Người ta ví von phình mạch máu não như quả bom nổ chậm, tuy nhiên có phải thực sự phình mạch máu não nào cũng cần can thiệp, và làm thế nào để có thể chẩn đoán hoặc phát hiện sớm phình mạch máu não?
Túi phình mạch máu não là gì?
Phình mạch máu là một vị trí suy yếu của thành mạch; biểu hiện bởi sự giãn về đường kính mạch. Có thể ví von như một “quả bóng” mọc trên thành mạch máu não.
Hình minh họa một trường hợp bệnh nhân được phát hiện túi phình động mạch cảnh trong (T), đường kính 10mm, được phát hiện nhờ tầm soát bằng MRI không tiêm thuốc tương phản tại phòng khám Ngọc Minh (TP.HCM)
Vì sao hình thành phình mạch máu não? Liệu có phải do bẩm sinh?
Phình mạch máu não thông thường thường không có lúc sinh, đây không phải bệnh lý bẩm sinh. Phần lớn phình mạch phát triển sau 40 tuổi.
Phình mạch não thường được hình thành tại những vị trí phân nhánh của mạch máu (ví dụ vị trí động mạch thông trước, động mạch cảnh trong đoạn chỗ chia động mạch thông sau). Các vị trí này thường chịu áp lực liên tục từ lưu lượng máu, khiến thành mạch trở nên suy yếu, giãn lớn và hình thành nên phình mạch não.
Ngoài ra phình mạch não có thể liên quan đến loạn sản sợi cơ, viêm mạch máu hoặc bóc tách mạch máu. Một số trường hợp hiếm hơn có thể do nhiễm trùng, do thuốc (Cocaine) hoặc do rách trực tiếp mạch máu do chấn thương.
Vì sao phình mạch máu não lại vỡ?
Chúng ta không biết tại sao và thời điểm chính xác nào phình mạch máu não sẽ vỡ. Tuy nhiên có một số nguy cơ làm tăng tỉ lệ vỡ của túi phình:
- Huyết áp cao là nguy cơ hàng đầu.
- Nâng vật nặng hoặc gắng sức làm tăng lưu lượng máu lên não có thể dẫn tới vỡ phình mạch.
- Những trạng thái cảm xúc mãnh liệt như sợ hãi, buồn bã, tức giận có thể liên quan đến tăng huyết áp và vỡ phình mạch.
- Một số loại thuốc như wafarin, thuốc giảm cân, thuốc gây nghiên có thể liên quan
Có nhiều yếu tố để đánh giá một túi phình mạch máu não có nguy cơ vỡ cao hay thấp, liên quan đến hình dạng túi phình, vị trí túi phình, và triệu chứng lâm sàng mà túi phình gây ra. Một túi phình nhỏ, bờ đều khả năng ít gây xuất huyết hơn túi phình lớn, bờ nhiều thùy, có nhú. Đặc biệt, nếu túi phình đã từng vỡ, khả năng vỡ lại là rất cao, đòi hỏi phải có can thiệp kịp thời.
Điều gì sẽ xảy ra nếu phình mạch não vỡ?
Một khi túi phình vỡ ra, máu sẽ lan vào những khoang quanh nhu mô não, gây nên xuất huyết khoang dưới nhện. Tùy vào lượng máu, có thể gây ra:
Cơn đau đầu đột ngột, dữ dội, kéo dài từ vài giờ đến vài ngày; Triệu chứng nôn ói, ngủ gà, hoặc nặng hơn có thể hôn mê, tử vong. Nếu vỡ phình gây tụ máu trong nhu mô não có thể có các biểu hiện thần kinh khu trú như liệt nửa người, khó nói hoặc mất ngôn ngữ; vấn đề về thị lực hoặc biểu hiện co giật.
Vì sao túi phình mạch máu não vỡ lại rất nguy hiểm?
Một khi túi phình mạch máu não vỡ, nguy cơ tử vong lên tới 40% và 66% vẫn có khả năng tổn thương não dù đã can thiệp túi phình. Điều cần nhấn mạnh là cần phải điều trị can thiệp sớm nhất vì rất có thể một đợt vỡ tiếp tục của phình sẽ xảy ra trong thời gian ngắn.
