mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

U nang buồng trứng: lâu ngày có thành ung thư?

 15:47 | Thứ tư, 26/01/2022  0
U nang buồng trứng là bệnh hay gặp của phụ nữ. Có thể đây chỉ là khối u cơ năng do hoạt động nội tiết của người phụ nữ, cũng có thể đây là khối ung thư cần được phát hiện sớm và xử trí nhằm bảo toàn mạng sống và chức năng người phụ nữ.

Ảnh minh họa


Ai dễ bị u nang buồng trứng?

U nang buồng trứng là tên thường gọi để chỉ một khối phát triển bất thường trên buồng trứng. Khối này có thể là tổ chức mới khác với buồng trứng bình thường (tổ chức tân sinh) hay là sự tích tụ dịch tạo thành một nang chứa dịch trên buồng trứng bình thường. Có nhiều cách phân loại u, phân chia theo kích thước hay hình dạng trên siêu âm, u đặc hay lỏng… nhưng quan trọng nhất với bệnh nhân là xem xét u nang buồng trứng này là lành tính hay ác tính.

Việc phân loại lành hay ác, qua những dấu hiệu khi khám hay làm xét nghiệm chỉ có giá trị định hướng, chính xác nhất vẫn là lấy khối u ra khỏi cơ thể rồi đem thử tế bào (xét nghiệm giải phẫu bệnh). Khi đó sẽ kết luận được lành hay ác, mà còn mức độ ác tới cỡ nào để có cách điều trị thích đáng. Một khối u phát triển nhanh, làm ảnh hưởng trên sức khỏe nhiều, có thể gợi ý nhiều đến ung thư. Khi siêu âm, tuỳ theo các đặc điểm trên siêu âm, sẽ có phân loại u theo các nhóm từ 1 – 6 (phân loại theo một hiệp hội siêu âm trên thế giới, hiện vẫn dùng tại Việt Nam), từ nhóm 4 trở đi, khả năng ác tính sẽ càng cao.

Các diễn biến tự nhiên có thể xảy ra: khối u không gia tăng thêm kích thước (thường hiếm khi gặp); Khối u biến mất (thường xảy ra trên những khối cơ năng, hay gọi đúng hơn là nang cơ năng buồng trứng), sau theo dõi từ 2-3 tháng, không còn thấy u nang nữa; Khối u ngày càng to ra, bụng ngày càng to, có thể kèm thêm các biến chứng do chèn ép như đau, bí tiểu, rối loạn đi tiêu, báng bụng…; khối u bị xoắn (khối u bị xoắn quanh cuống, giống như quả trên cành, cuống vốn là các mạch máu đến và đi từ buồng trứng, làm cho ngưng trệ tuần hòan đến buồng trứng, khối u ngày càng to ra do ứ đọng máu bẩn trong khi thiếu máu đến nuôi và đi đến họai tử hay vỡ ra. Xoắn hay vỡ là tình trạng cấp cứu, cần phẫu thuật ngay.

Thật ra, không có hiện tượng một khối u để lâu ngày sẽ trở thành ung thư buồng trứng, chỉ có một ung thư buồng trứng mà không được chẩn đoán và xử trí sớm để khối ung thư có thời gian ngày càng phát triển trầm trọng thêm.

U nang buồng trứng có thể gặp ở mọi độ tuổi, càng trẻ hay càng lớn tuổi thì khả năng ác tính càng dễ gặp. Có thể gặp ở người độc thân hay đã có gia đình, chưa thấy yếu tố di truyền hay gia đình có liên quan đến u nang buồng trứng. Việc khám phụ khoa định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm bệnh. Phụ nữ độc thân, ngại thăm khám phụ khoa, có thể dùng siêu âm bụng như một phương tiện tìm bệnh. Khi phát hiện u nang buồng trứng, nên có điều trị sớm tránh những trường hợp bỏ sót ung thư buồng trứng, một trong những nguy cơ bệnh tật và tử vong quan trọng của người phụ nữ.

Điều trị chủ yếu là phẫu thuật

Khi chưa có biến chứng, khối u buồng trứng thường có các triệu chứng rất mơ hồ, đa số trường hợp chỉ phát hiện được khối u buồng trứng một cách tình cờ khi siêu âm bụng kiểm tra hay khi khám phụ khoa định kỳ.

