Tăng học phí là quyền của trường
Vinschool đang đi theo con đường siêu lợi nhuận! Phản đối Vinschool bất tín… Những hình ảnh, những dòng tự sự phản ánh về một sự việc, là thông báo lộ trình tăng học phí cho năm học mới của trường Vinschool phát ra vào cuối tuần trước (ngày 22.9). Chúng xuất hiện trên mạng xã hội, ở các đường dẫn mà bài viết thống kê những dòng tự sự (status) của nhiều phụ huynh, bày tỏ sự không đồng tình với việc tăng học phí, những phân tích về những khoản thu đi ngược với “mô hình giáo dục phi lợi nhuận”, về sự phá vỡ cam kết không tăng học phí quá 10% và đặt họ vào thế đã rồi...
Mặc dù những cuộc đối thoại trực tiếp lẫn gián tiếp (trên fanpage chính thức của Vinschool) giữa nhà trường và phụ huynh đã diễn ra, nhưng hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Bà Phan Hà Thủy, Tổng Giám đốc hệ thống Vinschool, ngày 25.9 cũng đã đại diện trường, trả lời giới truyền thông, khi cho biết: “Học phí được tăng theo định hướng nâng cấp chất lượng giáo dục và dịch vụ của nhà trường…”.
Học sinh trường trung học Vinschool. Ảnh: TL
Thực ra sự việc Vinschool không phải là câu chuyện cá biệt. Tuy nhiên, khác với những phản ứng trước đây là của sinh viên một số trường đại học, cũng liên quan đến vấn đề tăng học phí, thì ở đây là câu chuyện của một trường tư, liên cấp từ mầm non đến trung học phổ thông. Nó xuất phát từ thực tế tồn tại lâu nay của loại hình giáo dục này, một bên toàn quyền áp mức học phí, phía còn lại (người học, phụ huynh) phải thực hiện. Với mức học phí vượt quá “ngưỡng” có thể chấp nhận được, mâu thuẫn nảy sinh.
Vì vậy, không chỉ Vinschool mà ngay cả các trường đại học tư, câu chuyện cũng tương tự, như phân tích của bà Phạm Thị Ly, một người có thâm niên nghiên cứu lĩnh vực giáo dục: “Trường tư đang vận hành như một doanh nghiệp, vì thế mức học phí do họ quyết định, cũng giống như các doanh nghiệp tự định giá sản phẩm trên cơ sở giá thành và tương quan thị trường. Luật Giáo dục hiện nay đang cho phép các trường tư được tự quyết định mức thu học phí “theo quy định của pháp luật” nhưng cho đến nay không có quy định nào dưới luật điều chỉnh quyền này của các trường.”
Chia sẻ quan điểm tương tự, Quản lý của một hệ thống trường dân lập quốc tế (đề nghị phóng viên không nêu tên và nơi công tác), cho biết “mức học phí là sự thoả thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Quyết định mức học phí là phía hội đồng quản trị đưa ra, căn cứ vào sự cân đối thu chi, chi phí vận hành. Khi thay đổi mức tăng học phí, thông thường vẫn có sự phản ứng của phụ huynh. Tuy nhiên, mọi việc không lùm xùm là nhờ kiểm soát được sự thay đổi ấy (thoả thuận giữa trường và phụ huynh)”. Sự việc của Vinschool, theo vị này phải xem xét giữa nhà trường và phụ huynh có ký cam kết về quy định mức học phí, mức tăng, thời điểm tăng học phí hay không mới “bắt lỗi” được.
Vị này không ngần ngại chia sẻ: “Tăng học phí là một “ván bài” mà những người làm giáo dục rất rành việc này. Ví dụ, trường đang có 400 học sinh, 250 người không chấp nhận tăng học phí và rút khỏi trường. Như vậy còn 150 người ở lại, chấp nhận mức học phí cao. Trên cơ sở học phí cao này, trường có thể tính toán mức đầu tư, cân đối nhân sự, chuyển học từng ca, để rồi khi dạy tốt, có tiếng lại có 400 học sinh khác vào học. Trong khi đó, với 400 học sinh, mức học phí 800.000 đồng/tháng, dù duy trì số lượng nhưng chất lượng khó mà nâng cao lên được. Thà tăng học phí lên, chấp nhận người ta rút nhưng dần dần lại lên lại”.
Có những trường tư khác căn cơ hơn, ngay từ tuyển đầu vào chỉ chọn học sinh khá, giỏi bởi như vậy sẽ giữ vững danh tiếng. Hay nhiều trường mở ra có chương trình liên kết đào tạo (hay hợp tác quốc tế) với một trường/tổ chức nước ngoài, đoán trước sẽ đắt khách thì mức học phí sẽ cao hơn, còn chương trình bình thường thì mức học phí sẽ thấp hơn… Nhưng nói như vậy không có nghĩa tất cả trường tư hay trường dân lập quốc tế là xấu, chất lượng kém.
