mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Viêm cơ tim: sát thủ không giấu mặt!

 14:56 | Thứ tư, 16/06/2021  0
LTS. Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã cứu sống kịp thời cho một kỹ sư xây dựng bị viêm cơ tim cấp do virus. Từ ca bệnh nguy hiểm này, PGS-TS-BS. Lê Minh Khôi (Trưởng đơn vị Hình ảnh tim mạch; Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) chia sẻ một số thông tin quan trọng về bệnh viêm cơ tim nói chung và viêm cơ tim cấp do virus nói riêng để người dân biết cách phòng ngừa căn bệnh mà ông gọi “sát thủ không giấu mặt”.

Anh N.H.V., 27 tuổi, là kỹ sư xây dựng của một tập đoàn lớn, được khám sức khỏe định kỳ và không phát hiện bất kỳ bệnh lý nào. Anh vẫn chơi cầu lông cùng đồng nghiệp hằng tuần, thậm chí còn tham gia tranh giải cầu lông nghiệp dư của ngành xây dựng. Cách ngày nhập viện khoảng một tuần, anh V. xuất hiện chảy mũi nước, sốt nhẹ, rát họng và đau mỏi cơ. Anh tự mua thuốc uống và vẫn đi làm bình thường. 

Buổi sáng ngày nhập viện, anh V. cảm giác mệt rất nhiều, không thể đi làm nhưng vẫn không đến bệnh viện. Buổi chiều, anh thấy xuất hiện nhiều cơn đánh trống ngực liên hồi, hoa mắt, tay chân bủn rủn nên gọi người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ngay khi nhập viện, tay chân anh V. đã lạnh, huyết áp không đo được. Lập tức anh được tiến hành đặt nội khí quản, hồi sinh tim phổi rồi hỗ trợ tuần hoàn bằng phương pháp trao đổi ôxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO).

Anh V. sau đó đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh viêm cơ tim cấp do virus. Vì sao bệnh lại diễn tiến nhanh chóng và nguy hiểm đến vậy? 

Do đâu bị viêm cơ tim? 

Viêm cơ tim là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương cấu trúc và chức năng cơ tim. Viêm cơ tim cấp là viêm cơ tim diễn tiến nhanh, trong vòng một tháng sau khi có tác nhân gây bệnh xâm nhập hoặc sau tác động của các chất gây tổn thương cơ tim. Viêm cơ tim ảnh hưởng đến cơ tim và hệ dẫn truyền trong tim, làm giảm khả năng tống máu của cơ tim cũng như gây nên nhịp tim bất thường: tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc nhanh chậm không đều, thậm chí ngừng tim.  

Nguyên nhân gây viêm cơ tim hầu như không thể xác định, thường gặp nhất là do virus. Tuy nhiên, các nguyên nhân khác cũng có thể xảy ra: phản ứng với thuốc, độc chất hoặc thứ phát sau một tình trạng viêm nhiễm toàn thân. Cụ thể: 

Virus: nhiều loại virus khác nhau thường có liên quan với viêm cơ tim, bao gồm các virus gây cảm cúm thông thường; COVID-19; viêm gan virus B và C; parvovirus (vốn thường chỉ gây nổi ban ở trẻ em nhưng cũng có thể gây viêm cơ tim) và virus herpes simplex. Các virus gây nhiễm trùng đường ruột, bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng và sởi Đức cũng có thể gây viêm cơ tim. Viêm cơ tim cũng có thể xuất hiện ở người nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV/AIDS) nhưng thường biểu hiện không cấp tính.

Vi khuẩn: rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau có thể gây nên viêm cơ tim cấp, gồm: tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn bạch hầu và vi khuẩn gây bệnh Lyme. 

Ký sinh trùng: một số ký sinh trùng như Trypanosoma cruzi và toxoplasma, bệnh Chagas có thể gây viêm cơ tim. Ở các nước nhiệt đới thì nhiễm giun đũa và giun chỉ cũng có thể gây nên một dạng viêm cơ tim mạn tính đặc trưng bởi bệnh cơ tim hạn chế nặng. 

Nấm: các nhiễm trùng do nấm men như candida; nấm mốc như aspergillus và các loại nấm khác như histoplasma thường xuất hiện ở phân chim đôi khi gây nhiễm nấm huyết và viêm cơ tim, đặc biệt ở những người suy yếu hệ miễn dịch. Viêm cơ tim cũng có thể gặp ở những người có tiếp xúc với các thuốc độc cơ tim, hóa chất, phóng xạ cũng như một số tình trạng bệnh lý khác. 

Các thuốc hoặc các chất cấm: những chất này có thể gây nên phản ứng dị ứng hoặc có độc tính ảnh hưởng xấu lên cấu trúc cơ tim, bao gồm thuốc điều trị ung thư; các kháng sinh như penicillin và sulfonamide; một số thuốc chống động kinh và một số chất cấm như cocaine…

Các hóa chất hoặc phóng xạ: tiếp xúc với một số hóa chất như carbon monoxide và tia phóng xạ có thể gây viêm cơ tim... 

