Các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 đang quá tải, bệnh nhân thiếu chỗ nằm. Số người nhiễm bệnh một ngày tăng chóng mặt và nhu cầu theo dõi, chăm sóc sức khỏe càng trở nên bức thiết. Những người có thu nhập cao, có điều kiện kinh tế, họ sẵn sàng trả phí để đội ngũ Y tế theo dõi và hỗ trợ điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khối y tế tư nhân hiện nay vẫn chưa được huy động vào công tác điều trị, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Y tế tư nhân sẵn sàng
Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 18.7, cả nước có tới 5.887 ca COVID-19, riêng TP.HCM 4.692 ca. Sáng nay (19.7), TPHCM có thêm 1.535 ca. Số ca tử vong đang ngày càng tăng và tỷ lệ tử vong đang tiệm cận với tỷ lệ tử vong trên thế giới. Các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 đang quá tải, nhiều bệnh nhân không có chỗ nằm, nhân viên y tế làm việc cật lực, không có giờ nghỉ ngơi…
Trước việc quá tải bệnh nhân ở các cơ sở điều trị và số người nghi nhiễm khi tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 ngày một cao, Bộ Y tế đã thay đổi chiến lược cách ly F0 có tải lượng vi rút thấp tại nhà sau thời gian điều trị 10 ngày tại các cơ sở y tế; và thực hiện cách ly tại nhà đối với các trường hợp F1 khi có tiếp xúc với F0.
Xe chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 2 (Q.12, TP.HCM) xếp hàng dài chờ nhập viện. Ảnh: Báo Thanh Niên
Nhận thấy nhân viên y tế bệnh viện công quá tải, cơ sở khám chữa bệnh ở bệnh viện công quá tải, các bác sĩ ở khu vực bệnh viện y tế tư nhân đã lập nhóm kêu gọi các bác sĩ tư nhân tham gia tư vấn và khám chữa bệnh cho người dân thành phố khi cần. Với "Chiến dịch tư vấn sức khỏe miễn phí mùa dịch" do bác sĩ Đỗ Triều Hưng - Tổng Thư ký Liên chi hội hành nghề y tư nhân TP.HCM và "Giúp nhau mùa dịch" do BS Phan Xuân Trung - Trung tâm Y khoa Medic TP.HCM, khởi xướng. Kết quả, có hàng trăm bác sĩ để lại số điện thoại và sẵn sàng xung phong trong công tác tư vấn bệnh từ xa hoặc chăm sóc y tế tận nhà người dân.
Có nghĩa rằng, các bác sĩ thuộc khối y tế tư nhân rất sẵn sàng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người dân trước dịch bệnh COVID-19. Lực lượng này cần được nhà nước trang bị thêm kiến thức về phòng dịch và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhưng… chưa được mở đường
Ông Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện tại khi số ca F0 liên tục tăng cao đã tạo nên áp lực rất lớn cho khối điều trị. Theo ông Thượng, nhu cầu nhân lực cho khối điều trị hiện tại là rất lớn, ước tính trung bình khoảng 1.000 giường bệnh thì cần khoảng 200 nhân lực y tế, từ đó có thể thấy nhân lực cho khối điều trị hiện nay là rất lớn và vẫn sẽ tiếp tục tăng khi số trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hiện, TP.HCM đã chuẩn bị được 28.500 giường thu dung bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng, dự kiến số giường sẽ tăng lên 30.000 và sẵn sàng cho kịch bản 50.000 giường.
Thực tế quá tải tại các khu cách ly và bệnh viện, hiện nay các quận/huyện đang thực hiện cách ly các đối tượng F1, F0 tại các khách sạn tư nhân có thu phí. Trong khi đó, TP.HCM vẫn còn hàng ngàn giường bệnh ở các bệnh viện tư nhân còn đang để trống.
PGS-BS Nguyễn Hoài Nam - cố vấn chuyên môn Bệnh viện Quốc tế Minh Anh (quận Bình Tân), chia sẻ các bệnh viện tư nhân đa số là những bệnh viện có diện tích nhỏ (chiếm ¾ số lượng bệnh viện tư), diện tích đất ít, cơ sở vật chất không bằng bệnh viện nhà nước nên không thể vừa điều trị bệnh thông thường, vừa điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Có thể vì vậy, nên Nhà nước chưa thấy cần thiết kêu gọi lực lượng tư nhân tham gia điều trị.
Tuy nhiên, ở các nước khác, khi dịch lên cao trào, đỉnh điểm, nhà nước ngay lập tức kêu gọi các cơ sở y tế tư nhân tham gia chăm sóc sức khỏe và quản lý các F0 tại nhà.
Ở Việt Nam, đến thời điểm này, nhu cầu chăm sóc cho các bệnh nhân COVID-19 tại nhà là nhu cầu có thật, khả năng bệnh viện tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân covid tại nhà hoàn toàn đảm bảo. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải có sự đồng ý và hướng dẫn của Bộ Y tế về chuyên môn lẫn việc thu phí.
Nhiều bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện quốc tế Minh Anh khi có bệnh nền đang trở nặng, đang thở oxy nhưng bệnh viện không dám nhận vì có thể bệnh nhân đang mắc COVID-19. Bệnh viện không có chức năng điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong khi, gia đình bệnh nhân liên lạc với lực lượng cấp cứu 115 và các cơ sở điều trị COVID-19 thường gặp tình trạng bận không liên lạc được hoặc chưa thể nhận bệnh vì quá tải. Bệnh viện lại phải gọi điện đến Phòng Nghiệp vụ y của Sở Y tế TP.HCM để được hướng dẫn xử lý.
