mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Tôn vinh nhà giáo và tinh thần giáo dục

 15:56 | Thứ tư, 22/11/2017  0
Khi nghề giáo được tôn trọng, khi nhà giáo có đủ quyền tự do chọn phương pháp giảng day, khi nhà giáo tận tâm giáo dục học trò trong “tinh thần dân chủ, hòa bình, hữu nghị giữa con người với nhau”, “loại trừ áp bức và bạo lực”, tình Thầy - Trò sẽ tự nhiên phát triển thân tình và yêu kính...

Cụ Võ Trường Toản được nhiều người xem là vị Thầy của Nam Kỳ Lục Tỉnh, vùng đất mới của nước Việt Nam.

Môn sinh của cụ là tầng lớp trí thức đầu tiên thời mở đất, khai hoang, trong đó có “Gia Định tam kiệt”, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định - những người xây dựng nền giáo dục thời đó. Khí phách trong tinh thần học của cụ truyền lại cho thế hệ Phan Thanh Giản, Đồ Chiểu, Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt hào khí và tinh thần bất khuất thủa Pháp chiếm Nam Kỳ... và bàng bạc trong nền văn hóa phóng khoáng, chấp nhận cái mới, trọng nghĩa khinh tài của vùng đất Nam Bộ... còn lưu dấu tận bây giờ.

Do đó, ngôi mộ của cụ Võ Trường Toản là nơi hàng năm các nhà văn hóa, giáo dục tới thắp hương. Vì nhiều lý do thời cuộc, nơi tôn nghiêm đó bị bỏ hoang hàng chục năm cho tới năm 1998 thì tỉnh Bến Tre mới làm lễ khánh thành "Khu mộ và nhà thờ Võ Trường Toản". Việc này xảy ra ba năm sau bài báo “Đạo tôn sư & trăm năm câm lặng" của tác giả Nguyễn Chương và Huỳnh Thanh Diệu đăng trên Tuổi Trẻ ngày 13.7.1995.

Khu mộ và nhà thờ Võ Trường Toản. Ảnh: TL

Khu mộ được xây là tốt. Việc tổ chức tưởng nhớ công đức và học phong của tiền nhân cũng là việc tốt, nhưng chúng chỉ là vật chất và sự việc bên ngoài. Tinh thần học của cụ Võ Trường Toản được người đương thời và đời sau kính trọng vì cụ chuộng khí tiết, trọng việc hiểu rõ nghĩa lý và kiến thức thực, nói một cách khác, tinh thần học đó bác bỏ mọi thể hiện của học vẹt, bác bỏ tất cả các khuôn khổ giáo điều, một chiều và đàn áp tư tưởng. Nếu cái cốt lõi của tinh thần học ấy không được một xã hội tôn trọng, thì những vật chất và sự việc bên ngoài kia có ích lợi gì chăng, hay chỉ làm đẹp mắt về hình thức còn nội dung thì dẫn người ta thêm lầm đừng, lạc lối?

Sau năm 1975, các ngày lần lượt ra đời. Cùng với những ngày khác, ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 được tổ chức hàng năm.

Người Việt, vốn có truyền thống yêu kính Thầy. Những năm đầu thập niên 1980, là cán bộ giảng dạy trẻ mới vào nghề vài năm, chúng tôi cùng các sinh viên đã tổ chức ngày lễ giản dị và cảm động. Lòng hiếu kính của học trò đối với Thầy Cô và lòng Thầy Cô yêu thương, chăm sóc cho kiến thức và tương lai học trò hội tụ nhau tạo nên ân tình trên ánh mắt... Thầy Cô nhiều thế hệ kể nhau về kỹ niệm đi học thời xưa, bàn luận với các sinh viên về hoài bão ước mơ các bạn trẻ sẽ mang vào đời... Một tách trà, vài miếng bánh ngọt cũng đậm đà tình nghĩa và ý nghĩa từ quá khứ tới tương lai...

Mười năm, mười năm, từng cái mốc thời gian trôi qua, những ngày Nhà Giáo Việt Nam ngày càng “hoành tráng”. Bước ra đường là các shop hoa tươi, lớp trong cửa tiệm, lớp dọc theo lề đường, bày hàng trăm giỏ hoa cắm sẵn vàng đỏ tím xanh. Còn trong nhà trường thì học sinh đóng tiền tổ chức lễ, tiền “bồi dưỡng” cho Thầy Cô. Lúc này, thật lòng, tôi áy náy cho học trò, cho phụ huynh! Trong khi hình thức ngày lễ càng được tổ chức “hoành tráng” thì, theo quan sát của tôi, nội dung buổi lễ ngày càng thô, càng cạn. Lòng kính trọng Thầy Cô ngày càng vơi đi!

