“Nên chấp nhận đau một lần”
- Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xử lý các dự án kém hiệu quả của ngành công thương. Ông có nhận xét gì về những phương án này?
![]() |
Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia độc lập về chính sách công |
- Bộ Công thương đã có hướng xử lý cụ thể với từng dự án, gồm cơ cấu lại, cải thiện hiệu quả quản trị; thoái vốn, cổ phần hóa; và cho phá sản. Tuy nhiên, tôi vẫn quan ngại việc cơ cấu lại ở một số dự án. Kinh nghiệm cho thấy, rất nhiều tiền đã được đổ thêm vào để tái cơ cấu Vinashin nhưng không mang lại kết quả, ngân sách tiếp tục thiệt hại. Vì thế tôi cho rằng, nên chấp nhận đau một lần, kiên quyết cho phá sản các dự án không còn vớt vát được gì, và cổ phần hóa theo hướng bán 100% vốn nhà nước ở những dự án mà các nhà đầu tư quan tâm.
Tôi không đủ thông tin cụ thể để có thể bình luận về giải pháp với từng dự án trong số 12 dự án này. Tuy nhiên, vẫn muốn nhấn mạnh lại những thất bại từ “tái cơ cấu” các DNNN trước đây để lưu ý phương án: Cho phá sản sớm; hoặc bán 100% tài sản, dù chấp nhận bán với giá không mong muốn vẫn tốt hơn là tiếp tục rót thêm tiền ngân sách cho tái cơ cấu.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, cần điều tra để làm rõ thêm các sai phạm liên quan đến sử dụng tài sản nhà nước ở những dự án này. Việc xem xét ở đây gồm cả 2 khía cạnh, trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự nếu có. Hàng chục nghìn tỷ đồng tiền ngân sách, cũng tức là tiền thuế của người dân, không chỉ là thế hệ hiện tại, mà còn là thế hệ tương lai sẽ phải oằn lưng gánh chịu để trả nợ, không thể bị ném xuống sông, xuống biển mà không có câu trả lời rõ ràng về trách nhiệm.
- Dù sao, việc giải quyết 12 dự án này bây giờ chỉ là “chữa cháy”. Điều quan trọng là không để có thêm những dự án tương tự. Từ góc độ chính sách, theo ông, đâu là những điều kiện “cần” và “đủ” để chuyện như thế này không lặp lại trong tương lai?
- 12 dự án với các nhóm hàng: Phân bón, nhiên liệu sinh học, xơ sợi, hay đóng tàu cho thấy các sản phẩm này đều không có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhìn rộng ra, ở những lĩnh vực nào, nhóm hàng hóa nào đã có mặt doanh nghiệp tư thì DNNN đều không có cạnh tranh. Do vậy, từ góc độ chính sách, vấn đề không phải là quyết định đầu tư ở từng dự án cụ thể mà là cần nhìn đến vai trò của DNNN trong nền kinh tế là gì, và lĩnh vực nào thì cần DNNN tham gia. Theo tôi, chỉ lĩnh vực trọng điểm: Hàng hóa là dịch vụ công ích là cần duy trì DNNN. Bởi trong các dịch vụ công ích, hiệu quả kinh tế không cao nên tư nhân không tham gia đầu tư và do đó cần DNNN.
Nhà máy Ethanol Bình Phước là một trong những nhà máy thua lỗ nặng của ngành công thương. Ảnh: TL
Chống thất thoát nguồn lực quốc gia gây ra bởi DNNN, quan trọng nhất không phải nằm ở quy trình kiểm soát, mà là thu hẹp “đất” của DNNN lại. Giới hạn DNNN về các lĩnh vực cốt lõi, tức là làm công ích thôi, thì sẽ thu hẹp được “đất” của tham nhũng.
Mong Quốc hội có một phiên điều trần
- Từ 12 dự án này, có thể rút ra điều gì về các chủ trương phát triển kinh tế dựa trên doanh nghiệp nhà nước và/hoặc từ đầu tư công, thưa ông?
- Sự sụp đổ của các tập đoàn kinh tế như Vinashin, Vinalines, tiếp đến là hàng chục nghìn tỷ đồng thua lỗ từ các dự án thuộc các tập đoàn hóa chất, dầu khí… như hiện nay thêm khẳng định một xu hướng: DNNN không hiệu quả bằng doanh nghiệp tư nhân và không thể đóng vai trò chủ đạo cho nền kinh tế. Tất nhiên có thể những có những ngoại lệ, như Vinamilk chẳng hạn. Nhưng một vài điểm sáng hiếm hoi đó không đủ che mờ được bức tranh u ám của khu vực DNNN. Phát triển kinh tế nên để khu vực tư nhân.
Những điểm yếu cố hữu của DNNN đã được phân tích nhiều. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng, thu hẹp DNNN không có nghĩa là vai trò của Nhà nước với phát triển kinh tế xã hội bị thu hẹp mà ngược lại. Kinh nghiệm cho thấy, các quốc gia phát triển, trong những năm 1980 và đầu những năm 1990 đều đẩy mạnh tư nhân hóa. Ví dụ, Chính phủ Anh cho tư nhân hóa toàn bộ hãng máy bay lớn nhất của họ là British Airways; hay Chính phủ Australia cũng bán toàn bộ hệ thống đường sắt nước này cho doanh nghiệp tư nhân.
