Lời toà soạn
Biên bản cuộc họp giữa Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam mà Người Đô Thị công bố dưới đây diễn ra đã 4 tháng. Tuy nhiên, công luận chưa được biết nội dung, và nay lại thành một trong những căn cứ để tỉnh Lâm Đồng viện dẫn trong dự thảo văn bản đề nghị Hội Kiến trúc sư Việt Nam có ý kiến về phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng: “Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức buổi làm việc với Sở Xây dựng Lâm Đồng, qua đó cơ bản thống nhất với phương án kiến trúc trên" (là phương án 1 - Hotel du Printemps của EAI: nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, phần dưới và xung quanh xây dựng tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ...).
Theo yêu cầu của một số chuyên gia, kiến trúc sư và bạn đọc đang quan tâm đến quy hoạch khu Hòa Bình và đồi Dinh của Đà Lạt sau khi đọc lược trích biên bản trên Người Đô Thị, chúng tôi đăng toàn bộ nội dung biên bản làm việc này để rộng đường dư luận. Tựa bài viết do tòa soạn đặt.
Người Đô Thị
Khu đồi Dinh là mảng xanh hiếm hoi còn sót lại của trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Mai Vinh
Theo Biên bản cuộc họp giữa Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam với Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, sáng ngày 30.6.2021 tại trụ sở Văn phòng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam ở Hà Nội đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến góp ý về phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng, thuộc quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt.
Thành phần tham dự phía Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam có: KTS. Trần Ngọc Chính (Chủ tịch hội), GS-TS-KTS. Đỗ Hậu (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký), TS-KTS. Trương Văn Quảng (Phó Tổng thư ký), ThS-KTS. Phan Thanh Mai (Chánh Văn phòng); Về phía tỉnh Lâm Đồng có ông Lê Quang Trung (Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng).
Tại cuộc họp, ông Lê Quang Trung báo cáo về tình hình thực hiện các công tác chuyên môn quy hoạch sau khi tổ chức công bố quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình, Đà Lạt vào tháng 3.2019. Trong đó, gồm việc đã tổ chức mời thêm 3 đơn vị tư vấn tầm cỡ quốc tế có năng lực cao làm thêm các phương án ý tưởng kiến trúc công trình khách sạn đồi Dinh, đồng thời cũng có điều chỉnh cục bộ quy hoạch với việc quy mô công trình thương mại ở vị trí rạp Hòa Bình từ 4 tầng còn 1,5 tầng.
Đối với các phương án ý tưởng kiến trúc khách sạn đồi Dinh, tỉnh đã tổ chức trưng bày lấy ý kiến và đạt đa số đồng thuận của công chúng. Ngày 12.4.2021, Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã có kết luận lựa chọn Phương án 1 (đề xuất bởi EAI).
Khu Hòa Bình - một không gian lịch sử, nhân văn đặc thù Đà Lạt. Theo Đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị khu trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt: Rạp hát Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ, thay bằng Trung tâm thương mại Hòa Bình, là khu phức hợp có tính chất giải trí với từ 3 đến 5 tầng nổi. Công năng của rạp sẽ được xây dựng trong công trình ngầm. Ảnh: Lê Quân
Ý kiến của các thành viên dự họp:
TS-KTS. Trương Văn Quảng: "ý tưởng rất tốt, với việc tôn trọng quá khứ, hướng đến tương lai, biến công trình Dinh thành bảo tàng ở điểm cao mới, nhìn xuống toàn bộ khu trung tâm Đà Lạt. Ý tưởng thiết kế có sự kế thừa mạch hơi thở Đà Lạt của người Pháp xưa. Chắc chắn sẽ là một công trình đặc biệt có giá trị nếu được xây dựng. Công trình khách sạn đồi Dinh sẽ nổi bật hơn nữa trong tổng thể khu trung tâm Hòa Bình khi có sự cân đối hơn các mối quan hệ với kiến trúc cảnh quan môi trường trong toàn bộ khu trung tâm".
