Thực ra Cấn Trần Thành Trung vốn nổi tiếng từ thời còn là học sinh chuyên Toán trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM, được báo chí gọi là “cậu bé vàng” bởi thành tích đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 2013. Trong khi đó, với cộng đồng toán học trẻ, đặc biệt là những học sinh, sinh viên mê toán thì anh được biết đến là người khởi xướng và hiện là thủ lĩnh của Trại hè Toán học (PiMA) miễn phí dành cho học sinh THPT trên cả nước.
Trong cuộc trò chuyện với Người Đô Thị, TS. Cấn Trần Thành Trung chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về toán học, cách nuôi dưỡng niềm đam mê với môn học này, đặc biệt là những hoạt động hấp dẫn của PiMA 2024 sẽ diễn ra từ ngày 21-28.7 tới. Anh cũng chia sẻ tầm nhìn cũng như những kế hoạch phát triển PiMA trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu Toán học và ứng dụng chất lượng, góp phần vào sự nghiệp đào tạo sinh viên nói riêng và sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước nói chung.
TS. Cấn Trần Thành Trung trong lễ tốt nghiệp tại Viện Công nghệ California. Ảnh: NVCC
Dùng tiền học bổng để mở trại hè Toán học miễn phí cho học sinh
Là Trưởng Ban tổ chức của PiMA 2024, bạn có thể cho biết trại hè Toán học năm nay có những chương trình hoạt động gì? So với các năm trước thì PiMA 2024 có những nét mới nào?
Trại hè PiMA 2024 sẽ có ba hoạt động chính: các bài giảng về toán cao cấp trên đại học, dự án nhóm về những ứng dụng hiện đại của toán học, và các buổi giao lưu truyền cảm hứng với khách mời gồm giáo sư, chuyên gia đầu ngành, và các nghiên cứu sinh trẻ. Khung chương trình chính của năm nay vẫn như các năm trước, điểm mới duy nhất là chủ đề: Tối ưu hóa tuyến tính - chủ đề này có rất nhiều ứng dụng trong kinh tế, các bài toán phân bố tài nguyên trong vận tải, sắp xếp lịch, v.v. Trong khi chủ đề của các năm trước thường là ứng dụng của toán học trong trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu.
PiMA đã tổ chức được 7 mùa. Thử quay ngược lại năm 2016, thời điểm tổ chức trại hè toán học đầu tiên, tức chỉ 3 năm sau khi bạn giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế tại Colombia (năm 2013), điều gì đã thôi thúc một người trẻ như bạn khởi xướng sân chơi này?
Từ năm 2014, khi bắt đầu hành trình du học ở Mỹ, tôi đã cảm thấy choáng ngợp trước cơ sở vật chất và các cơ hội phát triển toàn diện của học sinh, sinh viên ở đây. Nhờ vào những khóa học bài bản về cả lý thuyết và ứng dụng, cơ hội làm các dự án nhóm, và trải nghiệm nghiên cứu với các chuyên gia đầu ngành, tôi tìm được câu trả lời của bản thân cho câu hỏi: học toán để làm gì và có niềm tin để theo đuổi đam mê đến bây giờ.
Nhận thấy học sinh Việt Nam có tố chất không thua kém các bạn ở Mỹ nhưng đất nước còn khó khăn và giáo dục phổ thông chú trọng vào thành tích thi cử nên chưa có những cơ hội phát triển tương tự, tôi đã nghĩ ra ý tưởng tổ chức một trại hè để phổ biến ứng dụng của toán học, phát triển những kỹ năng mềm như nghiên cứu hay làm việc nhóm, và tạo cồng động học sinh, sinh viên ở nước ngoài và Việt Nam với hy vọng sẽ tạo động lực và sức bật cho các bạn học sinh theo đuổi đam mê ở các bậc học cao hơn sau này.
Hình ảnh về những hoạt động của PiMA những năm trước. Ảnh: NVCC
Kinh phí tổ chức luôn là “bài toán” làm đau đầu ban tổ chức các chương trình mang tính phi lợi nhuận và PiMA chắc cũng không ngoại lệ. Bạn và nhóm PiMA đã xoay sở nguồn tài chính như thế nào để tổ chức và duy trì trại hè?
