mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

U lành tính khi nào cần điều trị?

 15:23 | Thứ tư, 18/03/2020  0
“Làm sao để phân biệt khối u lành tính với khối ác tính? Đối với khối u lành tính khi nào mới cần can thiệp để loại bỏ?...” – Trọng Nghĩa (TP.HCM)

Như chúng ta đã biết, không phải mọi khối u đều ung thư và có những khối u không phải là ung thư và có những loại ung thư mà không có khối u. Những khối u không phải ung thư là những khối u lành tính. Ví dụ chúng ta có thể thấy những khối u lành tính ở tử cung, buồng trứng, mỡ, ngoài da, đó là những khối u mà thường gặp; nhưng cũng có những ung thư mà không có u như ung thư hệ tạo huyết, ung thư bạch cầu,…

Như vậy giữa việc phân biệt u lành tính và u ác tính thì cần phải có những thầy thuốc chuyên khoa và phải có sự kết hợp của rất nhiều phương pháp từ khám bệnh, tiếp cận bệnh nhân đến chẩn đoán, tế bào học...

Chúng ta cần phải hiểu “lành” ở đây có nghĩa như thế nào. Khối u lành tính là khi có tế bào không phải tế bào ung thư, không xâm lấn vào các mô xung quanh, không lan tỏa đến các tổ chức mô xung quanh, và một khối u lành tính không gây ra di căn, chèn ép các tạng và cấu trúc xung quanh.

Tóm lại, khối u lành tính thường có bề mặt trơn láng, ranh giới của bướu rất rõ ràng và điều đặc thù nhất là những khối u này không xâm lấn qua tạng hoặc những loại mô xung quanh của vùng có khối u.

Có một số loại u như u lành tính trên não có thể chèn ép vào trong các hệ thống thần kinh và người bệnh phải đến bác sĩ. Đối với những khối u như u xơ tử cung có thể lớn, chèn ép, căng tức đau vùng bụng hoặc gây xuất huyết mỗi một chu kỳ, hoặc những lipoma (u mỡ) ở da có thể chèn ép đường đi của dây thần kinh nào đó.

Tuy bản chất của những khối u này là lành tính nhưng nó chèn ép, gây các triệu chứng khó chịu, làm giảm chất lượng cuộc sống… nếu có thể loại bỏ được thì chúng ta sẽ cần phải loại bỏ đi. Và nếu khối u không cần thiết phải gỡ bỏ do nằm ở các vị trí quá nguy hiểm với mạng sống của bệnh nhân thì chúng ta có thể chung sống hòa bình với nó.

Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh dù u lành hay u ác tính, chúng ta phải đi thăm khám đến những bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, ít nhất là chúng ta không bỏ sót đây là u ác tính và quan trọng nhất là chúng ta cũng không mang một tảng đá, gánh nặng, áp lực về tinh thần khi không biết khối u là lành tính hay ác tính. Nỗi lo như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều về cuộc sống, tinh thần, thể xác của chúng ta. Tốt nhất dù u lành tính hay ác tính khi phát hiện thì chúng ta phải đi đến bác sĩ để điều trị từ những giai đoạn ban đầu.

BS-CK2. Nguyễn Ngọc Anh

(Nguyên trưởng khoa ung bướu và y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.