Tâm có fanbase thuộc hàng “khủng” trong tất cả các ca sĩ Việt. Cho đến bây giờ, theo tôi biết, chỉ có vài người, kể ra chưa đầy một bàn tay: Đan Trường, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Sơn Tùng MT-P… có thể làm được điều đó. Tuy mỗi ca sĩ đều có chiến lược và bí quyết riêng, như Trường có một ông bầu Tuấn quá đảm lược và đầy thủ thuật đón đầu thị trường. Còn Tâm, bí quyết tạo và nuôi dưỡng fanbase chắc hẳn em giữ kín, hay là không có bí quyết nào, tự Trời cho một lượng hâm mộ trung thành bền bỉ?
Không! Chắc chắn em có những cách để từ mười bốn tuổi đến sáu mươi tuổi đều thấy hấp dẫn, đều hướng về một thần tượng như nhất. Trước tiên, là gầy dựng đội ngũ fan trẻ, còn đang tuổi choai choai. Làm thế nào để bắt đầu mọi thứ từ con số 0? Ít ra, em cũng phải có một lượng fan thiếu niên ngay từ khi cái tên Mỹ Tâm được nhắc đến trong các bài báo đầu tiên, như một hình tượng trẻ trung gần gũi, không cao vời như các chị Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung… tức là có-thể-chạm-tới-được, thân tình âu yếm, nói trúng tim đen đám đông rất manh động, rất choai choai như một người chị ruột rà.
Mỹ Tâm biểu diễn trong một chương trình ca nhạc. Ảnh: Phan Nam
Các fan giàu năng lượng này suốt ngày kể về Tâm cho bạn bè họ, bắt chước cách nói của Tâm, để tóc theo kiểu của Tâm… Suốt ngày họ chỉ nghe và hát karaoke: Quê hương tuổi thơ tôi, Yêu dại khờ, Nhé anh!...
Nguyên lý đồn thổi áp dụng vào trường hợp Tâm cũng đúng như mọi trường hợp tiếp thị khác, nhất là khi cộng đồng thiếu niên mới lớn dễ bị chinh phục - miễn bạn đừng gây sốc, miễn bạn cư xử nhân hậu, có phần vuốt ve tâm lý người mới lớn. Tâm thì thừa nhân hậu, không bao giờ thèm gây sốc. Thế rồi đám trẻ ấy lớn dần, trưởng thành, Tâm biết tính toán dành cho họ những bài hát người lớn hơn, có chiều sâu, đồng thời vẫn gợi nhớ về tuổi niên thiếu. Cây đàn sinh viên đâu chỉ sinh viên thích, hết làm sinh viên rồi thì vẫn nhớ nhung thời hàn vi như thường. Đường xưa, Ngỡ như tình đã quên mình đâu có dành cho thiếu niên, mà cho những ai từng-thiếu-niên hôm trước.
Thiếu niên tiếp sau đã có anh chị là fan của Tâm, các em lại nối theo, nguyên do là các em vẫn còn thấy bóng dáng mình trong Tâm, thế là lượng fan tăng gấp đôi. Giữ được một, sẽ nhân hai, nhân bốn theo cấp số nhân - đây là quy luật phổ quát trong nguyên lý fanbase. Tâm áp dụng rất đúng quy luật, kiên định với hình tượng khi mà em luôn luôn chiều chuộng fan, sống và làm việc như một gương sáng cho đàn em trẻ hơn, vậy là trở thành nghệ sĩ có fan rộng bao la và tuyệt đối trung thành, dẫu đa số chỉ yêu thôi, bằng một tình yêu hiếu thắng không vụ lợi.
Họ như một sư đoàn quân tình nguyện, chiến đấu hằng đêm, cạnh tranh ồn ào với fan của ca sĩ khác mà không hiểu mấy về chiều sâu của thần tượng mình. Ai từng chứng kiến cảnh Thanh Thảo và Mỹ Tâm bắt tay nhau dàn xếp “cuộc chiến” giữa fan hai phe trong những trận đấu… gấu bông mới thấy vừa đáng yêu vừa đáng… mệt. Sân khấu ca nhạc giải trí gọi nôm na là “showbiz” lúc đó vui nhộn và rắc rối như vậy.
