Người Đô Thị có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu đa dạng sinh học Phùng Mỹ Trung, người thành lập nhóm, về mô hình “cứu hộ rùa biển” dành cho trẻ em. Ông bắt đầu câu chuyện bằng một chia sẻ chân thành:
- Muốn thay đổi điều gì, chúng ta nên bắt đầu từ những đứa trẻ tinh khôi như tờ giấy trắng. Vì vậy, khi muốn một thế hệ Việt Nam biết yêu quý và giữ gìn thiên nhiên, môi trường sống, tôi tìm đến bọn trẻ. Nói thẳng thắn, có một lớp người lớn đã hư, rất khó thay đổi, tôi chỉ mong chờ lớp trẻ lớn lên. Tôi dạy trẻ con bằng những câu chuyện thú vị của rừng, của biển, của các loài sinh vật sống trong tự nhiên… bằng những chuyến đi thực tế hay từ những phòng mẫu tiêu bản.
Nhóm “Gia đình em yêu thiên nhiên” tổ chức cho các bé thả rùa biển như thế nào, thưa anh?
Muốn thả rùa biển, mọi người phải hiểu biết về chúng. Vì vậy, tất cả các cháu tham gia chương trình của nhóm đều được học rất kỹ về rùa biển trước khi tự tay đưa chúng về với biển. Từ 4 giờ sáng, các gia đình phải đi bộ và vượt núi khoảng 2km để ra bãi biển thả rùa con. Sau khi thả rùa con, các cháu từ lớp ba trở lên tham gia ba tiếng về tập tính sinh thái của rùa biển, và hoàn thành bài kiểm tra khá khó với 30 câu hỏi trắc nghiệm.
Sau khi hoàn thành khóa học, các cháu tiếp tục tham gia các hoạt động chăm sóc, tắm rửa cho rùa mẹ, vệ sinh hồ nuôi… Các cháu nhỏ hơn thì lấy thức ăn “rong biển” về cho rùa mẹ được nuôi bán tự nhiên đang chờ thả về biển.
Nhà nghiên cứu đa dạng sinh học Phùng Mỹ Trung đang hướng dẫn các bé thả rùa con về biển. Ảnh: Nguyễn Minh Hùng
Tôi cũng có những quy định buộc các gia đình phải tuân thủ: các cháu không được vô lễ với người lớn, phải hòa đồng với bạn đi cùng, không được chơi điện thoại, máy tính bảng, không uống nước ngọt mà chỉ dùng nước chanh, nước suối, và phải biết trân trọng những gì người khác đem lại cho mình bằng cách viết thư cảm ơn sau mỗi chuyến đi…
Các bạn tình nguyện viên (TNV) thì bắt buộc phải qua lớp huấn luyện kỹ năng sinh tồn, tìm hiểu tập tính sinh thái rùa biển và kỹ năng bảo tồn rùa biển. Ngoài ra, TNV tự nguyện tham gia và trang trải chi phí, chịu trách nhiệm với bản thân, tham gia dạy tiếng Anh cho học sinh sống quanh khu vực vườn quốc gia.
Ngoài các hoạt động kể trên là thời gian tắm biển, thăm vườn nho, chăn cừu, đi tàu đáy kính và ngắm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp của Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) từ trên cao…
Nghe nói anh sẵn sàng trả tiền lại cho những gia đình không hợp tác với nhóm?
Tôi luôn lắng nghe mọi góp ý chân thành từ các gia đình để các chuyến đi tiếp theo tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, gia đình nào không tuân thủ quy định hoặc càm ràm tại sao thế này, tại sao thế kia, tôi sẵn sàng trả lại tiền và yêu cầu họ rời nhóm. “Gia đình em yêu thiên nhiên” hoạt động không vì lợi nhuận, thu 1,5 triệu - 2 triệu đồng/người/chuyến chỉ đủ để nhóm lo chỗ ăn, đi lại và một số chi phi khác cho người tham gia.
Tỷ lệ rùa sống rất thấp: 1/1000. Ảnh: Nguyễn Minh Hùng
Chúng tôi muốn giúp các em nhỏ có kiến thức và tình yêu đối với thiên nhiên xung quanh chúng. Những đứa trẻ luôn có sẵn tình yêu thiên nhiên trong lòng, khi được tạo điều kiện để tự trồng một cái cây trên rừng, hay tự tay thả một chú rùa con về với biển thì tình yêu này sẽ lớn thêm lên. Vừa rồi, có một cháu viết thư cảm ơn ông giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên và đã được Giám đốc Nguyễn Văn Diện viết thư trả lời rất trang trọng.
Mỗi đợt thả rùa ở Vườn quốc gia Núi Chúa của nhóm sẽ có 5 đứa trẻ tự kỷ được tham gia miễn phí. Từ đâu anh lại nghĩ đến những trẻ này?
