Cuộc trò chuyện với Trần Huỳnh diễn ra vào buổi sáng cuối tuần nhưng cũng không thể thong dong, bởi liền sau đó anh phải đến công ty. “Tôi thích mình luôn bận rộn với công việc. Tuổi trẻ mà, những trải nghiệm sẽ giúp mình trưởng thành hơn…”, Huỳnh cười giải thích.
Những cuốn sách cũ không đọc nữa sẽ gây hại gì cho môi trường, khiến Huỳnh phải trăn trở và lập ra dự án “sách cũ vì môi trường”?
Người dân ở các đô thị hiện nay đang phải gánh chịu ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng do tồn ứ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, khói bụi… Chỉ một phần rất ít rác thải được tái chế. Với sách cũ, ngoài những sách thật quý hiếm người ta đưa đến các tiệm sách cũ để bán khi không còn nhu cầu lưu giữ, còn lại hầu hết thường được bán ve chai hoặc vứt bỏ và từ đây sách cũ thành một nguồn rác vô cơ. Trong khi người ta phải đốn hạ rất nhiều cây xanh để có nguyên liệu làm ra giấy in sách mới thì những cuốn sách cũ có nội dung tương tự, có thể tái sử dụng chúng ta lại bỏ đi - quá lãng phí. Tôi quan sát thấy rất nhiều sách cũ như sách giáo khoa, giáo trình, sách học thuật… thành giấy gói xôi, gói bánh mì, rồi ăn xong người ta vứt ra hè đường vô tội vạ, trong khi ở những vùng sâu vùng xa nhiều người không có sách để học, để đọc. Nếu chúng ta luân chuyển được những quyển sách cũ từ chủ nhân này sang chủ nhân khác thì vòng đời của một cuốn sách sẽ dài hơn, thậm chí sống mãi. Như thế, ngoài việc giúp người khác có sách đọc làm giàu tri thức, còn giảm đáng kể lượng rác thải vô cơ từ sách cũ, giảm chặt cây xanh làm giấy và góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị.
Thông qua dự án của mình, tôi cũng hy vọng mọi người sẽ dần hình thành được thói quen tái sử dụng những thứ đã dùng. Tôi quan niệm mỗi người có mức độ quan tâm môi trường khác nhau. Ai có thực lực mạnh thì làm những dự án hoành tráng, còn mình điều kiện chừng đó thì làm những gì gần gũi cuộc sống.
Dự án “Sách cũ vì môi trường” của Huỳnh ra đời năm 2011 nhằm tham gia chương trình Đại sứ môi trường do công ty Bayer phối hợp với chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc tổ chức. Với kết quả vào top 12 và được phong danh hiệu đại sứ, sau một năm kết thúc chương trình hầu như các dự án khác đã ngừng lại, sao Huỳnh vẫn tiếp tục?
Vì niềm say mê và cả lòng biết ơn của tôi đối với sách cũ. Đi lang thang trong các tiệm bán sách cũ, nhìn những trang sách đã nhuốm màu thời gian, thấy chúng có hồn vía vô cùng. Hồi học phổ thông rồi lên đại học, tôi hầu như sử dụng sách giáo khoa cũ, mua hoặc mượn của các anh chị khoá trên. Tôi muốn dự án của mình sẽ giúp được nhiều sinh viên nghèo trong hoàn cảnh giá sách ngày càng tăng.
Nhiều lúc tôi cũng nghĩ hay là dừng lại, bởi cũng không thu được tiền bạc gì mà còn lấy mất thời gian lo cơm áo gạo tiền, nhất là mỗi khi di chuyển chỗ ở, vận chuyển sách rất cực. Nhưng rồi nhìn lại đống sách mà mọi người tin tưởng ký gửi, nhớ đến niềm vui của những người được mình tặng sách, tôi lại không nỡ, không an tâm dừng hay chuyển giao dự án cho người khác. Trong tương lai, nếu có điều kiện tôi muốn phát triển dự án của mình thành những thư viện sách cũ và tổ chức ngày hội đổi sách cũ.
Huỳnh phải tự lập sớm để kiếm tiền ăn học, trong khi dự án lại phi lợi nhuận thì lấy đâu ra chi phí nuôi các hoạt động suốt hơn ba năm?
Trong năm đầu tiên làm đại sứ môi trường, tôi tìm được tài trợ để lập website có tên “Nhà sách cũ”. Khi kết thúc chương trình đại sứ, tôi cũng đóng website luôn để tiết kiệm. Thay vào đó tôi đẩy mạnh truyền thông cho dự án trên các trang mạng xã hội: facebook, yahoo!, skype… vừa không tốn tiền vận hành website mà hiệu quả lan toả lại nhanh, rộng hơn. Riêng khoản chi phí xe cộ đi lại luân chuyển sách cũng không bao nhiêu. Bù lại, tôi thấy mình nhận được nhiều hơn những hao tổn bỏ ra, đó là niềm vui khi làm được điều có ích cho cộng đồng, được tiếp cận thường xuyên với sách, được đọc những quyển sách hay khó tìm thấy ở nhà sách, được quen nhiều người bạn mới có cùng đam mê đọc sách. Như vậy là “lãi” quá rồi còn gì!
Lúc cao điểm, dự án của Huỳnh tiếp nhận được bao nhiêu sách cũ?
