mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

COVID-19 gia tăng tại châu Á, người dân được khuyến cáo cảnh giác

 15:47 | Thứ sáu, 16/05/2025  0
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho hay thời điểm này chưa ghi nhận các ổ dịch COVID-19 tập trung, nhưng cũng có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình với 20 ca mắc mỗi tuần.

Các ca nhiễm COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại một số quốc gia và vùng kinh tế tại châu Á, như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan. Sự gia tăng hiện được cho có thể do sức khỏe miễn dịch của người dân yếu đi. Mặc dù chưa có cảnh báo tình hình nghiêm trọng nhưng các chuyên gia đều khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa và không nên chủ quan.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ảnh minh họa. Nguồn: VNExpress


Tờ Bangkok Post tường thuật, từ ngày 1-10.5, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng hơn 53.600 ca nhiễm COVID-19 và 16 ca tử vong. Chỉ riêng tuần trước, từ ngày 4-10.5, nước này ghi nhận khoảng 16.600 người được báo cáo nhiễm virus, tăng gần 2 ngàn ca so với tuần trước đó,

Theo Tiến sĩ Yong Poovorawan thuộc Khoa Y của Đại học Chulalongkorn, các biến thể mới nhất của COVID-19 được báo cáo là lây truyền nhanh hơn, dù triệu chứng nhẹ hơn, và có vẻ “vắc-xin không thể ngăn ngừa các chủng COVID-19 mới”.

Theo Bloomberg, Bộ Y tế Singapore cho biết số ca mắc COVID-19 tăng 28% lên 14.200 ca và số ca nhập viện tăng khoảng 30% trong vòng một tuần, tính đến ngày 3-5. Cơ quan chức năng nước này nhận định đây là tình trạng theo chu kỳ, tương tự các bệnh đường hô hấp khác. Số ca mắc COVID-19 tăng đột biến có thể do miễn dịch của người dân đã suy yếu. Hai biến thể chính tại Singapore là LF.7 và NB.1.8, có nguồn gốc từ JN.1, hiện đã có vaccine phòng ngừa.

Chính phủ Singapore khuyến khích người từ 60 tuổi trở lên, người dễ tổn thương, nhân viên y tế và người sống cùng nhóm nguy cơ tiêm thêm liều vaccine nhắc lại một năm sau liều gần nhất.

Riêng tại Hong Kong, đại diện Trung tâm Bảo vệ sức khỏe của Hong Kong, cho biết COVID-19 đang lan truyền khá nhanh khi tỷ lệ các mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính gần đây đã đạt mức cao nhất trong vòng một năm. Số ca nặng và số ca tử vong từ đầu tháng 4.2025- 3.5.2025 đạt mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây, với 31 ca tử vong.

Đài Loan cũng ghi nhận sự gia tăng về các ca nhiễm COVID-19. CDC Đài Loan cho hay từ ngày 4-10.5, gần 10.000 lượt khám ngoại trú và cấp cứu do COVID-19 được ghi nhận, tăng 66% so với một tuần trước đó và là tuần tăng thứ năm liên tiếp về số ca bệnh. Trong đó, có 6 ca tử vong và 34 ca bệnh nặng mới từ ngày 6- 11. 5 được thống kê, theo trang Focus Taiwan.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng chứng kiến ​​sự gia tăng nhẹ những tuần gần đây, nhưng khẳng định tình hình vẫn nằm trong phạm vi có thể kiểm soát và tương đối ổn định.

Báo Global Times đưa tin, theo công bố của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC Trung Quốc) hồi tuần trước, tỷ lệ dương tính Covid-19 trong tổng số ca bệnh triệu chứng giống cúm tăng từ 7,5% lên 16,2% trong giai đoạn 31.3 - 4.5. Trong các ca viêm hô hấp cấp tính nặng, tỷ lệ dương tính tăng từ 3,3% lên 6,3%. Chuyên gia y tế Cai Weiping từ Quảng Châu cho rằng sự gia tăng này có thể do mức độ kháng thể trong dân số suy giảm khoảng 10 tháng sau đợt dịch gần nhất.

