Sau khi truy vết các ca bệnh, cơ quan chức năng của TP.HCM phát hiện thêm 24 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2, đang chờ Bộ Y tế xác nhận, công bố.
Lực lượng chức năng phong tỏa khu vực nhà bệnh nhân 2004 ở phương Thạnh Lộc, quận 12
Các tuyến đường ở phường Thạnh Lộc và Trung Mỹ Tây, quận 12 cũng đã bị phong tỏa.
Thông tin trên được Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng cho biết tại cuộc họp khẩn Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 TP HCM sáng 8.2.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp.
Trong 24 trường hợp nghi nhiễm, có 3 ca F1 của bệnh nhân 2003; 6 trường hợp là F1 của bệnh nhân 1979; 2 trường hợp đã đến quán lẩu dê ở quận Tân Phú...
"Toàn bộ 24 trường hợp này đều đã được chuyển vào bệnh viện Củ Chi" - ông Nguyễn Trí Dũng nói.
Cụ thể, 5 trường hợp tại Bình Thạnh (3 khu vực Thanh Đa và 2 ở khu vực Thị Nghè); 5 trường hợp ở Gò Vấp; 7 trường hợp ở quận 12, 7 trường hợp ở quận Bình Tân.
Hiện UBND quận Gò Vấp đã phong tỏa chung cư 44 Đặng Văn trung, phường 6 với 304 căn có 900 nhân khẩu; hẻm 251 Quang Trung, phường 10 có 100 nhà, 720 nhân khẩu.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận, huyện có ca nghi nhiễm phong toả các khu vực liên quan, tập trung khoanh vùng, truy vết triệt để để dập dịch.
Theo HCDC, khu vực cư ngụ của 24 trường hợp nghi mắc COVID-19 mới như sau:
- 5 trường hợp ngụ tại quận Bình Thạnh, trong đó 3 trường hợp ở phường 28, Thanh Đa và 2 trường hợp ở phường 21, khu vực Thị Nghè.
- 5 trường hợp ở Gò Vấp, là F2 của bệnh nhân 1979. Hiện, UBND quận Gò Vấp đã phong tỏa chung cư 44 Đặng Văn Trung, phường 6, với 304 căn hộ và 900 nhân khẩu; hẻm 251 Quang Trung, phường 10, có 100 nhà, 720 nhân khẩu.
- 7 trường hợp ở quận 12.
- 7 trường hợp ở quận Bình Tân, gồm 5 người ở khu nhà trọ tại phường Tân Tạo A, liên quan bệnh nhân sân bay Tân Sơn Nhất; 2 người ở phường Bình Hưng Hòa, liên quan quán lẩu dê số 475 đường Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, Tân Phú. Hiện khu nhà trọ ở phường Tân Tạo A và khu nhà ở Bình Hưng Hòa đã được phong tỏa.
Khu vực hẻm 168 đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, nơi bệnh nhân 2005 của chùm ca nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất sinh sống bị phong tỏa nhiêm ngặt để phòng dịch.
Khu vực hẻm 168 đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, nơi bệnh nhân 2005 của chùm ca nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất sinh sống bị phong tỏa nhiêm ngặt để phòng dịch.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng cần lưu ý các ca lây nhiễm ở khu vực bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất là những ca có thể xuất hiện trước đây, có thể có thêm những trường hợp đã nhiễm.
"Hiện chưa xác định được điểm đầu của chùm lây nhiễm khu bốc xếp này tại Tân Sơn Nhất" - ông Long nói.
Nhóm bốc xếp này chỉ làm việc ở bộ phận riêng trong sân bay Tân Sơn Nhất nên được giới chức y tế đánh giá là không lây nhiễm cho hành khách. Tuy nhiên sự giao lưu của nhóm này với cộng đồng bên ngoài là rất lớn. Do đó Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu TP.HCM phải nâng cao hơn một bước và mạnh hơn một mức, nhanh hơn, quyết liệt hơn, biện pháp truy vết, xét nghiệm thì mới kiểm soát được dịch bệnh.
Nhận định các ca nhiễm sẽ còn lan ra, Bộ trưởng Long đề nghị TP.HCM xem xét thực hiện Chỉ thị 16 mới kịp tiến độ khoanh vùng, dập được ổ dịch.