Chắc chắn, những mục tiêu của ngày Nhà Giáo rất cao cả. Xin kể một số mục tiêu như sau được trich từ Hiến Chương Các Nhà Giáo (Varsovie, 1949) mà trước kia Việt Nam đã tham gia và đồng ý nội dung:

1) Tôn vinh nghề nhà giáo như một chức trách rất quan trọng trong xã hội, vì thế hệ trẻ và vì sự phát triển của xã hội.

2) Xác định đối tượng của nghề giáo là trẻ em, học trò mà quan trọng nhất là hình thành nơi học trò ý thức đạo đức của con người và công dân tương lai. Phải giáo dục trẻ em trong tinh thần dân chủ, hòa bình và hữu nghị giữa con người với nhau.

3) Khẳng định quyền tự do của nhà giáo để thực thi chức trách giáo dục. Trong đó là quyền tự do lựa chọn phương pháp giảng dạy và sách giáo khoa, tự do tham gia tổ chức nghề nghiệp do chính mình bầu chọn ban điều hành.

4) Nhà trường cần đóng góp vào sự phát triển nhân cách. Một nguyên tắc nhân đạo, phù hợp với lòng tự trọng của cả học sinh và nhà giáo, là phải loại trừ áp bức và bạo lực.

 

Dịp 20.11 năm nay, học sinh lớp 11D7 (trường THPT Marie Curie, TP.HCM) đã chuẩn bị món quà đặc biệt dành cho nhà nhà giáo Đỗ Tân, dạy môn tiếng Anh khi mỗi thành viên in một bức hình thầy giáo đang tươi cười rạng rỡ và cùng hô vang khẩu hiệu: "Lớp 11D7 thần tượng thầy Tân!". Ảnh minh hoạ: Zing.vn

Qua từng cái mốc mười năm đó, chúng ta thấy giới nhà giáo và giới học trò tiến gần hơn các mục tiêu đó hay bị đẩy ra xa hơn? Hiện nay nhân cách học sinh, tinh thần trách nhiệm công dân của học sinh, đạo đức học đường ra sao? Bạo lực trong môi trường giáo dục như thế nào? Chương trình giảng dạy cung cấp cho học sinh những kiến thức mới, có thể áp dụng được hay những kiến thức xa thực tế, chậm tiến, viển vông?...

Tôi nghĩ rằng nếu hệ thống giáo dục nước ta xem các mục tiêu nói trên là mục tiêu chiến lược của nền giáo dục Việt Nam, thì hiện nay đất nước đã rất văn minh và giàu mạnh rồi! Khi nghề giáo được tôn trọng, khi nhà giáo có đủ quyền tự do chọn phương pháp giảng day, khi nhà giáo tận tâm giáo dục học trò trong “tinh thần dân chủ, hòa bình, hữu nghị giữa con người với nhau”, “loại trừ áp bức và bạo lực”, tình Thầy - Trò sẽ tự nhiên phát triển thân tình và yêu kính. Truyền thống “tôn sự trọng đạo”, “yêu kính Thầy” của dân tộc ta sẽ tự nhiên được trân quí và phát triển thêm các ý nghĩa văn minh tiến bộ.

Đó mới là cái cốt lõi của tinh thần giáo dục và học hỏi mà tôi nghĩ ngày Nhà Giáo Việt Nam nên xiển dương. Những hoạt động hình thức thiếu tâm hồn, những thăm hỏi và chúc tụng thiếu chiều sâu chỉ đẩy văn hóa giáo dục đất nước ngày càng xa khỏi nội dung tốt đẹp và gần hơn hình thức phô trương!

Xin mở ngoặc rằng truyền thống dân tộc ngàn năm và nề nếp sư phạm thời Quốc Văn Giáo Khoa Thư trăm năm trước vẫn để lại ngày nay những hình ảnh đẹp về tình Thầy Trò mà chúng ta còn chứng kiến trong ngày Nhà Giáo. Tác giả bài viết vẫn cảm động vì hình ảnh đó, nhưng xin rung tiếng chuống báo động rằng nếu cứ bám vào các hình ảnh do quá khứ để lại mà ngoảnh mặt với các biểu hiện đáng lo, đáng buồn của thực trạng, e rằng đạo đức học đường sẽ ngày càng đi xuống nhanh hơn nữa, tầm nhìn của ngành giáo dục ngày càng thấp, ngắn, sứ mạng của ngành chỉ còn là những lời sáo rỗng!

Rất mong qua những ngày Nhà Giáo các năm tới, mỗi năm nền giáo dục mỗi tiến gần hơn mục tiêu nhân bản, toàn cầu, bao dung... và mỗi ngày lễ là một dịp Thầy Trò chan hòa lòng thương yêu kính trọng, chan chứa hy vọng về một tương lai giáo dục sáng tươi đủ sức vực dậy học phong của dân tộc!

Lê Học Lãnh Vân

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.