mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Góp ý Đồ án Quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An, quận Tây Hồ:

Quy hoạch bán đảo Quảng An cần minh bạch và đúng luật

 12:15 | Thứ ba, 27/09/2022  0
Đối chiếu với các tiêu chí có tính nguyên tắc để làm nhà hát như “Cần đảm bảo các điều kiện: vị trí thuận lợi, kết nối giao thông công cộng dễ dàng, tạo thành một quần thể công trình hiện đại, lợi thế về cảnh quan”, thì chỉ phân tích riêng về kết nối giao thông đã cho thấy vị trí của nhà hát opera trên Đầm Trị hoàn toàn bất lợi...

Đã 3 tháng kể từ ngày UBND quận Tây Hồ (thành phố Hà Nội) thực hiện công khai lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An (tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An, quận Tây Hồ). Từ đó đến nay, sau các thông tin chính thức trên báo chí, đông đảo người dân địa phương, dư luận xã hội và các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực đã rất quan tâm đến việc xây cất các công trình quy mô rất lớn trên bán đảo này, trong đó có việc đề xuất xây nhà hát opera hoành tráng trên Đầm Trị, trong khi một số vấn đề pháp lý liên quan đến việc xây dựng các công trình nói trên ở Quảng An chưa được làm rõ.

Để góp thêm tiếng nói chuyên môn cho công tác lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng, sáng 25.9.2022 tại Hà Nội, SHV (Save Heritage VietNam, Bảo vệ Di sản Việt Nam) đã tổ chức buổi toạ đàm chuyên môn với chủ đề Quy hoạch và bảo tồn cảnh quan bán đảo Quảng An trong vùng di sản Hồ Tây, Hà Nội.

Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, lịch sử, văn hóa, bảo tồn di sản đồng thời cũng là những người yêu Hà Nội, trân quý di sản. Từ các trao đổi tại tọa đàm, SHV đã ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia và sẽ tập hợp thành văn bản, gửi kiến nghị tới các cơ quan liên quan nhằm góp phần xây dựng một Hà Nội phát triển bền vững.

Các chuyên gia thảo luận tại cuộc toạ đàm chuyên môn Quy hoạch và bảo tồn cảnh quan bán đảo Quảng An trong vùng di sản Hồ Tây, Hà Nội. Từ phải: KTS. Cao Thành Nghiệp, PGS-TS-KTS. Phạm Thúy Loan, Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, KTS. Dương Quốc Chính, TS. Nguyễn Thị Hậu. Ảnh: CTV


Những điểm bất cập về quy hoạch trên bán đảo Quảng An

Là buổi toạ đàm chuyên môn có giới hạn về thời gian, vì vậy các chuyên gia đã trình bày và tập trung trao đổi về các chủ đề đang gây nhiều băn khoăn trong dư luận như  “Nhà hát opera Đầm Trị - các vấn đề pháp lý và quy hoạch”, “Một số vấn đề pháp lý trong đồ án Quy hoạch 1/500 khu vực Quảng An và tuyển chọn kiến trúc nhà hát opera tại Đầm Trị”, “Bảo tồn để phát triển”.

“Chức năng công cộng đô thị, nhưng lại được cấp phép là khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ và văn phòng, căn hộ (kiểu khách sạn) cho thuê, tức là đất thương mại dịch vụ - một sự thay đổi mục đích sử dụng như vậy là rất khác về cơ bản so với Quy hoạch phân khu.

Khu đất tại số 58 Tây Hồ không phải là vị trí thích hợp để bố trí công trình cao tầng, công trình điểm nhấn vì nằm quá sát mặt hồ (từ cụm công trình rất cao lớn này đến mép Hồ Tây chỉ khoảng 10 mét) và cách xa trục không gian trung tâm; chiều cao lên đến 39 tầng vượt quá nhiều so với chiều cao tối đa cho phép đối với công trình điểm nhấn là 25 tầng” - đây là hai trong những điểm bất cập trong vấn đề quy hoạch trên bán đảo Quảng An, được nêu tại toạ đàm.

Các chuyên gia đều có chung sự quan ngại đặc biệt về áp lực hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông và vấn đề xử lý chất thải ra môi trường bởi sự gia tăng dân số rất lớn tại khu vực này.

Các cao ốc đang xây dựng tại 58 Tây Hồ thuộc dự án Khu phức hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại Tây Hồ View tác động thô bạo đến không gian cảnh quan ở bán đảo Quảng An. Ảnh: Phạm Tuấn Anh


Tham gia toạ đàm, KTS. Nguyễn Bảo Lâm, chuyên viên Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng), cũng đặt những câu hỏi và nêu những bất cập của công trình 58 Tây Hồ.