Những fan cuồng nay đã lớn, chắc hẳn sẽ nhớ lại thời kỳ sung và hăng của mình một cách thích thú và bao dung.
Tâm chẳng thuộc về thế hệ Làn Sóng Xanh - cần nói thẳng một cách không e dè như thế. Tâm lùi về sau một chút, bởi vì làn sóng vốn rất xanh kia, vốn từng nâng lên nhiều ngôi sao lấp lánh như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Minh Thuận, Đan Trường, Lam Trường, Phương Thanh, Nhất Sinh… thì đã bớt xanh từ năm 2000. Có lọt vào Top từ năm 2001 trở đi cũng chẳng vinh hạnh gì mấy. Vì vậy, định ra một đường hướng nghệ thuật cho em vào lúc đó cần phải khác, không ăn theo Làn Sóng Xanh được, trong khi đó khung văn nghệ bao cấp của đài truyền hình cũng đã xuống giá.
Năm bảy năm trước kia, người ta giẫm đạp nhau để được lên đài. Người ta từng phải để ý từng cây thuốc lá, từng bữa ăn, từng chai rượu cho các “ngài” biên tập. Mối quan hệ cá nhân giữa ca sĩ, với các biên tập viên có quyền sinh sát là mối quan hệ có nhiều phần không tử tế, không bình đẳng. Ca sĩ ngồi chiếu dưới, ngửa cổ chờ ơn trên mưa móc. Khi Tâm vào nghề, sân khấu truyền hình không còn cái uy lực như thế nữa, may mắn cho em! Cố nhiên, may mắn cho tất cả các ca sĩ hữu danh hay vô danh.
Chuyến Bắc tiến đó, vợ chồng tôi (vợ tôi khi ấy đang mang thai cháu Tom) đi cùng Tâm. Tâm khá nhiều bè bạn, trong đó không ít người có sức ảnh hưởng tương đối ở cấp… truyền hình. Nhưng đài đánh giá sao bằng người trong nghề đánh giá; năm ông bà biên tập đài thì cũng chẳng thấm gì so với một lời khen của chị Trần Thu Hà, Thu Phương. Tâm quả thực gây bão ở New Century, nơi mà em còn ra nhiều lần nữa trong các solo show được mời đích danh.
Thế Cường, người biên tập New Century, rất quý tôi. Cường nói thẳng thắn, “Cái Tâm nó được đấy anh ạ, anh cho nó ra ngoài này hát nhiều đi, nó rất khác với các ca sĩ đương thời, showbiz Hà Nội thì chưa ồn ào được như Sài Gòn nhưng nếu được công nhận ở đây vẫn tốt, Hà Nội là nơi bảo chứng cho các giá trị”. Tôi có suy nghĩ về nhận định này.
Tâm đã khác với mọi người ở chỗ nào?
Mỹ Tâm thì không có con đường đột phá gây sốc nào cả, cũng không bắt chước một làn gió nào (bấy giờ vẫn còn thịnh hành nhạc Hương Cảng cải biên hay để nguyên, cơn sốt Hàn chưa lên, ngọn gió Thái cũng chưa thổi để làm ra hiện tượng Thanh Thảo). Tâm thuần khiết như thể cứ sinh ra là phải sống vậy, cứ cất tiếng là phải hát vậy.
Như chúng ta biết, đa phần các ca sĩ Việt Nam, hoặc là đón bắt một làn gió mới để bắt chước, hoặc vạch ra con đường riêng và chịu thất bại nếu không kiên gan đi thật lâu trên đường đó. Mỹ Tâm thì không có con đường đột phá gây sốc nào cả, cũng không bắt chước một làn gió nào (bấy giờ vẫn còn thịnh hành nhạc Hương Cảng cải biên hay để nguyên, cơn sốt Hàn chưa lên, ngọn gió Thái cũng chưa thổi để làm ra hiện tượng Thanh Thảo). Tâm thuần khiết như thể cứ sinh ra là phải sống vậy, cứ cất tiếng là phải hát vậy.