Khoảng một ngàn mấy đến hai ngàn cuốn. Được cái sách nhận xong, nhu cầu luân chuyển cũng khá nhanh. Có sách mới rao lên facebook chút xíu đã có người nhận. Lúc đầu chỉ mình tôi lo mọi việc, giờ thì đỡ hơn vì có một số bạn tình nguyện viên cùng tham gia.
Lúc cao điểm, dự án của Huỳnh tiếp nhận đến 2.000 cuốn sách cũ.
Dự án của tôi cũng nhận đăng ký tìm giúp sách cũ. Tôi luôn tâm niệm, khi người ta có tâm huyết với việc mình làm thì dù khó khăn đến mấy họ cũng sẽ nghĩ ra cách làm bằng được.
Những người tặng và nhận sách từ dự án thường là ai? Làm sao để chắc chắn sách được trao đến người nhận đích thực?
Người liên hệ đưa sách tặng thường từ 25 tuổi trở lên nhưng nhìn nội dung sách thì thấy có cả học sinh tiểu học. Chiếm số lượng nhiều nhất là sách học tiếng Anh, rồi sách giáo khoa, giáo trình đại học, loại sách dạy làm người… kế đến là tiểu thuyết, sách văn học, truyện thiếu nhi… Còn người nhận sách thường là các nhóm hoạt động xã hội, cần sách để làm từ thiện ở vùng sâu vùng xa; những sinh viên, học sinh nghèo. Đến lúc này tôi chưa phát hiện trường hợp nào nhận sách để bán hoặc làm việc khác trục lợi. Tôi luôn nghĩ khi dự án mình là phi lợi nhuận, mọi người làm với tinh thần vô tư, trung thực, mục đích tốt đẹp thì người ta tìm đến mình cũng với tâm thế ấy. Lấy tấm lòng ra đối đãi thì ta sẽ nhận về được tấm lòng. Đã có những người chỉ muốn tặng sách cũ cho dự án của tôi thay vì bán ve chai hoặc gửi đến những nơi đọc miễn phí, bởi họ mong muốn những quyển sách đó đến được đúng người có nhu cầu thực sự và cảm thấy hạnh phúc khi biết ở một nơi xa xôi hẻo lánh, có những bạn trẻ nghèo vui mừng khi nhận được sách, thông qua các sinh viên tham gia Mùa hè xanh đem xuống trao tặng.
Dự án của Huỳnh trong một lần đến tặng sách cho học sinh trường Tô Hiến Thành (TP.HCM)
Huỳnh nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng văn hoá đọc của người trẻ đang xuống cấp và thói quen đọc sách đang dần mất đi?
Tôi quan sát thì cũng thấy người trẻ thế hệ tôi ngày càng ít cầm sách đọc hơn thật. Thế nhưng hình ảnh họ cầm máy tính bảng, điện thoại thông minh để đọc sách điện tử (eBook) cũng ngày càng phổ biến. Nếu chỉ vì vậy mà ta nói văn hoá đọc xuống cấp thì có chính xác không? Đọc sách giấy hay eBook thì vấn đề cốt lõi, mục đích cuối cùng là tiếp nhận tri thức. Văn hoá đọc có xuống cấp hay không là do chọn nội dung đọc chứ không phải đọc bằng hình thức gì. Nếu chúng ta biết chọn lọc thông tin, tìm đến thông tin tốt thì đọc bằng phương tiện nào cũng hữu ích. Không có gì phải đau đớn cho văn hoá đọc khi ngày càng thiếu vắng người trẻ cầm sách mà lại càng nhiều người trẻ cầm iPad, bởi chỉ cần mở một tập tin eBook ra thôi là họ tiếp nhận lượng tri thức của cả trăm, cả ngàn cuốn sách. Chỉ đáng lo khi nào người trẻ không còn nhu cầu với tri thức. Tôi rất ngại khi ta nhìn một hiện tượng nào đó bằng định kiến và áp đặt điều mong muốn của ta lên người khác. Với những người đã có thói quen đọc sách thì kiểu gì họ cũng sẽ tiếp tục, như tôi đọc eBook nhưng vẫn thích đọc sách giấy những dịp rảnh, bởi trải nghiệm cầm cuốn sách, lật từng trang, nghe thoảng mùi giấy, thi thoảng dừng lại suy gẫm… rất thú vị mà khi đọc trên mạng rất khó có được cảm giác đó.
Bài: Yến Nhi - Ảnh: Huyền Trang
Trần Huỳnh năm nay 24 tuổi, tốt nghiệp đại học Ngoại thương TP.HCM năm 2012, hiện làm việc tại công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long. Một số thành tích của Huỳnh: học sinh giỏi quốc gia môn Anh văn; giải thưởng Lý Tự Trọng; giải thưởng Mãi mãi tuổi 20; học bổng Gemadept; học bổng SCIC; học bổng PVFCO; học bổng Mobifone - Vì tương lai Việt; học bổng Vượt qua nghịch cảnh của Trung Nguyên; giấy khen Trung ương hội Sinh viên về thành tích xuất sắc trong Tiếp sức mùa thi... Độc giả muốn góp sách hoặc nhận sách, có thể liên hệ với Huỳnh qua điện thoại: 0905270500. |