ThS-KTS. Phan Thanh Mai: "Nhất trí giải pháp thiết kế kiến trúc của khách sạn, việc nâng công trình Dinh lên cao ở tầng trên cùng của khách sạn đã tôn vinh được không gian cảnh quan và giữ được di sản. Giải pháp thiết kế khách sạn độc đáo, tạo được công trình xanh, dù rất mới nhưng phù hợp với khu vực. Công trình khách sạn đã tích hợp được chức năng hội nghị, hội thảo cấp quốc tế là phù hợp với yêu cầu bổ sung chức năng mới cho thành phố để đáp ứng nhu cầu phát triển. Nếu công trình được xây dựng sẽ trở thành một biểu tượng kiến trúc mới của đô thị".
GS-TS-KTS. Đỗ Hậu: "Khu Hòa Bình và đồi Dinh có vị trí rất quan trọng của đô thị di sản Đà Lạt. Tỉnh đã triển khai công tác lập quy hoạch và lấy ý kiến cộng đồng dân cư là những bước đi rất bài bản và nhận được sự tán đồng cơ bản với phương án 1, đó cũng là ý chí quyết tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh, của người dân địa phương. Phương án chọn thể hiện sự quan tâm đến vấn đề bảo tồn, sử dụng hình thái kiến trúc rất phù hợp với địa hình, cảnh quan Đà Lạt, ý tưởng rất hay".
KTS. Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) phát biểu khai mạc hội thảo: "Đà Lạt - Đô thị di sản với công tác quy hoạch và quản lý phát triển”, diễn ra tại Đà Lạt ngày 27.11.2020. Hội thảo do UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức. Ảnh: báo Lâm Đồng
KTS. Trần Ngọc Chính đại diện Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trao tặng danh hiệu “Vì sự phát triển đô thị Việt Nam năm 2020” cho ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 2015 – 2020). Ông Việt là lãnh đạo đã ký Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 12.2.1019 phê duyệt “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”, gây tranh cãi suốt hơn hai năm qua. Ảnh: báo Lâm Đồng
Kết luận cuộc họp, KTS. Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho biết:
Ngày 15.5.2019 Hội có văn bản số 20/2019/CV-VUPDA gửi Sở Xây dựng Lâm Đồng, trong đó chỉ nêu các vấn đề chung do chưa được xem các phương án ý tưởng cụ thể về khách sạn đồi Dinh.
Hiện tại khu trung tâm Hòa Bình thật sự rất nhếch nhác; Công trình nhà hát xập xệ, không có giá trị kiến trúc; Tổ chức giao thông chưa tốt; Bộ mặt thương mại dịch vụ khá lộn xộn, chưa có công trình đẹp đóng góp vào mỹ quan chung cho thành phố Đà Lạt; Không có công trình ngầm, chỗ để xe,...
Dinh Tỉnh trưởng hiện có tình trạng xuống cấp, bị các nhà dân, nhà cao tầng xung quanh che khuất không gian và cảnh quan xung quanh. Hiện tại không gian cảnh quan khu vực đồi Dinh không được khai thác sử dụng, làm mất đi hiệu quả sử dụng đất cho yêu cầu phát triển đô thị, nhất là khu trung tâm thành phố.
Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cơ bản tán thành với báo cáo tình hình triển khai quy hoạch và phương án đầu tư xây dựng khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt do Ban cán sự UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Lâm Đồng (Báo cáo số 90 ngày 8.4.2021).
Ý tưởng kiến trúc công trình khách sạn đồi Dinh hay và độc đáo, đáng được trân trọng với cách tiếp cận tư duy tạo được điểm nhấn cho đô thị. Tổ hợp công năng, không gian tích hợp được 3 trong 1, đó là: cải tạo cảnh quan đồi Dinh Tỉnh trưởng, có được một công trình khách sạn loại sang phục vụ nhu cầu của tỉnh, khách du lịch và trung tâm hội nghị quy mô cấp quốc tế.
Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam hoàn toàn đồng ý lựa chọn phương án ý tưởng kiến trúc của EAI (phương án 1) cũng như các nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch mà Sở Xây dựng đã nêu.
Cuộc họp kết thúc lúc l l giờ 30 ngày 30.6.2021.
Hữu Tiến - Anh Tân
Một số quan điểm về quy hoạch Đà Lạt trên Người Đô Thị
GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính: "Phải giữ cho được trung tâm – hạt nhân vô cùng đặc sắc của thành phố Đà Lạt là Hồ Xuân Hương và vùng đất bao quanh khỏi những công trình mới, như trung tâm thương mại (việc đã rồi), như dự án xây dựng khách sạn đồ sộ ở vị trí Dinh Tỉnh trưởng… Không thể xây dựng đô thị - di sản. Lịch sử tạo nên và lưu lại Đà Lạt – đô thị di sản. Đà Lạt đứng trước nguy cơ nhãn tiền, trở thành đô thị có di sản đô thị mà thôi...” (xem tại đây).
TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: "Không gian khu Hòa Bình đã đạt đến một tỉ lệ bão hòa, nên chỉnh trang để trả lại không gian xanh, thay vì cao tầng hóa. Việc cao tầng hóa tại đây chỉ nghĩ đến số mét vuông đạt được, nhưng sẽ gây hại cho cảnh quan tổng thể và tạo áp lực lớn lên hạ tầng, gây thiệt hại cho đời sống người dân trong khu vực...” (xem tại đây).
PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục: "Chính quyền Đà Lạt hiện nay đang nóng ruột phát triển thành phố bằng mọi giá, nhưng cái giá phải trả cho phát triển nóng là biến một thành phố “Tiểu Paris” của Đông Dương, được định dạng là "thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố" mê hoặc lòng người, trở thành một thành phố phi danh tính – không thể nhận dạng...” (xem tại đây).
PGS-TS-KTS. Nguyên Hạnh Nguyên: "Đà Lạt có thể tạo ra được một hoặc nhiều khu “di sản mới” thay vì hiện nay đang bức tử “di sản cũ” là di sản gốc mang đến giá trị cho Đà Lạt. Hãy nhìn từ giá trị cốt lõi của Đà Lạt, tiềm năng thực sự và những tiêu chí cần đạt được khi phát triển. Chắc chắn khi đó Đà Lạt sẽ có quyết định thông minh hơn, phù hợp hơn với đặc thù của đô thị" (xem tại đây).
PGS-TS-KTS. Khuất Tân Hưng: "Việc lựa chọn phương án biến đồi Dinh ở Khu trung tâm Hòa Bình của Đà Lạt thành tổ hợp khách sạn, thương mại cao tầng là đi ngược với bản sắc và thương hiệu mà thành phố này đã đạt được trong suốt chiều dài lịch sử hơn 100 năm của mình. Có thể coi đó là “cú đấm” trực diện vào môi trường tự nhiên, đồng thời tước đoạt không gian xanh cuối cùng – cũng là không gian có giá trị nhất về cảnh quan của Khu trung tâm Hòa Bình..." (xem tại đây)
PGS-TS-KTS. Phạm Thúy Loan: "Chính quyền Đà Lạt cần hiểu rằng thành phố này có nhiều yếu tố đặc thù, duy nhất, có tiềm năng trở thành một đô thị di sản, điều rất hiếm hoi trong tổng số hơn 800 đô thị Việt Nam hiện nay. Họ đang sở hữu một gia tài quý để phát triển thành phố lâu dài, bền vững, cho người dân Đà Lạt và cả quốc gia...” (xem tại đây).
TS. Nguyễn Hồng Hạnh: "Đối với những khu vực trọng yếu, nhạy cảm về di sản, văn hóa, lịch sử như Khu Hòa Bình của Đà Lạt, chính quyền nên có một ứng xử khác, cần có trách nhiệm hoàn lại cho doanh nghiệp đã bỏ kinh phí ra tài trợ thực hiện đồ án quy hoạch, cho dù có theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Nên dùng tiền ngân sách địa phương cho việc nghiên cứu quy hoạch theo đúng quy định pháp luật" (xem tại đây).
KTS. Cao Thành Nghiệp: "Không thể sửa sai bằng việc tiếp tục làm cho cái sai ngày càng trầm trọng hơn. Bộ mặt đô thị khu trung tâm nhếch nhác thì đánh giá nhếch nhác ở điểm nào, cần chỉnh trang thiết kế cải tạo dựa trên cái đẹp, cái vốn có, chứ không thể bằng mọi giá đổi đất lấy hạ tầng. Sao có thể xây dựng trên đỉnh đồi cao nhất của khu trung tâm Đà Lạt (1525m) một công trình 10 tầng với hình thức kiến trúc như một khối bê tông quấn lấy công trình di tích cao hai tầng nằm kế bên?" (xem tại đây).
>> Xem tuyến bài: Quy hoạch Đà Lạt gây tranh cãi