Đúng là kinh phí tổ chức mỗi năm đều tiêu tốn nhiều công sức của nhóm, nhưng cũng rất may mắn là chúng tôi có được sự ủng hộ và giúp đỡ quý giá từ các cá nhân và tập thể trong và ngoài nước. Cụ thể, trong hai năm đầu tiên (2016 và 2017), nguồn kinh phí chính đến từ học bổng của tôi từ Duke University cho việc phát triển bản thân vào mùa hè. Điều tôi nhận ra sau khi tính toán sơ bộ là kinh phí cho một sinh viên trải nghiệm nghiên cứu, thực tập một mùa hè ở Mỹ có thể làm được rất nhiều thứ cho rất nhiều người nếu mang về dùng ở Việt Nam. Do đó, tôi cùng bạn bè đã lên kế hoạch và thuyết phục hội đồng học bổng cho mình sử dụng số tiền đó để tổ chức trại hè toán học và ứng dụng PiMA, hoàn toàn miễn phí cho các bạn học sinh THPT ở Việt Nam tham gia.
Từ năm 2018 sau khi tôi đã tốt nghiệp Duke, kinh phí chính đến từ hỗ trợ của Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM, các tổ chức giáo dục, mạnh thường quân, các phụ huynh của cựu trại sinh, và rất nhiều công ty và cá nhân khác. Tôi muốn nhân cơ hội này gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến cộng đồng vì đã tin tưởng và hỗ trợ cho PiMA trong 7 năm qua.
Tiềm năng của học sinh, sinh viên Việt Nam không hề thua kém các nước phát triển
Thời gian dài vừa qua bạn thường xuyên học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Vậy bằng cách nào để nắm bắt đời sống học thuật ngành toán trong nước, đặc biệt là ở đối tượng mà bạn rất quan tâm là các học sinh THPT?
Thật sự tôi chưa có cơ hội tìm hiểu về hoạt động nghiên cứu toán học và ứng dụng toán ở Việt Nam. Về khía cạnh đào tạo, trừ những năm Covid thì mỗi hè tôi đều về Việt Nam để thăm gia đình, thầy cô, hàn huyên với bạn bè, cập nhật tình hình của các trại sinh PiMA. Qua việc trò chuyện với mọi người, tôi nhận thấy còn nhiều vấn đề cần giải quyết và cơ hội để phát triển hơn nữa.
TS. Cấn Trần Thành Trung và người bạn thân Bảo Linh (phải), cũng là thành viên đoạt huy chương IMO, hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ năm cuối ở Mỹ và một trại sinh PiMA năm đầu 2016, hiện cũng đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Mỹ. Ảnh: NVCC
Bạn thể chia sẻ cảm nhận cá nhân về phong trào toán học hiện nay tại các trường phổ thông ở Việt Nam? Nhận xét của bạn về tiềm năng của học sinh, sinh viên đang theo học ngành toán?
Theo cảm nhận của tôi, phong trào toán phổ thông ở Việt Nam chỉ có trọng tâm duy nhất là đào tạo cho thành tích thi cử: các cuộc thi Olympic Toán sơ cấp hoặc thi đầu vào ở các cấp. Điều này là chưa đủ để khuyến khích và đào tạo các bạn học sinh có năng khiếu và đam mê, đặc biệt rất thiếu cơ hội phát triển khả năng nghiên cứu sáng tạo và các kỹ năng mềm khác thông qua việc học toán, những yếu tố có lợi ích lâu dài hơn sau này.
Nhìn sang Mỹ là quốc gia phát triển hàng đầu về toán học và khoa học kỹ thuật. Hệ thống các trường/ học viện cấp 3 chuyên về toán và khoa học cho học sinh năng khiếu ở Mỹ đều có các lớp toán cao cấp và ứng dụng bên cạnh các lớp luyện thi học sinh giỏi (đều tự chọn, không bắt buộc). Ai đam mê thi học sinh giỏi vẫn có thể tự theo đuổi, ai thích nghiên cứu tìm hiểu toán cao cấp ở bậc đại học thì tự học. Thậm chí trại tập huấn chọn đội tuyển Mỹ đi thi Olympic Toán quốc tế do đại học Carnegie Mellon tổ chức hàng năm cũng chỉ dạy những kiến thức thú vị và mang tính nghiên cứu thay vì luyện giải đề, do các sinh viên/ nghiên cứu sinh tiến sĩ trẻ đứng lớp là chính.