Việc các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục đã và đang làm thay đổi nhiều điều, trong đó đa dạng trong lựa chọn việc học là điều dễ thấy. Và việc áp mức học phí, tăng học phí là chuyện của trường nhưng quyền có lựa chọn vào học hay không là của người học, của phụ huynh. “Hệ thống trường tư, trường quốc tế mở ra và ngày càng nhiều. Trường có tiếng thì mở thêm cơ sở mới, to hơn chứ chưa thấy ai đóng cửa. Điều đó chứng tỏ hai điều: họ được phép làm như vậy (về mặt luật pháp) và xã hội có nhu cầu thực sự. Việc cho con học trường quốc tế, trường tư với mức học phí cao và chấp nhận các khoản đóng góp khác, chứng tỏ đó là những gia đình có điều kiện hoặc trường đáp ứng các tiêu chí khác của họ như: gần nhà, môi trường học, uy tín…”
Khi đặt vấn đề, việc tăng học phí thì phải đi đôi với tăng chất lượng học hành, đầu tư cơ sở vật chất và cơ chế nào để phụ huynh giám sát? Bà Ly phân tích: “Công khai là một yếu tố nhưng không phải là một thiết chế có thể giúp giải quyết mâu thuẫn”. Về vấn đề này, PGS. Nguyễn Thiện Tống (Tiến sĩ kỹ thuật hàng không đại học Sydney - Úc (1974), thạc sĩ quản trị hành chánh công đại học Harvard), đồng quan điểm khi cho rằng do trường hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, vì vậy các con số thu - chi, lỗ - lãi thường chỉ các cổ đông mới biết.
Vì vậy, nếu không làm rõ cơ sở của việc tăng học phí, mâu thuẫn vẫn còn nguyên: “Điều đáng quan tâm hơn, nếu thu học phí cao, tăng học phí để tái đầu tư cho hoạt động giảng dạy thì không nói làm gì. Vấn đề là, các cổ đông bỏ tiền đầu tư, họ cũng có quyền yêu cầu chia lãi tức. Vì vậy, nếu gặp những nhà đầu tư chỉ vì lợi nhuận, phần thiệt sẽ thuộc về người học. Khi thu chi không minh bạch, các trường dễ lợi dụng tự chủ tài chính để lạm thu”. Nhận định này chắc hẳn mang lại nhiều suy ngẫm, bởi có thể liên tưởng, ngay cả trường công tình trạng lạm thu đầu năm học mới vẫn xảy ra, như báo chí đang phản ánh.
Ông Tống cũng đặt ra một vấn đề khác việc tăng học phí, các trường phải phổ biến trước, phải công khai khả năng tăng như thế nào. Như trường hợp của Vinschool, lộ trình tăng học phí báo trước một năm, nhưng trước đây có những trường bị phản ứng vì tăng quá đột ngột. Làm như vậy sẽ đặt người học/phụ huynh vào thế hoặc phải bấm bụng mà đóng, hoặc bỏ đi mà như vậy kéo theo nhiều hệ luỵ. Ông Tống cho rằng: “Loại hình trường tư, trường dân lập mở ra nhiều lựa chọn hơn cho mọi người tuy nhiên giáo dục không phải lúc nào cũng áp cơ chế thị trường một cách máy móc được. Một quán ăn giá cao người ta lỡ vào ăn một lần, bị chặt chém, lần khác họ sẽ không thèm vào ăn. Giao dịch đó ngắn hạn nhưng học là dài hạn. Nếu đẩy người học vào thế phải nghỉ, với hệ thống trường quốc tế với nhau thì xáo trộn có thể ít hơn, tuy nhiên đang học trường quốc tế mà xin vào trường công, xáo trộn sẽ lớn hơn rất nhiều. Vì vậy nhà nước không thể để cho nhà trường tuỳ tiện tăng học phí”.
Giáo dục: Dịch vụ siêu lợi nhuận
Trở lại câu chuyện tăng học phí của trường Vinschool, một lý do khiến nhiều phụ huynh phản ứng là trước đó trường này công bố đi theo mô hình giáo dục phi lợi nhuận. Chính vì vậy, có người lập luận, cách làm của trường đi ngược với tôn chỉ, và đang đi theo mô hình siêu lợi nhuận thì đúng hơn!
Lập luận này khiến nhiều người tin là có cơ sở, bởi nhìn vào báo cáo tài chính nửa đầu năm 2017 của Tập đoàn Vingroup (mã VIC) thì doanh thu từ dịch vụ y tế, giáo dục đều duy trì tốc độ tăng trưởng tốt với tỷ lệ tăng từ 17% - 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, mảng dịch vụ giáo dục của Vingroup (Vinschool) đã đạt 404 tỷ đồng. Với giá vốn 318,7 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận gộp của mảng này đạt hơn 85 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của mảng này không hề nhỏ, hầu như đều đạt trên 20% (năm 2015 từng lên tới 31%). Lợi nhuận đến từ giáo dục của VIC trong 2 năm trước lần lượt là 162 và 166 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, hệ thống Vinschool đạt quy mô 10 cơ sở và tiếp nhận hơn 13.000 học sinh...
Học phí trường Vinschool.