Theo ông Lâm, chỉ nói riêng về mặt lý thuyết, quy hoạch chi tiết cũng như quy hoạch phân khu đều phải đảm bảo đúng theo quy hoạch chung chứ không thể như cách triển khai hiện nay. Bản quy hoạch chi tiết chỉ là sự cụ thể hoá quy hoạch chung. Trong Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị quy định về điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ. Trong thực tế, các nhà đầu tư thường điều chỉnh cục bộ từng vị trí khu đất, từng chức năng sử dụng đất. Điều cần phải đặc biệt xem xét là việc điều chỉnh đấy có đúng quy trình không? Có sai chuyên môn không? Bởi trong luật có quy định mọi sự điều chỉnh không được làm thay đổi cấu trúc và những định hướng chính của quy hoạch chung mà cấp có thẩm quyền đã phê duyệt.

Ông Lâm cho rằng cần phải làm rõ pháp lý quy hoạch đối với dự án nhà hát opera trên Đầm Trị và công trình 58 Tây Hồ. Về mặt quy hoạch, khi thay đổi chức năng sử dụng đất hay việc sử dụng lấn chiếm mặt nước thì đó chính là hành vi làm thay đổi cấu trúc: “Nếu điều chỉnh cục bộ, đưa nhà hát opera Đầm Trị và cả toà nhà 58 Tây Hồ với từng ấy dân sống trong 7 tòa nhà cao mấy chục tầng vào đây (bán đảo Quảng An) thì phải phân tích dân số và các công trình cao tầng đó tác động tới Hồ Tây như thế nào? Sự tác động đó phải thể hiện bằng số liệu”. 

Ông Lâm lưu ý thêm rằng: Luật Thủ đô có quy định về việc làm các dự án phát triển không được làm ảnh hưởng tới văn hoá bản địa.

Bán đảo Quảng An với giá trị cảnh quan độc đáo ba phía là mặt nước Hồ Tây. Ảnh: Võ Thanh Tùng


Đối chiếu với các tiêu chí có tính nguyên tắc để làm nhà hát như “Cần đảm bảo các điều kiện: vị trí thuận lợi, kết nối giao thông công cộng dễ dàng, tạo thành một quần thể công trình hiện đại, lợi thế về cảnh quan”, thì chỉ phân tích riêng về kết nối giao thông đã cho thấy vị trí của nhà hát opera Đầm Trị hoàn toàn bất lợi. Lý do: thiếu kết nối với giao thông công cộng; Vị trí độc đạo một lối vào và cũng là lối ra trong một vùng dân cư đậm đặc, nguy cơ khó tránh khỏi là xảy ra ùn tắc giao thông, không đảm bảo an toàn cho người khi có sự cố xảy ra là một lỗi nặng về quy hoạch”.

Khi phát biểu như trên tại tọa đàm, PGS-TS-KTS. Nguyễn Quang Minh cũng đã có những so sánh, đánh giá giữa việc làm nhà hát tại Khu đô thị Tây Hồ Tây với nhà hát Đầm Trị - Quảng An. Nếu xét bốn điểm trong quy hoạch của dự án (vị trí, giao thông, quần thể, cảnh quan) thì Khu đô thị Tây Hồ Tây đạt cả bốn tiêu chí, trong khi dự án nhà hát opera trên Đầm Trị chỉ đạt một điểm là cảnh quan do cùng nhìn ra khu vực mặt nước của hồ.

Không chỉ vậy, dự án còn ảnh hưởng đến công trình di sản ở cự ly gần, lấn chiếm 1/3 diện tích mặt nước Đầm Trị và cần giải toả hơn 300 hộ dân sinh sống lâu đời tại đây. Việc lấn chiếm 1/3 diện tích Đầm Trị cũng được các chuyên gia đánh giá là phạm luật dù chiếu theo luật nào (Luật Thủ Đô, Luật Quy hoạch đô thị).

Khu vực Đầm Trị, nơi quy hoạch sẽ xây một nhà hát trên đầm. Ảnh: Phạm Tuấn Anh


Một điểm có dấu hiệu sai phạm rõ nhất được phân tích và nêu tại toạ đàm là việc xuất hiện dự án nhà hát tại bản vẽ Quy hoạch phân khu A6 1/2.000 điều chỉnh, theo Quyết định số 2078/QĐ-UBND ngày 10.5.2021 của UBND thành phố Hà Nội. Trong khi ngược thời gian về trước hai năm (2019) việc tuyển chọn thiết kế nhà hát opera đã diễn ra. Tuy nhiên, công trình này lại chưa hề được nhắc tới dưới dạng thuyết minh hay bản vẽ tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và Phụ cận (A6) – tức là nó xuất hiện hai năm sau khi đã diễn ra việc tuyển chọn phương án kiến trúc.

Hiện tại, bản quy hoạch chi tiết 1/500 cụ thể hoá thiết kế quy hoạch 1/2.000 tại khu vực Quảng An vẫn chưa được phê duyệt. Trong khi đó, một quy trình đúng luật đối với nhà hát opera phải là tuần tự các thủ tục, đó là: sau khi quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực Quảng An được phê duyệt thì phương án kiến trúc thiết kế nhà hát mới diễn ra và bắt buộc phải thông qua thi tuyển kiến trúc theo Luật Kiến trúc hiện hành, KTS. Dương Quốc Chính chia sẻ.