Các triệu chứng có thể gặp như: sờ thấy khối u trên bụng, đau bụng, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn đi tiêu hay đi tiểu… Các triệu chứng này có thể là triệu chứng của một bệnh khác như khối u ở bụng, một bệnh lý phụ khoa thông thường (như viêm nhiễm phụ khoa) hay u xơ tử cung. Rất nhiều phụ nữ cứ lầm tưởng đang có u buồng trứng với tình trạng cơn đau quặn bụng kèm theo khối gò ở bụng. Đa số đây là dấu hiệu của tình trạng đau do tiêu hoá, khối gò đa số là do ruột co thắt, đặc biệt khi có tình trạng táo bón.

Triệu chứng của u nang buồng trứng xoắn là cơn đau bụng cấp tính: đau quặn bụng, thành từng cơn và diễn tiến ngày càng dồn dập và gia tăng cường độ đau, thường kèm nôn ói, nhiều khi trầm trọng dẫn đến mất nước và điện giải, hay suy thận.

Khám bệnh phụ khoa thông thường có thể phát hiện được khối u buồng trứng, siêu âm sẽ cho biết thêm tính chất khối u. Một số xét nghiệm máu có thể giúp định hướng tính chất lành hay ác của khối u (xét nghiệm máu định lượng Alpha Feto Protein hay CA 125). Khối u cơ năng có thể chờ đợi vài tháng để có chẩn đóan rõ ràng. Một khối u thực thể (do bệnh lý) nên được xử trí sớm nhằm biết rõ tính chất lành hay ác của khối u, cũng như tránh các biến chứng có thể xảy ra. Một khối u nếu để quá to sẽ làm khó khăn cho phẫu thuật, mất nhiều máu, nhiều nguy cơ tổn thương đến các cơ quan lân cận.

Điều trị chủ yếu là phẫu thuật, có thể qua nội soi ổ bụng hay mổ bụng hở tùy theo kích thước và tính chất của khối u. Thuốc chỉ dùng trong một vài loại đặc biệt hay trong thời gian chờ đợi làm phẫu thuật. Phẫu thuật sẽ cố gắng bóc đi phần u nang, để lại buồng trứng lành nếu được, nhất là khi bệnh nhân trẻ tuổi. Khi phải cắt đi một buồng trứng, buồng trứng còn lại vẫn làm việc, khả năng mang thai dĩ nhiên đã kém hơn người còn đầy đủ hai buồng trứng.

Khi u nang buồng trứng là ác tính, phẫu thuật không chỉ lấy đi buồng trứng bệnh, mà có khi còn phải lấy cả buồng trứng còn lại và tử cung. Trong trường hợp này, sau điều trị ổn định, bệnh nhân nếu còn trẻ sẽ phải dùng tiếp nội tiết tố sinh dục nữ để tránh tình trạng mãn kinh sớm sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và cuộc sống.

Có cách nào phòng ngừa?

Thật ra, nguyên nhân gây ra u nang buồng trứng, lành tính hay ác tính, hiện nay cũng còn chưa biết rõ, do đó, không có cách nào phòng tránh được. Chế độ ăn uống hay sinh hoạt cũng không có ảnh hưởng gì đến việc thành lập u nang, làm thay đổi u nang buồng trứng.

Nếu có chăng, thì đã có bằng chứng khoa học cho thấy khi buồng trứng được nghỉ ngơi, không có sự rụng trứng thường xuyên, thì khả năng hình thành ung thư buồng trứng được giảm đáng kể (có thể tới 40%). Việc nghỉ ngơi naỳ có thể là lúc người phụ nữ mang thai, đang nuôi con bằng sữa mẹ, dùng thuốc ngừa thai. Phụ nữ ít con hay độc thân có khả năng bị ung thư buồng trứng cao hơn nhiều so với người có sinh con, hay có nuôi con bằng sữa mẹ.

ThS-BS. Đặng Lê Dung Hạnh

(Nguyên trưởng khoa khám bệnh A, Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.