mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

‘Tiếp sức’ doanh nghiệp vượt qua Covid: điều chỉnh điều kiện nhận hỗ trợ sát với thực tế

 14:21 | Thứ năm, 07/10/2021  0
Doanh nghiệp không nợ bảo hiểm xã hội, không nợ ngân hàng và quyết toán thuế… mới có cơ hội tiếp cận những gói hỗ trợ của chính phủ, tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp đủ điều kiện.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 như Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021, Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23 về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Nghị quyết 116/NQ-CPvà Quyết định 28/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp… Những chính sách kịp thời của Chính phủ và các Bộ, ngành nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, là đòn bẩy giúp nhiều doanh nghiệp từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, vẫn có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận những gói hỗ trợ này.

Khó tiếp cận nguồn vốn vay

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, cho biết mặc dù nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp da giày rất lớn, tuy nhiên hiện chỉ có khoảng 10% các doanh nghiệp da giày tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Nguyên nhân là các điều kiện vay khá chặt chẽ, trong khi các quy trình về thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, phải lấy chứng nhận từ các Sở ban ngành đó cũng là trở ngại cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp da giày gặp khó trong tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH sản xuất giày và nguyên phụ liệu Harco cho biết, đơn vị hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, khi mà hoạt động sản xuất bị thu hẹp, nhưng chi phí phát sinh (bao gồm chi phí xét nghiệm, phòng chống dịch) tăng. Mặc dù, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để có nguồn tiền lương trả cho người lao động, song hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc truy xuất quá khứ của người lao động để nhận được sự hỗ trợ. Theo ông Việt nguyên do là bởi cũng như nhiều doanh nghiệp khách, đơn vị này đang có biến động lớn về người lao động, lao động cũ tản mát, doanh nghiệp đang tuyển dụng thêm những lao động mới. “Để thỏa mãn được các yêu cầu về thủ tục vay, các doanh nghiệp chúng tôi rất oải”, ông Việt bộc bạch.

Đại diện Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho rằng, những điều kiện để vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương người lao động ngừng việc hoặc phục hồi sản xuất chưa phù hợp với thực tiễn. Ví dụ, để tiếp nhận với nguồn vốn trả lương để phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68 thì các doanh nghiệp phải đảm bảo đủ điều kiện theo Quyết định 23 là: Tạm dừng hoạt động theo cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch; Người lao động đang tham gia bảo hiểm bắt buộc; Doanh nghiệp không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng của các ngân hàng và phải hoàn thành quyết toán thuế… Do vậy, rất ít các doanh nghiệp lương thực thực phẩm có thể đáp ứng đồng thời các điều kiện đưa ra. 

“Điều kiện các doanh nghiệp phải có quyết toán thuế năm 2020 mới được nhận các gói hỗ trợ là không khả thi”, ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy cho biết. Bởi  theo luật thuế, 5 năm mới quyết toán thuế một lần và số lượng các doanh nghiệp ngành giấy có thể tiếp cận được những gói hỗ trợ về vốn, giảm lãi suất, giảm thuế chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 Các doanh nghiệp vận tải không tiếp cận được nguồn hỗ trợ này vì không đáp ứng điều kiện “Doanh nghiệp phải trả hết nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 4.2021 trở về trước.”

Nới lỏng điều kiện, tăng khả năng tiếp cận hỗ trợ của doanh nghiệp

Ngày 24.9.2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, từ 1.10.2021, người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19 sẽ được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm mức đóng là 12 tháng, kể từ ngày 1.10.2021 đến hết ngày 30.9.2022. Dự kiến có khoảng 13 triệu lao động và 386 nghìn người sử dụng lao động được nhận được gói hỗ trợ này.

Đa số doanh nghiệp vận tải hành khách còn nợ ngân hàng, nợ thuế, bảo hiểm xã hội. Nguồn : Vietnam+


Ngay trong ngày đầu triển khai, theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có 3.570 người lao động được chi trả tiền hỗ trợ với tổng số tiền hơn 10,3 tỷ đồng và 137.826 người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm Thất nghiệp trong thời gian 12 tháng.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Điện Biên, cho biết ba làn sóng dịch Covid trước đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách lao đao, nhưng “đòn giáng” mạnh nhất là khi làn sóng dịch thứ 4 khi các địa phương thực hiện theo chỉ thị 16, các doanh nghiệp vận tải hành khách buộc phải ngừng hoạt động. Những doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đổi mới phương tiện rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn vì gánh nặng nợ nần, không ít doanh nghiệp đã buộc phải rao bán phương tiện với giá lỗ để trả nợ ngân hàng.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh cho rằng, những gói hỗ trợ của Chính phủ  nói chung và gói hỗ trợ miễn giảm đóng phí bảo hiểm thất nghiệp trong vòng một năm chắc chắn sẽ giúp sức cho doanh nghiệp vượt quá khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, đa phần các doanh nghiệp vận tải hành khách đều rơi vào tình cảnh nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ bảo hiểm… Nếu các tiêu chí để nhận gói hỗ trợ này không có sự thay đổi, doanh nghiệp sẽ "không thể chạm tới”.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, giảm lãi suất cho doanh nghiệp vận tải; hoãn, giãn thuế và không tính lãi thuế trong giai đoạn hiện nay. Theo ông Hùng thì mỗi ngành nghề, lĩnh vực có những đặc thù khác nhau nên những chính sách hỗ trợ cũng nên được xây dựng cho phù hợp với từng ngành nghề, xóa bỏ những rào cản để các doanh nghiệp, người lao động dễ tiếp cận các gói hỗ trợ cho công bằng

Nhiều ý kiến cho rằng, bất cứ sự hỗ trợ nào từ Chính phủ, Bộ, ngành đều rất đáng quý, giúp tiếp sức cho doanh nghiệp hồi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, để những chính sách này mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp, nền kinh tế, rất cần xem xét, điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với thực tiễn.

Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất (Theo Nghị quyết 68):

Cho vay trả lương ngừng việc: Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động, trong thời gian từ ngày 1.5.2021 đến hết ngày 31.3.2022. Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

 Cho vay trả lương phục hồi sản xuất: Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1.5.2021 đến hết ngày 31.3.2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 1.5.2021 đến hết ngày 31.3.2022 được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Nghị quyết 116 /NQ-CP về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Đối tượng áp dụng là người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1.10.2021.

Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian thực hiện giảm mức đóng 12 tháng, kể từ ngày 1.10.2021 đến hết ngày 30.9.2022.

Nguyễn Lê

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.