Từ đầu năm 2021, huyện đảo Phú Quốc đã vươn lên trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, khi ngày 8.1 tỉnh Kiên Giang công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang và các phường thuộc Thành phố Phú Quốc. Cái tên mỹ miều đảo Ngọc như lùi vào quá khứ khi những công trình xây dựng, dự án bất động sản, nghỉ dưỡng đang mọc lên với tốc độ chóng mặt.
Phú Quốc yên bình, thân thiện dần phai nhạt
Tôi đến Phú Quốc khá muộn, lần đầu vào khoảng năm 2000. Du khách lúc đó đã khá nhiều nhưng đảo vẫn còn hoang sơ, đơn giản chỉ có con đường xuyên tâm từ cực nam An Thới lên cực bắc Bãi Thơm, Gành Dầu và tuyến đường ven biển. Sự yên bình gần như tuyệt đối. Dân cư chừng như chỉ có người bản địa và du khách. Mối ứng xử của cư dân cực kỳ thân thiện.
Vào một quán ăn, xem thực đơn thấy giá mỗi món 30.000 đồng, quen kiểu cách bán hàng của Sài Gòn, tôi gọi mực hấp, cá bớp kho và lẩu. Nhưng bất ngờ khi quán dọn lên cả ba món đều to đầy ắp. Ba cha con tôi ăn ứ hự chỉ vừa lưng hai món, dư nguyên cái lẩu.
Những không gian thơ mộng biển xanh như Bãi Sao giờ phần lớn đã thuộc về các dự án nghỉ dưỡng, bất động sản ven biển.
Thuê xe máy cứ chạy muốn dừng vứt xe ở đâu cũng được, không lo bị mất, hết giờ cứ đậu xe trước khách sạn sẽ có người đến lấy. Theo hướng dẫn của nhân viên khách sạn, tôi đến ăn thử hủ tíu tôm trên đường 30 Tháng 4. Hủ tiếu tôm là món lạ, cung cách mua bán cũng lạ: mỗi ngày chỉ bán một nồi, hết hàng thì thôi không nấu thêm. Hỏi thăm, chủ quán cười tủm tỉm: “Sức tới đâu làm tới đó, làm nhiều quá sức mất ngon mang tiếng chết!”. Quả thật, hủ tíu ngon lạ lùng, nước trong vắt như mắt mèo, vị ngọt lịm, tôm ửng hồng dẻ chắc.
Rừng phía bắc đảo khi đó gần như còn nguyên vẹn. Hơn 9 giờ sáng đi trên đường không khí từ rừng phả ra làm lạnh cả người. Bờ biển từ An Thới đến Dương Tơ, Dương Đông trải rộng cát vàng, biển xanh và những hàng dừa lộng gió. Mỗi lần tôi ra sau này là một sự đổi thay, bê tông, nhà cao tầng mọc lên, màu xanh rừng, bãi biển thu hẹp lại. Quán hủ tíu tôm nổi tiếng cũng không còn, nghe đâu đã có người mua đứt mặt bằng.
Dự án bất động sản chèn ép di tích
Cuối tháng 4 vừa rồi, thăm Thành phố Phú Quốc bất giác giật mình. Không chỉ An Thới, Dương Đông, mà Dương Tơ, Hàm Ninh, Bãi Thơm đều trở thành phố thị. Những khu đô thị mới toàn tên Tây. Một siêu quần thể nghỉ dưỡng bề thế tráng lệ như Venice của nước Ý, một khu đô thị ở Bãi Khem mang kiến trúc khép kín Đông Âu… Giá chào bán mỗi căn hộ lên đến hàng chục tỷ đồng. Mừng vui trước sự đổi thay hiện đại, tôi đi tìm lại dấu tích lịch sử của Phú Quốc thì không khỏi ngỡ ngàng.
Theo văn hóa tín ngưỡng hợp dung của người dân địa phương và lịch sử hình thành, Phú Quốc có nhiều đền, miếu, dinh thờ Bà, Cậu, Hoàng tử, Vua… của văn hóa Việt, Chăm, Hoa, Khmer theo tín ngưỡng dân gian và cũng có những miếu thờ các nhân vật lịch sử. Miếu Hoàng tử ở bờ biển Dương Tơ, là nơi hàng trăm năm qua người dân đảo thờ cúng Hoàng tử Nhật, con của Nguyễn Ánh thời đào tị đã chết và được chôn cất đến triều Tự Đức thì di cốt về cải táng ở Huế. Với niềm tin đôn hậu, đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn, hàng năm người dân đảo tụ tập về đây cúng lễ vào ngày 9-10 tháng 12 âm lịch.