KTS. Dương Quốc Chính chia sẻ tại cuộc toạ đàm chuyên môn Quy hoạch và bảo tồn cảnh quan bán đảo Quảng An trong vùng di sản Hồ Tây, Hà Nội. Ảnh: CTV


Bảo tồn có ngăn cản phát triển?

Một câu hỏi lớn được đặt ra trong khuôn khổ toạ đàm là “bảo tồn có ngăn cản phát triển?”. Nói về hai khía cạnh này, Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu cho rằng “vấn đề là chúng ta bảo tồn như thế nào, phát triển như thế nào? Trước đây ta nghĩ rằng bảo tồn là cho vào hòm kính, giống như vào bảo tàng và không được sờ vào hiện vật.

Bảo tồn cảnh quan không phải là đóng nguyên và bắt nó tồn tại bằng một cuộc sống cách đây hàng thế kỷ… Bảo tồn cảnh quan không phải là bảo tồn đơn lẻ từng công trình mà phải là bảo tồn toàn bộ mối liên hệ giữa các công trình trong một không gian nhất định. Khi xác định rõ ràng bảo tồn như thế nào và phát triển như thế nào thì sẽ thấy rõ ràng không có cái gọi là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển”.

TS. Nguyễn Thị Hậu chia sẻ tại toạ đàm chuyên môn Quy hoạch và bảo tồn cảnh quan bán đảo Quảng An trong vùng di sản Hồ Tây, Hà Nội. Ảnh: CTV


Trong phần trình bày của mình, TS. Nguyễn Thị Hậu chia sẻ: “Ngoài khu trung tâm, những cảnh quan độc đáo của mỗi đô thị cũng trở thành “dấu chỉ” nhận diện văn hoá: Hồ Tây và cảnh quan các “làng cổ” xung quanh ở Thăng Long – Hà Nội, kênh rạch Bến Nghé và cảnh quan “trên bến dưới thuyền” ở Sài Gòn – TPHCM... đó là những di sản đô thị”.

Nữ chuyên gia nhận định “ngày nay, những khu vực di sản đô thị luôn được coi là tài nguyên quý giá vì đã tích luỹ trong nó các giá trị quan trọng: lịch sử, văn hoá - xã hội, khoa học”. TS. Nguyễn Thị Hậu cũng đồng tình với quan điểm của PGS-TS-KTS. Phạm Thuý Loan khi cho rằng phát triển không chỉ là xây dựng những cơ sở hạ tầng hiện đại bất chấp cảnh quan và đặc điểm văn hoá.

Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, lịch sử, văn hóa, bảo tồn di sản đồng thời cũng là những người yêu Hà Nội, trân quý di sản. Ảnh: CTV


KTS. Nguyễn Bảo Lâm cũng đồng tình với quan điểm của PGS-TS-KTS. Phạm Thuý Loan: lấy con người làm trung tâm của quá trình bảo tồn và phát triển. Ông Lâm cho rằng, về góc độ pháp lý, trong quy chuẩn xây dựng quy hoạch của Việt Nam thể hiện quyền tiếp cận không gian công cộng và quyền của những người dân được nhìn thấy và hưởng thụ di sản.

Điều này cũng nói rõ trong Luật Thủ đô với khái niệm bảo tồn văn hóa bản địa. Nếu xác định cây xanh mặt nước Hồ Tây là không gian công cộng, tất cả mọi người đều có quyền hưởng thụ thì việc xây khu nhà 58 Hồ Tây với diện tích và chiều cao ngạo nghễ như vậy liệu có phải là đã chắn tầm nhìn, làm mất quyền lợi của những người dân ở đây không?

Các chuyên gia cũng đồng tình quan điểm, đó là quá trình quy hoạch, đầu tư, đặc biệt liên quan đến đất công cộng, cây xanh, mặt nước phải đảm bảo tính minh bạch và dân chủ, đảm bảo lợi ích chính đáng của cộng đồng nhân dân liên quan...

Sau tọa đàm chuyên môn, các chuyên gia đã đi thực tế khu vực đề xuất xây nhà hát opera trên Đầm Trị và khu vực đang xây dựng Khu phức hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại Tây Hồ View tại 58 Tây Hồ. Ảnh: CTV


Lệ Quyên - Nguyễn Trương lược thuật

___________

* Nhằm góp ý cho Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An cũng như bảo tồn giá trị cảnh quan, văn hoá Hồ Tây (Hà Nội), Người Đô Thị cũng đã đăng tải nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia hữu quan về quy hoạch, bảo tồn, kiến trúc... Bạn đọc quan tâm có thể theo dõi các bài viết tại đây.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.