Sau thành công của vở ballet Hồ Thiên Nga tại Hà Nội vào tháng 8.2015, công ty AAA và nhà tài trợ MobiFone tiếp tục hợp tác với nhà hát Ballet Nga Talarium Et Lux, mang đến nhiều vở vũ kịch hấp dẫn hơn nữa đến với khán giả Việt Nam. Ballet 2016 là lần đầu tiên, tại Hà Nội, TP.HCM, gần như đồng thời công diễn 2 vở Ballet kinh điển là Kẹp Hạt Dẻ và Hồ Thiên Nga.
100 nghệ sĩ ballet Nga sẽ đến TP.HCM và Hà Nội để trình diễn. Ảnh: CTV
Hai tác phẩm vũ kịch lâu đời và mẫu mực này sẽ được nhà hát Talarium Et Lux danh tiếng đến từ nước Nga, trình diễn tại hai đầu đất nước với lịch như sau: vở ballet Kẹp Hạt Dẻ tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, Hà Nội vào ngày 3.12; trước đó, công chúng khán giả tại TP.HCM sẽ được chiêm ngưỡng vở Ballet Hồ Thiên Nga tại nhà hát Hòa Bình vào ngày 1.12. Cả hai vở sẽ chỉ trình diễn một đêm duy nhất ở mỗi địa điểm.
Hồ Thiên Nga là vở ballet số 20 của Pyotr Ilyich Tchaikovsky, sáng tác khoảng năm 1875-1876. Vở kịch được dựng dựa trên những truyện cổ tích Nga cũng như một truyền thuyết xa xưa của Đức, kể về Odette, một nàng công chúa bị phù phép thành thiên nga. Vở được công diễn lần đầu ngày 4.3.1877, tại nhà hát Bolshoi, Moskva với tên Hồ Thiên Nga.
Mặc dù được diễn lại với nhiều phiên bản khác nhau, hầu hết các phiên bản được dựa trên bản năm 1895 của Marius Petipa and Lev Ivanov, cả về phần âm nhạc lẫn biên đạo múa. Công diễn lần đầu tiên vào 15.1.1895, tại nhà hát Mariinsky ở St. Peterburg. Nhờ bản hồi sinh này, bản nhạc của Tchaikovsky đã được chỉnh sửa bởi nhạc trưởng của nhà hát St. Petersburg Imperial và nhà soạn nhạc Riccardo Drigo.
Cho tới khi vở diễn được dàn dựng dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của huyền thoại ballet thế giới: Mikhail Leonidovich Lavrovsky cùng đoàn ballet Liên Bang Nga Talarium Et Lux - thì lần đầu tiên khán giả được thưởng thức vở diễn ballet kinh điển Hồ Thiên Nga trong thế giới 3D với hình ảnh sinh động theo từng vũ điệu uyển chuyển của các vũ công.
Vở Hồ Thiên Nga của nhà hát vũ kịch ballet Nga là màn biểu diễn đầu tiên kết hợp hoàn hảo giữa tác phẩm kịch kinh điển với công nghệ biểu diễn hiện đại. Vở kịch có sự chỉ đạo của đạo diễn nổi tiếng/ nghệ sĩ nhân dân Xô Viết M. Lavrovsky, ông là tổng đạo diễn kiêm biên đạo múa. Bên cạnh đó, các diễn viên nổi tiếng đến từ các nhà hát vũ kịch ballet nổi tiếng của nước Nga, bao gồm: diễn viên A.Evdokimov và D.Kosyreva của nhà hát kịch Matxcơva, diễn viên K.Adjamov, E.Nebesnaya của nhà hát kịch Mariinsky, diễn viên S. Smirnov, A.Timofeeva của đoàn vũ công Ballet Điện Kremlin, diễn viên D.Akinfeev của nhà hát kịch Stanislavsky....
Hồ Thiên Nga trên sân khấu kết hợp với hiệu ứng thị giác hiện đại. Ảnh: CTV
Với tuổi đời hơn 140 năm, cho đến nay Hồ Thiên Nga vẫn là vở ballet được biểu diễn nhiều nhất trên thế giới. Không chỉ cuốn hút bởi cốt truyện, âm nhạc và vũ đạo, mà còn là điển hình của quan điểm “triết lý hóa ballet” mà Tchaikovsky ấp ủ: vượt qua thứ lãng mạn đẹp đẽ thông thường, ballet phải là đấu tranh nội tâm và những cảm xúc tột cùng, thăng hoa, đau đớn và bi kịch.