Một đô thị dù to đẹp, văn minh đến mấy nhưng thiếu lịch sử, thiếu bản sắc sẽ thành đô thị vô hồn.
Hiện tại, ngôi miếu Hoàng tử nằm sau lưng phần đất Tập đoàn TTC làm chủ đầu tư. Đường vào miếu là một lối mòn lởm chởm đất đá và um tùm cây cối. Diện tích ngôi miếu chỉ bó hẹp trong khoảng vài trăm thước vuông, nằm sát biển. Phía trước miếu có hai miếu nhỏ thờ Chư thần và miếu Âm hồn, trên ghềnh đá ngoài cùng lệch về bên phải là tượng Quan âm Nam Hải.
Gần đây, những người quản lý dự án muốn chiếm cả mặt tiền bờ biển, đưa ra phương án xây mới hai miếu nhỏ bên hông trái của miếu Hoàng tử, định di dời hai miếu Chư thần, Âm hồn và cả tượng Quan âm Nam Hải về đó. Ông Võ Văn Giàu, thủ tự miếu không đồng ý nên tạm thời chưa bị di dời. Đến lúc ấy thì miếu Hoàng tử chỉ còn là ốc đảo.
Lễ hội giếng Tiên, Bãi Ngự đã quá vãng!
Một di tích khác nổi tiếng hơn, thiêng liêng hơn, kỳ thú hơn là giếng Ngọc - giếng Tiên - giếng Gia Long ở An Thới, số phận còn buồn hơn. Nguyên ở đây lúc thủy triều lên, mép nước biển chỉ cách vài tấc lại có giếng cạn rỉ ra nguồn nước ngọt trong vắt quanh năm. Ngay cạnh giếng, trên mặt tảng đá có dấu chân người được cho là dấu chân vua Gia Long. Phía bãi biển có hòn đá mang hình dạng giống y cái ghế dựa được người dân gọi tên ghế Ngự và bãi biển này đươc gọi Bãi Ngự.
Giếng Tiên sát mép nước biển vẫn ngọt quanh năm.
Truyền thuyết kể rằng trong lần đào tị ra đây, lương thực, nước ngọt đều cạn kiệt, Nguyễn Ánh dậm chân xuống đất và ngửa mặt lên trời than rằng: “Nếu trời cho ta làm vua thì hãy cho nước ngọt chảy ra đây”. Dứt lời, ông phóng kiếm xuống đất, lạ thay nước ngọt lập tức phun lên từ nơi mũi kiếm đâm xuống. Từ đó, bên cạnh giếng, người dân lập một ngôi miếu nhỏ thờ Gia Long. Miếu tuy nhỏ nhưng trang nghiêm, phía trước có bình phong án ngữ. Người dân địa phương lẫn du khách tin tưởng nguồn nước giếng thiêng này sẽ mang lại sức khỏe, sự may mắn nên thường xuyên cúng viếng.
Đặc biệt, theo lời ông Võ Văn Giàu - thủ tự miếu Hoàng tử, trước đây từ ngày mồng mười đến rằm tháng giêng âm lịch, người dân đảo đổ về đây cúng giỗ và cùng quần tụ ăn uống hội hè đông đảo như lễ Nghinh phong, Cầu ngư. Nhưng giờ đây một dự án resort đã được giao, rộng từ sâu trong đảo ra đến biển, có cả phần Bãi Ngự cạnh bên giếng. Bảo vệ khu resort này không cho người dân tụ tập trên bãi biển hội hè như trước nữa. Muốn vào giếng bằng đường biển phải thuê ghe từ An Thới hoặc Bãi Khem, giá trên mạng đăng khoảng 300.000 đồng nhưng khi tôi hỏi giá, chủ ghe hét 1.500.000 đồng! Một cách khác là đi đường rừng từ An Thới.
