mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Từ vụ Trung tâm hành chính Đà Nẵng: Lãng phí công trình nghìn tỉ và lối thoát trách nhiệm

 13:10 | Thứ hai, 29/08/2016  0

Thực ra, những dự án đầu tư công có vấn đề không phải là chuyện riêng của Đà Nẵng. Câu chuyện trung tâm hành chính nghìn tỷ của Đà Nẵng chưa lắng xuống, Chủ tịch Hà Nội công bố một con số khác: 53 tỷ đồng tiền ngân sách tiêu tốn cho việc cắt cỏ 24km đường ở đại lộ Thăng Long. Chưa lâu trước đó, là vụ nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ với vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng đắp chiếu, rồi nhà máy gang thép Thái Nguyên... Tiền ngân sách - tiền thuế của người dân, dù được sử dụng trực tiếp bởi cơ quan nhà nước, hay gián tiếp qua doanh nghiệp nhà nước, đều chung một hiệu quả đáng lo ngại. Cùng lúc đó, những con số trên đồng hồ nợ công của Việt Nam cũng chóng mặt tăng thêm, tỷ lệ thuận với những dự án, công trình “nghìn tỷ”.

Công chức và bộ máy công quyền - có do dân vì dân?

Những vụ việc sử dụng tiền ngân sách một cách vô trách nhiệm có thể xảy ra ở mọi cấp độ và ở mọi vùng miền. Nhỏ là chuyện vỉa hè đang đẹp đẽ ở Hà Nội bị đào lên lát lại. To là công trình nghìn tỷ, vài năm trước còn được tô vẽ là “niềm tự hào” của thành phố, giờ đã là “sai lầm thiết kế kỹ thuật” không thể sử dụng. Những “khoảng tối” của việc sử dụng ngân sách là những ví dụ rõ rệt nhất cho thấy, công chức - bao gồm cả những đại biểu dân cử, và cơ quan công quyền, không hẳn là những người hoàn toàn “do dân, vì dân”. Bản thân họ có thể có những động cơ riêng trong quá trình thực thi công vụ.

Từ góc độ khoa học về chính trị và hành chính công, lý thuyết “Lựa chọn công’’ (Public choice theory), đưa ra một cách nhìn mới để giải thích hành vi của công chức và bộ máy công quyền. Tư tưởng cốt lõi của lý thuyết này phản bác lại những giả định truyền thống về tính vô vụ lợi và phụng sự lợi ích công một cách vô tư của các công chức. Thay vào đó, nó thừa nhận tính tư lợi và vị kỷ của công chức như một đặc tính tự nhiên của con người, rằng các quyết định mang tính công vụ họ thực hiện có thể bị chi phối bởi những tính toán lợi ích riêng. Bị điều khiển bởi động cơ lợi ích, công chức có xu hướng thực hiện những hành vi trục lợi dựa trên quyền lực công, bộ máy và ngân sách được giao phó.

Trung tâm Hành chính Đà Nẵng có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng. Ảnh CTV

Một trong những hệ quả của động cơ trục lợi là việc sử dụng ngân sách lãng phí và thiếu hiệu quả. Những quyết định đầu tư công không dựa trên tiêu chí hiệu quả về mặt kinh tế hay nhu cầu thực sự của nhóm thụ hưởng mà nhằm mang lại lợi ích cho một nhóm thân hữu của người có quyền ra quyết định. Những khu chợ không có người buôn bán; khu vui chơi, tượng đài bỏ hoang, dịch vụ công ích giá có giá trên trời... Những công trình, những hợp đồng, bằng cách này cách khác được giao cho những nhà thầu thiếu năng lực nhưng là sân sau hay nhóm thân hữu của người cầm quyền.

Vấn đề là những quyết định đầu tư, những dự án được thực hiện theo phương cách hoàn toàn... hợp pháp - không như việc tham nhũng, nhận lại quả, phong bì trực tiếp là hành vi phi pháp. Bởi đơn giản, chúng tuân thủ đúng các quy trình và thủ tục luật định. Do đó, xử lý công chức và cơ quan công quyền bằng trách nhiệm hành chính hay hình sự đều không khả thi trong những trường hợp như thế. Đơn cử như chuyện Đà Nẵng, từ chủ trương xây dựng trung tâm hành chính tập trung, lựa chọn thiết kế đến nhà thầu, tất cả các bước đều được báo cáo và có sự phê duyệt từ HĐND thành phố. Cho nên, dù cho có bức xúc đến đâu đi chăng nữa, việc xem xét trách nhiệm hành chính hay hình sự với các cá nhân công chức của chính quyền Đà Nẵng vẫn không thể thực hiện được.