Co thắt mạch máu (Vasospasm) rất thường gặp sau xuất huyết do vỡ túi phình. Điều nay làm tổn thương nặng nề thêm nhu mô não do giảm tưới máu như một dạng đột quỵ thiếu máu cục bộ. Ngoài ra có thể gặp giãn não thất, khó cai máy thở hoặc nhiễm trùng do nằm viện lâu
Nếu túi phình không vỡ, có triệu chứng nào để nhận biết không?
Thực tế phần lớn những phình mạch nhỏ thường không có triệu chứng.
Khi túi phình có kích thước lớn hoặc tăng kích thước có thể chèn ép vào các nhu mô não hoặc thần kinh xung quanh, có thể gây những cơn đau đầu, tê tay, giảm thị lực, rối loạn trí nhớ hoặc sụp mi mắt.
Làm thế nào để chẩn đoán túi phình mạch máu não?
Chụp CT mạch máu não (CTA) và chụp MRI mạch máu não (MRA) là hai phương tiện chính để chẩn đoán hoặc tầm soát bệnh lý mạch máu não nói chung hoặc túi phình mạch máu não nói riêng.
Hiện nay, ứng dụng chuỗi xung TOF3D trong MRI thường quy, có thể dựng hình mạch máu não mà không cần tiêm thuốc tương phản. Điều này phù hợp cho việc tầm soát túi phình mà hạn chế lo ngại về việc liều tia xạ (đối với CT) hoặc phải tiêm thuốc như MRA mạch máu não trước đây.
Đối tượng nào cần tầm soát túi phình mạch máu não?
Đối với những người có tiền sử gia đình vỡ phình mạch não; có khả năng 30% mắc túi phình mạch máu não. Những người có tiền sử gia đình vỡ phình mạch máu não, thường có xu hướng mắc túi phình ở độ tuổi trẻ hơn.
Bệnh thận đa nang cũng liên quan đến nguy cơ phình mạch máu não, nên cần tầm soát ở những đối tượng này.
Có phải tất cả túi phình mạch máu não đều cần phẫu thuật hoặc can thiệp?
Điều này đúng đối với phình mạch máu não vỡ: cần phải can thiệp sớm nhất có thể vì nguy cơ vỡ lại cao. Lựa chọn phẫu thuật hoặc can thiệp (cụ thể loại can thiệp nào) tùy thuộc vào vị trí túi phình; kích thước; hình dạng túi phình (phình cổ gọn hay phình cổ rộng), cũng như bệnh lý nền nếu có đi kèm.
Phình mạch máu não chưa vỡ quyết định tùy thuộc hình dạng, kích thước và triệu chứng của bệnh nhân.
Những phương pháp điều trị phình mạch máu não?
- Điều trị nội khoa: đối với phình nhỏ, chưa vỡ; không triệu chứng trừ khi phình tăng kích thước so với những lần chụp phim trước. Kiểm soát huyết áp, Cholesterol và các tình trạng khác.
- Phẫu thuật kẹp túi phình.
- Can thiệp nội mạch: điều trị ít xâm lấn, can thiệp mạch từ đường động mạch đùi, bít tắc túi phình thả coils vào bên trong, có thể dùng thêm stent hoặc bóng để hỗ trợ hoặc dùng stent chuyển dòng phủ qua túi phình. Đây là phương pháp điều trị tiên tiến và ít biến chứng.
Như vậy; túi phình mạch máu não không phải là bệnh lý hiếm gặp và điều trị túi phình từ khi nó chưa vỡ sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn hẳn. Do đó tầm soát túi phình mạch máu não là thực sự cần thiết. Tất nhiên không phải tất cả túi phình đều cần phải can thiệp hoặc phẫu thuật, nhưng chúng ta có thể theo dõi, đánh giá trong những lần chụp tiếp theo để có những chiến lược điều trị phù hợp.
BS-CK2. Nguyễn Văn Tiến Bảo
(Bác sĩ can thiệp mạch máu thần kinh - Khoa chẩn đoán hình ảnh bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM)
Tài liệu tham khảo:
What You Should Know About Cerebral Aneurysms – AHA, Jan 30, 2024