Đã có hơn 250 nhân viên của Intel Products Việt Nam tham gia trồng rừng lần này. Trồng cây Huỷnh, một loài cây gỗ lớn trong rừng. Ảnh: Gaia
Theo đó, hơn 1000 cây, thuộc 5 loài gỗ quý và cây làm thức ăn cho động vật hoang dã đã được trồng gồm: huỷnh, mít nài, chôm chôm rừng, xoài rừng, sấu.
Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Đồng Nai là nơi sinh sống của một trong những quần thể Voi cuối cùng tại Việt Nam. Cả nước hiện chỉ còn không quá 50 con voi hoang dã ngoài thiên nhiên, trong đó một quần thể Voi khoảng 11-14 cá thể đang sinh sống tại Đồng Nai.
Năm 2010, bảy cá thể voi hoang dã tỉnh Đồng Nai đã bị giết hại. Không kiếm đủ thức ăn trong rừng, voi phải ra khu vực ruộng điều, xoài của người dân kiếm ăn và đã bị đầu độc chết. Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới Đồng Nai đã lắp đặt 50km hàng rào điện tử ngăn không cho Voi ra khu vực nương rẫy kiếm ăn. Tuy nhiên người ta vẫn thường xuyên thấy bầy voi ra kiếm ăn ở khu vực gần hàng rào điện tử và tìm cách vượt ra ngoài.
Hàng chục năm sau, những cây rừng trồng hôm nay sẽ trở thành cây cổ thụ như thế này. Ảnh: Gaia
Trong chương trình Trồng và giám sát rừng cùng Gaia lần này, khu rừng sẽ được liên tục theo dõi, giám sát và chăm sóc trong bốn năm để đảm bảo rừng phát triển tốt. Người trồng rừng sẽ cùng Gaia thực hiện các hoạt động nghiên cứu, giám sát khu rừng như: lập danh sách các loài động thực vật, đo độ che phủ rừng, đo chiều cao cây, chụp ảnh giám sát rừng…
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập và Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia, cho biết trong thời gian tới, Gaia tiếp tục đẩy mạnh chương trình trồng và giám sát rừng cộng động đến nhiều nơi hơn như: Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới Cần Giờ... đóng góp trực tiếp cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn các loài hoang dã và thiên nhiên Việt Nam.
L.Quỳnh