mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

“Giữ thuế VAT thấp chỉ có lợi cho người giàu”: So cam với táo

 00:34 | Chủ nhật, 03/09/2017  0
Chi tiêu ít hơn người giàu nên người nghèo đóng góp ít hơn vào số thu thuế VAT là chuyện đương nhiên. Việc so sánh bằng cách sử dụng hai con số tuyệt đối làm căn cứ kết luận cũng giống như so cam với táo, bỏ qua khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa người giàu và người nghèo.

Ủng hộ quan điểm tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng lên 12% của Bộ Tài chính đã châm ngòi cho hàng loạt những phản ứng trái chiều từ dư luận. Trong đó, ông Sebastian Eckhardt - kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng việc giữ thuế suất VAT thấp chỉ có lợi cho người giàu, theo Vnexpress.  

Tương phản cuộc sống giữa hai thế giới giàu - nghèo ở Việt Nam. Ảnh: Cường Trần

Nhận định các hộ gia đình giàu thường có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, dùng nhiều hàng hóa đắt đỏ hơn nên họ đóng góp tỷ phần lớn trong doanh thu thuế VAT, ông Eckhardt dẫn tính toán của World Bank 20% người nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế VAT, trong khi người giàu đóng góp gần 40%. Lập luận hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10 ngàn đồng do thuế suất VAT thấp, hộ giàu tiết kiệm được 40 ngàn đồng, ông Eckhardt khẳng định “thuế suất VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo”.

Chi tiêu ít hơn người giàu nên người nghèo đóng góp ít hơn vào số thu thuế VAT là chuyện đương nhiên. Việc so sánh bằng cách sử dụng hai con số tuyệt đối làm căn cứ kết luận cũng giống như so cam với táo, bỏ qua khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa người giàu và người nghèo.

Hãy thử hình dung một cơ sở thuế VAT giản đơn gồm hai người. Ông A nghèo, có thu nhập 3 triệu đồng/tháng và bà B giàu, có thu nhập 30 triệu đồng/tháng. Giả định rằng mức chi tiêu tối thiểu là 3 triệu đồng, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt hằng tháng. Với thuế suất 10%, thu nhập khả dụng của ông A còn 2,7 triệu đồng/tháng. Khi tăng lên 12%, thu nhập này của ông A chỉ còn 2,64 triệu đồng/tháng (giảm 60 ngàn đồng/tháng). Tỷ lệ “số thuế phải đóng/thu nhập” tăng lên khiến mâm cơm thường nhật của ông A đạm bạc hơn, biểu hiện tính lũy thoái của sắc thuế giá trị gia tăng. Giàu hơn ông A, nên khi thuế suất tăng lên 12%, bà B dễ dàng tăng thêm phần nộp thuế - 60 ngàn đồng, trích ra từ phần tiết kiệm hằng tháng lên đến 27 triệu đồng (30 triệu đồng - 3 triệu đồng).

Viện dẫn kinh nghiệm quốc tế, ông Eckhardt cho rằng “giữ thuế suất VAT ở mức thấp không phải là cách tốt nhất để giải quyết cân bằng tài khóa và đảm bảo công bằng”. Cách phát biểu này khá an toàn cho người phát ngôn, đồng thời phát được thông điệp ủng hộ phương án tăng thuế suất VAT. Câu hỏi bật ra là, tăng thuế suất VAT có phải là cách tốt nhất để giải quyết cân bằng tài khóa và đảm bảo công bằng?

Bội chi kéo dài làm tài khóa mất cân bằng. Cần nhắc lại một thực tế là thành tích thu vượt dự toán nhiều năm qua của ngành thuế nhưng vẫn không đủ bù đắp thâm hụt ngân sách. Siết chặt kỷ luật tài khóa cũng là một lựa chọn (mời xem thêm bài Tăng thuế VAT và kỷ luật tài khóa). Ông Eckhardt có đề cập đến cải thiện tính hiệu quả và tiết kiệm của chi ngân sách nhưng có vẻ như về mặt quan điểm, thông qua nội dung trả lời phỏng vấn, tăng số thu thuế bằng cách tăng thuế suất VAT là ưu tiên một của kinh tế trưởng World Bank Việt Nam.

Chính sách như hai mặt của đồng xu. Bên cạnh các thành phần thủ lợi là những con người bị thiệt thòi. Giữ thuế VAT thấp khoan sức dân, có lợi cho người nghèo. Tăng thuế suất VAT khoan thủng sức dân.

Thượng Tùng

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.