Những ngày qua, cộng đồng mạng đã khá sốc trước hình ảnh da mặt sưng phù, đen nám, đầy mụn… của một bạn trẻ ở TP.HCM tự công bố nhằm cảnh tỉnh mọi người nên thận trọng trước những dịch vụ chích thuốc làm trắng da. Những bức ảnh này đã được nhiều phụ nữ dẫn lại trên facebook, tạo nên nhiều nhận xét trái chiều, có người tin người hoài nghi.
Trước đó, trên các diễn đàn làm đẹp cũng đã liên tục quảng cáo thuốc chích làm trắng da với giá bán từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng (dịch vụ trọn gói của thẩm mỹ viện). Các thuốc này được cho là xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Anh... chứa thành phần chính như Glutathione, Collagen, Acid alpha lipoic (ALA), Laroscorbine (tức Vitamin C),… dùng chích kết hợp vào tĩnh mạch hoặc bắp.
Người bán khẳng định khi dùng da sẽ trắng ngay từ mũi chích đầu tiên, sau khi chích 5-10 mũi thì da sẽ trắng trong hai năm mà không cần dùng thêm giải pháp nào khác. Chúng tôi giới thiệu ý kiến của các chuyên gia trao đổi về vấn đề này.
Tiêm thuốc đòi hỏi phải có dụng cụ thích hợp và tuyệt đối vô trùng. Nếu không vô trùng thì có nguy cơ bị nhiễm trùng. Ảnh minh hoạ: CTV
PGS-TS-DS. Nguyễn Hữu Đức (nguyên giảng viên chính Bộ môn Dược, Đại học Y Dược TP.HCM):
Chỉ chuốc lấy sự nguy hiểm
Glutathione là chất do gan tiết ra có tác dụng chống oxy hóa giúp cơ thể giải độc. ALA là một acid béo có trong cơ thể, chuyển hóa đường glucose thành năng lượng và cũng là chất chống oxy hóa. Còn Collagen thực chất là protein (chất đạm) dạng sợi có ở mô liên kết của các động vật có vú, chức năng kết nối các mô trong cơ thể với nhau,...
Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào kiểm chứng sự kết hợp dùng tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp các chất trên có tác dụng làm trắng da thực sự hay không. Nếu phân tích kỹ việc dùng các chế phẩm kết hợp tiêm tĩnh mạch hay bắp, ta thấy chỉ chuốc lấy sự nguy hiểm hơn là đạt một lợi ích nào đó về mặt sức khỏe.
Thuốc dùng dạng tiêm chích là một dạng dược phẩm vô trùng dùng để tiêm vào cơ thể. Ngoài một số ưu điểm so với thuốc uống, nó cũng mang nhiều nhược điểm. Tiêm thuốc đòi hỏi phải có dụng cụ thích hợp như ống tiêm, kim tiêm (tiêm truyền thì phải có bộ dây truyền) và tuyệt đối vô trùng. Nếu không vô trùng thì có nguy cơ bị nhiễm trùng như áp-xe, nhiễm HIV, nhiễm viêm gan siêu vi B, C.
Thuốc tiêm, đặc biệt tiêm tĩnh mạch có tác dụng nhanh và tiếp thu trọn vẹn nên nếu có nhầm lẫn thì rất tai hại, thậm chí nguy đến tính mạng nếu dược chất có nhiều độc tính. Thông thường Collagen được lấy từ da heo hoặc bò, nếu Collagen không đạt chất lượng mà lại dùng đường tiêm thì rất tai hại. Thuốc tiêm cũng dễ gây phản ứng toàn thân (sốc phản vệ) hay tại chỗ khi cơ thể không dung nạp thuốc. Nên lưu ý Laroscorbine, ALA, Glutathione, Collagen khi tiêm, đặc biệt là tiêm tĩnh mạch, đều có nguy cơ gây sốc phản vệ.
BS. Võ Thị Bạch Sương (nguyên giảng viên Bộ môn Da liễu, Đại học Y Dược TP.HCM):
FDA đã khuyến cáo không an toàn
Trong những chất nêu trên thì chỉ có Glutathione có hiệu quả làm trắng da. Đây là chất chống oxy hóa, có tính năng khử đi các gốc tự do gây hại cho cơ thể.
Tiêm Glutathione đã được giới thiệu trong thị trường mỹ phẩm thời gian gần đây một cách rầm rộ do nhu cầu thích có làn da trắng của một nhóm người. Tuy nhiên cần lưu ý mọi người rằng, hiện nay Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) đã có khuyến cáo: chích Glutathione không an toàn cho mục đích duy nhất làm trắng da. Việc tiêm chất này chưa được chấp nhận như một phương cách làm trắng da. Chích Glutathione có thể gây một số tác dụng phụ: làm trắng da (tác dụng phụ nổi tiếng nhất!), rụng tóc, nổi đốm trắng trên móng tay, gây tê hoặc run, trầm cảm, lo âu, dị ứng thuốc mà mức độ nặng nhất có thể gây hội chứng Stevens -Johnson hoặc độc hoại tử thượng bì (Hội chứng Lyell), suy thận, rối loạn chức năng tuyến giáp...
Ngoài ra, nó có thể làm giảm hiệu lực của thuốc chống ung thư, làm trầm trọng thêm các tình trạng hen suyễn. Chất này cũng không được sử dụng trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
Minh Hoàng (ghi)