mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Cô gái muốn "già đi trong tiệm sách cũ"

 06:30 | Thứ bảy, 02/08/2014  0

Sống giữa một đống sách

Cuộc đời có những bước ngoặt rất kỳ lạ và không lường trước được. Ví dụ như Liên, vào một chiều mưa tầm tã đã “cà rỡn” trên Facebook của mình rằng, sẽ mở một tiệm sách. Khoảng vài chục người bấm like và comment để cổ vũ sự “cà rỡn” kia, trong đó có comment rất nghiêm túc của một anh bạn, rằng: “Anh đặt hai cuốn sách này nhé!”… Vậy là Liên trở thành người bán sách!

Những gì mà hiện tại Liên đang có, là một tiệm sách nhỏ nằm trong một con hẻm nhỏ, cũng với một số lượng sách tàm tạm, chưa thể gọi là nhiều. Thế nhưng để có được chừng này là một câu chuyện không chỉ của riêng mình cô. “May thay, trên mọi nẻo đường, tôi đều có gia đình, người thân, bạn bè cùng kề vai sát cánh. Khởi đầu có khi chỉ là lòng tin vô điều kiện của anh bạn vào câu status “cà rỡn” của tôi, rồi những cổ vũ, nhưng động viên khác, những sự giúp đỡ khác. Tất cả đến trong thời điểm tôi đang đứng trước ngã rẽ và phân vân, họ đã cho tôi thêm can đảm để lựa chọn” - Liên chia sẻ.

Liên cùng một người bạn thân bắt đầu mọi thứ, rất sơ sài và ngây thơ, chỉ với một tình yêu bất tận dành cho sách. “Bạn ấy đã đóng cho tôi ba cái kệ rất lớn để chứa sách, thậm chí đã dẹp cái shop của bạn để nhường chỗ cho tiệm sách của tôi, đã cùng tôi sơn kệ, sơn trần, đã xếp sách, đã trồng cây, đã nuôi cá, nuôi mèo… Chúng tôi đặt tên cho nhà sách của mình là Kafka, bởi tôi vô cùng yêu thích cái thư viện trong cuốn Kafka bên bờ biển. Tôi thầm nghĩ, biết đâu, bookstore nhỏ xíu của mình có ngày thành thư viện!”. Liên nhớ lại những ngày đầu gian nan, cả hai không biết ai trong ngành sách, không từng làm qua một nhà xuất bản, cũng chưa từng thăm dò thị trường. Liên thậm chí hồi ấy chưa biết tới cả tiki (một trang bán sách trực tuyến lớn). Vốn liếng của Liên chỉ là những bài điểm những cuốn sách cô đọc, viết âm thầm trên blog cá nhân, mà theo cô, “chẳng được mấy ai ngó ngàng”.

Nhưng, để tiếp tục duy trì một nhà sách, nghiêm túc mà nói thì chỉ có tình yêu là không đủ. Liên kể: “Chúng tôi cần kỹ năng, cần kiến thức, cần thông tin. Tất cả những điều đó đều phải học, phải làm, phải tiếp cận thì mới rút tỉa ra được. Những ngày đầu tiên, tôi phải lấy sách thông qua một nhà sách khác, với chiết khấu khá thấp, chỉ tương đương với khách lẻ. Rồi dần dà, tôi tìm được thông tin của các nhà xuất bản khác, liều lĩnh đặt một số lượng sách tương đối lớn để trở thành đại lý của các nhà xuất bản. Chúng tôi đi dò dẫm trên con đường mới toanh, lạ lẫm, chẳng biết ai ngoài những cuốn sách. Rồi chúng tôi bắt đầu có bạn, những người bạn viết lách, dịch thuật và làm về xuất bản - những người đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, những người đã giúp chúng tôi hoà nhập để không còn cảm thấy lẻ loi đi bên lề của một lĩnh vực nhộn nhịp và cũng rất năng động”.

Nhiều hy vọng về gu đọc của giới trẻ

Sách ở Kafka không nhiều như các nhà sách lớn. Liên cũng không có tham vọng mở một nhà sách mênh mông. Cô chỉ cần một không gian vừa đủ cho những cuốn sách theo Liên là có chất lượng và vừa vặn với những người yêu thích nó. “Tôi nhập sách từ Nhã Nam; từ các nhà xuất bản Trẻ, Tri Thức, Kim Đồng và một số sách nhà xuất bản khác. Tôi cũng chọn lọc một số đầu sách tôi nghĩ tuy cũ nhưng chưa bao giờ hết giá trị. Để có được một danh sách phù hợp, tôi phải tự đọc một số, phần còn lại tôi nhờ vào các bài điểm sách từ các blog của những người mà tôi tin vào đánh giá của họ, là những dịch giả, tác gia, những người rất tâm huyết với sách”. Liên cũng không thể ngờ, dòng sách bán chạy nhất ở Kafka lại là… sách thiếu nhi. Cô chia sẻ: “Nhiều khách quá bận rộn không có thời giờ đọc, nhưng vẫn muốn gầy dựng thói quen đọc sách cho con cái, bởi họ hiểu được tầm quan trọng của sách”.