Cách chữa căn bệnh “đúng quy trình”

Một quyết định hành chính hay một đạo luật của chính quyền được đưa ra cần được xem xét trên hai tiêu chí: thứ nhất, đảm bảo hợp lệ về mặt trình tự thủ tục, và thứ hai, hợp lý hay chính đáng về mặt nội dung.

         

Nếu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phải chịu trách nhiệm trực tiếp với người dân bầu ra mình, ông ta chắc chắn sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa một mạng lưới những điểm giao dịch hành chính thân thiện và thuận lợi cho công dân - khách hàng của mình hoặc một tòa công thự đồ sộ, tráng lệ.

Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước được Quốc hội khóa XIII thông qua có những cải tiến quan trọng về mặt kỹ thuật để siết chặt hơn quy trình và thủ tục sử dụng ngân sách nhà nước. Nhưng quy trình chặt chẽ mới chỉ là điều kiện cần. Bởi như đã phân tích, một quyết định hành chính sử dụng ngân sách lãng phí, thiếu hiệu quả không thể xử lý bằng trách nhiệm hành chính. Chỉ có trách nhiệm chính trị mới buộc những công chức nắm quyền lực trong tay thực sự thận trọng với các quyết định và chính sách mình đưa ra.

Khi và chỉ khi, cái ghế và sự nghiệp chính trị của những người lãnh đạo trong bộ máy công quyền được quyết định bởi lá phiếu trực tiếp của người dân hoặc những đại diện thực sự của người dân, khi đó trách nhiệm chính trị mới được ràng buộc. Nếu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phải chịu trách nhiệm trực tiếp với người dân bầu ra mình, ông ta chắc chắn sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa một mạng lưới những điểm giao dịch hành chính thân thiện và thuận lợi cho công dân - khách hàng của mình hoặc một tòa công thự đồ sộ, tráng lệ.

Nếu từng lời chất vấn, từng cái nhấn nút khi thông qua một quyết sách của từng đại biểu hội đồng luôn được công khai cho cử tri của ông ta được biết, chắc chắn sẽ bớt đi rất nhiều những cái nhấn nút thiếu cân nhắc. Nếu không ràng buộc bằng trách nhiệm chính trị, quy trình kỹ thuật mà Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước dựng lên hoàn toàn có thể bị vô hiệu hóa. Nói cách khác, đúng quy trình mới chỉ là điều kiện cần, tính hợp lý và chính đáng của một quyết định hành chính, một điều luật đưa ra, mới là điều kiện đủ.

Cả nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn đều đã chứng minh, không riêng gì Việt Nam mà ở mọi quốc gia, công chức và bộ máy công quyền bị chi phối rất nhiều bởi động cơ lợi ích. Hoàn toàn không có bộ máy hành chính “do dân, vì dân” thuần túy. Không gắn trách nhiệm chính trị lên những người đang nắm trong tay mình quyền lực nhà nước, ngân sách - như con bò sữa tập thể - sẽ tiếp tục bị vắt vô tội vạ. Và những con số trên đồng hồ nợ công của đất nước, sẽ tiếp tục vùn vụt tăng, dài theo những dự án, những công trình “nghìn tỷ” không biết đi về đâu.

Nguyễn Quang Đồng - Chuyên gia độc lập về chính sách công 

» Công ty Trung Quốc lắp phần kính Tòa thị chính Đà Nẵng?

» Đà Nẵng: Thông tin chính thức về 'số phận' của trung tâm hành chính

» 2.000 tỷ tiền thuế, hãy khắc phục thay vì bỏ đi!

» Đà Nẵng tính bỏ tòa nhà hành chính hơn 2.000 tỷ đồng

» Trung tâm hành chính cho ai?

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.