Trên phạm vi toàn cầu, số trường hợp mắc, tử vong do COVID-19 đang có xu hướng giảm ngược lại với tình hình tại châu Á. Nhiều chuyên gia cho rằng sự gia tăng nhanh số ca nhiễm COVID-19 tăng tại Thái Lan trùng với thời điểm và thời gian ủ bệnh sau ngày tết truyền thống, nhiều khả năng do có có sự gia tăng tụ tập đông người và sự gia tăng của biến thể phụ XBB.1.16.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron xuất hiện từ năm 2023, có khả năng lây lan nhanh chóng nhưng chưa có bằng chứng gây triệu chứng nghiêm trọng hơn và hiện không có cảnh báo mới đối với COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.

Tại Việt Nam, bộ Y tế cho hay thời điểm này chưa ghi nhận các ổ dịch Covid-19 tập trung, nhưng cũng có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình với 20 ca mắc mỗi tuần. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân đến và về từ các nước có số ca mắc Covid-19 tăng cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng chống dịch cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần.

Từ đầu năm 2025 đến nay Bộ Y tế ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc tại 27 tỉnh, thành phố, không có tử vong, trong đó TP.HCM có 34 trường hợp , Hà Nội (19), Hải Phòng (21), Bắc Ninh (14), Nghệ An (17), Quảng Ninh (6), Bắc Giang (4), Bình Dương (4), 19 tỉnh, thành phố khác ghi nhận 1 đến 2 ca nhiễm bệnh.

Riêng tại TP.HCM, theo Một Thế Giới, ngày 15.5, Sở Y tế TP.HCM cho hay trong 4 tuần qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại TP ghi nhận 40 ca COVID-19 điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP, không có trường hợp cần hỗ trợ hô hấp. Riêng tuần 19 (từ 5.5 đến 11.5), TP.HCM ghi nhận 16 ca mắc COVID-19, tăng 10 ca so với trung bình 4 tuần trước đó (6 ca/tuần). Từ đầu năm 2025 đến nay, TP.HCM đã có 51 ca bệnh COVID-19, trong đó có 29 ca điều trị nội trú và 22 ca điều trị ngoại trú. So với cùng kỳ năm 2024, tổng số ca mắc năm 2025 giảm đến 83% và không có ca bệnh cần phải hỗ trợ hô hấp.

Ngành y tế Việt Nam nhận định COVID-19 là bệnh lưu hành với hoạt động giao lưu, đi lại cao của người dân trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 nên không loại trừ khả năng gia tăng các trường hợp mắc mới trong thời gian tới. Tuy nhiên các trường hợp nặng do biến thể của virus COVID-19 có khả năng không gia tăng.

Việt Nam đã tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình COVID-19. Bộ Y tế cũng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng; sẵn sàng thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao. Bộ sẽ phối hợp với WHO theo dõi chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh COVID-19:

Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế.

Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết).

Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý.

Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời.

_______________

Những ai nên đặc biệt tuân thủ các khuyến cáo phòng bệnh? 

Trả lời báo Người Lao Động, BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, Cố vấn chuyên môn về Nhiễm tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết đó là những người mắc bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch hoặc người lớn tuổi. Nhóm này nên tuân thủ nghiêm các khuyến cáo về phòng bệnh hô hấp. Nhưng về cơ bản các biện pháp như đeo khẩu trang khi cần, rửa tay, giữ vệ sinh cá nhân, theo dõi triệu chứng… là áp dụng cho tất cả mọi người.

"Với nhóm dễ tổn thương này, chúng ta luôn phải cẩn trọng, không chỉ với COVID-19 mà với tất cả các bệnh truyền nhiễm hô hấp. Các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, theo dõi sức khỏe… cần được duy trì thường xuyên, không phụ thuộc vào việc có COVID-19 hay không", BS Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Lan Chi tổng hợp

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.