Mạng xã hội mới đây đăng tải vụ việc một nữ sinh vào mua đồ lót trong một trung tâm thương mại ở quận 1, TP.HCM. Không chọn được đồ vừa ý nên cô trở ra, bất ngờ lúc đó thiết bị an ninh báo động, ngay lập tức nhân viên cửa hàng xuất hiện chặn lại, đề nghị kiểm tra túi xách vì nghi ngờ có đồ mua chưa trả tiền bên trong. Hai bên cự cãi, đưa nhau lên văn phòng quản lý trung tâm.
Tại đây, sau khi xét túi xách không thấy đồ gian, một đại diện văn phòng đã yêu cầu nữ sinh cho bà ta khám xét trên người. Trước thái độ hùng hổ của nhân viên, nữ sinh đành để người này thực hiện, khi chắc chắn không có đồ gian, cô được cho ra kèm lời xin lỗi do thiết bị an ninh và camera giám sát bị... lỗi!
Chỉ những người được luật định mới có quyền khám xét
“Khám xét” là thuật ngữ được hiểu bao gồm khám người, đồ vật, chỗ ở, chỗ làm việc… và có thể tiến hành theo trình tự hành chính hoặc tố tụng hình sự.
Trình tự hành chính chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng người vi phạm cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính hoặc địa điểm đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trình tự tố tụng hình sự chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân. Khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử...
Cẩn trọng đánh giá các dữ kiện qua camera giám sát sẽ giúp các trung tâm thương mại tránh tình huống khám xét người. Ảnh: Công Nam
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, những người sau đây có thẩm quyền quyết định khám xét: chủ tịch UBND cấp xã, trưởng công an (phường; cấp huyện); trưởng phòng cảnh sát (quản lý hành chính về trật tự xã hội; trật tự; giao thông đường bộ, đường sắt; đường thủy; điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ; điều tra tội phạm về trật tự xã hội; điều tra tội phạm về ma túy; phòng chống tội phạm về môi trường); trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh của công an cấp tỉnh; trưởng phòng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp; thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên; trạm trưởng trạm công an cửa khẩu; hạt trưởng hạt kiểm lâm; chi cục trưởng chi cục hải quan; đội trưởng (đội kiểm lâm cơ động; đội kiểm soát thuộc cục hải quan; đội kiểm soát chống buôn lậu và hải đội trưởng hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan; đội quản lý thị trường); chỉ huy trưởng (tiểu khu biên phòng; biên phòng cửa khẩu cảng; hải đoàn biên phòng; hải đội biên phòng; vùng cảnh sát biển); trưởng đồn biên phòng và thủ trưởng đơn vị bộ đội biên phòng đóng ở biên giới, hải đảo; hải đội trưởng hải đội cảnh sát biển; hải đoàn trưởng hải đoàn cảnh sát biển; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa đã rời sân bay, bến cảng, nhà ga; thẩm phán chủ tọa phiên tòa...
Còn theo Bộ luật Tố tụng hình sự, những người sau đây có quyền quyết định khám xét: thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp (trường hợp này, lệnh khám phải được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành); viện trưởng, phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và viện trưởng, phó viện trưởng viện kiểm sát quân sự các cấp; chánh án, phó chánh án tòa án nhân dân và chánh án, phó chánh án tòa án quân sự các cấp; hội đồng xét xử...
Ngoài ra còn có một số chủ thể khác có thẩm quyền khám xét trong những tình huống khẩn cấp, đặc biệt. Tuy nhiên, dù là trường hợp nào, khẩn cấp hay bình thường, thì những người được quyền khám xét phải là những người đã được pháp luật định danh chức vụ, cho quyền hạn cụ thể. Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, có thể khẳng định: bảo vệ, nhân viên trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi giải trí... tự ý khám xét người là trái pháp luật!
Bị khám xét oan sai, có quyền kiện bồi thường
Hiến pháp Việt Nam xác quyết: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Việc khám xét người trái pháp luật, xâm hại sức khỏe thế nào còn tùy trường hợp cụ thể nhưng đối với danh dự, nhân phẩm, uy tín thì hẳn nhiên đã có dấu hiệu xâm phạm.
Nếu người bị khám xét thấy rằng danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình tổn hại thì có quyền khởi kiện tại tòa án yêu cầu trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi giải trí... - nơi đã có hành vi khám xét người trái pháp luật chấm dứt vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.
Trường hợp xấu nhất, người bị khám xét vì khủng hoảng tinh thần dẫn đến tự tử hay quá trình khám xét làm chết người, thì quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín vẫn được thực hiện cả sau khi người đó chết, bởi yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật có quy định khác. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân nếu đã đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì bên vi phạm phải gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó...
Ngay cả khám xét người đúng căn cứ và thẩm quyền như pháp luật quy định thì việc khám xét cũng không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét. Nếu xâm phạm, thì việc khởi kiện ra tòa yêu cầu chấm dứt vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại cũng sẽ diễn ra như trường hợp khám xét người trái pháp luật.
ThS-LS. Phạm Ngọc Luận