Mặc dù bà Phan Hà Thuỷ, Tổng Giám đốc hệ thống Vinschool, đã công bố thông tin, cuối năm 2016 Vinschool đã chuyển sang mô hình hoạt động phi lợi nhuận. Và theo báo cáo tài chính, Vingroup không thu hồi bất cứ một khoản nào mà để lại toàn bộ lợi nhuận 129 tỷ đồng cho Vinschool tái đầu tư. Nhưng với nhiều người, việc có chương trình tăng học phí đến 50% không thể khiến người ta khỏi băn khoăn. Điều này đặt trong bối cảnh, chắc chắn nhiều phụ huynh có thể vì tôn chỉ không vì lợi nhuận của trường mới cho con/em vào học.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Ly lại có góc nhìn khác: “Vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận là câu chuyện có rất ít ý nghĩa. Phụ huynh nên từ bỏ ảo tưởng “phi lợi nhuận đồng nghĩa với chất lượng tốt”. Nên nhìn nhận một thực tế: kinh doanh giáo dục, như mọi hình thức kinh doanh khác, nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Vấn đề là giá cả phù hợp với chất lượng đến mức độ nào, và trong thị trường giáo dục, thiết chế nào sẽ bảo vệ lợi ích của người mua?”. Và như vậy, trường học phi lợi nhuận không có nghĩa là người ta không có quyền tăng học phí.
Là người quan tâm đến mô hình giáo dục phi lợi nhuận, PGS. Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng cần xác định việc một trường đi theo mô hình không vì lợi nhuận không có nghĩa trường đó không tạo ra lợi nhuận. Thậm chí còn tạo ra siêu lợi nhuận. Vấn đề là nguồn tiền được huy động từ đâu, tiền nhà đầu tư bỏ vào, được hiến tặng hay lạm thu từ người học.
Quan trọng hơn, dòng tiền lợi nhuận ấy sẽ được tái đầu tư cho giáo dục hay dùng làm việc khác: “Trường tư, lại là trường trung học phổ thông nếu có chất lượng giảng dạy tốt, cơ sở vật chất phục vụ cho việc học bảo đảm, và siêu lợi nhuận cũng là việc bình thường. Còn nếu nói là không vì lợi nhuận, thì trường đó phải thuộc về sỡ hữu cộng đồng. Luật lệ mình không đầy đủ, không rõ ràng. Ngay cả luật Giáo dục Đại học cũng vậy, bày ra là có cổ đông mà lại phi lợi nhuận thì trái khoáy. Phi lợi nhuận là sở hữu cộng đồng, như vậy phải lập ra ban quản trị để điều hành, quản lý trường không trật khỏi tôn chỉ không vì lợi nhuận”.
Khi đã xác định đi theo mô hình không vì lợi nhuận, cổ đông thường nhận lãi suất thấp, nếu không nói là tượng trưng, bởi theo quy định việc chia lãi suất ngang và không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ. Vì vậy, những trường đi theo mô hình không vì lợi nhuận đúng nghĩa, thường nhận được các khoản hiến tặng từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vì đồng tiền lúc đó chỉ phục vụ cho giáo dục.
Theo ông Tống, mô hình trường trung học phổ thông không vì lợi nhuận từng xuất hiện ở Việt Nam trước năm 1975. Đó là những trường của hệ thống tôn giáo. “Ở Huế có những trường như: Bồ Đề, Thiên Hựu học đường (Institut de la Providence) là những trường của Phật giáo, Công giáo. Là trường tư nhưng thu học phí rất rẻ nếu không nói là mang tính tượng trưng để học sinh có trách nhiệm trong việc học”.
Điều đặc biệt của những trường này, ông Tống cho biết: “Là trường tôn giáo nhưng lại không truyền giáo trong nhà trường, không có lễ tôn giáo trong buổi chào cờ, các buổi sinh hoạt lớp. Trường học đúng nghĩa là thánh đường chữ nghĩa, truyền bá tri thức vì vậy có những học sinh học trường công giáo nhưng lại theo đạo Phật. Như trường hợp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngược lại, những người công giáo có thể đi học trường Bồ Đề (của Phật giáo). Chính vì vậy con em nhà nghèo mới đi học được ở những trường tư này. Và nếu nhìn lại, sẽ thấy có chủ trường tư nào ở thời bấy giờ mở trường để làm giàu đâu?”
Từ câu chuyện của Vinschool, bà Ly cho rằng: “Nhà nước không nên can thiệp quyền quyết định học phí của các trường, nhưng hoàn toàn có thể và rất nên can thiệp vào việc tăng học phí. Vì trong thị trường giáo dục, khi người bán quyết định tăng học phí, người mua rơi vào thế bất lợi và do đó bất bình đẳng. Cần có quy định nhằm xử lý vấn đề tăng học phí như thế nào để không gây xáo trộn và đảm bảo mục tiêu giáo dục, cũng như sự công bằng giữa người bán và người mua”.
Tất nhiên, thay vì can thiệp vào từng vụ việc cụ thể nhà nước cần có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các thiết chế xử lý xung đột. Nếu không, trong tương lai rất dễ có những phản ứng kiểu như nhiều phụ huynh trường Vinschool.
Trọng Văn