Nhưng, việc tư nhân hóa không làm suy yếu đi vai trò của Nhà nước. Cần nhớ rằng, ở nước nào cũng vậy, chi tiêu của Nhà nước qua đầu tư công, chi ngân sách thường xuyên, vẫn là chủ thể kinh tế lớn nhất của mọi nền kinh tế. Và hơn thế nữa, Nhà nước nắm trong tay các công cụ chính sách, như thuế và ban hành luật lệ điều tiết thị trường. Việc từ bỏ chức năng kinh tế, tập trung vào chức năng quản trị quốc gia, càng làm cho Nhà nước trở nên mạnh hơn, thực hiện tốt hơn chức năng của mình.
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, một trong 12 dự án thua lỗ. Ảnh: TL
- Theo ông, Quốc hội có trách nhiệm như thế nào đối với các dự án này và cần có những động thái gì trong thời gian tới?
- Quốc hội, dù không chịu trách nhiệm trực tiếp cho sự thua lỗ cho từng dự án, nhưng trên góc độ chính sách, suy cho cùng, đại biểu phải chịu trách nhiệm chính trị với cử tri với thất bại chính sách, cụ thể là chính sách với DNNN.
Tôi mong muốn Quốc hội có một phiên điều trần về 12 dự án này. Từ đó, đánh giá lại chính sách về DNNN và cổ phần hóa DNNN. Chính phủ đã có trả lời chất vấn ở kỳ họp vừa rồi, nhưng như thế là chưa đủ. Cần điều trần, để từ đó Quốc hội mổ xẻ các vấn đề về chính sách và thực thi chính sách. Ví dụ, một số vấn đề lớn phải trả lời được thông qua phân tích mổ xẻ 12 dự án thất bại là: Những lĩnh vực kinh doanh nào không cần DNNN tham gia, không cần đầu tư dự án kinh doanh bằng ngân sách? Cổ phần hóa DNNN như thế nào, tốc độ cổ phần hóa hiện nay đang ra sao và cần phải làm sao để đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa? Những lỗ hổng pháp lý nào dẫn đến nguy cơ trục lợi tham nhũng từ các dự án đầu tư bằng ngân sách, như vấn đề chỉ định thầu chẳng hạn…?
Ngoài trách nhiệm pháp lý mà những người trực tiếp thực hiện dự án sẽ phải chịu, thông qua điều trần, đại biểu sẽ truy được, cho người dân thấy được, các cá nhân phải chịu trách nhiệm chính trị như thế nào đối với các chính sách về DNNN mà họ đã đưa và thực thi.
Nếu Quốc hội làm được, làm rốt ráo được các hoạt động điều trần, giám sát như vậy, cử tri sẽ rất mừng và sẽ rất ủng hộ!
- Xin cảm ơn ông!
Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh
Theo Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt, 12 dự án thua lỗ được xử lý theo hướng sau:
Nhóm 4 dự án nhà máy sản xuất phân bón (gồm Nhà máy Đạm Ninh Bình; Nhà máy Đạm Hà Bắc; Nhà máy Phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Nhà máy Phân bón DAP số 2 - Lào Cai): Tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của dự án. Sau khi đã hoạt động có hiệu quả sẽ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp.
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi: Ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại Nhà máy trước khi các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi dự án.
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ: Ưu tiên chọn phương án Tổng Công ty Dầu Việt Nam chuyển nhượng/thoái vốn khỏi dự án. Nếu phương án này không thành công, sẽ cân nhắc, lựa chọn các phương án còn lại, gồm: Tiếp tục triển khai dự án với nhà thầu là Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); Tiếp tục triển khai dự án, thanh lý hợp đồng với PVC để tìm nhà thầu khác; Dừng triển khai dự án, phá sản Công ty.
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước: Ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại nhà máy trước khi Tổng Công ty Dầu Việt Nam chuyển nhượng vốn/thoái vốn khỏi dự án. Trường hợp phương án này không thành công sẽ xem xét phương án: Cho thuê tài chính - Bán tài sản.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên: Ưu tiên chọn phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Nếu không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án: Bán dự án hoặc kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư dự án.
Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai: Tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của dự án.
Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS): Ưu tiên chọn phương án chuyển đổi sở hữu DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ. Nếu không thành công sẽ cho phá sản.
Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex): Ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn hoặc phương án: PVTex chuyển nhượng Công ty. Nếu cả 2 phương án này không thành công thì sẽ xem xét phương án phá sản.
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam: Khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để tiếp tục triển khai tổ chức bán đấu giá thành công đối với toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của dự án; đồng thời, Tổng Công ty Giấy Việt Nam tiếp tục tập trung thu hồi các khoản nợ phải thu của dự án.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý các dự án và xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp.
Hà Lan
Hồng Loan thực hiện