Các tình trạng bệnh lý khác: viêm cơ tim có thể gặp trong một số bệnh lý toàn thân như lupus ban đỏ rải rác, bệnh tạo hạt Wegener, viêm động mạch tế bào khổng lồ và bệnh viêm động mạch Takayasu...

Dấu hiệu nhận diện bệnh

Viêm cơ tim là một bệnh có nhiều nguyên nhân và diễn tiến cũng rất khác nhau. Viêm cơ tim có thể xuất hiện âm ỉ, cấp tính hoặc tối cấp. Các biểu hiện thường gặp là: đau ngực; tim đập nhanh hoặc nhanh chậm không đều; khó thở khi gắng sức hoặc khi yên tĩnh; ứ dịch gây phù chân, mắt cá, tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi; mệt mỏi; các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm virus như nhức đầu, đau cơ, đau khớp, sốt, đau họng, tiêu chảy.

Trường hợp viêm cơ tim nhẹ hoặc giai đoạn đầu, người bệnh có thể không có triệu chứng hoặc chỉ biểu hiện nhẹ như đau ngực mơ hồ, khó thở khi gắng sức. Trường hợp nặng, dấu hiệu và triệu chứng có thể thay đổi tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Dấu hiệu viêm cơ tim cấp có đặc trưng bởi đau ngực, mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhịp.

Minh họa: Còm

Đôi khi viêm cơ tim biểu hiện ngay bằng suy sụp tuần hoàn đe dọa tính mạng. Trường hợp viêm cơ tim tối cấp do virus, người bệnh sau một thời gian chỉ có biểu hiện nhẹ nhàng của cảm cúm thông thường bỗng xuất hiện tình trạng choáng tim nặng nề như tụt huyết áp, khó thở, thậm chí phù phổi cấp, loạn nhịp hoặc ngừng tim…

Viêm cơ tim nặng làm suy yếu cơ tim, khiến cơ tim không thể bơm đủ máu theo nhu cầu cơ thể. Trong một số trường hợp, cục máu đông có thể hình thành trong tim và trong mạch máu nuôi tim (động mạch vành) gây nên triệu chứng nhồi máu cơ tim. Viêm cơ tim thể nặng có thể gây tổn thương vĩnh viễn cấu trúc của tim và gây nên những biến chứng như suy tim; nhồi máu cơ tim và đột quỵ não; rối loạn nhịp tim; đột tử do tim; bệnh thấp tim và bệnh van tim hậu thấp…

Vì nguyên nhân của viêm cơ tim thường không được xác định rõ ràng nên điều trị chủ yếu nhắm vào điều trị triệu chứng, hỗ trợ, nâng đỡ và một số liệu pháp tiên tiến nhằm giữ mạng sống của bệnh nhân, bảo vệ cơ tim trong giai đoạn tối cấp chờ hồi phục. Nếu viêm cơ tim do thuốc hoặc do độc chất thì cần phải loại bỏ nguyên nhân này. Viêm cơ tim cấp do virus thường không có điều trị đặc hiệu... 

Làm sao tránh viêm cơ tim?

Không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu cho viêm cơ tim. Tuy nhiên phòng ngừa nhiễm trùng sẽ làm giảm phần nào nguy cơ viêm cơ tim: 

Hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng cảm cúm cho đến khi người này bình phục hoàn toàn. Nếu bản thân bị cảm cúm thì cần hạn chế tiếp xúc với người khác nhằm hạn chế lây lan bệnh trong cộng đồng. Khuyến cáo này đặc biệt quan trọng trong đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trên toàn cầu. Tuân thủ tốt chế độ vệ sinh cơ thể. Thường xuyên rửa tay giúp ngăn ngừa lây lan các bệnh nhiễm trùng. Tránh những hành vi nguy hiểm.

Không dùng các chất kích thích và ma túy. Thực hành tình dục an toàn. Hạn chế tiếp xúc với côn trùng, đặc biệt các loại bọ, ve. Khi đi du lịch khám phá ở những vùng có côn trùng hút máu, cần mặc đồ bảo hộ đúng chuẩn. Nên sử dụng các chất bôi trên da có tác dụng xua đuổi côn trùng. Với những người có cơ địa miễn dịch kém và người già, có thể cân nhắc chủng ngừa cúm, nhóm bệnh có nguy cơ gây viêm cơ tim cấp. 

Cần đi khám ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ viêm cơ tim, đặc biệt là đau ngực và khó thở. Khi bị cảm cúm, dù nhẹ cũng phải cảnh giác nếu có các dấu hiệu và triệu chứng của viêm cơ tim cấp. Một khi có triệu chứng nặng như đau ngực nhiều, khó thở tăng nhanh, chóng mặt... thì cần phải nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán, xử trí ban đầu và chuyển đến các bệnh viện lớn có điều kiện chẩn đoán, điều trị và can thiệp kịp thời. 

PGS-TS-BS. Lê Minh Khôi

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.