mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Chủ tịch Ngân hàng ACB Trần Hùng Huy: ACB lên sàn, nấc thang mới

 09:39 | Thứ hai, 11/01/2021  0
Ngày 9.12.2020, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) chính thức niêm yết 2,16 tỷ cổ phiếu (tương đương 21.616 tỷ đồng vốn điều lệ) tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). ACB cũng là ngân hàng thương mại cổ phần thứ ba lên sàn HOSE trong năm nay. Trước những triển vọng mới này, Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB.

Ông Trần Hùng Huy cho biết, cũng như bao doanh nghiệp khác, đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của ACB trong năm 2020: “Nhưng ACB đã chủ động thay đổi nhanh. Tại ACB, con người là nhân tố quan trọng cho sự thành công của ngân hàng nên mặc dù trong bối cảnh COVID-19, Ban lãnh đạo vẫn không giảm lương hoặc giảm nhân sự. Chúng tôi điều chỉnh kế hoạch phát triển nhân tài cho phù hợp với bối cảnh chung và vẫn tạo động lực cho đội ngũ nhân viên của mình tin tưởng vào ngân hàng. Vì vậy, nhân viên vẫn làm việc hiệu quả và đóng góp cho việc hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2020 xa hơn kỳ vọng”.

Vững tay chèo 

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng, sâu rộng đến nền kinh tế. Sự kiện bất khả kháng khiến khu vực ngân hàng, vốn được xem như huyết mạch của nền kinh tế, chịu nhiều tác động. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến trung tuần tháng 11.2020 đạt 7,26%, thấp hơn mức 10,28% so với cùng kỳ.

Trước đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế 9 tháng đầu năm nay đạt 5,12%, thấp hơn mức 8,51% cùng kỳ năm ngoái, đồng thời cũng là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Như vậy, chỉ trong 1,5 tháng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã tăng 2,14%. Báo Lao Động dẫn nguồn tin từ Ngân hàng Thế giới cho hay, chiều 9.12.2020, định chế tài chính này đã công bố Kết quả điều tra đợt 2 về tác động của đại dịch COVID-19 (được thực hiện trong giai đoạn cuối tháng 9 giữa tháng 10) lên doanh nghiệp, nhằm đánh giá hiện trạng hồi phục kinh tế  Việt Nam. Theo đó, 60% doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn tài chính, do ba nguyên nhân lãi suất quá cao, rủi ro trả nợ và thiếu tài sản thế chấp. 

Chủ tịch Ngân hàng ACB Trần Hùng Huy.


Một quản lý cấp cao thuộc khu vực ngân hàng thương mại cổ phần bình luận với Người Đô Thị rằng cầu tín dụng phân khúc bán buôn sụt giảm khiến cạnh tranh ở phân khúc bán lẻ ngày càng tăng. Với tư cách là bạn đồng hành của doanh nghiệp, ngân hàng sẽ quyết định giải ngân dựa trên bốn yếu tố cơ bản là pháp lý, mục đích vay, chứng minh nguồn trả nợ và tài sản đảm bảo. Thế nhưng có những quan sát cho thấy tài sản đảm bảo hiện trở thành yếu tố then chốt để ngân hàng quyết định tài trợ. 

Cầu tín dụng yếu còn gây sức ép lên hệ thống. Có một thực tế là không phải tất cả điểm giao dịch của ngân hàng đều có thể tự cân đối được chi phí. “Tỷ lệ 10% được xem là chấp nhận được trong điều kiện bình thường… cũ”, vị này xác nhận con số cụ thể khá nhạy cảm đối với mỗi ngân hàng, nhất là trong điều kiện dịch bệnh có tính bất định.  

Tổng hợp Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của 26 ngân hàng đã công bố hồi đầu tháng 11.2020 cho thấy lãi dự thu của 7/26 đơn vị tăng vọt, từ 35% lên 92%. Các khoản lãi, phí phải thu, thường gọi là lãi dự thu, được hiểu là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi (bao gồm cho vay khách hàng), ngân hàng chưa thu được tiền thật từ tài khoản này, tuy nhiên khoản này vẫn được ghi nhận vào báo cáo của ngân hàng, từ đó tạo ra lợi nhuận. Nếu tuân thủ nguyên tắc thận trọng, ngân hàng chỉ tính lãi dự thu cho nợ nhóm 1 do các khoản nợ bắt đầu chuyển sang nhóm 2 trở đi sẽ xuất hiện rủi ro khả năng thu hồi. Ngân hàng phải ngưng dự thu lãi nếu những khoản nợ quá hạn 10 ngày (tức bắt đầu chuyển sang nhóm 2). 