Không chỉ là câu chuyện cổ tích về tình yêu giữa nàng công chúa xinh đẹp bị hóa thành thiên nga và chàng hoàng tử si tình - Hồ Thiên Nga còn ẩn trong đó triết lý sâu sắc về mẫu thuẫn và tính hai mặt trong cái Tôi nội tại của mỗi con người. Sự bi thương, lãng mạn và trữ tình đẫm liệt đã khiến hơn một thế kỷ qua, những nàng thiên nga vẫn luôn là niềm cảm hứng bất tận của bất cứ nhà hát ballet nào. “Một khi Hồ Thiên Nga biểu diễn thành công, thì số phận của nhà hát sẽ còn” – đến mức như thế cơ mà!
Như mọi chuyến lưu diễn của những nhà hát đẳng cấp quốc tế, để có sự gật đầu của Talarium et Lux - là những đáp ứng khắt khe về địa điểm, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho tới những chi tiết li ti nhất đều phải đúng chuẩn quốc tế. Để tiếp đón đoàn lên tới gần 100 người từ nghệ sĩ tới kỹ thuật viên, là cả một khoản kinh phí khổng lồ. Với những lý do ấy, việc đưa nguyên một nhà hát ballet về Việt Nam diễn Hồ Thiên Nga dường như một điều không tưởng.
Bà Hòa Lê – tổng giám đốc của công ty AAA, nhà sản xuất chương trình chia sẻ: “Năm ngoái, khi Hồ Thiên Nga chỉ diễn một đêm duy nhất ở Hà Nội, nhiều khán giả TP.HCM đã tỏ ra “tỵ nạnh” và hơn 300 khán giả đã bay ra Hà Nội để được xem vở ballet Nga kinh điển này. Đó là lý do chúng tôi cố gắng để đem vở diễn này trở lại cùng khán giả TP.HCM. Việc bay thẳng từ Moscow sang Việt Nam, chỉ để biểu diễn vỏn vẹn 2 đêm là điều chưa từng có tiền lệ với nhà hát đắt show này, vì mỗi chuyến lưu diễn của họ phải đảm bảo ít nhất từ 10 - 15 đêm/điểm diễn”.
Nhà hát Ballet Nga Talarium Et Lux (tên gọi có hàm ý Ánh sáng mới trong nghệ thuật ballet) bắt đầu hoạt động từ năm 2012. Khác với những nhà hát Ballet khác, Talarium Et Lux là sự kết hợp giữa trường phái ballet cổ điển Nga với công nghệ hiện đại (hiệu ứng thị giác với màn hình led, âm thanh, ánh sáng và không sử dụng dàn nhạc giao hưởng). Một trong mục đích và nhiệm vụ mà nhà hát đưa ra cho mình là thu hút công chúng trẻ đến với nghệ thuật ballet. Những vở diễn được dàn dựng công phu, góp mặt của những nghệ sĩ ballet tài danh nhất thôi là chưa đủ. Theo những người điều hành của Talarium Et Lux, ballet đương thời cần những ngôn ngữ giải trí hấp dẫn khác để phù hợp với thị hiếu của công chúng hiện đại.
"Mục đích của chúng tôi là giữ gìn những di sản văn hóa vô giá của đất nước, trong đó nghệ thuật múa ballet Nga vốn được kính ngưỡng trên toàn thế giới. Chúng tôi tin rằng ngày hôm nay, khi mà giá trị sống, giá trị thẩm mỹ đã hoàn toàn thay đổi với sự thống trị của văn hóa Pop, chúng ta càng cần nỗ lực để hỗ trợ và thúc đẩy sự sống còn của các bộ môn nghệ thuật đỉnh cao, những vẻ đẹp tinh khiết” - Irina Omelchenko, Giám đốc của nhà hát chia sẻ.
Hoài Linh - Trâm Anh