Tất nhiên so sánh là khập khiễng vì ở Mỹ yêu cầu chung cho toán là rất thấp, không có chương trình chuyên, các trường tốt nhất đều có đầy đủ tài chính và cơ sở vật chất để tự xây dựng chương trình riêng cho học sinh, và hầu hết học sinh học ở các trường này từ gia đình khá giả. Ở Việt Nam chương trình chung nặng, thi cử khó, các trường năng khiếu là trường công không có nhiều kinh phí và tự do chuyên môn, thầy cô/ học sinh chỉ được tuyên dương và khen thưởng nhờ vào thành tích thi học sinh giỏi và đại học, rất khó để tạo động lực cho cả thầy và trò làm gì đó khác biệt.
Về tiềm năng của học sinh, sinh viên Việt Nam, tôi tin là không hề thua kém các nước phát triển nhất trên thế giới. Bằng chứng là khi được đầu tư, kết quả thi toán quốc tế của học sinh Việt Nam luôn nằm trong nhóm đầu, hoặc rất nhiều sinh viên Việt Nam khi có cơ hội và tài nguyên để phát triển toàn diện hơn ở nước ngoài đều đạt được những thành tựu xuất sắc. Ví dụ như TS. Phạm Tuấn Huy, dù còn rất trẻ đã có những kết quả nghiên cứu nổi bật và đóng góp chuyên môn được thế giới công nhận, và rất nhiều những nhà toán học trẻ người Việt khác đang là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực của mình.
TS. Cấn Trần Thành Trung cho rằng tiềm năng của học sinh, sinh viên Việt Nam không hề thua kém các nước phát triển nhất trên thế giới. Ảnh: NVCC
Từ trải nghiệm cá nhân, bạn có thể chia sẻ bí quyết để thành công khi chọn Toán – ngành học vốn một thời được người ta đánh giá là khó-khô-khổ? Những cơ hội của ngành học này trong tương lai là gì?
Nếu có bí quyết đó thật thì tôi cũng muốn biết (cười). Do tôi tự thấy mình chưa được gọi là thành công trong toán học, nhất là các kết quả nghiên cứu vẫn còn rất khiêm tốn. Mỗi người đều có phong cách học và làm việc riêng phù hợp với điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Tôi là người làm việc và học tập khá ngẫu hứng, luôn lấy niềm vui và ý nghĩa trong những công việc hàng ngày làm ưu tiên, thay vì kết quả và thành tích cụ thể. Ưu điểm của phong cách này là hiếm khi bị áp lực và kiệt sức, nhược điểm là không có sự ổn định và năng suất liên tục trong công việc.
Để duy trì niềm vui và ý nghĩa trong việc học toán thì bên cạnh việc tự học và trau dồi chuyên môn, tôi luôn dành thời gian đào tạo hỗ trợ các thế hệ tiếp theo. Chia sẻ kiến thức cho thế hệ sau mang lại niềm vui và ý nghĩa lập tức còn việc nghiên cứu cần nhiều thời gian hơn để thấy được kết quả.
Ở Mỹ, những người học toán luôn được đánh giá rất cao và có lợi thế cạnh tranh cho những công việc tốt nhất trong tài chính, lập trình viên, khoa học dữ liệu, nghiên cứu định lượng trong doanh nghiệp, v.v. Ở Việt Nam có vẻ như học toán chỉ được đánh giá cao đến hết cấp 3, còn cử nhân toán ở đại học có ít cơ hội về nghề nghiệp hấp dẫn hơn, đa số mọi người nghĩ học toán chỉ có thể đi nghiên cứu hoăc dạy học. Tôi cũng chưa thật sự rõ vì sao lại có sự khác biệt về nhận thức này và dự định sẽ tìm hiểu kỹ hơn trong tương lai.
Về nước với tinh thần học hỏi và khởi nghiệp
Ngành toán ứng dụng, toán tin thời gian qua và chắc hẳn trong tương lai sẽ tiếp tục thu hút đông đảo bạn trẻ lựa chọn. Trong khi đó sư phạm toán đang có phần “lép vế”, đặc biệt ở nhiều trường đại học địa phương chỉ tiêu ngành này liên tục giảm(*). Là người đam mê đào tạo hướng dẫn cho học sinh, sinh viên và lại có nhiều trải nghiệm ở môi trường toán học phổ thông, theo bạn xu hướng này có đáng lo và theo bạn ngành sư phạm toán cần làm gì để thu hút người học hơn?
Đây là một chủ đề rất thú vị và đáng bàn nhưng tôi chưa có cơ hội tìm hiểu kỹ để đưa ra ý kiến.
Được biết bạn vừa trúng tuyển chương trình VNU350 của ĐHQG TP.HCM. Bạn có thể chia sẻ về lựa chọn ứng tuyển chương trình VNU350, hay nói đúng hơn là vì sao lại có một quyết định mang tính “ngược dòng” là trở về Việt Nam trong khi với thành tích tốt nghiệp thủ khoa ngành Toán Đại học Duke thì chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hơn nếu ở lại?