Là một trọng số liên quan chặt chẽ đến lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng cũng như nợ xấu thực của ngân hàng, lãi dự thu biến động tăng mạnh là một dấu hiệu nhạy cảm đối với sức khỏe của ngân hàng. Trong danh sách 26 ngân hàng vừa nêu, ACB cuối quý III có lãi dự thu giảm mạnh nhất (17%), xuống 3.042 tỷ đồng từ 3.676 tỷ đồng, vào thời điểm 31.12.2019. Về nợ xấu, so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ nợ nhóm 3 và 4 tính đến 30.9.2020 lần lượt tăng 2,9 và 2,4 lần trong khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại giảm 0,9. Việc nợ xấu cao hơn so với các cùng kỳ năm trước cũng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. “ACB đang kiểm soát tốt về chất lượng danh mục tín dụng khi tỷ lệ nợ xấu luôn đảm bảo duy trì dưới 1% và ACB tiến hành trích lập dự phòng đầy đủ theo đúng quy định”, ông Trần Hùng Huy khẳng định.

Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy nhận giải thưởng “Doanh nhân xuất sắc châu Á” năm 2020 do Enterprise Asia vinh danh. Ảnh: TLNV


Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất của ACB là 11,26% tính đến hết quý III.2020, đảm bảo ở mức cao hơn so với quy định quản lý của Nhà nước về vốn (tối thiểu 9%). Năng lực phòng vệ của vốn được tăng cường qua các năm và là bước đệm vững chắc cho mọi hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong thời gian tới. “Dự kiến trong năm 2021, ACB sẽ nâng tỷ lệ an toàn vốn lên mức trên 12%”, ông Trần Hùng Huy cho biết. Cuối tháng 7.2020, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho ACB tăng vốn điều lệ từ 16.627 tỷ đồng lên gần 21.616 tỷ đồng. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lãnh đạo ACB đã chủ động phân tích tình hình thực tế và đánh giá các tác động ảnh hưởng đến khả năng triển khai kinh doanh theo kế hoạch đầu năm. Lợi nhuận trước thuế năm 2020 đã trình Hội đồng Quản trị thông qua là 7.636 tỷ đồng, dự kiến chỉ tăng trưởng tương đương như năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2020, với sự điều chỉnh hợp lý và linh hoạt trong điều hành kinh doanh của Ban điều hành, ACB đã đạt được kết quả kinh doanh khá khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt 6.411 tỷ đồng, hoàn thành 84% kế hoạch năm. Tăng trưởng tín dụng phục hồi mạnh sau tháng 4.2020 và ACB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng “room” cho vay thêm 3% lên 14,75%. 

“Với kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm đã đạt được, Ban điều hành dự kiến sẽ không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh ở tất cả các chỉ tiêu đã đề ra”, ông Trần Hùng Huy chia sẻ. Được biết, ACB vẫn chưa cắt giảm cả lương và nhân sự của nhân viên. 

Chia ổ bánh “bancassurance”

Bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) được hiểu là sự hợp tác giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng, trong đó ngân hàng sẽ tận dụng hệ thống phân phối và nguồn khách hàng của mình để phân phối sản phẩm bảo hiểm cho công ty bảo hiểm và thực hiện một số dịch vụ như thu phí bảo hiểm. Đổi lại công ty bảo hiểm sẽ trả hoa hồng và các khoản phí cho ngân hàng theo thỏa thuận. Khi mà thu nhập từ mảng dịch vụ của ngân hàng sụt giảm mạnh thì hợp đồng độc quyền giữa ACB và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life (Sun Life) mở ra cơ hội tận dụng, khai thác hiệu quả lợi thế của cả đôi bên.

Bancassurance không xa lạ với ACB. Trước khi đặt bút ký vào bản hợp đồng độc quyền với Sun Life có thời hạn 15 năm (có hiệu lực từ 2021), ACB đã từng là đối tác của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Kết thúc quý II.2020, ACB lọt vào top 3 ngân hàng dẫn đầu về doanh thu từ bancassurance. Đáng chú ý là tỷ lệ duy trì hợp đồng đạt mức trên 90%.  

