Điều này khiến nhiều người cảm thấy không hài lòng.
Thật ra V-League đã bị lên án bạo lực bấy lâu nay. Chuyện cầu thủ bỏ bóng đá người, vài cầu thủ còn thi triển võ công khiến không ít bậc phụ huynh phát ngại, chẳng dám cho con trẻ đến sân vì sợ nhiễm máu nóng... đã được nói nhiều, rất nhiều. Thời may, vì chuyện này mà báo Pháp luật TP.HCM đã quyết định bầu chọn giải Fair-play để lên án cái xấu và tôn vinh cái đẹp.
Thế nhưng chẳng hiểu có phải vì vài lãnh đạo ở VPF cũng chửi tục như hát hay, dọa đánh, dọa giết như giang hồ, thậm chí bị ghi âm ghi hình tung lên báo chí... mà chuyện chửi bậy, nói tục ở huấn luyện viên, cầu thủ được coi là chuyện nhỏ.
Huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm của đội Hà Nội là một ví dụ. Chỉ cần gõ cụm từ “HLV Chu Đình Nghiêm” tìm kiếm trên google thì có ngay khoảng 4.800.000 kết quả trong vòng 0,42 giây. Và những kết quả hàng đầu là chuyện huấn luyện viên này chửi tục với đối thủ, với khán giả đội khách bị nhắc nhở, liên quan tới ẩu đả trên sân khách.
HLV Chu Đình Nghiêm đã bị cổ động viên phản ứng vì thiếu văn hóa. Nhưng không sao, VPF vẫn trao giải như thường. Ảnh: Anh Đường
Trong khi đó, bóng đá Việt Nam đang dần làm tốt khâu hình ảnh. Như huấn luyện viên các đội bóng đề nghị được ăn mặc chỉn chu hơn. Các đội bóng yêu cầu các cầu thủ khi di chuyển ở các nơi công cộng phải ăn mặc tử tế hơn, đẹp hơn. Thì sau lớp sơn đèm đẹp ấy, lớp gỗ bên trong dường như không được coi trọng.
Việc VPF trao giải huấn luyện viên xuất sắc nhất V-League 2018 cho một người bị kỷ luật về chửi bậy, gây hấn rất nhiều lần ở V-League khiến nhiều người đồ rằng: ở V-League và với những người điều hành bóng đá Việt Nam, văn hóa ứng xử dẫu chỉ là đơn giản, đã không được coi trọng.
Một khi câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” bị coi là đồ bỏ, thì bóng đá xứ Việt, e rằng cũng chỉ hào nhoáng bởi những con số trong báo cáo mà thôi.
À mà ngẫm cũng đúng, báo cáo cứ bảo V-League là giải đấu hàng đầu khu vực, nhưng có câu lạc bộ nào của Việt Nam đọ được ở đấu trường quốc tế với các đội bóng kha khá trong khu vực đâu!
Tiểu Liên