mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Trần Tiến: Ngày xuân nghĩ về tài sắc

 11:11 | Thứ sáu, 16/02/2018  0
Trời cho mỗi sinh linh trên trái đất này, một tài sắc riêng, không ai giống ai. Để làm gì? Để họ nương tựa nhau sống và cân bằng sinh thái của Trời. Kẻ đi săn giỏi phải nhờ người ướp thịt ngon, người mát tay xây nhà, lại nhờ kẻ mát tay nuôi con...

Có ông họa sĩ tài năng kia, quốc tế nể phục, mà không biết mua trứng gà. Toàn chọn trứng ung, trứng thối hoặc trứng chim đổi gen. Về vợ la, mặt đần thối.

Có ông tiến sĩ piano về nước, không biết đệm piano cho người tình hát, nhờ một thằng mù nhạc đệm giùm. Nó đệm xong, cuỗm luôn “người tình âm nhạc” của ông ra đi mãi mãi.

Ông tiến sĩ piano không biết đệm đàn cho một ca khúc, ông họa sĩ vĩ đại không biết chọn trứng là chuyện thường. Vì thế loài người cần đến nhau. Mỗi người trên đời đều hay một vài thứ, nhưng không thể giỏi tất cả. Kẻ nào khoe mình là nhà văn kiêm họa sĩ, kiêm nhạc sĩ, kiêm đủ thứ... thì biết chắc hắn chả có gì giỏi. Một tiệm ăn bán đủ thứ phở, mì, bún, gà, bò, chó thì đừng có vào. 
Cô bán cà phê sáng nay nói với tôi: “Mắc cười quá, có người nghe nhạc thì chỉ nghe lời, có người chỉ nghe nhạc, có người nghe cả hai, có người nghe thêm đủ thứ: hòa âm, phối khí, chất lượng thu nhạc, treble-basse, loa phát... Trình độ đến đâu, nghe đến đó. Em mê nhạc rock, nhưng có bao giờ dám coi thường nhạc bolero. Ba má em chỉ nghe nhạc đó mà. Nếu người nghe nhạc như một gia đình thì làm sao cãi cọ nhau hoài trên mạng vậy”.

Tôi nghĩ, sao người ta dễ coi thường nhau. Anh giỏi cái này, tôi giỏi cái khác chứ. Ngày bé tôi đến trường hay bị bắt nạt. Lớn lên, đi làm bị đủ kẻ coi thường. Hận lắm. May một ngày, phát hiện ra mình có cái người khác không có. Từ đó quyết phục hận. Từ đó dám ngẩng đầu đi giữa mọi người.

Nhạc sĩ Trần Tiến (phải) và nghệ sĩ Thanh Bùi làm giám khảo chương trình Thần đồng âm nhạc Wonderkids 2017. Ảnh: Hải Anh 

Thầy tôi viết nhạc giao hưởng kỳ cựu, tôi học mãi mà chưa viết được một bản giao hưởng như thầy. Tôi ơn thầy vì câu nói: “Em có khiếu về thanh nhạc thì nên đi vào nhạc hát, opera, thanh xướng kịch. Đừng đi vào nhạc đàn, nhạc không lời, cái không phải sở trường của mình”.

Mỗi người, trời cho một cái duyên gì đó để hành nghề và để người khác nhớ. Cô gái để lại cái răng khểnh với nụ cười duyên. Ông Tàu áo đen để lại đĩa gỏi bò khô tuyệt vời, nhà thơ họ Lưu để lại câu thơ “con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô” đủ để lên tiên, uống rượu với Nam Tào. Cái răng khểnh, đĩa gỏi ngon và câu thơ hay, đều bình đẳng ngang nhau, như mặt trăng, giọt nước và ngọn cỏ giữa vũ trụ bao la.

Cái đẹp chỉ đẹp khi tự nó đẹp. Khối lượng, chất lượng, giá cả và mọi thẩm định chả liên quan gì đến nó. Một bản giao hưởng tồi, sao dám ví với một câu hò hay.

Giữa dòng kênh phương Nam mênh mông, nghe tiếng đàn kìm nỉ non réo rắt mà mê hồn. Nếu có kẻ dung tục bỗng vặn cassette một bản giao hưởng ở đó, thì thế nào cũng bị đẩy xuống nước cùng cái loa của hắn!

Cái đẹp, hay tài năng lại còn phải được đặt đúng chỗ, đúng cảnh, đúng tình và cũng phải đúng thời. Quần ống loe và mũ cao bồi đẹp thế mà ai bận đi giữa phố bây giờ thì chắc là người “cõi trên”, vừa trốn ra từ viện tâm thần.

Cái đẹp, tài năng Trời ban cho cũng chỉ một thời. Chẳng ai được dài lâu. Và chẳng ai được tất cả. Thúy Kiều đẹp đành chịu truân chuyên. Trương Chi hát hay đành chịu nghèo. Người có tài trên đời, đành chịu kiếp cô đơn.

Ai cũng chỉ một thời có duyên với đời, từ lao động chân tay, đến trí óc. Từ buôn bán đến làm vua. Hết duyên như kẻ hết thời. Như ca sĩ mất giọng, như quan mất quyền, như thầy bói mất linh, như hoa hậu về già, như hoa tàn phai sắc.

Duyên đến, đôi khi lại muộn màng, như đôi tình nhân đang dắt tay nhau trên phố kia.

Tôi nhớ chuyện ông họa sĩ về già, bị ung thư hành hạ mới nổi tiếng. Một ngày ông chợt nhận ra những sắc màu nguyên thể, tươi rói nằm bẹt trên toan, đẹp một vẻ hoang sơ, kỳ lạ. Từ giây phút đó, những bức vẽ của ông trở thành tuyệt tác trăm triệu đô. Còn ông trở thành một đại danh họa, trưởng môn phái Dã thú nổi tiếng: Henri Matisse.

Tài năng và cái đẹp như cái phúc Tổ đãi. Phải nhọc nhằn, cực khổ và mất mát bao đời, bao thế hệ, một dòng họ mới được trao cái phúc Tổ đãi, Trời ban.

Ai có phúc thì được hưởng. Ai biết giữ thì bền lâu. Ai kiêu ngạo thì vuột mất. 

Trần Tiến

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.