Thời gian gần đây, thị trường cũng ghi nhận nhiều hợp đồng độc quyền giữa nhiều ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Năm 2019, bancassurance đóng góp 30% trong tổng doanh thu bảo hiểm mới của khối nhân thọ. Thậm chí với một số ngân hàng cổ phần cỡ nhỏ, bancassurance còn đóng góp đáng kể vào tỷ phần doanh thu từ mảng dịch vụ. Tính đến cuối tháng 11.2020, tổng doanh thu toàn ngành bảo hiểm đạt 165.781 tỷ đồng, trong đó mảng nhân thọ chiếm 111.627 tỷ đồng. Không bị ràng buộc bởi nhiều quy định về an toàn vốn so với mảng kinh doanh tín dụng cũng là một động lực rất mạnh để ngân hàng đẩy mạnh khai thác thêm doanh thu từ mảng bancassurance.

Ông Trần Hùng Huy tại sự kiện Gần Lại O, ACB tổ chức cho thiếu nhi, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của thế hệ tương lai. Ảnh: TLNV


Quyết định hợp tác với Sun Life, Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy cho biết, đối tác từ Canada có nhiều thế mạnh về sản phẩm, công nghệ và nhân sự, tương thích với sự phát triển của ACB trong các năm qua. Về chiến lược kinh doanh, đôi bên đều tập trung gia tăng các giá trị cho khách hàng, giúp khách hàng cảm thấy an toàn và an tâm về tài chính trong cuộc sống.

Tính đến cuối tháng 11.2020 ACB đã phủ sóng 48 tỉnh thành trên cả nước với 371 đơn vị, phục vụ khoảng 3,6 triệu khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, tập trung vào tầng lớp trung lưu ở đô thị. Bộ cơ sở dữ liệu khách hàng đã qua sàng lọc là lợi thế vô cùng hấp dẫn không chỉ với những doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Toàn hệ thống ACB có hơn 10.000 nhân viên, được đào tạo bài bản và thường xuyên tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ ngắn hạn, dài hạn tại Trung tâm học tập ACB. Bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng là yếu tố then chốt, bởi chính họ là những người có nhiều thông tin nhất về khách hàng, có thời gian tiếp xúc đủ dài để tư vấn cho khách hàng sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhất. 

Sự hài lòng của khách hàng là chiếc chìa khóa mở cánh cửa thành công. Trung tuần tháng 9 vừa qua, The Asian Banker vinh danh ACB với giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ được tin dùng nhất Việt Nam”. Ở ACB, nhu cầu của khách hàng là viên gạch nền xây dựng chiến lược tăng trưởng. Có lẽ, chính định hướng đúng đắn đó của ACB đã giúp Enterprise Asia (một tổ chức uy tín nổi bật của châu Á) vào tháng 10.2020 đi tới quyết định trao cho ACB 3 giải thưởng quan trọng: “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á”, “Thương hiệu truyền cảm hứng” và “Doanh nhân xuất sắc châu Á” cho cá nhân Chủ tịch Trần Hùng Huy. 

Năm giá trị cốt lõi của người ACB 

Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy cho biết, môi trường làm việc tại Ngân hàng Á Châu được hình thành xoay quanh năm giá trị cốt lõi của người ACB là: Chính trực, Cách tân, Cẩn trọng, Hài hòa, Hiệu quả. ACB luôn hướng đến mục tiêu tạo điều kiện để người ACB thể hiện và làm đậm nét các giá trị cốt lõi của tổ chức. 

“Tại ACB, chúng tôi xây dựng hệ sinh thái nhân tài ACB Talent Ecosystem với mỗi thành viên là một đối tác sự nghiệp phát triển cùng thành công của ACB, với lộ trình phát triển cho từng chức danh, những thách thức và cơ hội để chủ động lên kế hoạch về nghề nghiệp (WORK). Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn hướng dẫn và tổ chức học tập diễn ra rất sôi nổi để nhân viên có thể chủ động hoàn thiện năng lực và sẵn sàng đáp ứng cho các nhu cầu của tổ chức (LEARN).

Ngoài #Work và #Learn, nhân viên ACB có rất nhiều hoạt động để thực sự cháy hết mình cho các công tác thiện nguyện, phong trào văn nghệ, thể thao và đặc biệt là trách nhiệm đối với môi trường đang sống. Chúng tôi luôn đề cao việc bảo vệ trái đất xanh thông qua những hành động nhỏ nhưng rất cụ thể của cộng đồng ACB như uống nước không dùng ống hút, đi chợ mang theo túi vải và luôn dùng ly nước của mình để hạn chế sử dụng rác thải nhựa”, ông Huy chia sẻ.

Yến Trinh 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.