mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Định vị giáo dục Việt Nam:

Tự chủ giáo dục bằng luật pháp: Tự do học thuật, tự chủ nhân sự và nguồn lực

 18:54 | Thứ năm, 07/03/2019  0
Đất nước chúng ta đang đứng trước một giai đoạn chuyển chất của quá trình phát triển, nền kinh tế chuyển từ bề rộng sang chiều sâu. Quá trình này đòi hỏi chúng ta phải phấn đấu trong tất cả các mặt. Trong đó, cần thiết có một nền giáo dục đáp ứng cho sự thay đổi căn bản, giúp chúng ta vượt ngưỡng của một nước phát triển trung bình, trở thành một nước phát triển, hội nhập toàn diện. Quá trình này đòi hỏi hệ thống luật pháp cần được rà soát, bổ sung phù hợp, tạo hành lang pháp lý cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp phát triển đúng tầm. 

Nền tảng luật pháp cho cải cách giáo dục

Năm 2018, Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng hai dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt, tác động đến nền tảng phát triển đất nước, đó là Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung).

Về Luật Giáo dục đại học, cơ sở của việc sửa đổi, bổ sung dựa trên 3 nền tảng : Hiến pháp năm 2013, nhấn mạnh đến quyền con người và quyền được học tập, đào tạo của công dân; Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và từ thực tiễn của quá trình phát triển đất nước cũng như nền giáo dục nước nhà.

Trên những cơ sở đó, sau một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, lấy ý kiến các bộ phận liên quan trong xã hội, Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung) đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2018. Dự án Luật này tạo hành lang pháp lý cho các trường đại học phát triển một cách mạnh mẽ, chất lượng, và có ba điểm nhấn quan trọng đó là: tự chủ đại học; sự phát triển hệ thống các trường đại học tư thục; quản lý nhà nước và hệ thống giáo dục đại học.

Tự chủ đại học là một yêu cầu tất yếu trong hoạt động của một trường đại học  và đã được Luật Giáo dục đại học quy định. Tuy nhiên trong Luật sửa đổi, bổ sung lần này nhấn mạnh đến nội hàm của tự chủ, tập trung trên cả ba nội dung: chuyên môn học thuật, tổ chức nhân sự và tài chính tài sản. Đồng thời Luật cũng quy định rõ ràng, cụ thể về cơ chế tự chủ của trường đại học (không phân biệt công lập hay tư thục), trong đó hội đồng trường là một thiết chế trách nhiệm tập thể, chịu trách nhiệm lãnh đạo nhà trường và hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm pháp lý, quản lý điều hành theo quy chế của nhà trường.

Luật cũng quy định trách nhiệm giải trình, minh bạch, quy định việc báo cáo của nhà trường trước xã hội, cơ quan quản lý và với người học. Người học có quyền được biết, được thông tin về các hoạt động và kết quả đào tạo của nhà trường. Một trường đại học có đủ chất lượng chuẩn mực qua kiểm định, thì sẽ đủ năng lực và điều kiện tự chủ.

PGS-TS. Phan Thanh Bình. Ảnh: TL

Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung) lần này nhấn mạnh đến vai trò, vị trí của hệ thống các trường đại học tư thục; tạo điều kiện về mặt pháp lý và quy định sự hỗ trợ nhà nước trong việc phát triển các trường tư thục (sở hữu trong nước và sở hữu nước ngoài). Luật quy định chính sách nhà nước bình đẳng trong quan hệ với tất cả các trường đại học dựa trên năng lực, chất lượng và hiệu quả của quá trình đào tạo, đóng góp của nhà trường vào phát triển xã hội.

Luật cũng quy định vai trò quản lý nhà nước trong việc tạo hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển, giám sát quá trình phát triển một cách lành mạnh của hệ thống. Luật quy định lại rõ ràng hơn về hệ thống giáo dục đại học, quy định các tên gọi tương ứng với mô hình tổ chức và giao trách nhiệm cho Chính phủ chịu trách nhiệm quy hoạch hệ thống giáo dục đại học phù hợp với trình độ và yêu cầu của quá trình phát triển đất nước. 

Một bộ luật khác, cũng đang được Quốc hội thảo luận trong nhiều kỳ họp (chưa thông qua trong năm 2018) đó là Luật Giáo dục (sửa đổi). Trước những đòi hỏi của xã hội về một nền giáo dục đáp ứng cho quá trình phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, với yêu cầu của Nghị quyết Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì Quốc hội cần rất kỹ lưỡng, chu đáo trong việc chuẩn bị dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này. Và vì thế việc xác định thông qua luật này kéo dài trong ba kỳ họp là một quyết định hợp lý thể hiện trách nhiệm và sự cẩn trọng của Quốc hội đối với một dự án luật quan trọng.

Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này quan trọng như thế nào? Theo tôi là ở mấy nội dung sau đây: trước hết, làm rõ các quan điểm về giáo dục. Trong luật hiện hành cũng đã quy định nhiệm vụ, tính chất và nguyên lý của nền giáo dục quốc dân của chúng ta, đó là hình thành con người Việt Nam toàn diện, có nhận thức, đạo đức và năng lực đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Ngoài việc nhìn nhận, hoàn thiện thêm nhiệm vụ của giáo dục trong giai đoạn mới, thì dự thảo Luật sửa đổi lần này cũng nhấn mạnh đến các nội dung: về hệ thống giáo dục quốc dân và trách nhiệm nhà nước với giáo dục mầm non và giáo dục cơ bản, về tổ chức học tập suốt đời (xây dựng xã hội học tập), về trách nhiệm xã hội đối với giáo dục (xã hội hóa) và vai trò của Nhà nước.

