Điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Hồi sức. Ảnh: Zing
Với 2.433 ca mắc mới, TP.HCM đã ghi nhận đỉnh cao nhất từ đầu dịch trong số ca mắc COVID-19 trong buổi sáng. Trước đó, đỉnh cao nhất của TP.HCM là vào sáng 18.7 khi ghi nhận 2.382 ca mắc nhưng trong đó có đến 626 ca là cộng dồn từ các ca mắc trước nên số ca thực tế ghi nhận của sáng 18.7 chỉ là 1.756 ca. Tiếp đến, TP.HCM có ba buổi sáng ghi nhận số ca ghi nhận khá “phẳng”. Cụ thể là ngày 19.7, TP.HCM ghi nhận 1.535 ca, ngày 20.7 ghi nhận 1.519 ca và sáng qua nhích lên một chút là 1.739 ca.
Trong cuộc họp báo thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 vào chiều tối 21.7. Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định trong thời gian qua số ca mắc COVID-19 ở TP vẫn tăng rất cao, diễn biến dịch có chiều hướng phức tạp.
Đến ngày 24.7 tới đây, TP.HCM sẽ kết thúc 15 ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 mà TP.HCM đã đưa ra trước đó. Tuy nhiên, số ca mắc vẫn chưa thuyên giảm nếu không muốn nói là tăng. Trước tình hình này, ông Mãi nhận định nhiều khả năng TP sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, thậm chí sẽ tăng cường một số biện pháp.
Hiện Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của TP.HCM đang chuẩn bị các giải pháp tăng cường trong phòng chống dịch COVID-19. “Thành phố sẽ tập trung tăng cường vận động, giám sát để các tổ chức cá nhân trên địa bàn TP thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn. Trong đó phải thực hiện triệt để cách ly giữa nhà với nhà, người với người để hạn chế tối đa việc tiếp xúc làm lây lan mầm bệnh”, ông Mãi nhấn mạnh.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, TP đang tính toán việc giãn dân tại các khu nhà trọ, chung cư cho phù hợp, vì hiện nay những khu vực này còn đang tập trung khá đông. Ông Mãi đề nghị các ngành chức năng tuyên truyền để người dân thực hiện triệt để trong thời gian tới nhằm ngăn chặn cho được nguồn lây lan dịch bệnh.
Song song với việc thực hiện triệt để giãn cách xã hội, ông Mãi cho biết TP sẽ tập trung phân loại, phân tầng, quản lý, chăm sóc, điều trị các trường hợp F0. “Việc phân tầng này sẽ giúp mạch lạc hơn trong việc quản lý, theo dõi, điều trị”, ông Mãi nói.
Cũng vào hôm qua, 21.7, Bộ Y tế ghi nhận thêm 36 ca tử vong trong đó có 32 ca tử vong tại TP.HCM. Như vậy, theo số liệu của Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ 4, số ca tử vong liên quan COVID-19 tại TP.HCM đã là 221 ca, trong đó có 215 ca ghi nhận trong tháng 7. Trong khi đó, số liệu từ HCDC thuộc Sở Y tế TP.HCM thì số ca tử vong liên quan COVID-19 trên địa bàn là 332.
Thêm 2 tỉnh lân cận TP.HCM ghi nhận trên 1.000 ca mắc COVID-19
Trong bản tin sáng nay, 22.7 của Bộ Y tế, ngoài TP.HCM ghi nhận 2.433 ca thì tỉnh ghi nhận ca nhiều thứ 2 là Long An với 233 ca.
Với 233 ca COVID-19 ghi nhận trong sáng 22.7, Long An đã ghi nhận vượt mốc 1.000 ca mắc trong nước từ đầu dịch thứ 4 đến nay, con số chính xác là 1.163. Thực ra, từ 18 giờ 30 ngày 18.7, Long An ghi nhận 1.615 ca mắc COVID-19; trong đó, có 787 ca mắc cộng đồng được Bộ Y tế cấp mã số, 828 ca mắc cộng đồng chưa được cấp mã số. Phải đến sáng 22.7 thì Bộ Y tế mới ghi nhận Long An có trên 1 ngàn ca mắc.
Còn trên thực tế thì theo cập nhật mới nhất của ngành y tế Long An, đến 18 giờ 30 ngày 21.7, Long An ghi nhận 2.396 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng; thời điểm đó, mới có 930 ca mắc cộng đồng được Bộ Y tế cấp mã số, 1.466 ca mắc cộng đồng chưa được cấp mã số; ngoài ra, còn có 16 ca nhập cảnh.
Ngoài ra, Bộ Y tế sáng nay cũng ghi nhận thêm 41 ca COVID-19 tại Tiền Giang, nâng tổng số ca mắc ở tỉnh này lên 1.001. Trên thực tế, Sở Y tế Tiền Giang đã phát đi thông báo tính đến ngày 17.7.2021, tổng số F0 cộng đồng trên địa bàn tỉnh 1.020 ca. Tuy nhiên, phải đến sáng 22.7, Bộ Y tế mới xác nhận Tiền Giang vượt 1 ngàn ca mắc COVID-19.
Theo số liệu mới nhất mà chúng tôi có từ Sở Y tế Tiền Giang, tính đến cuối ngày 20.7, tổng số ca F0 cộng đồng trên địa bàn tỉnh 1.390 ca, trong đó tỉnh ghi nhận điều trị khỏi 94, tử vong 21; chuyển viện 1; đang điều trị 1.255. Thời điểm đó, có 717 bệnh nhân đã được Bộ Y tế công bố mã số, số bệnh nhân còn lại đang chờ cấp mã số.
Như vậy, trong đợt dịch thứ 4, Bộ Y tế đã ghi nhận 8 tỉnh thành có số ca nhiễm trong nước vượt quá con số 1 ngàn là TP.HCM 43.776 ca, Bắc Giang 5.733, Bình Dương 4.753, Bắc Ninh 1.702, Đồng Tháp 1.548, Đồng Nai 1.368, Long An 1.163, Tiền Giang 1.001.
Ngoài ra vào chiều qua, 21.7, theo thông tin từ Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, từ 8 giờ đến 17 giờ cùng ngày, Phú Yên ghi nhận 46 ca nhiễm SARS-CoV-2 nâng tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 từ đầu đợt dịch thứ 4 lên tròn 1.000. Phú Yên là tỉnh đầu tiên ghi nhận 1.000 ca dương tính với COVID-19 trong đợt dịch thứ 4. Sáng nay, Bộ Y tế không ghi nhận ca mắc mới tại Phú Yên và theo số liệu của Bộ, số ca COVID-19 tại Phú Yên vẫn là 808.
Anh Tú