mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

WB: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam bị áp lực rủi ro tài khóa

 16:16 | Chủ nhật, 17/04/2016  0

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một nhân tố mới trong phát triển kinh tế Việt Nam, theo WB, kỳ vọng TPP sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho Việt Nam, các kết quả mô phỏng cho thấy trong vòng 20 năm TPP sẽ đóng góp thêm 8% GDP Việt Nam, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% năng lực sản xuất. Tuy nhiên báo cáo nhận định: “Việc thực hiện những cam kết này là thách thức lớn do Việt Nam đi theo con đường cải cách từ từ và chịu ảnh hưởng của các yếu tố lịch sử về thể chế.”

Nhìn chung tác động của TPP đối với Việt Nam là tích cực nhưng thách thức bởi hiệp ước không chỉ xoá bỏ các rào cản thương mại, tăng cường tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn mà còn tác động lên chất lượng luật pháp, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư, quản lý doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn lao động và môi trường, an toàn thực phẩm, mua sắm công, tự do hoá dịch vụ, kể cả dịch vụ tài chính và viễn thông.

Thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt những kết quả ấn tượng nhờ đa dạng hóa được các mặt hàng xuất khẩu trong 10 năm qua với tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo chiếm gần 84% tổng kim ngạch xuất khẩu so với mức 50% của năm 2005.

Tuy nhiên giá trị xuất khẩu hàng hóa cơ bản của Việt Nam đã giảm mạnh do giá giảm, đặc biệt sự giảm giá của dầu thô (giảm 50%) và hàng nông nghiệp giảm gần 10%. Trong khi tỷ lệ nhập khẩu đầu vào vẫn cao, thiếu tác động lan toả công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài sang các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp trong nước chưa có khả năng tham gia chuỗi cung ứng và tạo giá trị cao hơn.

Mặt khác, nhập khẩu đầu vào tiếp tục tăng mạnh, phản ánh đầu tư gia tăng nhưng đồng thời cũng thể hiện yếu kém trong cơ cấu ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu Việt Nam (dệt may, điện tử, giày dép) do tỷ lệ sử dụng rất nhiều nguyên liệu và sản phẩm trung gian nhập khẩu. 

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục có thặng dư thương mại (khoảng 9% GDP năm 2015) nhưng tỷ trọng nhập khẩu đầu vào rất cao của khối doanh nghiệp này cũng thể hiện quy mô hạn chế của chuỗi giá trị trong nước. WB cũng cho rằng xuất khẩu Việt Nam có thể tiếp tục bị ảnh hưởng do các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật và Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến.

Rủi ro nợ công

WB dự kiến, lãi suất chính sách tại Hoa Kỳ tăng lên sẽ làm chênh lệch tỷ suất trái phiếu chính phủ tăng theo, có thể ảnh hưởng tới kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế nhằm tài trợ cho các nhu cầu tài chính công của Việt Nam.

Theo WB, biến động của thị trường tiền tệ quốc tế năm 2015 buộc Việt Nam từng bước phá giá tiền đồng để giảm áp lực lên tỷ giá, thị trường ngoại tệ và duy trì năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Việt Nam tiếp tục bị mất giá so với đô-la Mỹ vẫn đang là áp lực lớn.

Quá trình xử lý nợ xấu vẫn diễn ra chậm, đến tháng 10.2015, VAMC đã mua 226.000 tỉ đồng nợ xấu (khoảng 10 tỉ USD), tương đương khoảng 7% tổng nợ xấu được xử lý. Quá trình giải quyết nợ xấu còn khó khăn do thiếu khung pháp lý thích hợp đối với việc giải quyết các trường hợp mất khả năng thanh toán, chuyển đổi quyền sở hữu, tịch biên tài sản thế chấp và trách nhiệm cá nhân đối với việc bán tài sản dưới giá trị sổ sách.

Việc trì hoãn thắt chặt tài khoá có thể sẽ tác động tiêu cực đến mức bền vững của nợ công, đặc biệt là các khoản nợ dự phòng liên quan tới ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Cùng với tăng trưởng tín dụng, rủi ro ngân hàng do nguy cơ tăng trưởng nóng cũng sẽ tăng theo, WB cảnh báo: “Nếu không được quản lý cẩn trọng sẽ dẫn đến một đợt bất ổn định mới”.

Về tài khóa, thu nhập từ dầu giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu giảm lần lượt 19% và 2% do giảm thuế suất. Trong khi thuế giá trị gia tăng (chiếm 1/3 tổng thu thuế), đã tăng 15% so với cùng kỳ và doanh thu thuế thu nhập cá nhân tăng 18% do mở rộng diện chịu thuế.

Bộ Tài chính ước tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm đã tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên việc củng cố tài khoá nhằm kiểm soát rủi ro vẫn đang là áp lực lớn với Việt Nam bởi tổng chi ngân sách trong 9 tháng đã tăng 7,8% so với cùng kỳ, đáng kể là tăng chi thường xuyên nhanh hơn (chiếm tới 70,5% tổng chi ngân sách) khiến thâm hụt tài khóa trong 9 tháng đầu năm ước đến 4,9% GDP.

Trong khi đó tỷ trọng chi đầu tư trong tổng chi ngân sách đã giảm xuống còn 15,6% so với 26,5% trong giai đoạn 2011-2014. WB cho rằng: “Nếu tiếp tục tình trạng mất cân đối tài khóa thì nợ công gia tăng nhanh chóng và chạm ngưỡng giới hạn 65% GDP trong trung hạn.”

Trong năm 2014 chính phủ đã chi khoảng 8% tổng thu (kể cả thu viện trợ) vào việc trả lãi (năm 2010 là 4,3%) và vì vậy đã ảnh hưởng tới các khoản chi phát triển sản xuất và đầu tư. Tổng nghĩa vụ trả nợ, kể cả trả nợ gốc, đã chiếm trên ¼ tổng thu của chính phủ trong năm 2014, làm cho các rủi ro về tái cấp vốn ngày càng trở nên nghiêm trọng.

WB khuyến cáo: “Trong điều kiện kinh tế còn nhiều bất ổn, cần đảm bảo quản lý kinh tế vĩ mô tốt để tạo khoảng đệm chính sách và đối phó được với các cú sốc trong tương lai; củng cố tài khoá, đẩy nhanh cải cách cơ cấu, áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt hơn và tăng cường dự trữ ngoại tệ sẽ giúp giảm bớt các tác động bất lợi”.

Tuyết Ân

» HSBC hạ mức tăng trưởng GDP Việt Nam từ 6,7% xuống 6,3%

» HSBC: Sản xuất tăng trưởng tiếp tục nâng đỡ nền kinh tế

» Lần đầu tiên HSBC Việt Nam có tổng giám đốc là người Việt

» Việt Nam và WB ký kết hiệp định tín dụng 507 triệu USD

» Vay 315 triệu USD từ WB đầu tư cho nông nghiệp và giáo dục

» WB cấp tín dụng 200 triệu USD để cải thiện nguồn nước và vệ sinh môi trường

» HSBC: kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm 0,5% ngay trong tháng 3

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.