Trao đổi tại hội thảo, ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, cho hay Tổ chức Y tế thế giới dự đoán trong tương lai trên thế giới sẽ có hơn 1 tỷ người hút thuốc. Mặc dù tỉ lệ hút thuốc đang giảm tại nhiều nước nhưng ước tính rằng đến năm 2025 vẫn có xấp xỉ 18 triệu người hút thuốc tại Việt Nam.
Và thực tế là dù nhận thức được rằng hút thuốc đồng nghĩa với những rủi ro lâu dài và ngay lập tức nhưng nhiều người vẫn chọn tiếp tục sử dụng. Theo các chuyên gia tại hội thảo, song song với việc khuyến khích người dùng bỏ thuốc, hay tốt hơn là ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá, thì một trong những cách tiếp cận cho nhóm người tiếp tục hút thuốc là chuyển sang sử dụng những sản phẩm thay thế ít nguy hại hơn. Xu hướng này hiện được đông đảo người dùng Việt lựa chọn thời gian gần đây.
Quan ngại về sự phổ biến của thuốc lá thế hệ mới và thực tế đang được dùng phổ biến tại Việt Nam nhưng lại thiế tiêu chuẩn cũng như quy chuẩn kỹ thuật để quản lý. Trong ảnh: Các đại biểu tìm hiểu và thảo luận về thuốc lá điện tử trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Hải Việt
Với sự phát triển và ứng dụng của khoa học công nghệ, những loại hình sản phẩm thuốc lá mới, gồm: thuốc lá điện tử (e-cigarettes), thuốc lá làm nóng (heat-not-burn), có thể giảm tác hại so với thuốc lá truyền thống đã ra đời, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Đại diện Japan Tobacco International thậm chí còn khẳng định hãng này đã tung ra thị trường các sản phẩm có thể giảm từ 95 – 99% độc hại trong 9 chất độc được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị nên giảm trong khói thuốc lá (như Benzene, Formaldehyde, khí CO…). Ông Lê Thành Hưng, Phó trưởng phòng Tiêu chuẩn Chất lượng 4, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, nhận định trong khi còn có những tranh cãi về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, về tính năng, tác dụng cũng như việc áp dụng pháp luật thì không thể phủ nhận rằng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới xuất hiện tại Việt Nam đang được một bộ phận người tiêu dùng ưa chuộng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là tại Việt Nam có 67 tiêu chuẩn quốc gia về thuốc lá và sản phẩm thuốc lá (bao gồm 09 tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu kỹ thuật đối với nguyên vật liệu và sản phẩm thuốc lá, 58 tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp phân tích và lấy mẫu) nhưng các tiêu chuẩn về thuốc lá hiện hành đều chỉ áp dụng cho sản phẩm thuốc lá truyền thống. Cũng chính vì chưa được quản lý chặt chẽ nên hiện nay, sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng được phân phối vào Việt Nam thông qua các kênh không chính thức.
Thực ra, nếu lấy năm 2002 là mốc ra đời thuốc lá điện tử thì mãi đến năm 2019 tổ chức ISO (Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế) đã có 2 tiêu chuẩn về thuốc lá điện tử và CORESTA (Trung tâm hợp tác nghiên cứu khoa học liên quan đến thuốc lá) có 4 tiêu chuẩn cho đối tượng này. Mỹ, Nga, Trung Quốc và một số nước châu Âu khác cũng đã công bố hoặc đang xây dựng các tiêu chuẩn cho thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Điều này xuất phát từ thực tế các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bao gồm những khác biệt về mặt kỹ thuật, công nghệ và về khả năng phát thải, nguy cơ đối với sức khỏe người sử dụng và cộng đồng so với thuốc lá truyền thống, do đó cần có tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn riêng.
Ông Hưng cho biết Việt Nam đã tham gia ký Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC), Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhưng ngược lại chính các tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử đối với thuốc lá đang góp phần vào việc kiểm soát và giảm thiểu tác hại của các sản phẩm thuốc lá với sức khỏe người hút thuốc và cộng đồng: "Do đó, trước sự xuất hiện của thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam và đang được một bộ phận người tiêu dùng ưa chuộng thì nhu cầu xây dựng tiêu chuẩn đối với các sản phẩm này là rất cần thiết, trên cả hai khía cạnh là tiêu chuẩn về chất lượng và tiêu chuẩn về an toàn" - ông Hưng nhận định.
T.Văn