![]() |
Ông Tô Lâm, Uỷ viên bộ Chính trị, Bộ trưởng bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên tặng quà tri ân đến các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng tại chương trình “Trao gửi nghĩa tình”. Ảnh: T.Dũng |
Chương trình diễn ra tại trụ sở UBND xã Gào (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) vào ngày 16.7, với nhiều hoạt động, như: khám bệnh, tư vấn và cấp thuốc cho 700 đồng bào nghèo, triển khai các mô hình “Thoát nghèo bền vững” trên địa bàn 3 xã Ia Kênh, xã Chư Á, xã Gào; tặng quà tri ân đến các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng; các hộ nghèo; tặng xe đạp cho các học sinh nghèo hiếu học và tủ sách cho ba trường tiểu học trên địa bàn. Tổng giá trị tài trợ là hơn 400 triệu đồng.
Đây là hoạt động mở đầu, nằm trong chuỗi các hoạt động khác của dự án Happy Farmer mà TNI Corporation xây dựng. Thông qua dự án, TNI Corporation hướng đến sự phát triển bền vững cho người dân trồng cà phê dựa trên các nền tảng: chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân; nâng cao dân trí, hiểu biết của người nông dân và hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi canh tác cây trồng theo mô hình mới với hiệu quả cao...
![]() |
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo – Tổng giám đốc TNI Corporation tặng quà cho nông dân trồng cà phê tại xã Gào. Ảnh: T.Tùng |
“Tôi luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới sự phát triển của người nông dân trên vùng đất cao nguyên này” - bà Lê Hoàng Diệp Thảo – Tổng giám đốc TNI Corporation, chia sẻ. CEO của TNI Corporation lý giải về việc triển khai Happy Farmer, dự án mang tính cam kết xã hội của doanh nghiệp, một phần xuất phát từ tình cảm của một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Gia Lai; mặt khác TNI Corporation – doanh nghiệp mà bà đang điều hành - gắn bó với người nông dân ở đây, gắn bó với vùng nguyên liệu cà phê trải dài trên năm tỉnh Tây Nguyên.
Bà Thảo cho biết, cốt lõi của chương trình là làm sao giúp cho người nông dân có thể “lạc nghiệp”, theo nghĩa có thu nhập cao hơn, an vui với nghề trồng cà phê. Chẳng hạn như xã Gào cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 20km, dân số xã trên 4.000 người, phần lớn là bà con các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Đây là địa phương còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh Gia Lai, tỉ lệ hộ nghèo đang chiếm tới 39%... “Vì vậy cần có sự hỗ trợ để hai bên cùng có lợi. Chúng tôi mang tới cho họ cây giống, quy trình, tập huấn kỹ thuật để làm sao người trồng cà phê làm nên những hạt cà phê ngon nhất. Chúng tôi cam kết thu mua với giá hợp lý, giúp họ gắn bó và sống khoẻ với cây cà phê. Ngoài ra, còn có những hoạt động, chương trình hướng tới đời sống văn hoá, tinh thần, an sinh... Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu chất lượng và ổn định, thông qua dây chuyền và công nghệ chế biến hiện đại sẽ gia tăng giá trị cho hạt cà phê Việt, cụ thể là dòng sản phẩm King Coffee để chinh phục thị trường toàn cầu” – bà Diệp Thảo nói.
![]() |
Khám bệnh cho người dân xã Gào. Ảnh: T.Dũng |
Bà Diệp Thảo cho biết thêm, vùng nguyên liệu lớn nhất của TNI Corporation nằm ở địa bàn tỉnh Đắc Lắk. Trong tương lai, những vùng nguyên liệu khác, nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắc Nông sẽ được mở rộng. Theo bà Diệp Thảo, cuối năm 2016, TNI Corporation đã ra mắt thành công thương hiệu cà phê cao cấp mang tên King Coffee tại Hoa Kỳ và nhanh chóng xuất khẩu sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Úc, Ấn Độ… Trong năm 2017 TNI Corporation tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu King Coffee, chinh phục các thị trường tiêu thụ cà phê lớn trên thế giới và đưa King Coffee trở thành thương hiệu cà phê Việt Nam được cộng đồng người yêu cà phê trên toàn thế giới ưa chuộng.
“Thị trường quốc tế của TNI Corporation đang tiếp tục mở rộng và đó đều là những thị trường khó tính, với yêu cầu những tiêu chuẩn kỹ thuật gắt gao. Chẳng hạn như những đối tác mới nhất tại Nhật Bản, nhân tháp tùng chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua. Vì vậy, King Coffee tiếp tục cần đến những hạt cà phê ngon nhất, được sản xuất với chỉ số an toàn thực phẩm cao cũng như đạt những tiêu chuẩn khó nhất của các thị trường quốc tế. Không chỉ vậy, chúng tôi đã và đang mở rộng diện tích, gia tăng sản lượng cà phê organic” - bà Diệp Thảo khẳng định.
![]() |
Đông đảo người dân được khám bệnh và phát thuốc tại chương trình "Trao gửi yêu thương". Ảnh: T.Tùng |
Việc trao gửi nghĩa tình, như tên chương trình vừa tổ chức, là việc xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa doanh nghiệp với người nông dân trồng cà phê – những người trực tiếp tạo ra nguồn nguyên liệu. Và không chỉ TNI Corporation tiên phong dấn thân vì cà phê, bà Diệp Thảo tin tưởng sẽ có thêm những đối tác, những doanh nghiệp cùng lĩnh vực sẽ có những hoạt động thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, cụ thể là với với người nông dân trồng cà phê, bởi: “Cà phê Việt Nam xuất khẩu đứng thứ hai thế giới về sản lượng, có nghĩa là hầu hết các loại cà phê trên khắp thế giới đều sử dụng cà phê của Việt Nam”.
Trọng Văn
» "Quân vương" của Lê Hoàng Diệp Thảo
» King Coffee “muợn thuyền lớn qua sông” chinh phục thị trường 1,4 tỷ dân
» King Coffee vào chuỗi Carrefour nhắm mở rộng thị trường Trung Quốc