Quyết định về nước làm việc là một quyết định của trái tim. Những lý do chính tôi dùng để thuyết phục bản thân tin tưởng vào lựa chọn này, thứ nhất, về mặt tinh thần, việc trực tiếp đóng góp cho sự phát triển ở một vùng đất còn nhiều khó khăn và thiếu thốn như nước ta, theo tôi, có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống. Bên cạnh đó là cơ hội ở gần gia đình hơn, thưởng thức các món ăn ngon, và uống cà phê Việt Nam mỗi ngày. Do ảnh hưởng từ mẹ, tôi nghiện ẩm thực và cà phê Việt Nam (cười).
Về chuyên môn, tôi đánh giá lĩnh vực mình đam mê theo đuổi là toán học và ứng dụng có tiềm năng rất lớn để phát triển hơn nữa ở Việt Nam. Những tính toán và lý thuyết toán học là nền tảng cho những đột phá về công nghệ gần đây như AI hay blockchain (công nghệ chuỗi – khối). Nước ta là mảnh đất có truyền thống yêu toán học, nhiều tài năng. Những hạt giống tốt nếu được đào tạo bài bản về cả chuyên môn lẫn kỹ năng mềm, định hướng phát triển đúng với khả năng và cơ hội việc làm, chắc chắn sẽ cho ra trái ngọt.
Về cơ hội phát triển bản thân, tôi về nước với tinh thần học hỏi và khởi nghiệp, tùy cơ ứng biến. Việc thay đổi môi trường làm việc hoàn toàn khác là cơ hội tốt để mình trau dồi thêm hiểu biết về văn hóa làm việc trong nước và cải thiện những kỹ năng xã hội khác.
TS. Cấn Trần Thành Trung (bìa phải) chia sẻ trong tương lai không xa, PiMA muốn xây dựng thêm những khóa học bài bản và chương trình nghiên cứu chất lượng cho cả học sinh và sinh viên.
Về việc đầu quân cho ĐHQG TP.HCM theo chương trình VNU350, tôi tin tưởng vào dàn lãnh đạo của ĐHQG và có cùng mục tiêu với VNU350 là xây dựng một đại học nghiên cứu hàng đầu châu Á tại TP.HCM. Trước đây khi điều kiện còn khó khăn thiếu thốn hơn rất nhiều vẫn có những người vừa có tầm vừa có tâm như Giáo sư Đặng Đình Áng, Giáo sư Võ Văn Tới, v.v. trở về và lựa chọn ĐHQG để đầu quân. Họ đã xây dựng thành công những chương trình đào tạo mới chất lượng và hiện đại, đặt nền móng cho rất nhiều nhà nghiên cứu trẻ phát triển sau này.
Còn với PiMA, bây giờ đã về làm việc tại Việt Nam, vậy bạn và các thành viên trong nhóm có kế hoạch đột phá gì cho sân chơi toán học đặc biệt này?
Trong năm nay, nhóm PiMA hy vọng có thể được hỗ trợ trở thành một trung tâm đào tạo chính thức của ĐHQG TP.HCM để thuận lợi hơn trong việc duy trì các hoạt động cho học sinh THPT và mở rộng đối tượng cho cộng đồng sinh viên của trường.
Trong tương lai không xa, PiMA muốn xây dựng thêm những khóa học bài bản và chương trình nghiên cứu chất lượng cho cả học sinh và sinh viên, lấy cảm hứng từ chương trình đào tạo ở các trường năng khiếu về toán và khoa học cũng như các đại học hàng đầu về công nghệ ở Mỹ.
Hy vọng là các hoạt động này có thể đóng góp một phần nhỏ vào sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu toán học nói riêng và phát triển đất nước nói chung.
Cấn Trần Thành Trung là cựu học sinh lớp chuyên toán trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP.HCM. Sau khi giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 2013 tại Colombia anh theo học Đại học Duke với học bổng toàn phần và tốt nghiệp thủ khoa ngành Toán vào năm 2018. Anh vừa hoàn thành tiến sĩ Toán học tại Viện Công nghệ California (Mỹ).
Trà My thực hiện
_______________
(*) https://giaoduc.net.vn/chi-tieu-dao-tao-su-pham-cua-nhieu-truong-dai-hoc-dia-phuong-lien-tuc-giam-post240646.gd