mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Để không bị 'trả giá' bởi nhiệt điện than, cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo

 11:23 | Thứ bảy, 25/03/2017  0

nhiệt điện than

Các chuyên gia kinh tế, xã hội và môi trường tại tọa đàm. Ảnh: L.Quỳnh

Tọa đàm do Trung tâm Sáng tạo xanh (GreenID) được tổ chức vào chiều ngày 24.3, tại Hà Nội.

Theo một khảo sát của Hệ thống giám sát các nhà máy than toàn cầu của CoalSwarm (*), sau hơn một thập kỉ phát triển bùng nổ chưa từng có, công suất nhiệt điện than của toàn thế giới đã giảm vào năm 2016, chủ yếu do sự thay đổi về chính sách vào điều kiện kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ (khi mà Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tới 86% công suất xây dựng điện than toàn cầu từ 2006 đến 2016).

Điều này diễn ra đối với các nhà máy nhiệt điện than ở các giai đoạn khác nhau, bao gồm quy hoạch – chuẩn bị xây dựng, khởi công xây dựng và đang xây dựng.

Bùng nổ và thoái trào

Cập nhật mới nhất vào ngày 22.3 cho thấy, nhiệt điện than năm 2017 đã giảm 62% công suất trong giai đoạn khởi công so với 2016, và giảm 48% công suất trong giai đoạn chuẩn bị khởi công so với 2016. Trong đó, Trung Quốc dừng 300.000MW ở tất cả giai đoạn, giảm 85% cấp phép cho các nhà máy mới; Ấn Độ tạm dừng 13.000 MW.

Trong khi đó, từ năm 2015, năng lượng tái tạo (NLTT) đã chiếm 60% công suất lắp đặt mới. NLTT đã đầu tư (286 tỷ USD) gấp hơn hai lần nhiên liệu hóa thạch (130 tỷ USD). Trong đó, đầu tư của các nước đang phát triển cho NLTT (156 tỷ USD) cao hơn các nước phát triển (130 tỷ USD). NLTT cũng đã tạo ra 8 triệu cơ hội việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Tại Trung Quốc, tổng công suất NLTT (480.000MW) đã chiếm 25% tổng công suất phát điện cả nước; năm 2015 đã lắp đặt 15.000MW điện mặt trời, chiếm 35% toàn cầu; và vào năm 2020 Trung Quốc tự hoạch định mình sẽ là nhà đầu tư lớn nhất cho NLTT.

Còn Ấn Độ đã sản xuất 10.000MW NLTT trong vòng 3 năm nay, tạo ra một cuộc cách mạng năng lượng mặt trời, với mức đấu giá thấp kỷ lục: 5 cent/kWh.

Chi phí công nghệ điện mặt trời và điện gió trên thế giới cũng giảm nhanh. Giai đoạn 2009-2015 giảm 14% với giá thành sản xuất điện gió, và giảm 61% với điện mặt trời; nhưng đến giai đoạn 2015 – 2016, chi phí với hai loại NLTT này đã giảm tới 50%.

Trong khi xu hướng nhiệt điện than trên thế giới đang thoái trào như vậy thì tại Việt Nam, nhiệt điện than vẫn chiếm hơn 50% cơ cấu sản lượng điện vào năm 2030 (theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2017). Trong đó, sẽ có tới 15 nhà máy điện than sẽ được xây dựng tại vựa lúa và nông hải sản Đồng bằng sông Cửu Long.

 nhiệt điện Vĩnh Tân 4 - là một trong 4 nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 nằm liên hoàn ngay bên bờ biển

Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 - là một trong 4 nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 nằm liên hoàn ngay bên bờ biển. Ảnh: Lê Quỳnh

Cơ hội cho Việt Nam

Trao đổi tại tọa đàm, nhiều diễn giả đưa ra nhiều cảnh báo rủi ro với việc đẩy mạnh phát triển nhiệt điện than của Việt Nam.

BS Nguyễn Trọng An, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, cho biết hiện nay ô nhiễm môi trường từ nhiệt điện than nói riêng và một số ngành công nghiệp khác ảnh hưởng đến sức khỏe con người là điều rất dễ nhận thấy.

Ông chia sẻ thêm , mới đây khi xem sổ A6 (chuyên lưu người tử vong) của một xã của huyện Thanh Liêm (Hà Nam), ông phát hiện ra hàng năm có khoảng 97 người chết, trong đó có hơn ½ là chết vì ung thư phổi. Trong khi đó, cách Hà Nam chỉ 2km là nhà máy nhiệt điện Ninh Bình. Đó là chưa kể, mỏ khai thác đá và 2 nhà máy xi măng cũng trong vùng.

“Hiện chúng tôi đang tiến hàng nghiên cứu về ảnh hưởng của những ô nhiễm loại này tới sức khỏe người dân địa phương này, dự kiến một năm sau hoàn thành. Khi đó chúng tôi sẽ có những công bố cụ thể”, ông An nói.

