Theo dân gian truyền tụng thì đó là những người sống ở gần vùng núi Ba Vì, một ngọn núi quen thuộc ở miền Bắc Việt Nam.
Về không gian địa lý, Ba Vì là một dãy núi đất và đá vôi lớn, trải trên một phạm vi rộng chừng 5.000 ha nằm ở hai huyện Ba Vì, Thạch Thất (Hà Nội) và một phần của tỉnh Hòa Bình, cách nội thành Hà Nội chừng 60 km.
Khi mây vờn trên đỉnh núi Ba Vì trông giống như “đội mũ”, là dấu hiệu sáng ngày hôm sau sẽ có mưa. Ảnh: Hữu Nghị
Ca dao có câu: Nhất cao là núi Ba Vì/ Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn. Thực tế, núi Ba Vì không phải là ngọn núi cao nhất (1.296m), còn kém núi Tam Đảo (1.561m, nằm trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang). Nhưng Ba Vì là ngọn núi được coi là Núi Tổ, gắn liền với huyền thoại Sơn Tinh - Thuỷ Tinh và có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt.
Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là ngọn Tản Viên (còn gọi là Ngọc Tản, Tản Sơn, hoặc Phượng Hoàng Sơn). Núi này cao 1.281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (tản: cái tàn che). Tản Viên (viên: hình tròn) có nghĩa là “hình tròn như cái tàn che”. Ngon núi này chính là nơi được coi là có liên quan và là căn cứ để giải thích câu tục ngữ “đội mũ sớm mai, thắt đai chiều tối”.
Đỉnh Tản Viên cao khoảng 1.227m nằm dưới một mái núi thắt cổ bồng, là núi Tản Viên. Đền Thượng nằm trên đỉnh Tản Viên còn gọi là Chính cung thần điện, là nơi thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn. Ảnh: Hữu Nghị
Cũng bởi theo cách quan sát, tri nhận và trí tưởng tượng của người dân, thì dáng núi ở đây được hình dung như dáng người. Vậy khi nào trời có mây vờn trên đỉnh núi, sẽ trông giống như người "đội mũ” (mũ: đồ dùng đội trên đầu để che nắng, che mưa). Còn khi nào mây bao quanh núi (khoảng lưng chừng) thì trông giống như cái đai thắt quanh lưng vậy (đai, có 3 nghĩa: 1. vành bao quanh một vật gì, để giữ cho chặt, cho chắc; 2. vành đeo ngang lưng phía ngoài áo chầu vua; 3. dây thắt ngang lưng phía ngoài áo của các võ sĩ).
Kinh nghiệm dân gian thì trong trường hợp núi Ba Vì “đội mũ” là dấu hiệu sáng ngày hôm sau sẽ có mưa. Còn khi nào núi Ba Vì “thắt đai” thì cơn mưa sẽ xảy ra vào chiều tối. Phán đoán thời tiết nắng mưa theo kiểu “trông trời, trông đất, trông mây” là một cách dự báo thời tiết dân gian rất quen thuộc và đắc dụng.
Núi kia “đội mũ”, “thắt đai”
Là điềm báo trước mưa mai hay chiều...
PGS-TS. Phạm Văn Tình
(Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)