Lực lượng y tế tập trung nguồn lực phục vụ bệnh viện dã chiến. Ảnh: Zing
ThS-BS Hồ Mạnh Tường - thành viên của Hiệp hội Y tế tư nhân TP.HCM, cho rằng khi các bệnh viện điều trị COVID-19 đang quá tải, số người dân nhiễm và có nhu cầu theo dõi sức khỏe rất nhiều. Những người có thu nhập cao, có điều kiện kinh tế có thể có nhu cầu được theo dõi với các hình thức dịch vụ tốt hơn và sẵn sàng trả phí để được điều trị, chăm sóc an toàn. Những người mắc bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng chỉ cần theo dõi và hỗ trợ điều trị.
Nhiều bệnh viện đa khoa tư nhân hiện nay đang trống, nhân sự sẵn có và cũng đã được tiêm ngừa đầy đủ. Các bệnh viện này có thể mở dịch vụ thu phí chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nhẹ. Khi có trường hợp nặng có thể chuyển sang tuyến trên theo hệ thống điều trị COVID-19 của thành phố.
Do đó, bệnh viện tư có thể góp phần hỗ trợ hệ thống y tế thành phố, góp phần phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giúp bệnh viện hoạt động hết công suất và tạo nguồn thu cho bệnh viện với mức phí thu ở mức vừa đủ để bù các chi phí vận hành.
Vấn đề lúc này cần sự hướng dẫn, cho phép của Bộ Y tế với những cơ chế hoạt động phối hợp với bệnh viện nhà nước để tận dụng nguồn nhân lực lẫn cơ sở vật chất để chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 hiệu quả hơn.
Rất nhiều bác sĩ tư nhân và công lập đồng ý với ý kiến của bác sĩ Hồ Mạnh Tường. Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng, vấn đề này cần phải có chủ trương của Chính phủ, chấp nhận hình thức điều trị COVID-19 dịch vụ, có thu phí. Đây là một vấn đề nhạy cảm hiện nay.
Bác sĩ Jean Marcel Guillon, tổng giám đốc Bệnh viện FV TP.HCM, nhận định khối bệnh viện tư nhân không cần phải huy động vào công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 ít nhất là cho tới thời điểm này. Tuy nhiên, theo tôi, đến một thời điểm nào đấy thì khối cơ sở y tế tư nhân sẽ phải được huy động để điều trị bệnh nhân COVID-19.
Từ thực tế về việc đóng cửa các bệnh viện nhà nước như Bệnh viện Bạch Mai khi có ca dương tính trong bệnh viện đã làm cho các cơ sở y tế tư nhân lo lắng, họ sợ bệnh viện của họ sẽ bị đóng cửa khi có ca nhiễm COVID-19, nên xảy ra tình trạng từ chối tiếp nhận bệnh nhân dương tính, một số bệnh viện tư nhân lựa chọn cách ngừng tiếp nhận bệnh nhân còn hơn là bị yêu cầu đóng cửa.
Tuy nhiên, Bệnh viện FV TP.HCM không phải là bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19, nhưng trong thời gian qua, bệnh viện đã sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân dương tính với covid đến cấp cứu. Hiện, bệnh viện vẫn đang điều trị một số bệnh nhân có bệnh nền dương tính với COVID-19 trong khu săn sóc đặc biệt.
Minh Thắng
Theo Một Thế Giới, BS.CK2 Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, kiêm giám đốc Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 3, đây là bệnh viện ở tầng 1 được Sở Y tế giao thu dung điều trị những bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng, bệnh nhẹ. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân đến đây, sau vài ngày lại xuất hiện triệu chứng rồi trở nặng, không trở tay kịp.
Chỉ hơn một tuần được đưa vào vào hoạt động, Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 3 đã có hơn 50 trường hợp trở nặng, trong đó có hàng chục trường hợp cần phải can thiệp máy thở được chuyển lên tuyến trên.
“Chúng tôi đã chuyển đến các Bệnh viện Điều trị COVID-19 tuyến trên 40 trường hợp nặng, cần phải can thiệp thở máy, hiện còn lại 10 trường hợp cũng chuyển biến nặng phải thở oxy, nhưng cũng không biết có chuyển biến xấu nữa hay không. Đó là chưa kể hàng nghìn ca mắc COVID-19 nhẹ, không có triệu chứng đang điều trị tại đây cũng có nguy cơ chuyển biến nặng bất cứ lúc nào”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Bác sĩ Khanh cho biết công suất của Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 3 là 3.000 giường bệnh, nhưng đang có hơn 2.100 bệnh nhân, cùng với các nhân viên y tế ở lại nên gần như kín chỗ. Theo mô hình “tháp 3 tầng” trong điều trị COVID-19 tại TP, bệnh viện này nằm ở “tầng 1”, tức chỉ theo dõi, điều trị những bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng, nhẹ nên các trang thiết bị y tế phục vụ chuyên sâu không có, còn các trang thiết bị thông thường cũng thiếu.
“Một số bình oxy để phục vụ cho bệnh nhân trở nặng cần thở oxy phải huy động từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh qua, nhưng cũng không đủ, cần phải bổ sung thêm nhiều trang thiết bị y tế nữa. Dù hiện nay Sở Y tế TP cũng rất quan tâm nhưng chưa thể giải ngân kịp để mua sắm các trang thiết bị y tế cần thiết để phục vụ công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại đây”, bác sĩ Khanh nói.
Một Thế Giới cũng cho biết, tính đến thời điểm này (ngày 17.7), TP.HCM đang có 10 cơ sở thu dung điều trị COVID-19 và 15 bệnh viện điều trị COVID-19 và một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa “tách đôi” để điều trị COVID-19 với công suất lên đến khoảng 30.000 giường, nhưng gần như các nơi này đều quá tải. Nhiều bệnh viện phải cơi nới vượt quá công suất cho phép, trang thiết bị y tế thì thiếu...
T.H