Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, cung cấp thông tin tại buổi họp báo ngày 31.8.
Chiều 31.8, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, đã cung cấp thông tin về lộ trình tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trong giai đoạn tới.
Theo đó, dựa trên yêu cầu bao phủ vắc-xin cho người dân và quy định của Bộ Y tế về tiêm 2 liều vắc-xin phòng COVID-19, TP.HCM đã xây dựng 4 giai đoạn tiêm vắc-xin bắt đầu từ ngày 29.8 đến 31.12.2021. Cụ thể:
Giai đoạn 1 (từ ngày 29.8 đến 15.9), TP tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người trên 18 tuổi, tiêm nhắc mũi 2 cho 2.089.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vắc-xin.
Giai đoạn 2 (từ ngày 16.9 đến 30.9), tiếp tục tiêm phủ mũi 1 cho khoảng 720.000 người từ 18 tuổi trở lên chưa được tiêm ở giai đoạn 1, tiêm nhắc mũi 2 cho khoảng 656.900 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian tiêm ngừa.
Giai đoạn 3 (từ ngày 1.10 đến 15.10), tiêm nhắc mũi 2 cho 2.600.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian, loại vắc-xin được tiêm ngừa là AstraZeneca hoặc Pfizer.
Giai đoạn 4 (từ ngày 16.10 đến 31.12), TP tiêm nhắc mũi 2 cho 1.400.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo loại vắc-xin phù hợp trong giai đoạn từ ngày 29.8 đến 30.9.
Để hoàn thành 4 giai đoạn trên, TP cần tổng cộng khoảng 8.145.900 liều. Trong đó, sử dụng cho mũi 1 là khoảng 1.400.000 liều, sử dụng cho mũi 2 là khoảng 6.745.900 liều.
Ngoài ra, người dân được tiêm vắc-xin mũi 1 là gì thì mũi 2 sẽ tiêm vắc-xin tương thích, tức là một người nếu tiêm vắc-xin AstraZeneca mũi 1 thì mũi 2 cũng tiêm AstraZeneca.
Tuy nhiên, nếu không có vắc-xin này, nhân viên y tế sẽ tiêm mũi 2 bằng loại vắc-xin thích hợp nhất. Vắc-xin ngừa COVID-19 tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất, TP cần vận động, tuyên truyền không ngừng để người dân đi tiêm vắc-xin.
Bên cạnh đó, địa phương hãy xây dựng các pháo đài, đó là điều trị tại chỗ, an sinh tại chỗ, tiêm ngừa tại chỗ… "Chúng ta không thể sống mãi trong Chỉ thị 16, nhưng chúng ta không thể bỏ ngay chỉ thị khi không đáp ứng điều kiện. Một trong những điều kiện kiểm soát dịch bệnh đó là tiêm vắc-xin. Tiêm vắc-xin vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, bảo vệ cho gia đình, bạn bè, cộng đồng… Vì vậy, ai cũng phải có trách nhiệm tiêm vắc-xin để phòng, chống bệnh, bà con hãy tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ngay khi có lịch tiêm ngừa, đừng chần chừ, đừng chờ đợi, chọn lựa vắc-xin" - ông Hải nhấn mạnh.
Tăng tốc xét nghiệm cho shipper: Về việc xét nghiệm cho các shipper, ông Hải thông tin tối 29.8, UBND TP.HCM ký ban hành công văn tạo điều kiện cho shipper hoạt động lại, với lượng shipper lớn mà chúng ta chỉ có 411 trạm y tế lưu động, 312 tạm y tế phường xã việc xét nghiệm. "Do đó, mong các bạn xếp hàng trật tự, đợi chờ. Ai trong chúng ta cũng muốn hoàn thành công việc của mình nhưng trong điều kiện này chúng ta phải xét nghiệm để làm việc" - ông Hải nhắn nhủ.
Về vấn đề này, ông Hải cũng yêu cầu Sở Y tế tăng tốc hơn nữa, cố gắng tìm nhiều giải pháp phù hợp để thực hiện xét nghiệm cho shipper.
Tin, ảnh: Hải Yến
TP.HCM đã chi hỗ trợ cho người dân 3.000 tỉ đồng
Phát biểu tại buổi họp báo về việc thực hiện gói an sinh xã hội trong thời gian giãn cách, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, tổng kinh phí hiện TP đã đưa ra 3.697 tỉ đồng từ ngân sách TP, trong đó, UBMTTQ Việt Nam TP.HCM có 133 tỉ đồng. Đến nay đã chi hỗ trợ cho người dân 3.000 tỉ đồng. TP đang xây dựng kịch bản sau 15.9, TP sẽ có phương án hỗ trợ tiếp cho bà con, tùy thuộc vào tình hình thực tế.
________________
Shipper có thể đi chợ hộ cho người dân vùng xanh ở TP.HCM
Liên quan đến việc shipper có đi chợ được hay không, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, TP.HCM đang thực hiện giãn cách triệt để nên người dân không đi ra ngoài mà được đi chợ giúp. Sau thời gian thực hiện, nhận thấy shipper là lực lượng chuyên nghiệp trong vận chuyển hàng hóa mà chưa được tận dụng là rất lãng phí. Nếu sử dụng sẽ giảm áp lực cho nhà nước và các bộ phận đi chợ giúp, tăng thêm thu nhập cho shipper nên TP.HCM đã đồng ý triển khai.
Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin: “Sở Công thương đã giới thiệu kết nối với đơn vị quản lý các shipper, thông tin đến các địa phương để cân nhắc, điều phối hỗ trợ, khai thác hỗ trợ vân chuyển, phụ thuộc từng địa phương tổ chức mua và vận chuyển hàng hóa, đặc biệt "vùng xanh" có thể tổ chức hiệu quả. Còn trường hợp shipper có được đưa hàng đến tận nhà người dân không, thì tùy thuộc tình hình từng địa phương tính toán”.
T.V