Giai đoạn Làn Sóng Xanh hoặc trước đó một chút… đều ít nhiều dây mơ rễ má đến “hệ thống”, tức là nếu không con ông cháu cha thì cũng liên hệ gần với giới chức văn nghệ hoặc tự nhiên có gen con nhà nòi. Hệ thống các mối quan hệ này mặc nhiên thổi hạt giống bay đi khắp chốn. Phương Thanh là một ngoại lệ với xu thế đó: cô giống giống như trường hợp Tâm, không nằm trong hệ thống, mà chỉ là người-được-chọn đúng vào thời kỳ nhạc Việt cần một ngọn lửa ngùn ngụt.
Phương Thanh bật lên, bật quá lên, trong giai đoạn cao trào đỉnh điểm của nhạc Việt bằng hình ảnh một nghệ sĩ lăn xả, bản năng, bất cần. Nhưng Thanh không chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để giữ fan và để có sự nghiệp mỗi ngày mỗi sáng: tuổi đời lớn hơn, mọi thứ chậm lại rồi tắt dần, trong đó yếu tố sức khỏe, bận rộn gia đình, các mối quan tâm xa rời thế tục kiểu tâm linh kỳ bí...
Thân thiện với khán giả. Ảnh: Hoài Ân
Tâm, khởi đi như Phương Thanh nhưng đam mê và may mắn đặt em vào một lợi thế không ai so bì được. Tôi chưa từng thấy ai có đam mê nồng nàn như em, những anh chị thành danh chỉ hát khi được mời hát, nếu không thì có cạy miệng họ cũng chẳng chịu hát. Vì em mê hát và xem hát không phải là “việc” theo nghĩa nặng nhọc, bắt buộc, nên Tâm hát gì cũng hay - ta hãy hiểu “hay” ở nghĩa lay động lòng người, thấy đầm ấm và tin cậy, thấy sôi trào bản năng sống và niềm vui.
Tâm là người đi thắp những ngọn nến vui (Tình em ngọn nến là một trong những bài nổi của Tâm năm 2002, đi siêu thị nào cũng thấy loa oang oang), bất kể ở đâu làm gì, tiếng nói tiếng hát em, giọng cười em đã đủ sưởi ấm mọi tâm hồn đơn lạnh. Đến tôi, người sống vừa duy lý vừa hướng nội, ít chịu được sự ồn ào, mà còn thấy vui thật nhiều khi Tâm có mặt. Em như sống cuộc đời “đúp”, hay nhân ba nhân năm, hay nhiều cuộc đời trong một cuộc đời. Như thể trong kiếp sống này, em sống bằng nhiều kiếp chồng lên nhau. Một biểu tượng hiện sinh khát sống, hừng hực sống mà chúng ta không thấy ở thời đoạn bây giờ.
Một “cô hippy lạc loài” như trong cuốn truyện tôi xem ngày bé.
“Một Mỹ Tâm chân thành, nồng nhiệt, dấn thân và đầy sức sống, sức sáng tạo trong những câu chuyện tưởng chừng tản mạn. Bức chân dung ấy không chỉ làm đầy sự ngưỡng mộ bạn đã dành cho Mỹ Tâm, mà còn có thể truyền trao một nguồn cảm hứng đặc biệt.
Phía sau chân dung một ngôi sao nhạc trẻ, quyển sách này hé lộ nhiều khoảng sáng, khoảng tối của đời sống showbiz, thế giới biểu diễn mà đôi khi, từ hàng ghế khán giả, bạn chẳng thấy gì ngoài vẻ mê hoặc của hào quang lấp lánh.
Thế giới âm nhạc muôn màu và sống động trong những trang viết chắt lọc và tinh tế của Quốc Bảo, một người đứng sau rất nhiều hiện tượng và hiểu rõ đâu là điều còn lại, đâu là thứ lao xao chóng vánh của những trào lưu hời hợt.
TÂM cũng sẽ giúp bạn trả lời được phần nào câu hỏi - điều gì đã làm nên sức sống bền lâu của một giọng ca, một hình tượng nhận được sự ái mộ của công chúng trong dòng chảy V-Pop từ giữa thập niên 1990 đến nay” - Phanbook
Nhạc sĩ Quốc Bảo