Theo ông Long, Chỉ thị 16 yêu cầu cách ly xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không tụ tập quá 2 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện. TP.HCM có thể xem xét từng khu phố, từng quận để áp dụng Chỉ thị 16 phù hợp.Đối với cụm dịch ở sân bay Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Thanh Long cho rằng TP đang xử lý khoanh vùng rất chặt. Một thứ trưởng Bộ Y tế được cử làm thường trực hỗ trợ TP.HCM cùng dập dịch. Các đơn vị của Bộ, đặc biệt Viện Pasteur TP.HCM, được Bộ Y tế yêu cầu nâng công suất tối đa và điều phối lấy mẫu.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM. Ảnh: Zing/Quang Huy
Theo Tuổi Trẻ, phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng những nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế là hoàn toàn phù hợp và yêu cầu các sở, ngành phối hợp để thực hiện những biện pháp nhanh, quyết liệt phòng, chống dịch.
Trong đó, ông Phong cho rằng ý kiến của Bộ trưởng Y tế về việc lấy mẫu xét nghiệm theo hộ gia đình sẽ đẩy nhanh hơn việc truy vết. "Ví dụ tổng số người dân tại khu Mả Lạng hiện khoảng 3.500 người, nhưng chỉ có 775 hộ. Thay vì lấy từng mẫu với 3.500 người thì chỉ cần lấy gộp chung 775 hộ. Nếu kết quả lần 1 dương tính thì cách ly toàn bộ gia đình, để lấy mẫu lần hai. Như vậy sẽ lấy mẫu nhanh và đáp ứng nhu cầu xét nghiệm", ông Phong phân tích.
Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị lãnh đạo quận huyện xuất hiện dịch không được rời thành phố, không nghỉ Tết, tập trung chống dịch vì không quyết liệt sẽ phải trả giá: "Vì sự an toàn của cộng đồng, chủ tịch các quận có người nhiễm phải bám địa bàn, dành thời gian tập trung chống dịch. Người nào quê ở xa báo gia đình năm nay ở lại thành phố chống dịch, không về được", ông Phong nói và yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố truy vết toàn bộ trường hợp liên quan để sớm kiểm soát dịch.
Với đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách, hội hoa xuân... ông Phong đề nghị thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch. Đồng thời, đường hoa Nguyễn Huệ khi khai mạc phải bố trí thêm cổng khử khuẩn để người dân đi qua trước khi vào. Người dân không đeo khẩu trang sẽ không được vào và sẽ bị xử phạt.
Ông Phong cũng yêu cầu đường hoa tổ chức lễ khai mạc sớm, lượng khách mời chỉ 50-70 người, nội dung gọn, sau khi xong lễ, người dân mới lần lượt vào, tránh trường hợp vào nhiều như trước đây sẽ khó khăn trong kiểm soát.
Riêng đường hoa Phú Mỹ Hưng (quận 7), Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND quận 7 phải chịu trách nhiệm, nếu không kiểm soát được thì đóng cửa. "Bây giờ phải thuyết phục bà con phòng chống dịch vì sự an toàn của mình. Chụp ảnh đeo khẩu trang có sao đâu. Gỡ khẩu trang có gì về sức khỏe trước hết người đó lãnh, sau đó ảnh hưởng cộng đồng", ông nói.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), chùm ca nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất gồm các bệnh nhân 1979, 2002, 2003, 2004, 2005. Đây là 5 nhân viên làm việc chung một đội xếp dỡ, giám sát hàng hoá tại sân đỗ máy bay, không tiếp xúc hành khách.
TP.HCM đã điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc tại sân bay, cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống. Trong 86 trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân 1979, có 77 người cho kết quả xét nghiệm âm tính, 9 đang chờ kết quả.
Tại nơi sinh sống của 4 bệnh nhân còn lại, đã xác minh tổng cộng 26 trường hợp tiếp xúc gần, chuyển cách ly và đang chờ kết quả xét nghiệm. Thành phố tiếp tục xác minh 102 trường hợp tiếp xúc theo lời khai của 4 bệnh nhân.
Các bệnh nhân này được phát hiện qua hoạt động giám sát chủ động toàn bộ nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất. Từ ngày 30-1 đến ngày 6.2, TP.HCM hoàn tất lấy mẫu 7.300 nhân viên, kết quả 7.295 mẫu âm tính, 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Phan Anh - BTV