Sức khỏe kém không thể đi rừng, tôi phải chọn phương án thứ ba, thuê xe ôm đến khu resort xin đi nhờ đường vào miếu. Dù xuất trình thẻ nhà báo và nói rõ mục đích vào chụp ảnh giếng Gia Long nhưng ban quản lý resort vẫn buộc mua vé tham quan 500.000 đồng. Tuy cách trở như vậy nhưng khi tôi đến, bên thành giếng Tiên, trên bàn thờ thiên trước và trong miếu Gia Long vẫn đầy hoa tươi và nghi ngút khói hương. Chứng tỏ tâm linh và lòng người thì không có gì ngăn trở được.
Giếng Tiên và miếu Gia Long với nhiều di tích chỉ bó hẹp trong diện tích hơn 100m2, đươc người dân cúng viếng mỗi ngày.
Xét về yếu tố thời gian, tính chất thì miếu Hoàng tử, giếng Gia Long đã có hơn 200 năm, quá đủ điều kiện để xếp loại di tích. Nếu chưa được xếp hạng, phong tặng thì hẳn là do sơ sót hoặc những định kiến chính trị về vương triều Nguyễn. Những di tích lịch sử lâu đời in sâu vào tâm thức người dân, những sinh hoạt cúng lễ hội hè chính là bản sắc văn hóa của địa phương. Một đô thị dù to đẹp, văn minh đến mấy nhưng thiếu lịch sử, thiếu bản sắc sẽ thành đô thị vô hồn. Do đó, đầu tư phát triển phải đồng hành với bảo vệ và phát triển bản sắc truyền thống.
Mặt khác, nếu làm tốt những lễ hội vía Hoàng tử, vía Gia Long hàng năm thì hoạt động này chính là những điểm nhấn đặc sắc để thu hút du khách đến Phú Quốc. Muốn làm được điều này thì đất đai, bờ biển ở các điểm di tích phải dành phần cho cộng đồng chứ không thể để doanh nghiệp độc chiếm.
Cách làm dịch vụ trung thành với chất lượng của quán hủ tíu tôm, cách bán hàng ngay thật của các quán ăn ngày trước, môi trường sống an ninh và những người cho thuê xe hiếu khách ngày trước… là những giá trị độc đáo của người dân đảo, là ấn tượng khó phai để mỗi du khách khi rời đi vẫn nhớ tiếc và muốn quay lại.
Ban Quản lý dự án đã xây hai miếu nhỏ nằm cạnh miếu Hoàng tử để di dời miếu Chư thần và miếu Âm hồn ở phía mặt biển về đây. Nếu bị di dời và lấy phần đất cho dự án thì Miếu Hoàng tử không còn mặt tiền hướng biển và bị bao vây trong dự án.
Điều đáng lo ngại hiện nay là áp lực đô thị hóa, lượng dân nhập cư quá lớn đang dần đè bẹp lối sống thân thiện hiếu khách của người dân bản địa. Cách hét giá tàu từ 300.000 đồng lên 1.500.000 đồng, cách buộc khách đi nhờ đường vào giếng Gia Long phải mua vé 500.000 đồng hoàn toàn ngược với phong cách ứng xử thân thiện cố hữu của dân đảo. Cung cách ứng xử ấy chừng như đang lan rộng trên đảo Ngọc theo tỷ lệ tăng cơ học của dân tứ xứ đổ về. Không chỉ giá cả ngày càng phi mã mà sinh hoạt, an ninh trật tự của Phú Quốc cũng không còn yên bình. Trộm cắp, thanh toán theo kiểu xã hội đen, đã gần như là chuyện thường ngày.
Nguy cơ cạn kiệt nước ngầm
Những mất mát, tổn thương về phần hồn của đảo đã xuất hiện sẽ gây tác hại lâu dài. Những tổn thương phần xác là tài nguyên, môi trường của đảo lại càng đáng lo lắng hơn. Quan trọng nhất là nguồn nước ngọt. Giếng Gia Long là dấu hiệu sống còn của đảo Ngọc. Nguồn nước ngọt của giếng chính là nước ngầm do mưa thẩm thấu từ các ngọn núi đưa ra bờ biển - hiện tượng tương tự như nước từ Trường Sơn thấm ra đến tận bờ biển Quảng Nam mà nhà văn Nguyên Ngọc gọi là “nước mọi”.
