Con ơi con, trái đất thì tròn
Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
Tất cả đấy đều là sự thật
Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn!
Đây là bốn câu thơ (trong khổ thơ thứ năm) của bài thơ “Dặn con” (tác giả: Thạch Quỳ, viết năm 1979). Trong khổ thơ này có 3 chữ “tròn”, là tính từ làm định ngữ cho 3 khái niệm (trái đất, mặt trăng, cái bánh đa).
Trái đất tròn (hành tinh chúng ta đang sống), mặt trăng tròn (vệ tinh của trái đất, ta nhìn thấy trong đêm trên bầu trời), cái bánh đa (mẹ đi chợ mua về) đúng là có hình dạng tròn chứ còn gì? Tuy nhiên, nếu “chi li, xét nét” từ góc độ ngôn ngữ học thì có khá nhiều vấn đề để bàn cho “ra nhẽ”.
Nhân một lần trao đổi với báo Tiền Phong (11.2008) về bài thơ này, nhà thơ Thạch Quỳ đã tâm sự: “Bài thơ ấy không viết bằng Thơ mà được viết bằng Toán”. Thực tế, khái niệm “tròn” mà ông viết là khái niệm của thơ chứ không phải toán, hay nói đúng hơn là của ngôn ngữ đời thường. Mà đời thường thì có nhiều chiều “chen ngang” vào chữ tròn.
Ngay từ khi ngồi trên ghế phổ thông, học môn Toán, chúng ta đã làm quen các định nghĩa của môn Hình học, liên quan tới “tròn”. Chẳng hạn, “hình tròn” là “mặt phẳng được giới hạn bởi một đường tròn” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Còn “đường tròn” là “tập hợp tất cả các điểm trong mặt phẳng đều có một điểm cố định [gọi là tâm] một khoảng không đổi [gọi là bán kính]” (Từ điển, đã dẫn).
Ảnh minh hoạ: AI
Định nghĩa đầy đủ (theo hình học phẳng) thì “đường tròn (hoặc vòng tròn) là tập hợp của tất cả những điểm trên một mặt phẳng, cách đều một điểm cho trước bằng một khoảng cách nào đó. Điểm cho trước gọi là tâm của đường tròn, còn khoảng cho trước gọi là bán kính của đường tròn”.
Đó là khái niệm “tròn” chính danh, bất di bất dịch. Học sinh vẽ vào giấy hay vẽ lên bảng hình tròn này, phải dùng compa (gồm 2 chân, 1 chân (nhọn) đặt vào tâm, chân kia (có mẩu chì hoặc mực đánh dấu) điều chỉnh khoảng cách bán kính theo sự lựa chọn (dài - ngắn), sau đó quay một vòng với tâm làm chuẩn để có một đường tròn như ý.
Còn khái niệm “tròn” trong ngôn ngữ thông dụng hàng ngày thì không phải thế. Từ điển tiếng Việt (đã dẫn) chỉ ra 7 nét nghĩa của “tròn”, trong đó nghĩa 1 chính là nghĩa “đời thường” ta vẫn nói, dùng để chỉ những sự vật “có hình dáng, đường nét giống như hình tròn”.
Ta thường nghe nói: Cô ấy có khuôn mặt tròn, Học sinh tròn mắt nhìn cô giáo, Các chú bộ đội đi theo đội hình vòng tròn,… Tròn ở đây hoàn toàn có tính chung chung, theo cách nói áng chừng, thậm chí còn khác xa với sự áng chừng. Nói “Cô nàng người béo tròn béo trục” là với ý: “Cô nàng quá béo, béo múp míp, đến nỗi mất cả những eo dáng, đường nét bình thường.”, v.v.
Ngay cả khi ta nói “trái đất tròn” (Trái đất tròn ta sẽ gặp lại nhau), “mặt trăng tròn” (Mặt trăng tròn như quả bóng), “miệng giếng làng tròn” (Giếng làng em tròn xoay chia hai chiều bán nguyệt) thì những sự vật này cũng chỉ mang nét nghĩa “na ná tròn”, chứ nếu đo đạc chi li chính xác thì mặt đất, mặt trăng với bề mặt lồi lõm (biển sâu, núi cao), giếng làng với bờ bao quanh (đắp bằng đất) kia thì đâu có phải tròn đúng nghĩa.
Ngôn ngữ tự nhiên cho phép người ta “tri nhận, đánh giá và liên tưởng” các khái niệm, như tròn, méo, vuông, thẳng… hoàn toàn có tính chất tương đối. Một cô gái mặt tròn vành vạnh; Chàng trai nọ mặt vuông chữ điền (田); Con sông chạy thẳng ra biển… thì các từ “tròn”, “vuông”, “thẳng” chỉ là một cách nhìn nhận “ước lệ”, nói để mọi người dễ hình dung. Nếu đối chiếu với các khái niệm chính danh (tròn, vuông, thẳng) thì chúng gần như “lệch pha” hoàn toàn.
Trái đất tròn của chúng mình
“Tròn” này không giống như hình học đâu.
PGS-TS. Phạm Văn Tình
(Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)