Không chỉ đưa ra những quan điểm để bảo vệ quốc hồn quốc túy, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản, cũng là người xúc tiến thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, còn cho rằng đây là “cơ hội của nước mắm truyền thống”.
Quan điểm của bà về kết quả khảo sát và công bố lập lờ chất arsen (thạch tín) trong nước mắm truyền thống mà VINASTAS đưa ra?
![]() |
TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản. Ảnh: Trung Dũng |
Tôi cho rằng VINASTAS quá vội vàng khi công bố thông tin mơ hồ rằng có arsen trong nước mắm, khiến người tiêu dùng hoang mang. Thêm nữa, việc tung tin đạm càng cao thì arsen càng nhiều là đánh vỗ mặt ngành sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam mà đằng sau đó là thân phận của hàng triệu ngư dân, doanh nghiệp, người lao động...
Vấn đề mấu chốt trong thông điệp của VINASTAS là sự nhập nhằng giữa arsen vô cơ (cực độc) và arsen hữu cơ có sẵn trong cá, nguyên liệu sản xuất nước mắm, không hề gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm (QCVN 8-2:2011/BYT), quy định lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận được tạm thời với arsen là 0,015mg/kg thể trọng (tính theo arsen vô cơ). Nhưng quy định kỹ thuật, giới hạn ô nhiễm arsen trong thực phẩm, với nước chấm là 1,0 mg/l. Ở đây cần phải hiểu, giới hạn 1,0mg/l này là của vô cơ, nước chấm ở đây là nước mắm công nghiệp. Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam mà lại làm người tiêu dùng hoang mang là không được.
Được biết vừa qua đông đảo đại diện hiệp hội nước mắm truyền thống, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống ngồi lại để đối thoại và bàn phương cách giải quyết khủng hoảng. Là người tham gia thảo luận, bà có thể cho biết cuộc họp đã thống nhất được những gì?
Chúng tôi đã thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của VINASTAS khi công bố kết quả khảo sát gây ra những hệ lụy, tác hại đã kể trên. Đánh giá tác hại từ thông tin của VINASTAS gây thiệt hại cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống cũng như có những biện pháp xử lý phù hợp để tình trạng này không tái diễn.
VINASTAS mặc dù không công bố danh sách những nhãn hiệu nước mắm có arsen nhưng không hiểu vì lẽ gì mà ngay ngày kế tiếp, bản danh sách các doanh nghiệp sản xuất nước mắm nằm trong kế hoạch khảo sát ấy lưu hành trên mạng. Đã có hiện tượng một số người tự xưng là người của các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp cầm danh sách đó đến các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống... phát cho người tiêu dùng. Việc lưu hành danh sách đó có hợp pháp không, có vi phạm luật cạnh tranh hay không?
Một cơ sở làm nước mắm truyền thống ở Phú Quốc. Ảnh TL
Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan kiểm tra, xử phạt nghiêm minh hành vi phát tán trái phép danh sách các nhãn hàng nước mắm có hàm lượng arsen (hữu cơ) thực chất là không gây hại theo quy định của QCVN nhưng gây hoang mang cho người tiêu dùng, xâm hại nghiêm trọng uy tín của nước mắm truyền thống. Đồng thời xử lý nghiêm các quảng cáo không đúng. Chỉ đạo các bộ liên quan công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc arsen hữu cơ trong nước mắm không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời làm rõ giới hạn ô nhiễm arsen trong nước mắm tại QCVN là arsen vô cơ.
Như vậy ngay từ văn bản ban hành của cơ quan quản lý Nhà nước, cần phân biệt nước mắm truyền thống và nước chấm?
Đúng vậy. Quy chuẩn quốc gia về nước mắm (đang trong quá trình hoàn chỉnh) nêu rất nhiều chất phụ gia, không hợp với nước mắm truyền thống. Ngay cả Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm cũng dùng chung khái niệm nước chấm. Cần bạch hóa khái niệm nước mắm và nước chấm. Chỉ gọi là nước mắm khi làm từ cá và muối, 10 độ đạm trở lên. Trong đó 10 độ đạm là nước mắm loại hai, 15 độ đạm trở lên là nước mắm loại một, 20 độ đạm trở lên là nước mắm cao đạm, 25 độ đạm trở lên là nước mắm đặc biệt.
Khó khăn của nước mắm truyền thống khi mở rộng thị trường, theo bà, là do đâu?
Có nhiều lý do. Ví dụ, những người trẻ bây giờ thích những gì tiện dụng, ăn liền. Nước chấm công nghiệp pha sẵn đáp ứng điều đó. Tôi không ăn nước mắm công nghiệp nên không thể đánh giá về chất lượng, chỉ nghe nói là nhạt, vị vừa phải, nhiều khi không phải pha hoặc pha rất dễ. Vì nhạt, độ đạm thấp thì phải dùng chất bảo quản, phải dùng các hóa chất như hương - vị nước mắm, hóa chất tạo độ sánh... Còn nước mắm truyền thống làm từ cá và muối, độ đạm cao thì phải mặn. Vì vậy ở đây là sự chọn lựa của người tiêu dùng.