Với tôi, quan trọng không phải sách để ở đâu mà là bạn đã đọc chưa, vậy thôi! Đọc rồi mà kê đít thì vẫn hơn là trưng trong tủ cho đẹp rồi suốt đời không đụng tới. Cách đối xử tệ nhất với sách là không đọc nó!” - Hoàng Liên

Liên vui vẻ nói về khách hàng của mình, những bạn trẻ có sở thích ngồi nghiền ngẫm những cuốn sách trong một căn nhà nhỏ, lối đi nhỏ với những con mèo nhắng nhít dưới chân. Liên quan sát thấy khách đến nhà sách Kafka hầu như đều định hướng tốt về thể loại sách hoặc tựa sách các bạn yêu thích. “Có lần, khách của tôi là một bạn sinh viên năm thứ nhất đến tìm Hạt Higgs và mô hình chuẩn. Cuốn sách rất dày, chứa đựng một pho kiến thức đồ sộ. Tôi thấy hy vọng về một giới trẻ tư duy tốt, tìm đọc sách khoa học nghiên cứu chứ không chỉ chọn tiểu thuyết”.

Một dạo, báo chí rần rần việc một đạo diễn và một hoa hậu ngồi chễm chệ trên sách. Liên bày tỏ quan điểm riêng mình: “Với tôi, quan trọng không phải sách để ở đâu mà là bạn đã đọc chưa, vậy thôi! Đọc rồi mà kê đít thì vẫn hơn là trưng trong tủ cho đẹp rồi suốt đời không đụng tới. Cách đối xử tệ nhất với sách là không đọc nó!”.

Mong được chết già trong tiệm sách cũ

Bạn bè thân thiết không ít người hỏi Liên: sao bỗng dưng lại đi bán sách? Bán sách làm sao giàu nổi? Liên chỉ cười hiền: “Thú thật, giờ bán gì đi nữa thì tôi cũng không giàu, vì tôi hoàn toàn không có kỹ năng lẫn khả năng đó. Nhưng tôi biết rõ một điều: đó là tôi thích, tôi yêu, tôi mong muốn được chết già trong một tiệm sách cũ!”.

Tính Liên vốn không thích những nhà sách sắp xếp sách thẳng thớm, dẫu nó tích cực ở điểm an toàn cho trẻ nhỏ so với những nhà sách chất tới nóc, nhưng lại mang cho Liên cảm giác lạnh lùng. Liên kể, cô may mắn được đi các nhà sách ở nước ngoài, có nhà sách to như nhà ga, không ít nhà sách trông tả tơi (tả tơi so với người ta, chứ với Liên thì vẫn hoàng tráng) nhưng sách chất tới nóc. “Có lần, tôi bắt gặp một ông cụ chủ tiệm sách cũ, cũ đến nỗi tiệm sách ấy không khác nào một kho sách với những hàng kệ cao bằng hai thân người chồng lên nhau. Các lối đi ở giữa hẹp đến mức khách phải nghiêng người len vào để không chạm rơi sách. Nhưng lạ một điều, hỏi đến cuốn nào là ông biết ngay cuốn đó, nội dung gì, tác giả nào, và nằm ở đâu giữa kho sách mênh mông”. Sau này Liên mới hiểu, người bán sách mà hiểu về sách thì không nhiều, nhưng người bán sách cũ hiểu về sách thì nhiều lắm. “Tôi nhận ra, phải có hiểu biết đủ tầm thì mới bán được sách cũ. Bởi những người chơi sách như chơi đồ cổ, họ có con mắt tinh tường khi đánh giá chất lượng sách. Tôi nhớ, một chủ tiệm sách cũ nổi tiếng ở Hà Nội từng nhận xét rất chí lí: ai biết đọc, biết viết với chút vốn lận lưng, cũng có thể buôn sách cũ. Nhưng sẽ không thể có một tiệm sách cũ đàng hoàng nếu như chủ nhân của nó không có vốn đọc đàng hoàng”.

Ra vậy, để “được chết già trong một tiệm sách cũ”, thì Liên phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, khi cô còn chưa già lắm. Đầu tiên, phải cố gắng sống cho đến già. Tiếp theo, phải có một tiệm sách, nhỏ thôi cũng được, để tích trữ sách, đến lúc chủ tiệm già đi thì sách sẽ thành sách cũ. Vậy là Liên đạt được điều mà cô mong muốn.

Thuỳ Dung

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.