Trước vụ việc Dự án bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng (Dự án Marina Complex) đang tiến hành san ủi lấn sông Hàn để xây dựng khu biệt thự, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) vừa có thông cáo đề nghị dừng hoàn toàn những việc lấn chiếm dòng sông Hàn. Điều này nhằm ngăn chặn các tác động tiêu cực đáng lo ngại sẽ xảy ra trong tương lai.
Cụ thể, theo VRN phản đối về việc xây dựng khu phức hợp nhà nghỉ, biệt thự này ở bờ đông sông Hàn, vì việc lấn sông dưới mọi hình thức đã vi phạm pháp luật như Luật Tài nguyên Nước (2012), Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Phòng chống thiên tai (2013) và Luật Giao thông Đường thủy Nội địa (2014).
VRN cho rằng, việc lấn sông sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của con sông, gây sạt lở hai bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân sống quanh khu vực phường Nại Hiên Đông. Vào mùa mưa lũ, nước mưa sẽ trũng lại, khó tiêu thoát, gây ngập úng cục bộ.
Đây sẽ là tiền lệ xấu cho việc lấn chiếm sông, suối, gây tác động nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của con người và sự phát triển bền vững kinh tế của đất nước.
VRN cũng đề nghị đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cần được công khai minh bạch. “Việc xây dựng dự án khu phức hợp và bến du thuyền Marina Complex đang làm trái với quy luật của tự nhiên. Việc lấn chiếm sông là đi ngược lại với xu thế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu”, thông cáo viết.
Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, dự án Marina Complex được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt sơ đồ ranh giới năm 2009, diện tích 175.012 m2, trong đó diện tích đất liền 105.520 m2, diện tích mặt nước 69.492 m2, giao Tập đoàn VinaCapital nghiên cứu dự án.
Năm 2011, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch lần đầu, trong đó khu vực phía sông quy hoạch 13 khối tháp cao tầng (từ 16 - 33 tầng) và các công trình bảo dưỡng du thuyền; đất công viên, cây xanh…
Sau đó, Tập đoàn VinaCapital đã chuyển nhượng cổ phần của Công ty TNHH Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thực hiện.
Qua các lần điều chỉnh quy hoạch năm 2015, 2017, dự án giảm còn 117.311 m2, trong đó diện tích đất liền 107.311 m2, diện tích mặt nước, cầu tàu giảm từ 63.003 m2 còn 10.000 m2.
Khu vực phía sông điều chỉnh từ 13 khối tháp cao tầng còn 2 khối tháp (chiều cao từ 16 - 33 tầng) và 57 căn biệt thự
Hiện phần dự án bất động sản lấn sông này đã thi công san lấp mặt bằng, kè bao, đang thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như: đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, điện...
Thời gia qua, dự án này cũng khiến dư luận lo lắng bởi những tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Theo Luật Tài nguyên Nước tại Điều 9, “Các hành vi bị nghiêm cấm: Mục 5. Khai thác trái phép cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa; khai thác khoáng sản, khoan, đào, xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa”.
Luật Bảo vệ Môi trường Số 55/2014/QH13 , Điều 56: Bảo vệ môi trường nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch: Mục 3 nêu “Tổ chức, cá nhân không được lấn chiếm, xây dựng trái phép công trình, nhà ở trên mặt nước hoặc trên bờ tiếp giáp mặt nước hồ, ao, kênh, mương, rạch; hạn chế tối đa việc san lấp hồ, ao trong đô thị, khu dân cư.”.
Luật Giao thông Đường thủy Nội địa (2014) điều 8 nêu rõ “Đổ đất, đá, cát, sỏi hoặc chất thải khác, khai thác trái phép khoáng sản trong phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng…”.
L.Quỳnh