Thứ nữa, các doanh nghiệp nước mắm truyền thống không biết làm truyền thông, vẫn kiểu mạnh ai nấy làm. Tuy nhiên đây là cơ hội rất tốt để chứng minh sự minh bạch và khẳng định giá trị “nước mắm đúng nghĩa nước mắm”. Cuộc họp vừa qua cũng là tiền lệ, khi những người làm nước mắm truyền thống thống nhất sẽ liên kết lại. Có thành lập hiệp hội nước mắm Việt Nam không thì chưa biết, nhưng họ sẽ cử ra một câu lạc bộ nước mắm truyền thống, thành lập một “đội phản ứng nhanh” để kịp thời xử lý những vấn đề trước mắt.
Vì sao bà lại gọi đây là “cơ hội” cho nước mắm truyền thống?
Người dân luôn ủng hộ những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, minh bạch trong thông tin sản phẩm, trong kinh doanh. Mà nước mắm truyền thống lại là quốc hồn quốc túy. Những người làm nước mắm truyền thống phải liên kết lại, thỏa thuận với nhau công bố rõ cho người tiêu dùng biết nước mắm truyền thống gồm những nhãn hàng nào, nơi bán, các đại lý... Thậm chí có thể làm luôn bản đồ các điểm bán nước mắm truyền thống cho người tiêu dùng dễ tiếp cận.
Còn về phía người tiêu dùng thì sao?
Bản thân người tiêu dùng cũng nên tỉnh táo. Ở đây chúng ta phải khẳng định đã có ngành sản xuất công nghiệp thực phẩm và nó sẽ luôn luôn thay đổi, theo sự thay đổi của khoa học công nghệ. Xu hướng của nó là làm sao để thực phẩm giữ được lâu hơn, dài hơn. Mà muốn vậy phải có chất bảo quản. Không cực đoan với những sản phẩm như vậy nhưng người tiêu dùng cần biết chọn lựa. Mặt khác, nhà sản xuất cũng phải cung cấp cho người tiêu dùng biết rõ thông tin.
Nước mắm là quốc hồn quốc túy của Việt Nam, ngày xưa làm gì có nước mắm 4 độ đạm nhưng bây giờ vẫn có. Thì rõ ràng đó là sự chọn lựa của người tiêu dùng. Anh có thể toàn quyền chọn nước mắm truyền thống hay nước mắm công nghiệp. Chỉ có điều, khi ăn nước mắm công nghiệp cần ý thức mình đang ăn cái gì. Cá nhân tôi chọn nước mắm truyền thống vì không muốn nạp hóa chất vào người. Nước mắm công nghiệp có thể rẻ, tiện dụng, thơm hơn bởi hương liệu và phụ gia, và hóa chất đó có thể an toàn nhưng cứ nghĩ một chai nước mắm mười mấy loại hóa chất, mỗi ngày nạp vô thì...
Liệu khi người tiêu dùng chuyển qua dùng nước mắm truyền thống thì ngành sản xuất nước mắm truyền thống có đủ đáp ứng? Được biết nhiều doanh nghiệp nước mắm truyền thống vẫn bán nước mắm nguyên liệu cho doanh nghiệp nước mắm công nghiệp.
Tôi nghĩ các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống sẽ đáp ứng được. Theo đánh giá hiện nay sản lượng nước mắm truyền thống khoảng 50 triệu lít/năm. Còn việc “cắt cầu”, không bán nước mắm nguyên liệu cho doanh nghiệp làm nước mắm công nghiệp thì chưa ai nghĩ đến. Nhưng đó là một giải pháp nếu nhu cầu nước mắm truyền thống tăng lên.
Không ai dùng nước mắm cốt để pha thành nước mắm rẻ tiền
Theo TS. Trần Thị Dung, chuyên gia công nghệ chế biến và bảo quản thủy sản, nước mắm ngon luôn có mùi vị thơm đặc trưng, ngọt có hậu. Thiếu đặc trưng đó chỉ có thể gọi là nước chấm.
Nước mắm truyền thống tự thân nó bảo quản được từ sáu tháng đến nhiều năm tùy theo độ đạm tổng của nước mắm. Với nước mắm pha chế hay “nước mắm công nghiệp” thì khác.
Bà Dung cho rằng: “Không nhà kinh doanh nào dùng nước mắm cốt để pha chế thành nước mắm rẻ tiền này, vì giá nước mắm cốt cao hơn nhiều. Dùng nước mắm nước hai, nước ba từ nhà thùng với giá rẻ mới có lãi. Nước mắm thấp đạm có mùi vị “ngon” bởi nhà sản xuất làm chủ được công nghệ bổ sung hóa chất, phụ gia”.
Cũng theo bà Dung, để quảng bá nước mắm công nghiệp, có người “dìm hàng” nước mắm truyền thống, bảo rằng nước mắm truyền thống có vi khuẩn kỵ khí sinh nha bào: “Nó chỉ xảy ra khi nhà thùng không bảo đảm vệ sinh. Hiện nhiều nhà thùng Phú Quốc đã đạt chứng chỉ HACCP và xuất khẩu đi nhiều nước”.
Theo bà Dung, không có tiêu chuẩn arsen trong nước mắm: “Có quy định về đạm tổng, độ pH, độ mặn, histamin, chì... nhưng với arsen thì không. Tiêu chuẩn nước chấm (làm từ đậu nành, từ cá) trên thế giới và cả Codex (của WHO và FAO) cũng thế. Điều này hợp lý, bởi vì người ta có thể ăn một ngày 200 - 300 gram cá nhưng húp được mấy muỗng nước mắm?”.
Trọng Văn thực hiện