Vì sao thực hiện nhiều giải pháp chống ngập vẫn cứ ngập?
Nói về tình trạng ngập sâu tại các tuyến đường ở khu vực chợ Thủ Đức mỗi khi có mưa lớn, chiều 15.5, ông Nguyễn Quang Chi - Phó trưởng phòng Giao thông công chính TP. Thủ Đức (TP.HCM), cho biết thời gian qua TP.Thủ Đức đã thực hiện nhiều giải pháp chống ngập tại các tuyến đường này nhằm thoát ngập.
Tuy nhiên, tình trạng ngập vẫn diễn ra, thậm chí còn ngập trầm trọng hơn mỗi khi có mưa lớn. Nguyên nhân do khu vực chợ Thủ Đức là khu vực lòng chảo, đón nhận nước đổ về từ các hướng.
Mỗi khi có mưa lớn các tuyến đường ở khu vực chợ Thủ Đức (TP.HCM) lại chìm trong "biển" nước. Ảnh: PV
Trong đó, phía bắc là lưu vực khu vực đường Hoàng Diệu, đường Kha Vạn Cân đổ về; phía tây bắc là lưu vực từ tỉnh Bình Dương dọc theo đường sắt bắc - nam và đường Phạm Văn Đồng theo suối Linh Tây đổ về; phía đông là lưu vực từ khu vực ngã tư Thủ Đức theo đường Võ Văn Ngân đổ về khu vực chợ Thủ Đức để thoát ra rạch cầu Ngang và rạch Thủ Đức nhưng Cầu Ngang (trên đường Kha Vạn Cân giao với rạch Cầu Ngang) có chiều rộng chỉ khoảng 5,3m, là vị trí “thắt cổ chai”, nước thoát ra rạch Thủ Đức không kịp nên gây ngập.
Ngoài ra, do quá trình đô thị hóa và bê tông hóa cao, làm thay đổi căn bản lớp phủ của lưu vực hứng nước mưa từ tự nhiên (dễ thấm nước), đến nay hầu hết đã bị mất khả năng thấm nước dẫn đến lưu lượng đỉnh mưa tăng lên làm cho hệ thống thoát nước xung quanh khu vực Chợ Thủ Đức trở nên quá tải.
Hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino làm xuất hiện nhiều cơn mưa cường độ lớn khu vực phía nam kết hợp mực nước biển dâng như hiện nay, khu vực hạ lưu rạch Thủ Đức giáp sông Sài Gòn phải đối mặt với nguy cơ ngập cao do triều cường kết hợp mưa; trong khi đó một số dự án liên quan để giải quyết tiêu thoát nước cho khu vực chợ Thủ Đức chưa được thực hiện, hoặc đang thực hiện nhưng chưa hoàn thành nên khó khăn trong công tác giải quyết ngập.
Trong khi đó, một số dự án thoát nước đều tập trung thoát nước về khu vực Chợ Thủ Đức, trong khi rạch Thủ Đức là hướng thoát nước chính của khu vực để thoát ra sông Sài Gòn nhưng chưa được cải tạo, nạo vét nên bị đất, cát, lục bình, cỏ dại bồi lắng, khả năng trữ lượng nước kém, hạn chế khả năng thoát nước ra sông Sài Gòn dẫn đến tình trạng ngập khu vực Chợ Thủ Đức.
“Với đặc điểm về địa lý, và thực trạng hệ thống thoát nước cùng với các dự án giải quyết ngập như hiện nay, trong những năm qua khu vực chợ Thủ Đức thường xuyên xảy ra tình trạng ngập do mưa lớn kết hợp triều cường như cơn mưa với vũ lượng khoảng 200mm vào sáng 10.5 vừa qua”, ông Chi nhấn mạnh.
Thúc đẩy dự án chống ngập hơn 5.000 tỉ đồng
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Quang Chi cho biết trước mắt địa phương đang tăng cường lực lượng xung kích, phòng chống thiên tai trực để chủ động xử lý các điểm ngập theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, hướng dẫn người dân lưu thông khi có mưa to gây ngập khu vực chợ Thủ Đức, hỗ trợ dân khi bị ngập; thường xuyên phối hợp Thanh tra xây dựng TP.Thủ Đức tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các công trình xây dựng lấn chiếm kênh, rạch, cửa xả thoát nước, bít miệng thu nước của hố ga, hệ thống bờ bao thủy lợi và kênh mương tiêu thoát nước trên địa bàn; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh, rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP.Thủ Đức chỉ đạo Đội phản ứng nhanh xử lý ngập gồm 3 tổ phản ứng nhanh xử lý ngập với 3 máy bơm nước phối hợp với UBND các phường Linh Tây, Trường Thọ, Linh Chiểu để có các biện pháp bơm nước, vớt rác nhằm tăng khả năng thoát nước của tuyến đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, hẻm 17, hẻm 57 đường Dương Văn Cam.
Trung tâm cũng phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM trong việc vận hành cống ngăn triều rạch Thủ Đức đảm bảo theo quy trình vận hành đã được phê duyệt (khi có thông tin cảnh báo triều cường với mực nước từ +1,3m; sẽ vận hành đóng cống khi mực nước trong rạch là +0,6m) để góp phần tạo dung tích chứa nước khi có mưa kết hợp triều cường; khi mực nước trong rạch cao hơn phía sông sẽ vận hành 3 máy bơm với công suất 7.200 m3/giờ bơm nước để giảm, hạn chế ngập úng tại khu vực chợ Thủ Đức cũ.
Về lâu dài, để giải quyết căn cơ tình trạng ngập ở đây, ông Chi cho biết UBND TP.Thủ Đức lập báo cáo đề xuất chủ trương trình UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước theo mương Ngọc Thủy (phường Trường Thọ) với tổng kinh phí dự kiến khoảng 85,7 tỉ đồng (chia sẻ một phần lưu vực trên đường Võ Văn Ngân, thoát về rạch Nhà Trà, sau đó thoát ra rạch Thủ Đức); đồng thời, UBND TP. Thủ Đức kiến nghị Sở Xây dựng sớm lập báo cáo đề xuất chủ trương trình UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương Dự án xây dựng kè, cải tạo, nạo vét rạch Thủ Đức kết hợp xây dựng trạm bơm công suất 120.000 m3/giờ (đoạn từ cầu Ngang đến sông Sài Gòn) với tổng kinh phí dự kiến khoảng 5.173 tỉ đồng nhằm giảm tải lưu lượng nước tập trung về chợ Thủ Đức và giải quyết việc tiêu thoát nước cho khu vực.
Hồ Quang