mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Quốc hội làm luật đang “lùi hay tiến”?

 15:26 | Thứ sáu, 27/11/2020  0
Quốc hội khóa XIV vừa hoàn thành kỳ họp thứ 10, đã thông qua 7 luật, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và cho ý kiến 4 dự án luật. Đa số đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ hiện hành theo kiểu tách thành hai luật, như hai dự án luật đã trình là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn Giao thông đường bộ. 

Liên quan đến việc tách luật kể trên, báo chí đã đặt câu hỏi tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV “đó là bước tiến hay bước lùi trong công tác lập pháp của Quốc hội?”. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời: “Tôi cho rằng cả tiến cả lùi, đây là vấn đề liên quan đến trật tự an toàn giao thông, trật tự an ninh xã hội, cần thêm thời gian để đánh giá kỹ lưỡng”. 

Câu hỏi ấy rất cần được Quốc hội quan tâm, để soi xét lại rất nhiều vấn đề, từ tất cả các khâu trong hoạt động lập pháp thời gian tới; không chỉ với các dự án luật đã bị đa số đại biểu Quốc hội khóa XIV cho ý kiến không đồng tình, mà còn với cả các dự án luật sẽ trình trong tương lai, nhằm tránh trường hợp trình dự án luật theo kiểu “nhảy dù” vào chương trình xây dựng luật như đã xảy ra trong kỳ họp này.   

Việc đề xuất tách Luật Giao thông đường bộ  thành hai dự án luật đã nêu, là theo đề xuất của Bộ Công an. Đầu tháng 8.2020, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ dự án Luật Giao thông đường bộ  (sửa đổi) và Bộ Công an trình dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn Giao thông đường bộ. Văn phòng Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến và 10/19 thành viên Chính phủ không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật.

Đồng thời, 11/19 thành viên Chính phủ đồng ý để Bộ Giao thông Vận tải thực hiện công tác đào tạo, sát hạch cấp phép lái xe như hiện hành. Tuy vậy, ngày 12.8.2020 Thủ tướng Chính phủ đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ  và trình Quốc hội cho ý kiến cả hai dự án luật. 

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận về Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), sáng 16-11 - Ảnh: Quochoi.vn


Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Trần Thị Dung “trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 được Quốc hội thông qua thì tên của luật là dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), nay thì tách thành 2 dự án luật, việc này cũng chưa có báo cáo Quốc hội một cách đầy đủ”.

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cũng có ý kiến, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng đã phân tích và cảnh báo “nếu tách luật sẽ phá vỡ kết cấu vốn đã hợp lý, logic. Nói rộng ra là có thể tạo ra một tiền đề hết sức nguy hiểm cho công tác xây dựng pháp luật theo kiểu tùy nghi sau này”. 

Cũng tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV còn xem xét dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, cũng do Bộ Công an soạn thảo. Có 290/393 (73,7%) đại biểu Quốc hội có ý kiến không cần thiết ban hành luật này.  Việc các đại biểu Quốc hội bác dự án luật nêu trên cho thấy hoạt động lập pháp có sự bất cập từ góc độ đề xuất luật. Bộ Công an một mặt cho rằng thiếu lực lượng quản lý địa bàn nên cần ban hành thêm luật lập thêm lực lượng mới; mặt khác lại muốn  “gánh thêm” cả việc quản lý đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe, vốn đang do hàng chục ngàn cán bộ, nhân viên, thanh tra giao thông thuộc Bộ Giao thông Vận tải đảm nhận. 

Kỳ họp này, Quốc hội cũng thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Trước giờ Quốc hội bấm nút, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đã đề nghị hoãn thông qua, vì “điều khoản về công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tiếp tục không được chỉnh sửa sau nhiều đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức xã hội”... Đề nghị hoãn thông qua luật đó cũng được đại diện của 6 liên minh và hội với 124 tổ chức thành viên góp ý, gởi đến các đại biểu Quốc hội và Quốc hội, qua cổng thông tin của cơ quan này.  

Việc bỏ điều khoản về nghĩa vụ công khai thông tin về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, có thể coi là một bước lùi vì cản trở công dân tiếp cận thông tin mà Luật Tiếp cận thông tin đã quy định “phải được công khai rộng rãi”, đó là “thông tin liên quan đến lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng” (điều 17). Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cảnh báo “nếu sự giám sát này bị triệt tiêu, trong tương lai chúng ta sẽ lại phải tiếp tục chứng kiến những hậu quả tàn khốc sau khi thiên nhiên, môi trường đã bị hủy hoại vì sự yếu kém, tham lam, cuồng vọng của con người”.  

Vậy mà dự án luật ấy vẫn được thông qua với sự “nhất trí cao” (chỉ 16 đại biểu Quốc hội không tán thành), để lại những lo lắng về thực thi luật pháp và cả thực hiện quyết tâm chính trị của Thủ tướng Chính phủ “không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”. Một khi luật đã được thông qua với kẽ hở lớn như “việc công khai báo cáo ĐTM không thuộc trách nhiệm nhà nước và không có quy định chế tài” thì những lo lắng đối với thực thi luật pháp bảo vệ môi trường là khó giải tỏa. 

Trong hoạt động lập pháp, điều cử tri rất cần là cả Quốc hội và từng đại biểu không được đánh mất ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Nếu một quy định luật pháp được thông qua chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận nào đó mà tạo ra những “lưỡi hái treo trên đầu dân”, thì đó chính là “bước lùi” trong hoạt động lập pháp. 

Phan Sông Ngân

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.