Loãng xương là một bệnh phổ biến. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), loãng xương là một bệnh lý mà trong đó có tình trạng sức khỏe xương bị suy giảm, làm tăng nguy cơ gãy xương.
Ảnh: TL
Sức khỏe xương bao hàm 2 yếu tố: chất lượng xương và khối lượng xương. Nhiều người thường nghĩ xương là một khối rắn, cứng nhưng sự thật là xương cũng giống với các mô khác trong cơ thể, thay đổi theo từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày.
Các mô mới được sinh ra để thay thế cho mô cũ. Việc này được thực hiện nhờ 2 quá trình diễn ra song song: quá trình hủy xương và quá trình tạo xương. Khi còn trẻ, quá trình tạo xương nhiều hơn hủy xương, do vậy xương phát triển toàn diện, vừa dài ra, vừa to ra và vừa chắc hơn.
Khối lượng xương là một khái niệm để thể hiện khối xương. Cấu trúc, thành phần bên trong gọi chung là chất lượng xương. Cả khối lượng và chất lượng xương đều tốt thì xương sẽ khỏe, có khả năng chịu các lực tác động khi có vấn đề xảy ra.
Tuy nhiên, theo thời gian, đặc biệt là sau 50 tuổi (ở cả nam và nữ), yếu tố phát triển đã không còn, các hormone sinh dục cũng suy giảm, hoạt động bên trong cơ thể xuống cấp, xương cũng bị ảnh hưởng theo.
Phụ nữ sau tuổi mãn kinh, nồng độ hormone sinh dục estrogen bằng 0, khiến yếu tố bảo vệ xương bị mất đi. Do đó, bước qua giai đoạn mãn kinh, sự mất xương diễn ra rất nhanh. Mất xương được hiểu là quá trình hủy xương nhiều hơn quá trình tạo xương.
Bình thường, hủy xương đến đâu thì tạo xương sẽ bù lại đến đấy. Quá trình này diễn ra liên tục nên xương của trẻ nhỏ phát triển nhanh và đạt mật độ xương đỉnh trong khoảng 25 - 30 tuổi, đồng nghĩa với việc chiều cao của một người đạt đến mức tối đa.
Thời điểm đạt mật độ xương đỉnh, quá trình hủy xương và quá trình tạo xương diễn ra song song, ngang bằng với nhau để giữ cho xương khỏe mạnh nhất. Nhưng từ sau 40 tuổi, quá trình hủy xương đã nhanh hơn quá trình tạo xương. Sau 50 tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh, quá trình hủy xương nhanh hơn từ 2 đến nhiều lần so với quá trình tạo xương.
Như vậy, xương có những lỗ hổng do bị hủy mà không được bù đắp vào. Chính những lỗ hổng này khiến xương xốp, giòn, dễ gãy. Chỉ cần một lực nhẹ tác động vào đã đủ để làm xương bị gãy. Tình trạng gãy xương trầm trọng hơn, thậm chỉ chẳng cần đến lực nhẹ, chỉ cần một tiếng ho hay cử động đột ngột cũng có thể khiến bệnh nhân bị gãy xương.
Dựa vào cơ chế vừa nêu ở trên, khi nồng độ của các hormone có tác dụng giúp xương tăng trưởng, hormone sinh dục suy giảm sẽ kéo theo sức khỏe xương suy yếu. Do đó, mọi người thường nhắc đến độ tuổi bị loãng xương ở nữ là sau 50 tuổi hoặc sau mãn kinh và nam giới là sau 70 tuổi, do hoạt động của testosterone giảm đi.
Người già có mật độ xương giảm mạnh nên thường được chỉ định đo loãng xương. Ảnh: CTV
Điều không may là quá trình mất xương xảy ra hoàn toàn âm thầm, không hề có triệu chứng. Một yếu tố gắn liền với loãng xương là thiếu vitamin D. Thiếu vitamin D nhiều sẽ dẫn đến tình trạng Osteomalacia, khiến bệnh nhân bị đau nhức xương âm ỉ. Tuy nhiên, Osteomalacia không xuất hiện trên tất cả bệnh nhân loãng xương.
Tình trạng mất xương diễn ra âm thầm, không có triệu chứng nhưng biến chứng gãy xương lại ảnh hưởng rất nhiều đến người bệnh, từ những cơn đau cho đến việc bị giảm chức năng vận động. Khi đã có tình trạng loãng xương, bất kỳ phần xương nào cũng có thể bị gãy nhưng 3 vị trí được nhắc đến nhiều nhất là:
- Xương đốt sống, trong đó đốt sống thắt lưng là nơi chịu lực nhiều nhất nên thường bị gãy nhất;
- Cổ xương đùi chịu lực cho toàn bộ trọng lượng của cơ thể nên dễ bị gãy;
- Đầu dưới của xương cẳng tay.
Gãy cổ xương đùi hay gãy đầu dưới của xương cẳng tay có thể dễ dàng nhận biết qua sự biến dạng và biểu hiện đau nhức, không cử động đươc. Riêng ở vùng cột sống thắt lưng, có khoảng 50% trường hợp không có triệu chứng khi gãy xương mà bệnh nhân chỉ bị giảm chiều cao. Một người đột ngột bị giảm chiều cao từ 2,5cm là dấu hiệu nghi ngờ gãy xương đốt sống do loãng xương.
ThS-BS-CK2. Hồ Phạm Thục Lan
(Trưởng Đơn vị chuyển hóa Cơ xương khớp, Trung tâm nghiên cứu Y sinh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM)