Hôm nay (22.7), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký Công văn hỏa tốc số 5881/BYT-KCB gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Tại văn bản này, Bộ Y tế nhận định tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng. Để có thêm nguồn lực, hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn cần rà soát, củng cố lại các điều kiện về nhân lực, thuốc, thiết bị y tế, cơ sở vật chất để phòng, chống dịch COVID-19. Cùng đó, tiếp tục thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, không để lây nhiễm chéo tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng yêu cầu xây dựng kế hoạch và sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 khi có yêu cầu của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế.
Với sự tham gia của hệ thống y tế tư nhận sẽ tăng thêm nguồn lực, hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Zing.vn
Trước đó, như Người Đô Thị đã phản ánh qua bài viết Đại dịch COVID-19: vì sao y tế tư nhân vẫn ngoài cuộc? của tác giả Minh Thắng, đó là tình trạng các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 đang quá tải, bệnh nhân thiếu chỗ nằm. Số người nhiễm bệnh một ngày tăng chóng mặt và nhu cầu theo dõi, chăm sóc sức khỏe càng trở nên bức thiết. Những người có thu nhập cao, có điều kiện kinh tế, họ sẵn sàng trả phí để đội ngũ Y tế theo dõi và hỗ trợ điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khối y tế tư nhân hiện nay vẫn chưa được huy động vào công tác điều trị, gây lãng phí nguồn lực xã hội...
Nhận thấy nhân viên y tế bệnh viện công quá tải, cơ sở khám chữa bệnh ở bệnh viện công quá tải, các bác sĩ ở khu vực bệnh viện y tế tư nhân đã lập nhóm kêu gọi các bác sĩ tư nhân tham gia tư vấn và khám chữa bệnh cho người dân thành phố khi cần. Với "Chiến dịch tư vấn sức khỏe miễn phí mùa dịch" do bác sĩ Đỗ Triều Hưng - Tổng Thư ký Liên chi hội hành nghề y tư nhân TP.HCM và "Giúp nhau mùa dịch" do BS Phan Xuân Trung - Trung tâm Y khoa Medic TP.HCM, khởi xướng. Kết quả, có hàng trăm bác sĩ để lại số điện thoại và sẵn sàng xung phong trong công tác tư vấn bệnh từ xa hoặc chăm sóc y tế tận nhà người dân. Có nghĩa rằng, các bác sĩ thuộc khối y tế tư nhân rất sẵn sàng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người dân trước dịch bệnh COVID-19. Lực lượng này cần được nhà nước trang bị thêm kiến thức về phòng dịch và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Với nhiều nước khác, khi dịch lên cao trào, đỉnh điểm, nhà nước ngay lập tức kêu gọi các cơ sở y tế tư nhân tham gia chăm sóc sức khỏe và quản lý các F0 tại nhà. Ở Việt Nam, đến thời điểm này, nhu cầu chăm sóc cho các bệnh nhân COVID-19 tại nhà là nhu cầu có thật, khả năng bệnh viện tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân covid tại nhà hoàn toàn đảm bảo. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải có sự đồng ý và hướng dẫn của Bộ Y tế về chuyên môn lẫn việc thu phí.
Nhiều bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện quốc tế Minh Anh khi có bệnh nền đang trở nặng, đang thở oxy nhưng bệnh viện không dám nhận vì có thể bệnh nhân đang mắc COVID-19. Bệnh viện không có chức năng điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong khi, gia đình bệnh nhân liên lạc với lực lượng cấp cứu 115 và các cơ sở điều trị COVID-19 thường gặp tình trạng bận không liên lạc được hoặc chưa thể nhận bệnh vì quá tải. Bệnh viện lại phải gọi điện đến Phòng Nghiệp vụ y của Sở Y tế TP.HCM để được hướng dẫn xử lý.
ThS-BS Hồ Mạnh Tường - thành viên của Hiệp hội Y tế tư nhân TP.HCM, cho rằng khi các bệnh viện điều trị COVID-19 đang quá tải, số người dân nhiễm và có nhu cầu theo dõi sức khỏe rất nhiều. Những người có thu nhập cao, có điều kiện kinh tế có thể có nhu cầu được theo dõi với các hình thức dịch vụ tốt hơn và sẵn sàng trả phí để được điều trị, chăm sóc an toàn. Những người mắc bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng chỉ cần theo dõi và hỗ trợ điều trị.
Nhiều bệnh viện đa khoa tư nhân hiện nay đang trống, nhân sự sẵn có và cũng đã được tiêm ngừa đầy đủ. Các bệnh viện này có thể mở dịch vụ thu phí chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nhẹ. Khi có trường hợp nặng có thể chuyển sang tuyến trên theo hệ thống điều trị COVID-19 của thành phố...
Do đó, bệnh viện tư có thể góp phần hỗ trợ hệ thống y tế thành phố, góp phần phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giúp bệnh viện hoạt động hết công suất và tạo nguồn thu cho bệnh viện với mức phí thu ở mức vừa đủ để bù các chi phí vận hành.
Vấn đề lúc này cần sự hướng dẫn, cho phép của Bộ Y tế với những cơ chế hoạt động phối hợp với bệnh viện nhà nước để tận dụng nguồn nhân lực lẫn cơ sở vật chất để chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 hiệu quả hơn.
Về diễn biến dịch bệnh COViD-19, Bộ Y tế cho biết ngày hôm nay (22.7) nước ta ghi nhận có 6.194 ca mắc mới, trong đó 30 ca nhập cảnh và 6.164 ca ghi nhận trong nước. Các tại các địa phương ghi nhận số ca nhiễm cao, gồm: TP.HCM (4.218), Bình Dương (679), Long An 432), Đồng Nai (210), Đồng Tháp (117)...
Tính đến sáng ngày 22.7, Việt Nam có tổng 74.371 ca mắc, trong đó có 2.129 ca nhập cảnh và 72.242 ca mắc trong nước. Riêng số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 70.672 ca, trong đó có 10.647 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Về tình hình điều trị, ngày hôm nay có 1.450 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 13.421 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 129 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.
Về tình hình xét nghiệm, trong 24 giờ qua đã thực hiện 151.033 xét nghiệm cho 719.203 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 4.905.725 xét nghiệm cho 13.572.520 lượt người.
Về tình hình tiêm chủng, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.367.939 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.042.984 liều, tiêm mũi 2 là 324.955 liều.
BTV