Báo chí đã từng phản ánh thực trạng rừng bê tông chắn kín bờ biển Phú Quốc. Trong ảnh: mật độ xây dựng dày đặc của một dự án trên bãi Trường thuộc xã Dương Tơ. Ảnh: Zing
Mùa khô năm 2020, tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở Phú Quốc đã được báo động. Theo Trung tâm Nước sạch thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang: “Hồ nước ngọt Dương Đông chỉ đủ cung cấp trên toàn huyện đến đầu tháng 5.2020. Nếu như qua tháng 5, thời tiết không mưa thì tình hình thiếu nước ở Phú Quốc sẽ diễn biến phức tạp”. Để khắc phục, thành phố đã đưa ra phương án sử dụng nguồn nước ngầm để bù đắp cho phần nước thiếu. Theo báo chí, chi nhánh cấp nước Phú Quốc có phương án khoan một số giếng ở khu vực gần hồ nước Dương Đông để kịp thời cung ứng nước khi tình huống xấu có thể xảy ra.
Trong bài viết Quản lý tài nguyên nước mặt cho sự phát triển Khu kinh tế Phú Quốc đăng trên website Hội Cấp thoát nước Việt Nam, GS-TS. Trần Đức Hà đã báo động: “Các điểm cấp nước chủ yếu dựa vào nước ngầm với trên 720 giếng, khoan sâu từ 10-50m, cho hơn 75.000 người... Các khách sạn cũng sử dụng nước ngầm làm nguồn cấp nước chính với các giếng khoan sâu khoảng 50 - 70m. Có rất nhiều hộ gia đình sử dụng giếng khoan, giếng đào để khai thác nước ngầm. Các giếng này thường sâu 15 - 30m, về mùa mưa lượng nước khá dồi dào, nhưng mùa khô mực nước ngầm hạ đi nhanh chóng. Ở các đảo, người dân địa phương hầu hết phụ thuộc vào thiết bị bơm tay…”.
Đầu tư phát triển Phú Quốc phải đồng hành với bảo vệ và phát triển bản sắc truyền thống. Đất đai, bờ biển ở các điểm di tích phải dành phần cho cộng đồng chứ không thể để doanh nghiệp độc chiếm.
GS. Hà cảnh báo: “Chất lượng nước ngầm khá tốt cho sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, khai thác nước ngầm quá mức và không có kế hoạch sẽ dẫn đến mực nước ngầm bị hạ thấp, chất lượng nước ngầm khu vực trũng hoặc ven biển sẽ bị nhiễm mặn. Các giếng khoan khi không còn sử dụng do chất lượng nước kém không được đóng lại đúng kỹ thuật sẽ là cửa tiếp nhận nước thải hoặc nước ngầm mạch nông gây ô nhiễm nguồn nước ngầm mạch sâu.
Do đó cần sớm bổ sung các dự án hồ cấp nước để hạn chế khai thác nước ngầm không kiểm soát… Sự khai thác quá mức và không hợp lý nguồn nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, du lịch, và sản xuất trên đảo là nguy cơ dẫn đến cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, chính những hoạt động này còn làm ảnh hưởng đến dòng chảy và phát sinh những chất gây ô nhiễm đối với nguồn nước của đảo”.
Cảnh báo nói trên chỉ thống kê số lượng giếng khoan nhưng chưa đánh giá đươc khối lượng nước ngầm đang khai thác hiện nay. Trữ lượng nước ngầm cũng chưa được đánh giá. Điều chắc chắn là nguồn nước ngầm không phải vô tận và khi rừng, đất mặt bị thu hẹp do xây dựng thì nguồn nước bổ sung sẽ giảm theo. Biến động sinh thái sẽ gây những hậu quả khó lường khi nước ngầm cạn kiệt.
Vấn đề đặt ra là song song với những dự án đầu tư phát triển thì cần có chương trình nghiêm túc, khẩn trương bảo vệ di tích lịch sử, bản sắc văn hóa, tài nguyên và môi trường đảo Ngọc. Chương trình ấy phải bao hàm cả nghiên cứu đầu tư hệ thống tích và phân phối nước ngọt, xử lý nước thải, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và còn phải xây dựng nếp sống ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư, nhất là cộng đồng doanh nghiệp.
Bài và ảnh: Lê Đại Anh Kiệt