Ước mơ của tôi là tổ chức cho hàng triệu đứa trẻ Việt Nam được tham gia các hoạt động của nhóm nhưng đáng tiếc chúng tôi không có tiền để lo cho tất cả. Vì vậy, khi nhóm dư ra được một ít tiền, tôi nghĩ ngay đến những đứa trẻ tự kỷ vì những hoạt động như vậy rất dễ giúp trẻ hòa nhập với con người và thiên nhiên xung quanh. Tôi buộc tất cả các trẻ khác phải tôn trọng và ưu tiên cho các bạn tự kỷ.
Tôi rất xúc động khi nghe trẻ tự kỷ nói chuyện nhiều hơn với các bạn, biết đặt câu hỏi cho tôi và biết viết thư tay cảm ơn. Có cháu còn đòi nghỉ học để đi với nhóm. Có một cháu tên Nghĩa tham gia được vài lần còn xông xáo đi trước, thay tôi “hướng dẫn” các bạn.
Âu yếm bạn rùa trước khi chào tạm biệt, Ảnh: Nguyễn Minh Hùng
Ngoài ra, tôi còn cho 30 bé tại địa phương tham gia miễn phí học cùng các bạn trong nhóm để tìm hiểu về tập tính sinh thái của rùa biển ngay tại quê hương các cháu, và được các anh chị TNV dạy tiếng Anh miễn phí. Đây sẽ là những “nhân viên bảo tồn” thực thụ.
Vừa qua, nhiều người bức xúc với thông tin thu 50 ngàn đồng/con rùa biển khi thả rùa con ra biển ở Hòn Bảy Cạnh - Vườn quốc gia Côn Đảo. Quan điểm của anh về vụ này?
Việc thu phí thả rùa là đúng! Khi bạn có cơ hội cầm một báu vật thiên nhiên và đưa chúng về với thiên nhiên thì mất 50.000 đồng là còn ít. Nhân viên vườn quốc gia và TNV đang đảm nhận một công việc khó khăn, vất vả. Trong sáu tháng rùa đẻ và rùa nở, họ phải chia ca thức từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng để gom trứng rùa, canh rùa đẻ, chuyển ổ trứng và tránh bị kẻ thù tự nhiên tấn công trứng, con non và chống cả những kẻ tham lam mà tôi gọi là “quy tặc”.
Những nhân viên bảo tồn rùa biển ở Hòn Bảy Cạnh - Côn Đảo quanh năm lặng lẽ cùng biển cả, sóng gió và bão tố, đồng lương nhà nước hạn hẹp, nơi đảo xa ít người qua lại, điều kiện sinh hoạt hạn chế, mỗi năm chỉ được về phép thăm gia đình một lần. Có đi ra đây, các bạn mới thấy thương cảm với cuộc sống của anh em.
Các bé chuẩn bị đưa rùa ra biển. Ảnh: Nguyễn Minh Hùng
Ở các quốc gia có rùa biển lên làm tổ đẻ trứng, họ khai thác dịch vụ này triệt để và phát triển thành công nghệ. Chi phí để có giấy chứng nhận sau một khóa học về bảo tồn rùa biển ở Thái Lan là 70USD và 2.600USD để được làm nhân viên cứu hộ rùa biển trong 1 tuần, còn muốn làm TNV cứu hộ rùa biển trong 10 ngày ở Cuba phải trả 9.000USD.
Cần gần 10 năm để đào tạo được một nhân viên bảo tồn tốt, có kiến thức và kinh nghiệm về rùa biển. Nói vậy để du khách hiểu được công sức của nhân viên ở đây và thấy được việc bảo tồn rùa biển rất cực nhọc, tốn kém. Hơn nữa, theo quy định, số tiền thu được từ khách thả rùa không phải để nhân viên chia nhau mà để tái tạo hoạt động bảo tồn.
Anh có thể chia sẻ vài kiến thức cơ bản nhất về việc thả rùa biển?
Rùa biển xuất hiện cách đây khoảng 200 triệu năm. Tổ tiên của chúng chứng kiến sự hình thành các lục địa và chúng sống sót, ngay cả khi loài khủng long bị tuyệt chủng, nhờ khả năng thích ứng với môi trường đại dương, tồn tại đến nay mà dường như không có sự thay đổi nào.
Cần thả rùa con vào buổi sáng sớm trên bãi cát cách mép biển đủ dài để rùa con tự bò ra biển. Trong quá trình này, rùa con sẽ định vị bằng từ trường Trái đất để 35 năm sau quay lại đẻ trứng đúng nơi chúng được thả. Thả rùa vào buổi sáng để rùa con thấy được đường chân trời, sau này sẽ quay về. Tỉ lệ rùa con sống rất thấp: 1/1.000.
Những kiến thức về tập tính, sinh thái của loài rùa biển trước khi thả chúng vào thiên nhiên thì du khách cần được hướng dẫn cụ thể hoặc phải tự tìm hiểu.
Lâm Hạnh thực hiện