Các diễn giả tại toạ đàm cho rằng Việt Nam cần ưu tiên phát triển tối đa có thể với NLTT rồi mới tính đến làm nhiệt điện than.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng đề cập đến vấn đề rủi ro của việc phải nhập 2/3 lượng than trong những năm tới của Việt Nam, trong khi than ngày càng cạn kiệt. Hay vấn đề xây cầu cảng vận chuyển than…

Trong khi đó, hiện nay nguồn tài chính cho điện than bị thắt chặt. Năm 2013 nhiều chính phủ và ngân hàng đa phương hạn chế đầu tư cho nhiệt điện than (nhóm Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu,…).

Tháng 1.2017, Thỏa thuận OECD (Úc, Canada, Liên minh Châu Âu, New Zealand, Na-Uy, Thụy Sĩ và Mỹ) giới hạn hỗ trợ Tín dụng xuất khẩu cho các dự án điện than công nghệ thấp (trường hợp của Việt Nam, điều kiện cho vay là phải sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn).

Cũng tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, chủ tịch hội đồng Khoa học năng lượng (Hội Năng lượng Việt Nam), nguyên trưởng khoa Kinh tế năng lượng trừng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: nhiệt điện than phát triển ở Việt Nam đã 60 năm qua nhưng đến nay không hề thấy có bước tiến nào trong công nghệ. Trong khi đó, chỉ trong một thời gian ngắn, công nghệ NLTT phát triển rất nhanh và đang chiếm ưu thế.

“Việt Nam không thể đảo ngược được xu thế phát triển này của thế giới. Đó là chưa kể, hiện nay Việt Nam chỉ mới đưa ra chiến lược kế hoạch phát triển năng lượng, nhưng chưa hề có giải pháp đi kèm”, ông Duệ nói.

Tính toán của IEA và NESCAUM cho thấy, nếu đầu tư công nghệ cao, thì chi phí leo thang của một nhà máy nhiệt điện than 600MW lên tới 1,8 tỉ USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự thay đổi công nghệ này với nhiệt điện than cũng chỉ “cải tổ” được tối đa khoảng 20% phát thải, ô nhiễm.

Trao đổi tại tọa đàm, bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc GreenId cho rằng, trong xu thế phát triển năng lượng hiện nay, Việt Nam chưa thể loại bỏ hoàn toàn nhiệt điện than, nhưng rất cần ưu tiên phát triển tối đa NLTT có thể, sau đó mới tính đến làm nhiệt điện; nhưng làm nhiệt điện than cần phải đáp ứng công nghệ tối thiểu là siêu giới hạn.

Bên cạnh đó là các kiến nghị khác, như: Việt Nam cần ưu tiên phát triển NLTT độc lập ở những nơi chưa có điện lưới; xã hội hóa đầu tư cho NLTT.

Khẩn trương thực thi các chính sách khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và sự tham gia bình đẳng cả các thành phần kinh tế trong xã hội để đầu tư ngay vào phát triển NLTT, và thúc đẩy tăng các nguồn vốn đầu tư cho NLTT (Ví dụ ưu tiên mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu đưa 18,000 MW điện gió và mặt trời).

Rủi ro với những trả giá cho môi trường sống, lẫn đánh đổi trong bài toán kinh tế, dân sinh,… cho phát triển nhiệt điện than như hiện nay là khó tránh khỏi. Vì vậy, nếu Việt Nam không ưu tiên phát triển NLTT ngay bây giờ thì sẽ bỏ lỡ cơ hội thị trường NLTT. Khi đó, muốn bắt nhịp lại, chúng ta phải mất ít nhất 50 năm nữa.

Lê Quỳnh

(*) CoalSwarm: mạng lưới các nhà nghiên cứu toàn cầu nỗ lực xây dựng nguồn thong tin tổng hợp về tác động của than và các giải pháp thay thế.

 » Bài toán điện – than và môi trường

» 32.000 tỷ vào Bauxite - Alumin Tây Nguyên, TKV đã lỗ gần 3.700 tỷ

» Tổng thầu Doosa của Hàn Quốc chịu trách nhiệm về sự cố Vĩnh Tân 4

» Bảo vệ môi trường trước, thu hút FDI sau

» Bình Thuận: Nổ lớn ở nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4

» Bình Thuận muốn dừng đổ 1,5 triệu tấn “bùn” của nhiệt điện Vĩnh Tân ra biển

» Bài 2: Nhiệt điện Vĩnh Tân: Nguy hại chồng lỗ hổng pháp lý

» Bài 1: Nhiệt điện Vĩnh Tân: “Vành khăn tang” môi trường

» Lớp chất thải dày 3 m sẽ phủ 30 ha đáy biển Tuy Phong?

» 'Người Việt không thể có hệ miễn dịch hơn 5 lần công dân nước khác'

» Ký thỏa thuận đầu tư Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2

» Từ cá chết Vũng Áng đến Formosa: Nhìn lại quy hoạch môi trường

» Nở rộ xin đầu tư dự án nhiệt điện than tỷ “đô”

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.