừa biết nghề để tự sửa xe. Họ là những người đầu tiên, cùng chia ngọt sẻ bùi với ông suốt các giai đoạn thăng trầm của quỹ hơn 3 thập niên qua. Đó cũng chính là quãng thời gian mà thị trường vốn Việt Nam hình thành, phát triển và đạt được vị trí nhất định.
Dominic chiêm nghiệm: “Không có điều gì lớn lao có thể thành công trong thời gian ngắn. Tham vọng là cần thiết, nhưng nếu không cẩn trọng, tham vọng cũng có thể dẫn đến thất bại. Phải biết lắng nghe, cả những người không cùng ngôn ngữ, không cùng ngành nghề với mình. Bạn thân là bạn trong thời khó chứ không chỉ trong lúc vui. Khi thành công ai cũng là bạn, nhưng khi gặp khó khăn mới biết ai là bạn thật và thật sự làm bạn”.
Dominic Scriven trình bày dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025, tại sự kiện của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn
Đến nay, bà Lan vẫn đều đặn mang trà cho Dominic và khách, dù giờ đây có thể nói bà là một trong những người rất giàu nhờ khoản đầu tư “công sức” ban đầu vào quỹ. Ông Quý lái xe năm xưa đã qua đời, nhưng mỗi khi nhắc lại những cộng sự đầu tiên đã cùng mình vượt qua giai đoạn khởi nghiệp đầy gian khó, Dominic luôn bày tỏ niềm tự hào và sự trân quý sâu sắc.
Ở Việt Nam đủ lâu để nghiền ngẫm và thích thú với một thói quen của người Việt được áp vào cả trong đời sống và công việc. Không nói không, mà thích nói chưa. Điều quan trọng là phân biệt được khi nào là “chưa”, khi nào là “không” trong từ “chưa” đó. “Tôi nghĩ điều đó bắt nguồn từ tính cách cởi mở, lạc quan và thích khám phá của người Việt. Gặp điều gì mới cũng chừa cơ hội tìm hiểu khám phá, họ nói “chưa” chứ không phải là “không”. Tất nhiên, vẫn có trường hợp nhiều khi bật ra tiếng nói “chưa” vì lịch sự hay ngoại giao nhưng thực tế trong đầu đã nghĩ là “không”, Dominic giải thích. Dù không tự tin khẳng định mình hiểu rõ khi nào người Việt nói chưa là không, Dominic mỉm cười: “Nếu làm ăn ở Việt Nam thì phải phát triển năng khiếu nhận biết điều đó. Và hiện nay mình vẫn còn ở đây”.
Dấu ấn của nhà tiên phong
Từ nhóm 8 thành viên đầu tiên thành lập quỹ, Dragon Capital đã không ngừng phát triển để trở thành một trong những quỹ đầu tư lâu đời và có quy mô hàng đầu tại thị trường Việt Nam với 200 nhân sự. Trong hành trình phát triển, Dragon Capital đã ghi dấu ấn tiên phong với nhiều sản phẩm và hoạt động mang tính đột phá trên thị trường tài chính như phát hành trái phiếu chuyển đổi đầu tiên, đầu tư vào một định chế tài chính đầu tiên và hợp tác thành lập quỹ huy động vốn trong nước đầu tiên.
Dominic đánh giá Việt Nam đã có sự tăng trưởng cao về kinh tế, đời sống người dân đã được nâng lên: GDP bình quân đầu người từ hơn 200 USD năm 1994 lên hơn 4.000 USD sau 30 năm. Người Việt Nam cởi mở, vui vẻ, lạc quan và có khả năng tự cân bằng. “Đời sống hiện tại rất nhiều sức ép, thách thức, nhưng tôi nhìn thấy phần đông tự cân bằng rất tốt. Điều đó thể hiện rất rõ qua nụ cười của mọi người. Ngày nay họ đi lại nhiều hơn, tự tin hơn về quy mô của kinh tế và đất nước, về sức mạnh, hiểu biết, khả năng, vai trò quốc gia khi chủ động tham gia tích cực hơn vào các hoạt động quốc tế”, Dominic nói.
Trên thực tế phát triển về kinh tế, đời sống con người ngày một tốt hơn, đặc biệt là ở những trung tâm vốn như TP.HCM hay Hà Nội, nơi thị trường đã phát triển đến mức độ nhất định, người lãnh đạo Dragon Capital nhìn thấy nhiều sản phẩm còn thiếu. Đây chính là cơ hội cho những nhà làm về tài chính và quỹ như ông. Việt Nam đã phát triển ấn tượng, từ đói nghèo lên đủ ăn và dư dả, có vốn đầu tư các sản phẩm tài chính chuyên biệt, đặc biệt các kênh đầu tư dành cho người cao tuổi, hưu trí.
“Không có quốc gia phát triển, văn minh nào mà không có quỹ hưu trí bên cạnh quỹ bảo hiểm xã hội của nhà nước. Các công cụ, kênh, sản phẩm hưu trí là một phần không thể tách khỏi cấu trúc an sinh xã hội của một nước. Thế nhưng tại Việt Nam hiện nay lĩnh vực quỹ hưu trí ngoài nhà nước gần như là khoảng trống. Thị trường mới bắt đầu xuất hiện vài sản phẩm và chỉ là bước khởi đầu. Dragon Capital đang thiết kế và phát triển mạnh các sản phẩm. Hy vọng chúng tôi có thể tiếp tục ghi dấu ấn tiên phong trong lĩnh vực đầy tiềm năng này”, Dominic bày tỏ.
Từ 16 triệu USD khi gọi vốn năm 1995, bắt đầu đầu tư từ 1996, hiện Dragon Capital đang quản lý tổng tài sản trên dưới 5 tỷ USD. Cơ cấu quỹ hiện nay có 10% từ nhà đầu tư Việt Nam, 10% từ Mỹ, từ châu Âu là 40%, còn 40% từ châu Á.
Năm 2014, Dominic được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Trước đó, vào năm 2006, ông đã vinh dự nhận Huân chương OBE (Order of the British Empire) từ Chính phủ Anh vì những cống hiến trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Ninh Hạ