Dự thảo Luật nhấn mạnh, xác nhận trách nhiệm, vị trí vai trò người thầy và vị trí, trách nhiệm của người học, trong một quan hệ về chính sách, điều kiện phù hợp. Dự thảo Luật quy định các nội dung về hệ thống đào tạo và hình thành đội ngũ nhà giáo đủ chuẩn chất.

Tự chủ trong các cơ sở đào tạo đại học, nghề nghiệp và xây dựng văn hóa quản lý dân chủ trong các cơ sở giáo dục là quan điểm lớn và là một nội dung trọng tâm của dự thảo Luật. Trong đó, dự thảo Luật quy định chặt chẽ trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa thông tin, hoạt động nhà trường, đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo được kiểm định.

Cuối cùng, một điểm nhấn của dự thảo Luật lần này chính là nội dung quy định về nhiệm vụ quản lý nhà nước chuẩn mực, đảm bảo cho toàn hệ thống giáo dục quốc dân phát triển một cách lành mạnh và mạnh mẽ.

Sứ mệnh của người thầy

Giáo dục là một hoạt động xã hội, phản ánh những thành quả, tồn tại và hệ quả từ xã hội. Do đó, khi đánh giá về giáo dục, không thể tách những sự kiện ra khỏi thành quả chung. Năm 2018, trong lĩnh vực giáo dục nổi lên không ít những mặt chưa tốt, thậm chí là tiêu cực nghiêm trọng. Nhưng những điểm tối đó không thể che khuất những mặt sáng của giáo dục Việt Nam. Thật sự, chúng ta có một nền giáo dục cơ bản tốt, nếu đi vào tận vùng sâu, vùng xa, còn rất nhiều điều đáng nói, nhưng đúng là chúng ta đã rất nỗ lực để lo cho học sinh đến trường.

Chất lượng học sinh phổ thông được đánh giá qua tổ chức PISA, kết quả học tập và sáng tạo của các em sinh viên, việc thay đổi trong phân luồng học sinh, hướng nghiệp đang có những kết quá khích lệ. Và một đội ngũ hàng triệu thầy cô giáo đang tận tụy với nghiệp nhà giáo của mình từ bậc nhà trẻ, mầm non đến bậc đại học, từ cơ sở giáo dục ở bản làng đến giảng đường đại học ở thành thị, là những điểm sáng cần ghi nhận.

Nói như thế để thấy bên cạnh các thành quả, điểm sáng thì các tiêu cực, sai phạm vừa qua là nghiêm trọng, là những nỗi đau không dứt của ngành giáo dục, để từ đó tiếp tục phấn đấu và làm tốt hơn. Đứng dưới góc độ của mình, theo tôi để khắc phục các khuyết điểm lớn dai dẳng, ngành giáo dục cần làm rất nhiều điều và phải có thời gian. Hiện nay, chiến lược và lộ trình đổi mới đang được Bộ Giáo dục Đào tạo xây dựng và từng bước triển khai.

Trong quá trình đổi mới giáo dục này, thì các yếu tố sau đây, theo tôi là rất cần đặc biệt quan tâm.

Bản thân giáo dục là một dịch vụ đặc biệt, bởi vì sản phẩm của giáo dục là từng Con Người, chính vì thế nhân lực cho quản lý giáo dục cũng phải được nhận thức một cách đặc biệt. Nhân lực ấy cần được đào tạo thật tốt, vừa am hiểu nghề vừa phải có tâm thế đối với nghề. Dứt khoát phải có những nhà quản lý giáo dục chuẩn mực từ vị trí lãnh đạo ngành đến các cơ sở giáo dục.

Thầy cô, người hàng ngày tiếp xúc với học trò, trực tiếp dạy dỗ, hun đúc và truyền cảm hứng tri thức và nhân tâm cho những công dân tương lai của đất nước giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Vị trí, chức năng, trách nhiệm cùng với đào tạo, tuyển dụng và chính sách với giáo viên cần được Nhà nước, xã hội quan tâm đúng mức. Theo tôi, nhà giáo không chỉ là một viên chức nhà nước bình thường. Nhà giáo đang thực hiện thiên chức dạy làm người.

Giáo dục là một hoạt động xã hội, và người học trò là sản phẩm của cả nhà trường, gia đình và xã hội. Mỗi một tiêu cực trong ngành cần được nhìn nhận ở tác động của cả ba môi trường này.

Trên tất cả, các tiêu cực là nỗi đau của ngành, là một thách thức lòng tin xã hội mà ngành phải phấn đấu, cố gắng vượt qua, dù rằng phải có thời gian. Tuy nhiên, ngành giáo dục rất cần được sự đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ của cả xã hội. Tôi tin vào đội ngũ các thầy cô đang tận tụy trên bục giảng với cái đạo nhà giáo của mình, và tôi tin vào nhận thức đúng về quốc sách giáo dục đang được triển khai. Nếu chúng ta chậm trong quốc sách này thì sự phát triển của đất nước chắc chắn sẽ còn chậm hơn. 

PGS-TS. Phan Thanh Bình (Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.